Vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh cần được mẹ thực hiện thường xuyên để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé. Để hiểu tường tận lý do, cách thực hiện và một số lưu ý khi vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh, mẹ tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Lý do mẹ cần vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh hàng ngày
Giống như việc đánh răng hàng ngày của mẹ để bảo vệ sức khỏe răng miệng, việc vệ sinh miệng cho bé hàng ngày rất quan trọng vì những lý do sau:
- Giúp khoang miệng sạch sẽ: Trẻ sơ sinh còn nhỏ, chưa có khả năng tự vệ sinh răng miệng. Lúc này, mẹ chính là người giúp con giữ gìn khoang miệng sạch sẽ.
- Hạn chế các bệnh răng miệng: Nướu và lưỡi của trẻ sơ sinh thường bị dính cặn sữa do niêm mạc miệng trẻ sơ sinh thường khô hơn người lớn. Cặn sữa sẽ khiến con bị hôi miệng, thậm chí tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nấm miệng hay các bệnh răng miệng khác.
- Giúp răng, lợi phát triển tốt hơn: Vệ sinh miệng sạch sẽ tạo nền tảng phát triển răng lợi cho bé. Những chiếc răng sữa nhỏ của con sẽ dễ dàng mọc và lớn lên trong một khoang miệng sạch sẽ hơn là một khoang miệng không được mẹ chăm sóc hàng ngày.
Ngoài ra, chăm sóc miệng cho bé cũng là cách giúp mẹ quan sát sự phát triển răng lợi của con. Các mẹ chắc chắn sẽ rất vui khi được thấy miệng con sạch sẽ và những chiếc răng nhỏ xinh của con dần xuất hiện đó!
2. Thời điểm thích hợp vệ sinh miệng cho bé
Mẹ nên ưu tiên vệ sinh miệng cho bé 2 tiếng sau khi con ăn sữa hay bú mẹ.
Tại sao vậy mẹ nhỉ?
Việc vệ sinh miệng cho bé chủ yếu để loại bỏ cặn sữa là những chấm nhỏ màu trắng trên niêm mạc lưỡi của bé. Sau khi con ăn sữa, các cặn sữa mới xuất hiện, chưa bám sâu vào niêm mạc lưỡi. Chỉ cần các mẹ vệ sinh nhẹ nhàng, cặn sữa dễ bong và trôi khi trẻ nuốt nước bọt.
Mẹ lưu ý: Không vệ sinh miệng của con ngay sau khi ăn mà cần chờ khoảng 2 tiếng để tránh nôn trớ. Bởi khi vệ sinh miệng bé, mẹ sẽ đưa tay vào họng của con. Nếu vệ sinh ngay sau khi ăn lúc bụng bé còn đang no sữa, bé dễ bị nôn trớ do cổ họng bị kích thích. Vì vậy, mẹ chờ 2 tiếng sau khi ăn, bé đã tiêu hóa hết sữa đầy trong dạ dày mới nên vệ sinh miệng cho bé nhé.
Lưu ý thêm cho mẹ: Mẹ hãy vệ sinh miệng cho bé vào mỗi buổi sáng khi bé ngủ dậy và buổi tối trước khi con đi ngủ tương tự như việc mẹ đánh răng hàng ngày vậy đó!
3. Hướng dẫn vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh
Cách vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh rất đơn giản và nhanh chóng như sau:
Chuẩn bị: Gạc vải mềm hoặc gạc tưa lưỡi hình ống; nước muối sinh lý hoặc nước đun sôi để nguội.
Các bước vệ sinh:
- Mẹ rửa tay thật sạch bằng dung dịch sát khuẩn để, tránh nhiễm bẩn từ tay mẹ vào miệng bé.
- Đặt trẻ nằm trên giường hoặc bế bé trên đùi mẹ.
- Quấn gạc hoặc đeo gạc tưa lưỡi hình ống quanh ngón trỏ của mẹ và nhúng ngón tay quấn gạc vào dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội.
- Nhẹ nhàng đưa ngón tay quấn gạc vào môi dưới bé để bé mở miệng.
- Đưa ngón tay vào trong miệng bé và lau miệng cho bé theo từng vùng: từ lưỡi đến vòm miệng, nướu và họng. Mẹ nhớ đừng đưa tay quá sâu vì bé có thể bị nôn trớ.
- Đặt ngón tay vào phía gốc lưỡi rồi kéo ra ngoài để có thể loại bỏ hoàn toàn các cặn sữa bên dưới.
