Ngày dự sinh sắp đến, mẹ lo lắng rất nhiều, không biết mọi việc có suôn sẻ hay không. Mẹ đừng lo quá nhé, có một phương pháp có thể giúp mẹ sinh dễ dàng hơn đó ạ. Đó là “đẻ chỉ huy” – mẹ đã từng nghe qua thuật ngữ này chưa? Cùng Góc của mẹ khám phá phương pháp diệu kỳ này mẹ nhé!
Mục lục
1. Đẻ chỉ huy là gì?
Mẹ đã từng nghe qua thuật ngữ đẻ chỉ huy chưa ạ? Đây là một phương pháp được áp dụng trong sinh nở, giúp mẹ bầu sinh thường dễ dàng hơn. Phương pháp này do bác sĩ sản khoa chỉ định và điều khiển, bằng cách sử dụng oxytocin truyền tĩnh mạch nhằm gây chuyển dạ cho mẹ bầu.
Góc của mẹ sẽ giải thích chi tiết hơn về đẻ chỉ huy, mẹ theo dõi tiếp nhé:
- Để điều khiển đẻ chỉ huy, bác sĩ sẽ khởi phát chuyển dạ bằng cách kích thích tử cung của mẹ bầu nhằm tạo nên những cơn co thắt.
- Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ tăng cường chuyển dạ, bằng cách kích thích tử cung mạnh hơn, tạo nên những cơn co thắt tăng dần theo thời gian, góp phần thúc đẩy thai nhi có thể nhanh chóng ra ngoài.
Mẹ có thể xem thêm: Sinh lý chuyển dạ – Mọi kiến thức mẹ bầu cần phải biết
Mẹ ơi, ngày con yêu chào đời sắp đến, mẹ đã chuẩn bị đầy đủ những vật phẩm cần thiết cho bé cưng chưa? Chắc hẳn mẹ cũng đang quan tâm về những sản phẩm vừa an toàn, vừa lành tính cho bé yêu đúng không nào! Nhà Mamamy giới thiệu đến mẹ chương trình ”Chào con đến với bố mẹ” với vô số ưu đãi hấp dẫn và nhiều sản phẩm cực kỳ chất lượng cho bé cưng. Mẹ xem ngay kẻo lỡ nhé!
2. Chỉ định và chống chỉ định phương pháp đẻ chỉ huy
2.1. Chỉ định phương pháp đẻ chỉ huy
Phần trên đã giúp mẹ hiểu sơ bộ về phương pháp đẻ chỉ huy rồi đúng không ạ? Vậy mẹ có biết là những trường hợp nào sẽ được bác sĩ chỉ định dùng phương pháp đẻ chỉ huy không? Dưới đây là ba trường hợp phổ biến nhất mà khi áp dụng phương pháp đẻ chỉ huy sẽ đạt được hiệu quả tối ưu nhất, mẹ tham khảo nhé:
1- Thai nhi bị quá ngày sinh: Khi đến ngày dự sinh (hơn 40 tuần) mà thai nhi trong bụng chưa có dấu hiệu chuyển dạ, lúc này mẹ cần liên hệ bác sĩ để tham vấn về phương pháp này để có thể sinh sớm nhất có thể. Nếu thai nhi ở trong bụng mẹ quá lâu ngày thì chất dinh dưỡng trong bọc ối không còn nhiều nữa, khiến thai nhi bị thiếu chất và có thể dẫn đến suy thai đó ạ.
2- Nước ối bị vỡ non trước khi có dấu hiệu chuyển dạ: Mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ, tử cung cũng chưa mở nhưng lúc này lại bị vỡ nước ối (có thể do vận động mạnh hoặc va chạm tác động mạnh đến thai nhi). Buồng tử cung sẽ bị nhiễm trùng do nước ối bị vỡ quá sớm, điều này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé cưng đó ạ. Khi gặp trường hợp này, gia đình mình liên hệ ngay bác sĩ để lấy thai nhi ra ngoài một cách nhanh nhất nhé.
3- Không có cơn co tử cung hoặc cơn co tử cung yếu: Trong một số trường hợp, mẹ bầu không có dấu hiệu chuyển dạ, tử cung không xuất hiện những cơn co, lúc này mẹ không thể tự sinh được mà phải cần đến bác sĩ kích thích đẻ chỉ huy, tạo nên những cơn co thắt, góp phần đẩy em bé ra ngoài, tránh bé cưng bị ngộp thở mẹ nhé.
