Việc cho bé ăn bánh ăn dặm tưởng chừng đơn giản nhưng lại dễ mắc một số sai lầm như mẹ cho bé ăn sai liều lượng, ăn từ quá sớm, chọn bánh chưa phù hợp với thể trạng của con… Bài viết dưới đây chia sẻ cho mẹ những lưu ý giúp mẹ cho bé ăn bánh ăn dặm đúng cách để bé yêu luôn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mẹ đừng bỏ lỡ nhé!
Mục lục
1. Cho bé ăn bánh ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi
Theo lời khuyên từ WHO, bé nên bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Để an toàn nhất cho đường ruột của bé, mẹ cũng nên bắt đầu cho bé ăn bánh ăn dặm từ 6 tháng tuổi trở lên, hầu hết các loại bánh ăn dặm hiện nay trên thị trường cũng lưu ý độ tuổi sử dụng như vậy.
Các khuyến cáo về ăn dặm đều dựa trên sự phát triển tự nhiên của bé. 6 tháng đầu đời là khoảng thời gian trưởng thành của hệ tiêu hóa. Hệ tiêu hóa cần phải thành thục từ khâu xử lý thức ăn đầu tiên là động tác nhai, nuốt cho đến hoàn thiện quá trình tiết enzyme đủ để phân giải thức ăn dạng đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
Chính vì vậy, nếu mẹ để bé ăn bánh ăn dặm khi bé chưa đủ 6 tháng có thể gây ra một số rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy bụng vì hệ tiêu hóa của con còn non nớt, đồ ăn chưa thể tiêu hóa, hấp thu một cách triệt để, cản trở cả việc bé hấp thu sữa mẹ.
2. Lựa chọn bánh ăn dặm phù hợp với độ tuổi
Bánh ăn dặm cho bé thường được chia theo hai nhóm tuổi nói chung, khác nhau về thành phần dinh dưỡng vì mỗi độ tuổi bé lại cần bổ sung một số chất dinh dưỡng nhất định. Các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ Nhi khoa khuyến cáo:
- Với bé trong khoảng 6 tháng tuổi: Mẹ nên chọn bánh ăn dặm thành phần chủ yếu là chất bột đường, ít rau, củ quả, ít đạm thịt. Bởi lúc này lượng enzyme bé tiết ra để tiêu hóa đồ ăn cứng như rau củ, đạm thịt còn khá ít do đó dễ làm cho bé đầy bụng, đi phân sống, đi ngoài…
- Với bé từ 7 – 9 tháng tuổi: Đường ruột của bé đã “dễ tính” hơn trong lựa chọn thành phần bánh ăn dặm. Con đã sẵn sàng để tiêu hóa bánh ăn dặm chứa đa dạng chất bột, đạm, béo, rau nhiều xơ và củ quả. Thời điểm này mẹ không nên kiêng dè nhiều, bé đã hoạt động nhiều hơn nên cần nhiều năng lượng hơn, mẹ cho con bú đồng thời bổ sung bánh và đồ ăn dặm đa dạng để bé phát triển toàn diện mẹ nhé!
3. Chú ý thời gian cho bé ăn bánh ăn dặm trong ngày
Bánh ăn dặm tuy là bữa ăn tiện lợi và đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng, nhưng mẹ không nên xem bánh dặm là bữa ăn dặm chính của bé. Bởi hàm lượng chất béo, vitamin trong bánh dặm không đầy đủ như các thực phẩm nấu dạng bột, cháo mẹ làm. Thêm nữa, bánh dặm khô và không cung cấp đủ nước cho con, làm bé đầy bụng và dễ gây táo bón.
Bánh dặm sẽ là món “cứu cánh”, giúp mẹ lót dạ ngay cho bé khi mẹ quá bận, gia đình đi chơi, picnic mà không kịp nấu bột, cháo cho con.
Thời điểm hợp lý để cho bé ăn bánh ăn dặm là vào khoảng thời gian giữa 2 bữa chính, mẹ có thể coi như một bữa phụ trong ngày. Đặc biệt, mẹ đừng cho bé ăn vào vào tối muộn vì bánh chứa nhiều bột đường, chậm tiêu hóa khiến con bị chướng bụng, đầy hơi, bé sẽ trằn trọc, ngủ không ngon đâu mẹ.
4. Cho bé ăn bánh ăn dặm đúng tư thế và đúng cách
Để tránh con bị sặc, nghẹn khi ăn và giúp bé luôn hào hứng với bánh dặm, Góc của mẹ bật mí cho mẹ các cách cho con ăn bánh dặm sau đây:
4.1. Tư thế cho bé ăn đúng
Mẹ nên cho bé ngồi ăn. Không cho bé ăn bánh khi đang nằm hoặc đang cõng bé trên lưng. Việc này giúp con tránh mắc nghẹn khi cắn miếng lớn không chủ động hoặc nguy hiểm hơn là bánh rơi vào đường thở.
