Mẹ thấy bé gặp khó khăn trong việc bú sữa và phát hiện trong miệng con có dải cơ dài dính môi trên với niêm mạc lợi nên nghi ngờ con bị dính thắng môi trên. Mẹ không khỏi băn khoăn dính thắng môi trên là gì? Trẻ bị dính thắng môi trên có sao không? Để hiểu rõ tình trạng dính thắng môi trên ở trẻ sơ sinh là gì và có hướng xử lý kịp thời, mẹ theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Dính thắng môi trên ở trẻ sơ sinh là gì?
Thắng môi hay còn gọi là phanh môi, là một dải niêm mạc nối phía dưới của môi với phần lợi giữa 2 răng cửa. Dính thắng môi trên ở bé sơ sinh là tình trạng thắng môi phía trên này quá dày, ngắn và siết chặt lại, gây hạn chế chuyển động của lưỡi và môi. Dưới đây là một số dấu hiệu để mẹ dễ dàng nhận biết tình trạng dính thắng môi trên ở bé sơ sinh:
- Thắng môi phía trên của bé ngắn, siết chặt, môi và lợi dính sát vào nhau.
- Bé gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ, dẫn đến bé thường xuyên quấy khóc do bị đói, lâu dài gây chậm hoặc không tăng cân.
- Mẹ thường bị đau núm ti khi cho bé bú do môi trên của bé không thể hoạt động linh hoạt để tạo tư thế mút sữa phù hợp, có thể bé phải dùng lợi để làm điểm tựa bú ti mẹ khiến mẹ bị đau.
- Khi bé khóc phần giữa của môi bị dính sát vào lợi, không mở rộng ra được tạo khuôn miệng hình trái tim hoặc hình vuông.
2. 6 mối nguy hiểm tiềm tàng từ việc dính thắng môi ở bé
Trẻ bị dính thắng môi trên có sao không? Mặc dù dính thắng môi trên không phải là tình trạng nghiêm trọng cần can thiệp y tế ngay lập tức. Và dính thắng môi trên không tự hết được mẹ nha. Nếu mẹ không chú ý phát hiện sớm, để tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều trở ngại trong sinh hoạt của con và các mối nguy hiểm tiềm tàng, cụ thể:
2.1. Con không bú sữa được
Thông thường 2 môi của bé sẽ tạo thành hình tròn bao quanh ti mẹ và cử động linh hoạt để mút sữa mẹ. Tuy nhiên bé bị dị tật dính thắng môi trên bị hạn chế cử động môi do bị dính chặt vào phần lợi khiến bé khó mút được sữa mẹ, bé thường xuyên quấy khóc do ăn không đủ no.
2.2. Bé bị đầy hơi do nuốt phải không khí trong quá trình bú
Do cử động môi trên của bé bị hạn chế không khớp nhịp nhàng với môi dưới khi bú, tạo các khoảng trống giữa môi bé và ti mẹ. Dẫn đến bé hút nhiều không khí vào dạ dày gây tình trạng đầy hơi, dễ bị trớ.
2.3. Gặp khó khăn khi di chuyển lưỡi, không đưa lưỡi ra trước dù chỉ 1 – 2mm
Thông thường, khi muốn đưa lưỡi ra ngoài, miệng mẹ cần há miệng và mở rộng môi đúng không ạ? Đối với bé bị dính thắng môi trên, do không thực hiện được cử động này nên bé rất khó đưa lưỡi ra phía trước, dù chỉ 1 – 2 mm, gây cản trở việc bú sữa mẹ và ăn uống hàng ngày của bé.
2.4. Bé bị ngọng khi phát âm
Việc môi của bé bị dính sát vào lợi khiến việc lấy hơi vào, đẩy hơi ra, mở khuôn miệng khi nói bị hạn chế so với các bé bình thường khác dẫn đến thường gặp khó khăn khi phát âm tiếng t, d, s, th, r, l, z. Khi lớn lên, khả năng cao bé sẽ bị ngọng, nói không rõ chữ.
2.5. Dễ bị sâu răng
Bé có dị tật dính thắng môi trên dễ bị co kéo lợi do dải niêm mạc nối môi và lợi siết chặt, từ đó thức ăn vụn dễ mắc vào chân răng, khó làm sạch, gây nên các mảng bám. Kết quả con dễ sâu răng, viêm nướu, hoặc mắc các vấn đề liên quan đến răng miệng.
2.6. Bé bị chậm tăng cân, còi cọc, suy dinh dưỡng do không đủ chất
Như đã chia sẻ phía trên, bé bị dính thắng môi trên gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ, bé thường xuyên bị đói, thiếu chất dinh dưỡng, tình trạng này kéo dài khiến bé chậm hoặc không tăng cân, còi cọc, suy dinh dưỡng.
