Mẹ bầu 3 tháng cuối thường đi lại khó khăn, đôi khi mẹ còn cảm nhận những cơn đau xương mu kéo dài. Điều này khiến mẹ lo lắng, muốn tìm hiểu rõ đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối có sao không, có gây nguy hiểm gì cho cả bé và mẹ hay không? Để giúp mẹ giải đáp “tất tần tật”, Góc của mẹ đã tổng hợp những thông tin khoa học về chủ đề này trong bài viết dưới đây. Mẹ tham khảo nhé!
Mục lục
1. Đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối có sao không?
Khi mang thai đến 3 tháng cuối, đôi lúc mẹ cảm nhận cơn đau xương mu “ghé” đến gây nên nhiều phiền toái. Thế nhưng đau xương mu chỉ là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn này thôi, mẹ không cần lo lắng quá đâu ạ.
Trong suốt thai kỳ, phần xương mu thường mở rộng để thích nghi và tạo thành khung chậu vững chắc nâng đỡ tử cung của mẹ. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai phải đối mặt với những cơn đau vùng mu, thường xuất hiện ở hai bên bẹn rồi lan dần ra khung xương chậu và đùi trong. Thông thường, đau xương mu có biểu hiện là những cơn đau kéo dài, dai dẳng, không đau thắt mà âm ỉ, đôi khi lại chỉ là cơn đau ngắn, thoáng qua.
Nếu chỉ là tình trạng đau xương mu với các biểu hiện thông thường, xuất hiện trong giai đoạn trước 37 tuần mẹ bầu không cần lo lắng đâu ạ. Như đã chia sẻ, đây chỉ là dấu hiệu sinh lý hoàn toàn bình thường khi mang thai. Tuy nhiên, nếu cơn đau xương mu xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ ba kèm theo cơn đau bất thường, đi tiểu nhiều, có dấu hiệu sa bụng,mẹ bầu nên chuẩn bị tinh thần nhé, có thể mẹ sắp được đón bé cưng chào đời rồi.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý, khi cơn đau xương mu không dừng lại ở cảm giác nhức mỏi, âm ỉ mà chuyển sang cơn đau thắt, đau nhói kèm theo dịch nhầy âm đạo bất thường, mẹ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo sinh non, mẹ đừng chủ quan kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé đó ạ.
Như vậy, đau xương mu 3 tháng cuối thai kỳ xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, mẹ kéo xuống dưới để tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân khiến mẹ bầu 3 tháng cuối đau xương mu nhé!
2. 6 nguyên nhân khiến mẹ bầu 3 tháng cuối đau xương mu
Có ti tỉ nguyên nhân khiến mẹ bầu 3 tháng cuối đau xương mu, chẳng hạn như do mẹ bầu thiếu hụt canxi, tiền sử bệnh lý thoát vị đĩa đệm, sự thay đổi hormone trong thời gian mang thai hoặc do chứng phù nề, em bé quay đầu chuẩn bị chào đời … Để giúp mẹ hiểu kỹ và hình dung rõ ràng, chi tiết hơn, Góc của mẹ gửi ngay đến mẹ 6 nguyên nhân thường gặp dưới đây.
2.1. Con đã quay đầu – sẵn sàng chào đời
Đã gần đến ngày “cán đích”, mẹ bầu cứ lo lắng thấp thỏm chẳng yên, lo chuyện này chuyện kia, không biết bé cưng có khỏe mạnh không. Những cảm xúc ấy cũng thật đáng yêu và thiêng liêng, mẹ chắc đang háo hức lắm rồi nhỉ? Thế nhưng đằng sau sự xúc động, mong chờ là những cơn đau thúc xương mu dai dẳng khiến mẹ khó chịu và mệt mỏi vô cùng.
Bởi trong giai đoạn này, bé yêu đã có sự chuyển dần sang ngôi thai thuận (đầu chúc xuống dưới, mông thai nhi gần với ngực của mẹ), em bé di chuyển xuống thấp hơn. Điều này tạo áp lực lên cơ thể mẹ, nhất là xương mu và xương chậu khiến mẹ thường xuyên đau nhức, cơn đau có dấu hiệu dai dẳng và tần suất xuất hiện thường xuyên hơn.
