Chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi có lẽ là giai đoạn nhiều bỡ ngỡ và bối rối nhất của mẹ. Chưa kể sức khỏe mẹ lúc này không được tốt, cần kiêng cữ nhiều. Mẹ đừng lo lắng quá nhé! Những lưu ý dưới đây sẽ giúp mẹ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc bé đó ạ!
Mục lục
1. Hiểu sự phát triển của bé sơ sinh giai đoạn 1 tuần tuổi
Chỉ trong 1 tuần đầu tiên thôi, cơ thể bé đã có những thay đổi rất đáng kể về cân nặng, giác quan,…
1.1. Con có thể sẽ giảm cân – nhưng mẹ đừng lo!
Có mẹ lo lắng vì thấy bé nhà mình giảm hẳn 200 – 300gram trong 3 – 4 ngày đầu tiên. Nhưng đây là vấn đề sinh lý hết sức bình thường mẹ ạ. Theo Học viên Nhi Hoa Kỳ, cân nặng sẽ giảm 10% trong 3 – 4 ngày đầu sau sinh do bé còn bỡ ngỡ với môi trường ngoài bụng mẹ. Bé sẽ trở lại cân nặng như lúc mới sinh sau 7 – 10 ngày khi đã quen với việc ăn sữa mẹ và môi trường sống mới.
1.2. Các giác quan, cơ quan phát triển mạnh mẽ!
Bé nhìn thấy rõ khuôn mặt mẹ khi bú và các vật xung quanh ở khoảng cách 30 – 38cm. Thính giác và xúc giác của bé cũng nhạy bén hơn. Bé bắt đầu có phản xạ giật mình hoặc khẽ run rẩy khi có tiếng động lớn hay những cái chạm mạnh bất ngờ. Vì thế, bé rất cần được chăm sóc nhẹ nhàng, hạn chế ồn ào đó mẹ.
Ngoài ra, các cơ quan như tim, phổi, gan,… cũng phát triển mạnh để thích nghi với môi trường bên ngoài. Hệ tiêu hóa của bé dần hoàn thiện, giúp bé hấp thu sữa mẹ tốt hơn. Sau tuần đầu tiên, phân của bé chuyển từ phân su, màu xanh đen, nhầy dính như nhựa đường sang phân màu vàng sáng, mềm, lỏng.
1.3. Bé ngủ rất nhiều!
Ngoài giờ ăn, bé 1 tuần tuổi dành phần lớn thời gian để ngủ (18 – 20 tiếng/ngày). Bé ngủ bất cứ lúc nào, không kể ngày, đêm. Mẹ cũng đừng vội điều chỉnh giờ ngủ của bé theo nhịp ngày đêm nhé, vì bé chưa quen với môi trường mới nên sẽ cần thêm chút thời gian để thích nghi mẹ ạ!
2. Đảm bảo không gian xung quanh bé an toàn – sạch sẽ
Đối với mẹ, không gian sống sạch sẽ, gọn gàng giúp mẹ thư giãn hơn rất nhiều phải không? Với bé cũng vậy đó ạ! Bé đang cố gắng từng ngày để thích nghi với môi trường sống mới. Môi trường sống mới càng “lý tưởng”, bé càng làm quen với môi trường mới nhanh hơn.
Thế nào là môi trường sống “lý tưởng” của con? Câu trả lời cho mẹ đây ạ!
- Nhiệt độ phòng luôn ở mức 24 – 26 độ: Nhiệt độ cao, nóng bức làm bé ra mồ hôi nhiều, dễ gây phát ban, viêm da. Ngược lại, nhiệt độ lạnh dễ làm bé bị cảm, viêm đường hô hấp. Các chuyên gia khuyến cáo nhiệt độ phòng tốt nhất cho sự phát triển của bé là 26 độ C, mẹ để ý thời tiết điều chỉnh quạt, điều hòa,… phù hợp nhé!
