Tuần thai thứ 22 là một trong những cột mốc quan trọng của cả mẹ và bé. Hẳn là mẹ sẽ tò mò lúc này bé yêu phát triển như thế nào? Cơ thể mẹ thay đổi ra sao? Mẹ cần chuẩn bị những gì. Góc của mẹ sẽ giải đáp mọi thắc mắc của mẹ qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Sự phát triển của bé ở tuần thai thứ 22
Vào tuần thai thứ 22, mí mắt bé vẫn chưa mở ra được. Tuy nhiên mắt bé đã bắt đầu có thể cử động được rồi. Hệ thống tạo nước mắt cho bé cũng dần được hình thành. Đặc biệt hơn, bé còn có lông mày nữa đấy. Những sợi lông tơ nhỏ màu trắng mịn. Bé có thể đang nhíu mắt đó mẹ ơi!
Bé ngày càng nhạy cảm hơn với các tác động từ bên ngoài. Nếu mẹ tiến hành siêu âm trong tuần thai thứ 22 này và quá trình quét tạo ra tiếng ồn lớn, bé sẽ phản ứng lại đó.
Đây cũng là giai đoạn quan trọng bởi não của bé đang phát triển nhanh chóng. Hệ thần kinh của bé cũng trong quá trình hình thành. Các giác quan của thai 22 tuần bắt đầu hoàn thiện và nhạy bén hơn rất nhiều. Bé có thể cảm nhận được những va chạm hay chuyển động từ mẹ. Làn da của bé không còn trong suốt thay vào đó là sự tụ lại của chất béo để hình thành lên các lớp mỡ dưới da. Điều này giúp bảo vệ và giữ ấm cho bé.
Vậy kích thước của bé ở giai đoạn này là bao nhiêu? Tính từ đỉnh đầu đến gót chân bé dài khoảng từ 27-30cm và nặng khoảng từ 360-500 gram. Kích thước này tương đương với một trái đu đủ vậy.
2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào ở tuần thai thứ 22?
Tuần thai thứ 22 có nghĩa là mẹ đã có thai được 6 tháng, hiện trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2. Khi bụng bầu của mẹ ngày càng rõ hơn, nhiều người sẽ nhận ra mẹ đang mang thai hơn. Dường như mẹ sẽ cảm thấy ngày càng chân thực hơn với trạng thái này đúng không mẹ?
Kích thước bụng bầu ngày càng tăng. Hình ảnh này có thể mang đến cho mẹ những trạng thái cảm xúc lẫn lộn. Một số ngày, mẹ sẽ thấy yêu vô cùng cơ thể mang thai với bé con trong bụng mình. Một số ngày khác mẹ lại thấy lo lắng và không thoải mái với sự thay đổi cũng như nghĩ rằng mẹ sẽ không thể lấy lại vóc dáng như xưa nữa. Nhưng mẹ ơi, mang thai mà nhỉ, những cảm xúc thất thường này là hoàn toàn bình thường thôi. Mẹ có thể tâm sự, chia sẻ với bố cũng như với người thân thiết với mẹ. Bên cạnh đó, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ khiến tâm trạng mẹ thấy tốt hơn đấy. Để biết thêm những thực phẩm kỳ diệu giúp mẹ thoải mái hơn, mẹ xem tất cả mọi thông tin dinh dưỡng mà Góc của mẹ đã tổng hợp giúp mẹ nha.
3. Những triệu chứng thường gặp khi bước vào tuần thai thứ 22
3.1. Ợ nóng
Mẹ có cảm thấy nóng rát ở cổ họng hoặc ngực trong quá trình mang thai không? Nếu có thì có lẽ mẹ gặp phải chứng ợ nóng rồi. Chứng ợ nóng xảy ra khi axit dạ dày rò rỉ vào thực quản. Điều này khá phổ biến với các mẹ bầu vì một số hormone khi mang thai làm giãn van thường giữ axit. Mẹo cho mẹ để giảm thiểu chứng ợ nóng là chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, đứng thẳng sau khi ăn và tránh các món ăn cay và chiên. Nếu như triệu chứng này trở nên trầm trọng, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn ngay mẹ nhé.
3.2. Cảm giác nóng bừng trong người (Hot flashes)
Thay đổi hormones và sự trao đổi chất diễn ra nhanh hơn chính là nguyên nhân khiến mẹ cảm thấy nóng và ra mồ hôi nhiều hơn bình thường. Để hạn chế vấn đề này, mẹ nên cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi việc. Mặc quần áo rộng, thoải mái, uống nhiều nước và nằm điều hòa.
3.3. Nhịp tim tăng nhanh trong tuần thai thứ 22
Mẹ có biết khi mang thai, trái tim của mẹ bơm máu lên đến 30 – 50%. Như vậy nhiều oxy và chất dinh dưỡng đang được cung cấp cho bé yêu thông qua nhau thai. Vì vậy, nhịp tim tăng nhanh là điều rất bình thường khi bước vào tuần thai thứ 22. Tuy nhiên, trong trường hợp cảm thấy khó thở hoặc khó chịu, hãy liên hệ với các bác sĩ tư vấn càng sớm càng tốt nhé.