Đặc biệt, lúc này cơ thể mẹ tiết ra hóc môn gọi là relaxin, progesterone có tác dụng làm khớp xương mu giãn nở để tạo điều kiện tốt nhất cho em bé quay đầu. Chính vì vậy, mẹ có thể cảm nhận cơn đau tức ở khung chậu và xương mu, thậm chí là cảm giác ê buốt và mỏi nhừ. Tuy nhiên, đây là cơn đau mu thường xuất hiện trong giai đoạn chuyển dạ nên mẹ yên tâm nhé, không lo ảnh hưởng đến bé yêu đâu ạ.
2.2. Mẹ bầu thiếu hụt canxi
Thiếu hụt canxi là một hiện tượng khá thường gặp trong suốt thai kỳ, gây ra cảm giác đau nhức xương khớp và xương mu. Bước vào những tháng cuối, thiên thần nhỏ đang tăng dần kích thước và khối lượng, tạo áp lực lên xương chậu của mẹ và bé cũng cần một lượng canxi nhiều hơn để phát triển toàn diện.
Vì mẹ bầu thiếu canxi, không đủ để đáp ứng nhu cầu của thai nhi nên cơ thể sẽ thực hiện cơ chế “tự cung tự cấp” bằng cách đưa hàm lượng canxi trong hệ xương của mẹ ra để cung cấp cho bé yêu. Điều này có thể gây loãng xương khiến xương khớp của mẹ bầu có xu hướng yếu và dễ bị đau, nhức mỏi hơn bình thường
2.3. Tiền sử thoái hóa khớp – thoát vị đĩa đệm
Một nguyên nhân khác khiến mẹ bầu bị đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối là do tiền sử thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm. Như mẹ đã biết, trong thời gian mang thai, cột sống, thắt lưng và vùng xương chậu của mẹ cần có sự giãn nở để thích nghi với quá trình lớn khôn của bào thai. Khi đó, các đốt sống hay gân cơ luôn trong trạng thái “nới lỏng”, dây chằng cũng giãn ra và trở nên yếu hơn, khả năng chống đỡ của cột sống ngày càng suy giảm.
Đặc biệt, mẹ bầu thường tăng cân nhanh trong 3 tháng cuối của thai kỳ, điều này làm tăng gánh nặng lên cột sống và xương chậu trong suốt thời gian dài. Tất cả những tác động đó đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp, nhất là với mẹ có sẵn tiền sử thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm. Điều này khiến mẹ bầu thường xuyên bị đau xương mu kéo dài, rất phiền toái và mệt mỏi.
2.4. Mẹ vận động nhiều trong suốt thai kỳ
Bước vào những tháng cuối của thai kỳ, em bé của mẹ ngày càng lớn lên và chuẩn bị chào đời rồi. Lúc này xương chậu, xương mu đang phải chịu áp lực rất lớn, nếu mẹ bầu vận động mạnh càng khiến khung xương mu chịu tổn thương dẫn đến đau nhức, những cơn đau xương mu ngày tăng và dai dẳng.
Thậm chí, việc vận động nhiều và mạnh còn khiến cơn đau “lây lan” ra vùng lân cận, chẳng hạn như ở háng, lưng, thắt lưng, bẹn, hông và đùi trong. Vì thế mẹ bầu chú ý dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động mạnh, chỉ nên đi lại và tập luyện nhẹ nhàng để bảo vệ bé cưng mạnh khỏe chào đời mẹ nha.
2.5. Cơ thể mẹ có sự thay đổi hormone
Mẹ mang bầu thường thay đổi tâm trạng cũng như hormone, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Lúc này, lượng hormone sinh dục bị ảnh hưởng làm tăng hàm lượng progesterone trong máu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự giãn nở của khung xương chậu, xương mu và gây nên tình trạng đau, căng tức và mỏi nhừ đó mẹ.