- Ánh sáng phòng vừa phải: Bé 1 tuần tuổi ngủ rất nhiều. Để bé không bị chói mắt, ngủ ngon hơn, mẹ sử dụng rèm cửa, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào phòng con. Ngoài ra, mẹ chọn loại đèn ngủ màu sắc dịu nhẹ, màu cam, vàng nhạt,… để con không bị chói mắt khi thức dậy.
- Giữ phòng yên tĩnh: Những ngày mới sinh, chắc chắn bố, ông bà, người thân,… ai cũng muốn nhìn con, bồng bế. Cả gia đình mình cần khe khẽ, hạn chế cười nói, ồn ào khi ở cạnh con. Con sẽ ngủ ngon hơn, hạn chế giật mình đó ạ.
- Phòng sạch sẽ, khô thoáng: Do hệ miễn dịch non yếu, bé sơ sinh rất nhạy cảm với vi khuẩn, bụi bẩn gây dị ứng, viêm đường hô hấp, da nổi mẩn đỏ,… Mẹ lau dọn nhà 1 lần/ngày, ưu tiên sử dụng nước lau sàn chứa thành phần Javel, Cloramin B. Đây là những thành phần có tính sát khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh cho bé.
3. Chọn quần áo phù hợp cho em bé 1 tuần tuổi
Da bé sơ sinh 1 tuần tuổi rất mỏng manh, nhạy cảm và dễ kích ứng. Vì thế, mẹ cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn và giặt quần áo cho bé:
- Chất liệu: Quần áo bé có chất liệu mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt như: vải lanh, vải cotton, vải đũi,…; tránh lựa chọn chất liệu thô cứng, dễ làm xước da bé như vải bò, jeans, vải dạ.
- Đường may: Không giống quần áo của mẹ, quần áo tốt cho bé có đường may lộn ngược ra ngoài. Các nếp gấp, nếp may quần áo không tiếp xúc trực tiếp với da sẽ an toàn hơn, không cọ xát và làm tổn thương da bé.
- Nước giặt xả chuyên dụng cho bé sơ sinh: Các sản phẩm giặt rửa này có thành phần từ thiên nhiên, an toàn, lành tính với da bé; không chứa các thành phần làm bé kích ứng, nổi mẩn đỏ như: paraben, fragrance, SLS – SLES, chất bảo quản, hương liệu tổng hợp,…
- Không giặt chung quần áo của con với quần áo bố mẹ: Quần áo của bố mẹ bám nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và hóa chất từ nước hoa, mỹ phẩm, khói bụi ngoài đường. Những yếu tố này bám sang quần áo bé dễ gây kích ứng và viêm da cho con.
- Phơi quần áo dưới ánh mặt trời: Ánh mặt trời có khả năng làm thơm vải và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh bám trên quần áo. Nếu mẹ phải giặt quần áo bé trong những ngày mưa, trời không nắng; mẹ cần ủi là quần áo cho bé. Thay vì ánh mặt trời, tác động nhiệt từ bàn ủi sẽ loại trừ các mầm bệnh và đảm bảo bé được an toàn tuyệt đối.
4. Chăm sóc giấc ngủ cho bé
Bé sơ sinh 1 tuần tuổi ngủ rất nhiều, 19 – 20 giờ /ngày. Bé thường thức dậy để đòi ăn, sau đó ngủ luôn. Đây là điều rất bình thường. Khi bé ngủ là lúc cơ thể và não bộ bé đang phát triển mạnh nhất. Mẹ an tâm nhé!
Trong một số trường hợp, bé sơ sinh thậm chí ngủ quên ăn. Điều này làm bé bị đói, suy dinh dưỡng, không lớn nhanh khỏe mạnh được. Vì thế, mẹ đừng chờ đến lúc bé khóc đòi bú mới cho bé ăn mà luôn chủ động cho bé bú sữa mỗi 3 tiếng vào ban ngày và 4 tiếng vào ban đêm.