4.2. 3 cách cho bé ăn bánh ăn dặm đúng
1 – Ăn trực tiếp
Mẹ có thể cầm bánh hộ nếu bé chưa ngồi vững để tránh bé cắn miếng quá lớn bị hóc hoặc cho quá sâu vào họng. Nếu bé đã ngồi vững, mẹ yên tâm để bé tự cầm, luyện khả năng cầm nắm của bé.
2 – Ăn với sữa
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:
- Sữa công thức pha sẵn vào bát (lượng sữa theo nhu cầu ăn của bé) hoặc sữa tươi.
- Bánh ăn dặm 3 – 4 chiếc.
Cách cho bé ăn:
- Ngâm bánh vào sữa để bánh mềm.
- Nếu mẹ muốn nhanh hơn có thể dùng thìa nghiền nhuyễn bánh trong sữa thành bột và bón cho bé ăn.
3 – Ngâm bánh trong nước ấm, quậy đều cho tan và sệt dần thành dạng bột mịn rồi bón từng thìa cho bé
Cách làm tương tự như cách cho bé ăn với sữa:
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:
- Nước ấm (khoảng 40-50 độ C) để bánh dễ dàng tan dần.
- Bánh ăn dặm: 3 – 4 chiếc.
Cách cho bé ăn:
- Ngâm bánh vào trong nước ấm cho mềm và cho bé cắn bánh trực tiếp.
- Dùng thìa nghiền nhuyễn bánh trong sữa thành bột và bón cho bé ăn.
Lưu ý: Với cách ăn với sữa hoặc nghiền bánh thành bột mịn trong sữa/nước ấm thì lần đầu, mẹ cho bé ăn một vài muỗng để bé cảm nhận và quen dần. Nếu con chưa quen ăn, mẹ không nên ép. Mẹ cứ tiếp tục cho con ăn bánh trực tiếp trước rồi vài ngày sau tập cho bé ăn lại mẹ nhé.
5. Lưu ý khi cho bé ăn bánh ăn dặm
Dưới đây là 4 lưu ý khi bắt đầu cho con ăn bánh dặm để bé luôn yêu thích món ăn này và đảm bảo an toàn nhất cho bé:
1 – Mẹ làm mẫu trong những lần đầu
Với lứa tuổi này, bé có xu hướng bắt chước và đòi ăn đồ ăn của người lớn. Đây là cách đơn giản nhất để kích thích bé ăn.
2 – Cho bé uống nước sau khi ăn
Mục đích để để bé nuốt bánh dễ hơn và tránh bị nghẹn do bánh ăn dặm thường khá khô. Ngoài ra, uống vài ngụm nước cũng làm sạch vụn bánh sót lại trong khoang miệng, hạn chế hôi miệng, viêm lợi, sâu răng và giúp con hấp thụ bánh tốt hơn.
3 – Luôn theo dõi con đến khi con ăn xong
Khi tập cho bé dùng bánh ăn dặm, mẹ ở cạnh bé và quan sát cho đến khi con ăn xong mẹ nhé. Bánh ăn dặm thường khá cứng và khô, mẹ chỉ cần xao nhãng một lát, rất có thể con bị hóc và nghẹn bánh, dẫn tới khó thở, tím tái đó mẹ.
4 – Vệ sinh sạch sẽ tay, miệng trước và sau khi ăn bánh dặm
Khi cho bé ăn dặm mẹ nên:
- Vệ sinh tay mẹ, tay bé: Để đảm bảo vi khuẩn, trứng ký sinh trùng trên tay không theo bánh vào đường tiêu hóa, gây đau bụng cho con.
- Lau miệng sạch cho bé sau ăn bằng khăn ướt: mục đích tránh vụn bánh bám xung quanh miệng bé gây kích ứng, mẩn đỏ cho con.
Mách nhỏ: Mẹ tham khảo Khăn ướt Mamamy an toàn cho làn da bé với thành phần tự nhiên như chất đường nho thiên nhiên, chất kháng khuẩn cao cấp Chlorhexidine Gluconate Solution (Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) chỉ định dùng kháng khuẩn cho viêm nướu miệng), sạch bẩn, sạch khuẩn, dưỡng ẩm cho da con.
Trên đây là những chia sẻ và lưu ý về cách tập cho bé ăn bánh ăn dặm đúng cách. Hy vọng mẹ đã tìm được cách cho bé ăn bánh dặm phù hợp với con. Nếu còn thắc mắc gì cần giải đáp, mẹ để lại bình luận để được tư vấn sớm nhất nhé!