2.6. Chứng phù nề khiến mẹ bị đau xương mu
Chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa thôi là mẹ được ôm bé yêu vào lòng rồi. Bên cạnh sự hồi hộp ấy, không ít lần mẹ phải “nhăn nhó” vì khi em bé ngày một lớn hơn cũng đồng nghĩa thể tích máu trong hệ tuần hoàn có xu hướng tăng cao.
Điều này vô tình gây áp lực lên tuần hoàn máu phía dưới, bước đi của mẹ cũng khó khăn hơn, chân thường bị phù nề, tê cứng, chèn ép lên xương chậu và làm đau xương mu, khiến mẹ mệt mỏi, đau nhức mãi thôi.
3. 4 cách khắc phục tình trạng đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối
Dưới đây là 4 cách khắc phục tình trạng đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối để giúp mẹ thoải mái hơn cũng như hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến bé cưng. Cùng tìm hiểu ngay mẹ ơi:
3.1. Mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị đau xương mu là do chế độ dinh dưỡng không phù hợp, mất cân bằng, khiến mẹ thiếu chất này hụt chất kia. Chẳng hạn như thiếu hụt canxi, vitamin D khiến xương yếu, dễ bị đau hơn. Bởi vậy xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng đau xương khớp, bao gồm cả xương mu hiệu quả.
Theo đó, mẹ bầu 3 tháng cuối cần đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ, khẩu phần ăn cần chú trọng đến protein (khoảng 70g mỗi ngày), mẹ ưu tiên bổ sung nguồn protein tốt từ cá, thịt bò, thị lợn nạc,…
Ngoài ra, mẹ chú ý bổ sung thêm hàm lượng canxi để tránh thiếu hụt, đảm bảo hàm lượng thiết yếu (khoảng 1.500mg/ngày) qua các loại rau màu xanh đậm hoặc hải sản. Bên cạnh đó, mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ các nhóm chất xơ, Axit folic, vitamin D và vitamin C cùng nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất thiết yếu khác để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé nha. Một số loại thực phẩm mẹ bầu nên ăn như các loại hạt, trứng gà, sữa tươi, trứng vịt lộn, khoai lang, quả bơ, các loại quả giàu vitamin, cá, cua…
Nếu vẫn còn băn khoăn hoặc muốn tìm hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng chuẩn khoa học để cải thiện tình trạng đau xương mu, mẹ tham khảo ngay bài viết : Bầu 3 tháng cuối nên ăn gì để con phát triển toàn diện này nhé!
3.2. Thay đổi tư thế để tránh đau xương mu
Mẹ bầu 3 tháng cuối bụng đã to hơn nhiều rồi, mẹ đi đứng, ngồi và nằm đôi khi cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy việc thay đổi tư thế rất quan trọng đó ạ, không chỉ giúp mẹ thoải mái hơn mà còn giúp điều chỉnh áp lực dồn lên vùng hông, xương chậu và xương mu, từ đó giúp mẹ giảm đau xương vùng mu hiệu quả. Cụ thể:
1 – Khi nằm
Nằm nghiêng sang bên trái là tư thế tốt nhất cho mẹ bầu, tử cung không tạo áp lực và chèn ép lên xương chậu và xương mu, nhờ vậy mà mẹ bầu hạn chế đau mỏi, căng tức xương mu. Bên cạnh đó, tư thế nằm nghiêng trái giúp mẹ dễ trở mình, hỗ trợ tăng lưu thông tuần hoàn và mạch máu, thúc đẩy cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng đến em bé. Mẹ có thể kết hợp thêm đệm, gối nhỏ (gối mềm chữ U) để kê vào thắt lưng, đỡ bụng hoặc giữa 2 đầu gối để tạo tư thế thư giãn, mẹ ngủ ngon và sâu hơn đó ạ.