Một vài lưu ý cho mẹ khi cho bé ngủ:
- Cho bé ngủ trên giường hoặc cũi riêng: Mẹ không để bé ngủ trên nôi điện, võng hoặc những nơi rung động mạnh. Hệ thần kinh bé chưa phát triển toàn diện. Những chuyển động qua lại làm con chóng mặt, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của bé.
- Không sử dụng gối cho bé: Cột sống lưng và cột sống cổ của bé 1 tuần tuổi rất thẳng nhưng còn mềm và yếu. Gối kê đầu dễ làm cột sống bé bị cong vẹo và tạo dáng người lệch, khó sửa khi bé lớn lên sau này.
5. Vệ sinh cho bé 1 tuần tuổi
Trong quá trình chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi, mẹ cần đặc biệt chú ý đến các giác quan của bé: mặt, tai, mũi, miệng. Những bộ phận này rất dễ cáu bẩn và tích tụ vi khuẩn, tạo mùi hôi, thậm chí gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé:
- Vệ sinh mắt và tai: Mẹ dùng khăn mềm thấm nước ấm khoảng 40 độ C lau quanh vành tai, lỗ tai và lau mắt cho bé theo chiều từ đầu mắt đến đuôi mắt. Mẹ thao tác nhẹ nhàng, không làm đau và xước da bé mẹ nhé!
Mẹ lau mắt và tai cho bé sáng tối, 2 – 3 lần một ngày. Vệ sinh các bộ phận này thường xuyên giúp các vết bẩn không khô, không bám cặn và dễ lau sạch. Mẹ chỉ cần đưa tay nhẹ nhàng là các cặn bám sẽ trôi ngay. Bé không bị đau và mẹ cũng nhàn hơn khi vệ sinh mắt và tai cho bé.
- Vệ sinh mũi: Mẹ vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý 2 – 3 lần/ tuần. Các thực hiện rất đơn giản như sau:
- Đặt bé trên giường, lót khăn dưới đầu bé và để đầu bé nghiêng sang một bên.
- Một tay mẹ giữ đầu bé không ngọ nguậy, tay còn lại nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào lỗ mũi phía trên.
- Bóp nhẹ dọc sống mũi để đẩy bụi bẩn và nước mũi.
- Dùng khăn thấm sạch dịch bẩn.
- Thực hiện tương tự với bên mũi còn lại.
Mẹ chú ý nhỏ nước muối từ từ và kê cao đầu bé khoảng 1 -2 cm. Việc này sẽ không làm nước muối chảy ngược vào họng. Bé sẽ không bị sặc và sợ vệ sinh mũi nữa.
- Vệ sinh miệng: Nếu niêm mạc miệng, bề mặt lưỡi của bé hồng, mềm, không có mùi hôi thì miệng bé đã sạch, mẹ chưa cần vệ sinh miệng cho bé. Tuy nhiên, nếu trên lưỡi bé có mảng bám trắng, miệng có mùi hôi, bé tưa lưỡi, tưa miệng, mẹ cần vệ sinh miệng cho bé 2 -3 lần/ ngày.
Mẹ dùng gạc mềm, quấn quanh đầu ngón tay, thấm nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng quanh vòm miệng và lưỡi bé.
Lưu ý cho mẹ: Mẹ tuyệt đối không dùng nước lá hẹ, mật ong, nước chanh, rau ngót… để vệ sinh miệng cho bé. Hệ tiêu hóa bé chưa hoàn thiện. Nếu vô tình nuốt phải những thành phần này, bé sẽ bị ngộ độc, tiêu chảy, kém ăn,… Điều này không tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe của bé đâu ạ!