3.4. Đau vùng xương chậu
Hormone thai kỳ khiến các khớp của mẹ bị nới lỏng để trở nên linh hoạt hơn. Nhưng điều này gây nên tình trạng đau nhức cho mẹ. Mẹ không nên nâng vật nặng hoặc đứng quá lâu để vấn đề này không trở nên trầm trọng.
3.5. Đau bụng hoặc chuột rút
Mẹ có thể bị đau bụng hoặc chuột rút trong tuần thai thứ 22 hoặc vào thời điểm khác trong tam cá nguyệt thứ 2 này. Tuy nhiên đây là điều bình thường mà các mẹ vẫn gặp phải. Ví dụ, mẹ có thể phải trải qua các cơn co thắt giúp cơ thể “luyện tập” sẵn sàng để chuyển dạ. Hoặc đôi khi, mẹ sẽ thấy cơ bụng và dây chằng căng ra khi bụng mẹ dần lớn lên. Tuy nhiên nếu bị chuột rút hoặc đau bụng quá nghiêm trọng, hãy liên hệ với bác sĩ chăm sóc sức khỏe ngay mẹ nhé.
4. Để mẹ có tuần thai thứ 22 khỏe mạnh
4.1. Nghiên cứu các lớp học trước khi sinh
Với những mẹ lần đầu tiên mang thai, một lớp sinh nở có thể cung cấp cho mẹ những thông tin, kỹ năng cần thiết trong quá trình “vượt cạn”. Mẹ cảm thấy như thế nào khi sinh? Nó thường kéo dài bao lâu? Làm thế nào để xử lý những cơn đau khi sinh? Và nhiều chủ đề cũng như thắc mắc khác sẽ được lý giải tại các lớp học cho mẹ bầu.
Những lớp học này không chỉ mang lại lợi ích cho các bà mẹ tương lai nữa đâu. Dẫn bố theo mẹ nhé. Bố không chỉ học và thấu hiểu những gì mẹ sẽ trải qua, mà còn có thể học một số kỹ thuật thư giãn để giúp mẹ tự tin và mạnh mẽ khi chuyển dạ. Cũng như những ngày đầu tiên làm cha mẹ.
4.2. Lên kế hoạch cho một chuyến du lịch trước khi sinh cũng bố
Mẹ có thể cảm thấy tuyệt vời với bụng bầu đáng yêu của mình. Bởi nó cũng chưa gây khó khăn trong việc đi lại. Tuy nhiên, sự mệt mỏi có thể sẽ quay lại vào tam cá nguyệt thứ ba. Bụng bầu khi đó sẽ lớn đến nổi chỉ cần suy nghĩ về việc đi lại có thể khiến mẹ cảm thấy kiệt sức. Trước khi bụng mẹ gây khó khăn cho việc thực hiện các công việc hàng ngày (như đi tất). Hay tất cả những gì mẹ muốn làm là chợp mắt, mẹ có thể muốn lên kế hoạch cho một chuyến đi ngắn với bố đấy.
Dành thời gian thư giãn với bố trước khi cuộc sống thay đổi khi đón thêm một thành viên mới trong gia đình là một cách tuyệt vời để vun đắp sự gắn kết, sẻ chia. Nếu đây không phải đứa con đầu lòng của bố mẹ, tổ chức một chuyến đi gia đình để gắn kết hơn mối quan hệ giữa bố mẹ và người con trước đó.
4.3. Bổ sung đủ canxi
Trong tuần thai thứ 22 này, bé cần đủ canxi cho sự phát triển xương và răng. Lượng canxi này tăng lên trong nửa giai đoạn sau của thai kì. Bé sẽ hấp thụ canxi trực tiếp từ mẹ nên nếu mẹ không bổ sung đủ canxi sẽ rất dễ bị loãng xương sau này
Theo lời khuyên từ chuyên gia, mẹ nên bổ sung 1000 mg canxi mỗi ngày. Mẹ có thể bổ sung thông qua các thực phẩm giàu canxi như:
- Các sản phẩm từ sữa ít béo. Bao gồm sữa, phô mai, sữa chua và kem
- Các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh
- Cá hồi hoặc cá mòi
- Thực phẩm tăng cường như nước cam, ngũ cốc, bánh mì và đậu phụ
Mẹ xem thêm những lời khuyên từ chuyên gia về canxi để điều chỉnh lượng canxi hợp lý nhé.
4.4. Khám thai định kỳ
Thực hiện thăm khám thai định kỳ và siêu âm chẩn đoán dị tật bẩm sinh cho bé. Mẹ cũng cần liên hệ hay với bác sĩ khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Chúc các mẹ của Mamamy sẽ có tuần thai thứ 22 thật khỏe mạnh!