Mẹ bỉm tập đầu còn bỡ ngỡ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc con nên băn khoăn không biết bé ăn bột bao lâu chuyển sang cháo để kích thích phát triển cơ hàm và cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho con khôn lớn? Câu trả lời chi tiết sẽ có ngay trong bài viết dưới đây, đọc ngay mẹ ơi!
Mục lục
1. Bé ăn bột bao lâu nên chuyển sang cháo?
BS Đinh Thị Kim Liên (Trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, khi bé được 8 tháng tuổi, bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, bé có thể tập nhai các loại thức ăn thô với cháo dạng sệt. Mẹ nên cho bé tập ăn cháo theo mức độ thô tăng dần từ: cháo xay nhuyễn – cháo vỡ hạt – cháo nguyên hạt.
1 – Thời điểm chuyển từ ăn bột sang cháo nhuyễn: Khi bé bước sang tháng thứ 8, mẹ có thể bắt đầu cho con chuyển từ ăn bột sang cháo nhuyễn được rồi. Lúc này, răng bé chưa mọc đầy đủ, cơ hàm chưa hoạt động thành thạo, hệ tiêu hoá còn non yếu nên chưa thể nhai và tiêu hoá được cháo có dạng hạt. Kết cấu cháo nhuyễn mềm mịn tương tự với dạng bột, có thể nuốt được ngay sau khi cho vào miệng giúp con dễ dàng làm quen.
2 – Thời điểm chuyển từ cháo nhuyễn sang cháo vỡ hạt: Thời điểm thích hợp để mẹ chuyển từ cháo nhuyễn sang cháo vỡ hạt cho con là khi bé được 10 – 11 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, bé chưa mọc răng hàm, chỉ có khoảng 8 chiếc răng sữa nên khả năng nhai chưa hoàn thiện, dễ bị hóc, nghẹn. Cháo vỡ hạt là lựa chọn tốt nhất để kích thích hoạt động nhai nhiều hơn, phát triển cơ hàm tốt hơn.
3 – Thời điểm chuyển từ cháo vỡ hạt sang cháo hạt: Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, độ tuổi phù hợp nhất cho bé ăn cháo hạt là khi bé được 12 tháng tuổi. Lúc này, bé đã có khoảng 8 chiếc răng sữa và 2 – 4 răng hàm, khả năng nhai, nuốt thạo hơn và hệ tiêu hóa của bé đã phát triển tương đối hoàn thiện. Bé cũng thích thú nhai các món ăn có kết cấu cứng hơn và tò mò muốn được thử đa dạng các hương vị mới để kích thích vị giác đó ạ.
2. Cho bé ăn cháo hạt sớm hơn 8 tháng có sao không?
Một số mẹ hơi vội vàng một chút, thấy con quen ăn bột đặc liền cho con “măm măm” cháo hạt khi con chưa trong 8 tháng tuổi. Vẫn biết mẹ nào cũng mong muốn bé yêu được phát triển kỹ năng nhai nuốt tốt nhất, tuy nhiên việc này lại khiến bé gặp phải một số vấn đề về sức khỏe đó mẹ ạ:
1 – Bé dễ bị nghẹn, khó nuốt, nôn ói: Lúc này bé mới chuyển từ bú sữa mẹ sang ăn dặm được một thời gian ngắn nên chưa thể thích nghi ngay với các thức ăn có kết cấu cứng, khó nhai như cháo hạt khiến bé dễ bị hóc/nghẹn khi nuốt, có thể gây nôn trớ, việc ăn trở thành “trải nghiệm không dễ chịu chút nào”, dần dần bé “sợ” ăn, không chịu ăn nữa đâu mẹ ơi.
2 – Bé bị khó tiêu hóa: Hệ tiêu hoá của bé dưới 8 tháng tuổi chưa phát triển hoàn thiện để tiêu hoá được các hạt cháo tương đối cứng khiến bé bị rối loạn tiêu hoá: đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, sống phân,…
3 – Bé dễ bị tổn thương dạ dày: Ở giai đoạn này bé chưa mọc được nhiều răng nên khả năng nhai nghiền thức ăn còn kém, đa phần hạt cháo sẽ đi trực tiếp vào dạ dày trong khi thành niêm mạc dạ dày còn mỏng, yếu. Dạ dày co bóp để nhào trộn các hạt cứng dễ gây chà xát dẫn đến các tổn thương nhỏ, lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh lý viêm loét dạ dày khá nghiêm trọng.
3. Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng khi cho bé ăn bột chuyển sang cháo
3.1. Cho bé làm quen với cháo rau củ trước, sau đó thêm dần thịt, cá, hải sản.
Mẹ chú ý cho bé làm quen với cháo rau củ trước sau đó thêm dần thịt, cá rồi đến hải sản. Bởi rau củ khá lành tính, dễ hấp thu, thân thiện với hệ tiêu hóa non yếu của bé nên hoàn toàn phù hợp để bé bắt đầu ăn dặm. Đặc biệt đối với hải sản, nếu mẹ cho bé ăn quá sớm có thể dẫn đến tình trạng dị ứng như: nôn, tiêu chảy, nổi mề đay,… do đường ruột bé chưa hoàn thiện dễ dàng bị kích ứng với các loại protein lạ, khó hấp thu trong hải sản.
3.2. Hạn chế nêm gia vị vào cháo cho bé
Với bé dưới 12 tháng tuổi, mẹ không nên nêm nếm gia vị gì cho bé để tránh làm thận còn non yếu chưa phát triển hoàn thiện của con phải hoạt động quá sức. Chưa kể, bản thân các thực phẩm đã có đầy đủ vị thơm ngon rồi, không lo thức ăn “nhạt” khiến con chán ăn đâu. Đợi đến khi bé được 12 tháng tuổi, mẹ mới cho gia vị với liều lượng rất ít (mỗi bữa cho một lượng bằng 2 – 3 hạt đậu hạt nêm ăn dặm cho bé) là được rồi nhé.
3.3. Cho bé ăn theo nguyên tắc “từ ít đến nhiều”
Ăn bột bao lâu chuyển sang cháo nên tuân thủ theo nguyên tắc trong 1 – 2 tuần đầu, mẹ có thể cho bé ăn 2 bữa cháo một ngày, mỗi bữa khoảng ½ chén cháo (100ml cháo). Sau đó, mẹ tăng dần lên thành 3 bữa cháo mỗi ngày, mỗi bữa 1 chén cháo. Bởi khi mới tập ăn dặm, dạ dày của bé còn nhỏ nên không chứa được quá nhiều thức ăn, mẹ nên cho bé ăn từ một lượng ít trước, vừa để bé làm quen với mùi vị thức ăn, vừa để bé dễ tiêu hoá, hấp thu tốt. Từ đó giúp tăng cảm giác ngon miệng, kích thích bé ăn được nhiều hơn ở những bữa ăn tiếp theo.
3.4. Đảm bảo vệ sinh khi cho bé ăn cháo
1 – Các loại rau, củ, quả cần được rửa sạch, chế biến cẩn thận: Rau củ mới mua về vẫn còn bụi bẩn, vi khuẩn gây hại, mẹ chú ý rửa sạch trước khi chế biến và nấu chín kỹ đảm bảo an toàn tối đa cho hệ tiêu hóa non yếu của con nhé.
2 – Các loại thịt, cá, hải sản nên được làm sạch, khử mùi tanh: Do trước đó bé chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn nên khi bắt đầu tập ăn dặm, bé hay bị lạ vị bởi các mùi vị đặc trưng từ nhiều loại thực phẩm, dẫn đến không chịu ăn. Vì vậy, mẹ ngâm cá với vài muỗng giấm ăn pha loãng trong khoảng 5-10 phút sau khi đã rửa sạch sẽ để khử mùi tanh, con ăn ngon nhé!
3 – Vệ sinh miệng, tay bé trước và sau khi ăn: Trước và sau khi ăn xong, mẹ cần lau miệng nhẹ nhàng cho bé, ưu tiên dùng khăn ướt chuyên dùng cho bé sơ sinh với thành phần an toàn, vừa sạch bẩn, sạch khuẩn, không lo con bị gặp các vấn đề về da do thức ăn thừa vương lạ mẹ nhé.