Khi vệ sinh miệng cho bé, mẹ nhớ lưu ý quan sát miệng của con. Khi thấy các biểu hiện bé bị nấm miệng:: các mảng trắng nhỏ, trông như nổi cục, khó làm sạch; sau khi làm sạch thì thấy các đốm đỏ xuất hiện, mẹ cần đưa bé đi khám và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
4. Lưu ý khi vệ sinh miệng cho bé sơ sinh theo độ tuổi
Vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh có sự khác nhau theo độ tuổi do răng miệng của bé phát triển và có nhiều thay đổi.
4.1. Vệ sinh miệng cho bé từ 0 – 6 tháng tuổi
Miệng của bé dưới 6 tháng tuổi có niêm mạc mỏng, mềm mại, răng chưa xuất hiện, lưỡi khô, dễ đọng cặn sữa. Do vậy, khi vệ sinh miệng cho con, các mẹ nhớ chú ý:
- Luôn làm sạch nướu cho bé sau khi bú.
- Thao tác nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc miệng bé.
- Không cho bé vừa bú vừa ngủ hay ngậm bình sữa trong lúc ngủ hoặc cho trẻ bú “tùy ý”. Mẹ nên tạo cho con thói quen ăn ngủ từ sớm, vừa tiện cho mẹ vệ sinh miệng bé sau ăn, vừa giúp việc chăm con của mẹ dễ dàng hơn.
- Trẻ sơ sinh thường bắt đầu mọc răng từ bốn đến sáu tháng tuổi. Lợi của trẻ lúc này có thể đỏ, sưng và lượng nước bọt tăng lên. Để giảm bớt các triệu chứng này, khi vệ sinh miệng cho bé, mẹ dùng khăn mát làm dịu niêm mạc của con.
4.2. Vệ sinh miệng cho bé từ 6 tháng – 12 tháng
Trong độ tuổi từ sáu đến tám tháng, bé mọc chiếc răng đầu tiên. Việc chăm sóc răng miệng của trẻ ngay từ đầu rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng sâu răng của bé:
- Mẹ tiếp tục giúp con vệ sinh miệng sau khi con bú.
- Khi bé mọc răng, mẹ hãy bắt đầu sử dụng những bàn chải đánh răng trẻ em có lông mềm kết hợp với khăn gạc để vệ sinh răng miệng cho bé. Không nên sử dụng kem đánh răng cho con ở giai đoạn này vì bé có thể vô tình nuốt kem đánh răng vào bụng.
- Mẹ có thể làm giảm các triệu chứng khi con mọc răng như sưng lợi, đỏ lợi bằng cách giữ miệng bé luôn sạch sẽ và làm lạnh lợi cho bé bằng khăn mát.
- Mẹ nên thường xuyên kiểm tra các đốm nhỏ màu trắng hoặc nâu đáng ngờ trên răng của trẻ. Đây có thể là dấu hiệu của sâu răng. Mẹ nên đứa bé đến gặp bác sĩ để phòng tránh và cải thiện sức khỏe răng miệng cho trẻ.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Sâu răng là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan. Mẹ nên tránh thử nhiệt độ của bình sữa, làm sạch núm vú giả hoặc núm vú bình sữa bằng miệng hay dùng chung thìa và các vật dụng khác với con. Những điều này giúp mẹ ngăn chặn sự lây truyền của vi khuẩn và hạn chế nguy cơ gây sâu răng cho con.
5. Khi nào mẹ nên tập cho bé tự vệ sinh răng miệng?
Mẹ nên bắt đầu tập cho bé tự vệ sinh răng miệng dưới sự giám sát của người lớn khi bé lớn trên 2 tuổi. Khi đó, bé đã mọc đủ răng và con đã đủ lớn để đảm bảo bé thực hiện đánh răng đúng cách.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Khi tập cho bé tự vệ sinh răng miệng, mẹ hãy nhớ những điều sau:
- Tập thói quen cho bé tự vệ sinh răng miệng 2 lần/ ngày, mỗi buổi sáng và buổi tối.
- Chọn bàn chải mềm mại, kích thước phù hợp với con.
- Lựa chọn kem đánh răng dành riêng cho trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh không nên dùng chung kem đánh răng với người lớn hoặc các loại kem đánh răng chứa thành phần flo. Niêm mạc non yếu của con sẽ dễ bị kích ứng với thành phần này.
Góc của mẹ hy vọng bài viết trên đã giúp việc vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh của mẹ trở nên dễ dàng hơn. Vệ sinh miệng cho bé vào mỗi buổi sáng, buổi tối và sau khi cho bé ăn mẹ nhé!.