Tham khảo thêm về cách vệ sinh miệng cho bé qua bài viết: Vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh
6. Chăm sóc rốn cho con
Rốn của bé sơ sinh trong 1- 2 tuần đầu là vết thương hở, nơi vi khuẩn dễ xâm nhập, phát triển và gây các bệnh như: nhiễm trùng huyết, uốn ván,… Vì thế, mẹ đừng chủ quan khi chăm sóc rốn cho bé mẹ nha:
- Giữ cuống rốn luôn khô ráo, sạch sẽ: Mẹ vệ sinh cuống rốn cho bé 1 -2 lần/ ngày. Sau khi mỗi lần vệ sinh cuống rốn hoặc sau khi bé tắm, mẹ nhớ dùng khăn khô thấm sạch nước còn đọng trên cuống rốn. Có như vậy, cuống rốn của bé không bị ẩm ướt, vi khuẩn không thể phát triển và gây bệnh cho bé được.
- Lưu ý cuống rốn bé khi đóng tã bỉm: Mẹ gập tã bỉm xuống một nếp để tã bỉm không đè lên cuống rốn. Điều này vừa giúp cuống rốn được thông thoáng, vừa tránh phân hay nước tiểu đưa vi khuẩn gây bệnh tràn từ bỉm vào cuống rốn chưa lành của bé.
- Không băng kín cuống rốn: Băng kín cuống rốn làm da bé nóng bức, ra mồ hôi, tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển, gây viêm da, chảy mủ. Mẹ để hở cuống rốn của bé hoặc chỉ cần dùng 1 lớp băng cuốn mỏng là được thôi ạ.
- Dùng nước muối sinh lý vệ sinh cuống rốn: Khi vệ sinh cuống rốn bé, mẹ không sử dụng những sản phẩm tẩy rửa, vừa không an toàn vừa dễ gây kích ứng. Thay vào đó, mẹ dùng nước muối sinh lý, dung dịch có khả năng sát khuẩn, dịu nhẹ và an toàn tuyệt đối cho con.
Mẹ tham khảo thêm về cách chăm sóc rốn cho bé qua bài viết: Chăm sóc rốn cho bé sơ sinh.
7. Tắm cho bé
Trong 3 – 5 ngày đầu sau sinh, da bé bong tróc là chuyện bình thường. Các mảng da bong không hề gây hại cho bé nên mẹ không cần tắm rửa cho bé thường xuyên. Tắm rửa nhiều thậm chí sẽ làm da bé khô hơn và bong tróc nhiều đơn đó ạ.
Trong tuần đầu tiên, mẹ nên hạn chế tối đa tắm cho bé. Bé dưới 1 tuần tuổi chưa quen với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị nhiễm lạnh. Mẹ chờ đến cuối tuần thứ nhất, khi cơ thể bé khỏe hơn và cuống rốn đã khô hơn mới vệ sinh người cho bé.
Sau tuần đầu tiên, mẹ dùng khăn mềm, thấm nước muối sinh lý hoặc dùng khăn ướt dành riêng cho bé để lau người cho bé. Từ tuần thứ 2 trở đi, mẹ bắt đầu tắm cho bé 2 – 3 lần / tuần. Như vậy, bé sẽ được an toàn hơn mẹ nhé!
8. Chăm sóc dinh dưỡng cho bé
Dinh dưỡng đầy đủ là điều kiện cơ bản nhất để bé lớn nhanh, khỏe mạnh. Do đó, mẹ cần đặc biệt lưu ý đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho bé.
Dạ dày bé sơ sinh tăng kích thước theo từng ngày và nhu cầu ăn sữa của bé thay đổi liên tục. Mẹ cho bé ăn sữa theo đúng nhu cầu; không cho bé ăn nhiều hơn mức ăn hiện tại của bé; làm dạ dày bé đầy sữa, gây trào ngược, nôn trớ:
- Với bé bú sữa mẹ: Mẹ cho bé bú mỗi 2h/ lần. Bé thường tự dừng lại khi bé thấy no. Mẹ không ép bé ăn thêm sữa nếu bé không muốn mẹ nhé!