3. Cách xử lý khi bé sơ sinh bị dính thắng môi trên
Ngay sau khi nghi ngờ bé sơ sinh nhà mình có dấu bị mắc dị tật dính thắng môi trên, mẹ nên cho con thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác mức độ nặng nhẹ, và đưa ra thời gian phù hợp để thực hiện thủ thuật đơn giản cắt loại bỏ bớt thắng môi (hoặc dùng tia laze), tránh các tác hại xấu và kéo dài về sau này nhé!
Thông thường, độ tuổi thích hợp để phẫu thuật cắt thắng môi là 10 – 12 tuổi, do giai đoạn này bé đã mọc đủ 20 chiếc răng nên khoảng hở 2 răng cửa do dính thắng môi đã thu hẹp, khi phẫu thuật sẽ hạn chế được tối đa khả năng để lại sẹo ở lợi khiến tình trạng hở 2 răng cửa tái phát.
Tuy nhiên, nếu tình trạng dính thắng môi trên gây đau và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của bé sơ sinh hàng ngày như: khó nói, khó ăn uống, khó vệ sinh răng miệng,… bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật sớm hơn đó mẹ ạ!
4. 5 lưu ý khi chăm sóc trẻ bị dính thắng môi trên
Trước và sau khi thực hiện phẫu thuật loại bỏ thắng môi cho bé, mẹ nên áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt cho bé dưới đây để đảm bảo sức khỏe và tránh bé bị thiếu chất dinh dưỡng nhé:
4.1. Mẹ nên cho con bú thường xuyên hơn
Dính thắng lưỡi gây khó khăn khi bú hoặc sau phẫu thuật bé còn đau, nên mỗi lần bé bú không được nhiều, mẹ nên cho bé bú nhiều lần hơn bình thường (khoảng 1 – 2 giờ/lần) để đảm bảo rằng bé được cung cấp đầy đủ thức ăn, giúp quá trình hồi phục nhanh chóng hơn.
4.2. Hạ cằm của bé xuống để bé có thể ngậm núm vú sâu hơn
Do cử động của môi trên bị hạn chế nên việc mẹ hạ cằm của bé xuống để bé ngậm núm vú sâu hơn, giúp bé dễ dàng bú sữa mẹ nhờ cử động của lưỡi và vòm miệng phía trên. Ngoài ra, mẹ xoa bóp xung quanh núm vú tạo vết lõm dưới quầng giúp con ngậm núm vú sâu hơn khi ti đó ạ!
4.3. Cho bé bú sữa mẹ bằng bình
Do vết thương chưa lành sau phẫu thuật nên quá trình dùng lực để bú sữa mẹ khiến bé bị đau, sợ bú mẹ. Lúc này, mẹ vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa, sau đó cho bé bú bình để đảm bảo bé được cung cấp đủ dinh dưỡng.
4.4. Cho bé nằm đúng tư thế khi bú
Tư thế bú phù hợp không chỉ giúp bé bú được nhiều mà còn giúp mẹ tránh được các tình trạng tắc tia sữa, sưng đau nhức núm vú đó? Mẹ áp dụng ngay Top 4 tư thế cho con bú khoa học nhất để con bú ngon miệng, không khó chịu mẹ nhé!
4.5. Rơ lưỡi và vệ sinh miệng bé nhẹ nhàng, kỹ lưỡng sau mỗi lần bú
Rơ lưỡi nếu không được vệ sinh đúng cách có thể gây nấm lưỡi, tăng nặng hơn các tình trạng viêm nướu do dị tật dính thắng lưỡi đó ạ! tham khảo ngay Cách rơ lưỡi chuẩn khoa học cho bé sơ sinh và đừng quên vệ sinh miệng bé nhẹ nhàng, kỹ lưỡng sau mỗi lần bú theo lời khuyên của các bác sỹ y khoa để đảm bảo răng miệng con luôn sạch sẽ, thơm tho, mẹ chăm bé cũng nhàn hơn nhiều đó ạ.
Theo dõi bài viết tới đây, hẳn là mẹ đã được giải đáp cho thắc mắc trẻ bị dính thắng môi trên có sao không rồi. Tuy không phải là một tình trạng nguy cấp, nhưng dính thắng môi trên kéo dài sẽ gây trở ngại trong sinh hoạt và một số mối nguy hiểm tiềm tàng cho bé. Vì vậy, mẹ nên đưa bé tới thăm khám bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào nhé!
Ngoài ra, nếu mẹ còn bất kỳ băn khoăn nào về dính thắng môi trên ở trẻ sơ sinh hay trong quá trình chăm sóc bé, mẹ đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới đây, Góc của mẹ luôn sẵn sàng giải đáp mẹ nhanh nhất có thể!