2 – Khi ngồi
Tư thế ngồi chuẩn cho mẹ bầu là thẳng lưng, vai thả lỏng, không khom, ngửa ra sau hoặc gập về phía trước. Đặc biệt, bầu 3 tháng cuối bụng đã lớn, mẹ nên dùng 1 tay đỡ bụng và ngồi từ tư, tránh thao tác đột ngột. Tư thế này giúp mẹ thoải mái, không tạo áp lực lên xương mu, từ đó giảm cơn đau tức, thắt xương hiệu quả. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể sử dụng thêm gối để kê sau lưng, hạn chế ngồi bắt chéo chân hay ngồi xổm.
3 – Khi đứng
Trong thời gian mang bầu, nhất là bước vào tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu cần tránh đứng nhiều hoặc quá lâu. Bởi bụng mẹ đã lớn rồi, mẹ đứng lâu tạo áp lực lớn lên vùng xương chậu, xương mu gây đau tức, phù nề, sưng và tê cứng chân. Ngoài ra, khi đứng cần chú ý thả lỏng vai, chân đứng thẳng và song song để chia đều áp lực ra hai chân, hai bàn chân nên mở lớn hơn so với chiều rộng vai để giữ cân bằng tốt hơn mẹ nha.
4 – Khi đi
Trong thời gian mang thai, lực chân của mẹ yếu đi, khả năng giữ thăng bằng kém hơn do phải chịu sức nặng từ bào thai. Bởi vậy mẹ tuyệt đối Không sử dụng giày cao gót khi mang thai để tránh bị ngã, nguy hiểm cho em bé cũng như dễ bị phù nề, sưng tức, căng đau bàn chân, cẳng chân và xương mu. Mẹ cũng chú ý giữ dáng đi thẳng người, mắt nhìn thẳng, cổ vai gáy thả lỏng, không cúi xuống đất hoặc ngẩng mặt lên trời khi di chuyển.
3.3. Thăm khám định kỳ để đảm bảo an toàn
Mặc dù đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối chỉ là hiện tượng thường gặp, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Thế nhưng nếu mẹ nhận thấy cơn đau xương mu bất thường, đau thắt hoặc đau nhói, mẹ nên thăm khám gặp bác sĩ để kiểm tra xem sức khỏe của thai nhi có ổn định và có trở ngại gì không nhé!
Bên cạnh đó, việc thăm khám thai định kỳ cũng giúp mẹ theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân và sự phát triển của em bé, dễ dàng phát hiện ra những bất thường kịp thời, từ đó nhận được sự tư vấn và hỗ của bác sĩ chuyên khoa sản, đảm bảo bé cưng an toàn chào đời.
3.4. Mẹ hạn chế vận động – nghỉ ngơi nhiều hơn
Bước vào tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu nên hạn chế vận động quá sức hay tham gia vào các môn thể thao nặng, không phù hợp. Thay vào đó, mẹ nên ưu tiên chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng và điều độ, chẳng hạn như tập yoga hay đi dạo bộ khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày, vừa giúp cơ thể dẻo dai, giảm đau mỏi xương khớp, xương mu lại điều hòa tâm trạng, mẹ vui vẻ chẳng lo bị stress, lo lắng nữa rồi. Tinh thần thoải mái sẽ giúp mẹ ngủ ngon và sâu giấc hơn, bé yêu cũng thoải mái hơn đó.
Ngoài ra, mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và thư giãn, đặc biệt khi những cơn đau xương mu “ghé thăm”, mẹ có thể nằm nghỉ đúng tư thế để hỗ trợ giảm cơn đau tức thì, cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Thông qua bài viết trên mẹ đã biết đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối có nghiêm trọng không rồi. Đây chỉ là hiện tượng thường gặp khi mang thai 3 tháng cuối thôi, mẹ không cần lo lắng quá đâu ạ. Ngoài ra mẹ đừng quên “nằm lòng” 4 cách đơn giản giúp cải thiện tình trạng đau xương mu hiệu quả, giúp mẹ và bé yêu vui khỏe mỗi ngày nha. Nếu còn bất cứ băn khoăn nào cần giải đáp, mẹ đừng ngần ngại để lại mình luận, Góc của mẹ sẽ tư vấn và giải đáp sớm nhất có thể!