- Với bé ăn sữa công thức: Trong những ngày đầu, khi sữa mẹ chưa về nhiều, mẹ pha sữa công thức cho bé mỗi 2 giờ/ lần. Ở mỗi ngày tuổi khác nhau, bé cần ăn lượng sữa khác nhau. Mẹ nhớ lượng sữa cho bé trong từng giai đoạn để pha sữa cho con, tránh pha thừa sữa gây lãng phí. Cụ thể là:
Ngày tuổi | Lượng sữa mỗi lần cho bé ăn (ml) |
1 ngày tuổi | 10 |
2 ngày tuổi | 10 |
3 ngày tuổi | 20 |
4 ngày tuổi | 30 |
>= 5 ngày tuổi | 50 |
9. Giao tiếp với bé
Các giác quan bé 1 tuần tuổi đã hoàn thiện hơn. Bé đã nghe, nhìn và cảm nhận mọi thứ xung quanh rất rõ ràng. Tuy nhiên vì con còn nhỏ nên con rất dễ giật mình. Mẹ chú ý nhẹ nhàng khi giao tiếp với bé, không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả tiếng hát ru, hơi ấm nữa nhé:
- Hát ru hoặc cho bé nghe những bài nhạc cổ điển nhẹ nhàng: Những giai điệu êm ái nhẹ nhàng được khoa học chứng minh không chỉ giúp bé ngủ ngon mà còn có tác dụng phát triển trí tuệ và tính cách của bé. Bé sẽ thông minh hơn, có trí nhớ tốt và luôn vui vẻ tươi cười.
- Gọi bé trực tiếp bằng tên con: Bé 1 tuần tuổi đã dần nhận biết được tên của mình nên mẹ hãy gọi bé bằng tên hoặc biệt danh mà mẹ đã chọn nhé.
- Đồ chơi có âm thanh nhẹ nhàng, màu sắc nổi bật: Các đồ chơi như vậy làm bé thấy tò mò và thích thú hơn rất nhiều đấy ạ!
- Giúp bé cảm thấy an toàn: Khi bé cảm thấy an toàn, bé không còn giật mình vô cớ và làm mẹ lo lắng nữa. Những cái ôm, vỗ về, vuốt ve là các giao tiếp tốt nhất để cảm nhận rõ nhất sự có mặt của mẹ qua âm thanh, hơi ấm và mùi hương. Bé sẽ yên tâm, thoải mái, ngủ ngon và khỏe mạnh hơn rất nhiều.
10. Lưu ý khi chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi
Ngoài những điểm nêu trên, để bé được phát triển toàn diện nhất, mẹ cần lưu ý một vài điểm nhỏ sau:
- Tránh đưa bé ra ngoài: Môi trường bên ngoài nhiều khói bụi, vi khuẩn, virus gây bệnh. Bé càng nhỏ, hệ miễn dịch bé càng chưa hoàn thiện nên rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Do đó, mẹ chờ hết 2 tuần đầu tiên mới cho bé ra ngoài. Lúc này bé đã cứng cáp hơn, không dễ dàng bị vi khuẩn tấn công nữa.
- Massage cho bé khi bé đủ 2 tuần tuổi: Trong những ngày đầu tiên, bé thích ngủ nhiều và được yên tĩnh như trong bụng mẹ. Mẹ, không massage sớm cho bé mà hãy để cho bé thoải mái và thích nghi từ từ mới môi trường mới nhé!
- Bổ sung vitamin D cho bé: Cơ thể tự sản sinh vitamin D khi da tiếp xúc với ánh mặt trời. Do không được ra ngoài, bé sơ sinh thường thiếu vitamin D dẫn tới còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn… Mẹ tham khảo ý kiến của bác sĩ và bổ sung vitamin D cho bé ngay sau khi sinh mẹ nha.
Chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi có thể khiến mẹ lúng túng, áp lực một chút. Nhưng mẹ đừng lo, sau 2 – 3 tuần khi bé cứng cáp hơn, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đó ạ! Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!