2.2. Chống chỉ định phương pháp đẻ chỉ huy
Phương pháp đẻ chỉ huy có thể giúp mẹ sinh nở nhanh chóng hơn nhưng mẹ ơi, bất kì phương pháp nào cũng có những hạn chế, và không phải bất kì trường hợp mang thai nào cũng có thể áp dụng đẻ chỉ huy. Góc của mẹ liệt kê những tình huống chống chỉ định phương pháp đẻ chỉ huy, mẹ lưu ý nhé:
- Mẹ bị các bệnh lý về tim mạch như suy tim, tiền sản giật,…
- Khi siêu âm phát hiện sự bất tương xứng giữa xương chậu thai nhi
- Sẹo mổ cũ trên tử cung, không thể tiếp tục sinh bằng đường dưới
- Test đả kích hoặc test không đả kích có biểu hiện của bệnh lý. Lúc này sinh mổ là tốt nhất cho mẹ đó ạ. Cách tốt nhất là mẹ nghe theo lời bác sĩ trong mọi tình huống để bé cưng có thể ra đời một cách an toàn mẹ nhé!
3. Các phương pháp đẻ chỉ huy
Góc của mẹ đã liệt kê chi tiết những phương pháp mà bác sĩ sẽ thực hiện để kích thích đẻ chỉ huy, mẹ tham khảo để có một cái nhìn tổng quát hơn về phương pháp này nhé!
3.1. Bóc tách màng ối
Khi tử cung không thể chuyển dạ tự nhiên, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp bóc tách màng ối để khởi phát chuyển dạ. Đây là phương pháp đơn giản nhất giúp tạo nên những cơn co tử cung, kích thích mẹ bầu sinh nở.
Cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ngón tay đã đeo găng vào cổ tử cung, di chuyển ngón tay theo chuyển động tròn và tách màng mỏng kết nối túi ối với thành tử cung.
3.2. Bấm ối
Với trường hợp cổ tử cung đã mở, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp bấm ối bằng cách dùng một kim chọc dò dài để chọc thủng màng ối, tiếp theo dùng ngón tay xé rộng màng ối. Bác sĩ có thể bấm ối đơn thuần hoặc kết hợp với truyền oxytocin.
Trong quá trình bấm ối, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim thai trước và sau khi thực hiện bấm ối, nếu tim thai bình thường thì tiếp tục theo dõi còn nếu tim thai suy (quá nhanh hoặc quá chậm) thì bác sĩ cần phải có phương án xử trí ngay để tránh ngạt thai.
Sau cùng, bác sĩ sẽ đánh giá số lượng và màu sắc dịch ối, nếu dịch ối trong thì tiếp tục cho mẹ theo dõi để sinh thường, còn nếu dịch ối có màu xanh thì cần phải mổ lấy thai ngay lập tức.
3.3. Bóng Foley
Phương pháp được thực hiện bằng cách đưa một ống thông Foley qua lỗ trong cổ tử cung. Bác sĩ sẽ bơm 10ml huyết thanh mặn 0,9% làm phồng bóng cao su nhằm tạo áp lực giúp cho cổ tử cung mở rộng. Khi cổ tử cung mở được khoảng chừng 3cm, ống thông sẽ tự tuột ra ngoài và cuộc chuyển dạ được khởi phát. Có thể kết hợp với truyền tĩnh mạch oxytocin nếu cần thiết.
3.4. Prostaglandin
Có lẽ khi mẹ nghe đến tên của phương pháp này thì mẹ sẽ liên tưởng đến một loại thuốc đúng không ạ? Chính xác là như vậy, đây là phương pháp kích thích chuyển dạ bằng cách cho sản phụ đặt thuốc này vào âm đạo hoặc ngậm dưới lưỡi.
Prostaglandin có tác dụng giúp cổ tử cung chín muồi và mềm mại giúp việc chuyển dạ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Thuốc thường được dùng phổ biến hiện nay đó là Misoprostol. Góc của mẹ để lại đường link cho mẹ tham khảo nếu muốn hiểu rõ hơn về loại thuốc này nhé!