3.5. Theo dõi phản ứng dị ứng (nếu có) của bé sau ăn cháo
Mỗi khi mẹ thay đổi món cháo mới, mẹ nên cho bé ăn thử một lượng cháo nhỏ trước (2 – 3 thìa) và quan sát biểu hiện của bé trong 2 ngày đầu. Nếu bé có biểu hiện dị ứng: nôn ói, nổi đỏ, mẩn ngứa, phát ban, tiêu chảy,… mẹ cần loại bỏ thực phẩm đó khỏi thực đơn ăn dặm của bé. Tránh trường hợp mẹ cho bé ăn một lượng nhiều ngay từ lần đầu, nếu bé bị dị ứng thì triệu chứng sẽ nặng nề, nghiêm trọng khó lường trước được.
4. Các món cháo rau củ bổ dưỡng, tốt nhất cho bé tập ăn
Lưu lại các món cháo rau củ bổ dưỡng, tốt nhất cho bé tập ăn dặm dưới đây mẹ ơi:
1 – Cháo khoai lang: Khoai lang không chỉ có vị ngọt mềm hấp dẫn mà còn chứa hàm lượng lớn chất xơ, Vitamin (A, C, B…) và khoáng chất (kali, đồng, mangan…) vừa tốt cho sức khỏe tim mạch, vừa giúp hoàn thiện hệ tiêu hóa non nớt của bé. Với đa dạng nhiều cách chế biến thơm ngon, cháo khoai lang có các công thức phù hợp với các bé ở nhiều độ tuổi từ 5 – 12 tháng tuổi.
Bí quyết nấu cháo khoai lang ngọt tuyệt cú mèo cho bé thích mê sẽ được hướng dẫn chi tiết trong bài viết: Mách mẹ 12 cách nấu cháo khoai lang cho bé theo tháng tuổi, mẹ theo dõi nhé!
2 – Cháo củ cải trắng: Củ cải trắng được mệnh danh là top thực phẩm được mẹ bỉm ưa chuộng cho con ăn dặm vì rất giàu chất dinh dưỡng và dễ dàng mua được với giá thành rẻ. Củ cải trắng còn dễ dàng kết hợp được với nhiều loại thực phẩm khác nhau giúp đa dạng thực đơn, con măm ngon mà không lo bị ngán.
Để biết nấu cháo củ cải thế nào để thơm ngon, hấp dẫn nhất cho bé yêu, mẹ tham khảo ngay 6 công thức nấu cháo củ cải trắng cho bé ăn dặm cực dễ dàng nhé!
3 – Cháo củ dền: Củ dền không chỉ có màu đỏ tím bắt mắt khiến bé thích thú mà còn chứa phong phú nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não cho con như: chất xơ, acid folic, Vitamin (A, C, E…), khoáng chất (sắt, kẽm, kali, mangan,…). Món cháo củ dền thơm ngon bổ dưỡng phù hợp với các bé từ 8 – 10 tháng tuổi.
Chi tiết công thức và cách làm “chuẩn đầu bếp” sẽ được bật mí trong bài viết: 7 công thức nấu cháo củ dền cho bé bổ máu – phát triển toàn diện, mẹ theo dõi nhé!
4 – Cháo rau củ & hạt đậu: Các món cháo từ rau củ và hạt đậu được rất nhiều mẹ bỉm yêu thích cho bé từ 6 tháng tuổi tập ăn dặm bởi vừa có hương vị thơm nhẹ, bé dễ ăn không bị lạ vị, vừa dễ tiêu hoá và hấp thu.
Nếu còn lúng túng về cách nấu món cháo củ đậu thơm ngon dinh dưỡng, mẹ tham khảo chi tiết hướng dẫn 5+ món cháo củ đậu cho bé ăn dặm và cách nấu ngon đúng điệu, chắc chắn bé nhà mình sẽ thích mê mẹ ơi!
Theo dõi bài viết tới đây, hẳn là mẹ đã có câu trả lời cho băn khoăn ăn bột bao lâu chuyển sang cháo rồi đúng không ạ? Nếu mẹ còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới đây, Góc của mẹ luôn sẵn sàng giải đáp mẹ nhanh nhất có thể nhé.