3.5. Bấm ối kết hợp với truyền oxytocin
Một phương pháp phổ biến nhất của đẻ chỉ huy thường được bác sĩ sử dụng nhiều nhất là bấm ối và kết hợp với truyền oxytocin. Các bước tiến hành đã được Góc của mẹ liệt kê chi tiết dưới đây, mẹ tham khảo nhé!
1- Các bước tiến hành
- Bước 1: Pha 5 đv oxytocin vào 500 ml dung dịch glucose 5%, truyền nhỏ giọt tĩnh mạch chậm, lúc đầu liều lượng sẽ là 1 phút từ 5 đến 8 giọt cho đến khi xuất hiện cơn co tử cung.
- Bước 2: Bấm ối, xé rộng màng ối. Tiếp đó, theo dõi và điều chỉnh số giọt để đạt được số cơn co phù hợp với sự tiến triển của cuộc chuyển dạ.
- Bước 3: Tùy tình hình của cuộc đẻ chỉ huy, nếu cơn co mau thì bác sĩ sẽ điều chỉnh cho oxytocin chảy chậm hoặc có thể phối hợp với những thuốc giảm co có tác dụng làm mềm cổ tử cung.
Sau khi thực hiện và kiểm tra, nếu nhịp tim thai nhi tốt, cơn co đều đặn, cổ tử cung mở rộng và ngôi lọt thì có thể tiến hành cho đẻ đường dưới mẹ nhé!
2- Theo dõi và xử trí của bác sĩ
- Bác sĩ theo dõi
Nhịp tim thai;
Cơn co tử cung;
Độ mở cổ tử cung xem đã phù hợp chưa;
Độ lọt của ngôi để có phương án xử trí kịp thời.
- Xử trí tai biến
Nếu trong quá trình thực hiện, có dấu hiệu thai suy, bác sĩ phải ngừng đẻ chỉ huy và thực hiện phẫu thuật ngay lập tức để cứu thai.
Tùy vào cơn co tử cung, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng oxytocin cho phù hợp. Nếu cơn co tử cung quá nhẹ và thưa thì sẽ tăng số giọt truyền. Nếu quá mạnh và nhanh thì bác sĩ sẽ giảm lưu lượng truyền và có thể sử dụng giảm co tử cung.
Nếu quá trình thực hiện đẻ chỉ huy kéo dài quá 6 giờ mà không có tiến triển tốt thì phải phẫu thuật lấy thai nhi ra ngay.
4. Những biến chứng có thể xảy ra với phương pháp đẻ chỉ huy
Bất kỳ phương pháp nào cũng có thể xảy ra những rủi ro không tránh khỏi, và phương pháp đẻ chỉ huy cũng như vậy. Dưới đây là những biến chứng có thể xảy ra khi áp dụng phương pháp này, mẹ và gia đình hãy chuẩn bị tâm lý để có thể ứng phó trước mọi tình huống bất lợi xảy ra nhé:
- Khi truyền oxytocin cho mẹ bầu khiến cơn chuyển dạ nhanh và mạnh làm cho thai phụ đau đớn và cần sử dụng thuốc giảm đau nhiều hơn. Nguy hiểm hơn là tử cung có thể bị vỡ trong quá trình truyền oxytocin.
- Việc tiến hành chọc dò màng ối khi đã bắt đầu chuyển dạ khiến mọi việc tăng tốc nhanh chóng. Lúc này nếu thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ sẽ làm gia tăng sức ép và ảnh hưởng đến lưu lượng máu cung cấp đến thai nhi.
- Những rủi ro khác mà có thể gặp phải là thai suy yếu hoặc tử vong do quá trình theo dõi không tốt hoặc sự can thiệp quá muộn.
Qua bài viết trên, Góc của mẹ hy vọng mẹ đã có một cái nhìn tổng quan nhất cũng như hiểu được sơ bộ về phương pháp đẻ chỉ huy này. Mẹ hãy cố gắng ăn uống đủ chất cùng vận động nhẹ nhàng để tiểu thiên thần có thể ra đời một cách thuận lợi nhé. Chúc mẹ “mẹ tròn con vuông” và gặp nhiều thuận lợi trong hành trình mang thai. Xin chào và hẹn gặp lại!
Nguồn tham khảo:
Đọc thêm:
Cơn co chuyển dạ và dấu hiệu thực sự