Mẹ muốn sử dụng núm ti giả cho con để con ngoan hơn, không đưa tay lên miệng nhưng lại băn khoăn không biết ngậm ti giả có an toàn không, có nên cho bé ngậm núm ti giả không? Tất tần tật băn khoăn của mẹ sẽ được giải đáp trong bài viết này, mẹ theo dõi để có quyết định sáng suốt nhất nhé!
Mục lục
1.1. Lợi ích và tác hại của núm ti giả
1.1. Lợi ích
Bé liên tục mè nheo, quấy khóc, cáu kỉnh và thường đòi ngậm ti mẹ dù không đói khiến mẹ cả ngày vừa vất vả lại không làm được việc gì? Trong trường hợp này, núm ti giả sẽ là “cánh tay đắc lực” của mẹ đấy ạ! Ngoài ra, núm ti giả còn có lợi ích như:
- Giúp bé cảm thấy thoải mái và an toàn hơn: Sự thoải mái khi sử dụng núm giả tạo cảm giác an toàn như khi được ngậm ti mẹ, giúp bé bình tĩnh, bớt quấy khóc và cáu gắt
- Đáp ứng phản xạ bú của bé: Bé sơ sinh có nhu cầu bú rất lớn, nhu cầu này kéo dài cả khi bé vừa được bú no sữa mẹ. Núm giả là chìa khóa cân bằng giữa những lần bú, hỗ trợ mẹ ngoài giờ ăn của bé để mẹ có nhiều thời gian rảnh hơn.
- Giảm nguy cơ SIDS: Khi ngậm núm giả, bé sẽ không thể nằm úp hoặc hạn chế việc bé nuốt phải dị vật khi ngủ, giảm nguy cơ đột tử ở bé sơ sinh.
1.2. Tác hại
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng mẹ vẫn băn khoăn không biết có nên dùng núm ti giả hay không vì một số tác hại như:
- Gây ảnh hưởng đến quá trình/thói quen bú mẹ của bé: Mẹ thường lầm tưởng việc bé ngậm vú giả và bú mẹ là hai quá trình giống nhau tuy nhiên khi bú mẹ bé cần mút sữa. Vì vậy bé sẽ không thể hình thành thói quen bú, bú ít và dễ bỏ bú khi được ngậm ti giả quá sớm. Mẹ đợi bé lớn hơn 1 tháng – khi con quen bú mẹ thì mới cho con ngậm ti giả nhé!
- Nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe ở tai: Các nghiên cứu đã chỉ ra tỉ lệ viêm tai ở bé sử dụng núm giả (36%) lớn hơn rất nhiều so với các bé không sử dụng núm giả. Vì vậy, việc sử dụng núm giả sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai ở bé bởi quá trình lắng đọng chất lỏng trong tai hình thành ổ viêm.
- Nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe về răng miệng: Thời gian sử dụng núm giả quá dài gây tác động nghiêm trọng đến răng lợi, khiến khớp cắn và răng của bé bị lệch. Nhưng mẹ đừng quá lo lắng, vấn đề này sẽ không ảnh hưởng trong 2 năm đầu đời bởi răng bé sẽ tự hoàn thiện trở lại trong khoảng 6 tháng.
2. Có nên cho bé ngậm núm giả không?
Với những tác hại gây ra từ núm giả, liệu mẹ có nên tiếp tục cho con sử dụng? Có thể nói, vật dụng nào cũng có hai mặt, tuy nhiên việc trở thành người dùng thông thái phụ thuộc lớn vào cách sử dụng của mẹ để khai thác lợi ích và hạn chế tác hại cho con.
Mẹ sử dụng núm giả cho bé nhưng cần lưu ý về thời điểm cũng như độ tuổi:
- Thời gian sử dụng: Bé sơ sinh không nên sử dụng núm giả trong vòng ít nhất 3 – 4 tuần đầu sau sinh. Mẹ có thể cho bé ngậm núm giả vào tuần thứ 6 – thời điểm mẹ đã ổn định lượng sữa cho bé bú và bé đã hình thành thói quen bú sữa tự nhiên. Sử dụng núm giả quá sớm là nguyên nhân chính làm bé giảm động lực bú mẹ, bỏ bú, khó bú.
- Không sử dụng núm khi bé đói: Trước khi cho bé sử dụng núm giả, mẹ nên kiểm tra liệu bé có đang đói bụng không bằng cách cho bé thử ti mẹ, nếu thấy con bú, mẹ cho con măm luôn thay vì dùng ti giả mẹ nhé! Sử dụng núm giả khi đói làm trì hoãn việc bú, khiến bé dần mất phản xạ bú tự nhiên, dần dần bé sẽ chỉ ngậm ti, không chịu hút sữa trong những lần bú sau.
Việc lạm dụng núm giả khiến bé bị phụ thuộc, gây khó khăn khi mẹ muốn cai núm giả sau này. Ngoài ra, dù núm giả tạo cảm giác an toàn khi ngủ nhưng cũng khiến bé giật mình tỉnh giấc quấy khóc giữa đêm,nếu núm giả rơi khỏi miệng bé đó ạ!
Mẹo cho mẹ: Góc của mẹ chia sẻ một số mẹo dỗ bé lành mạnh thay vì lạm dụng núm giả cho mẹ đây!
- Dỗ bé ngủ ngon: Mẹ vuốt ve, ủ ấm, hát ru giúp bé cảm thấy ấm áp trong vòng tay mẹ và an tâm chìm vào giấc ngủ sâu. Nếu gặp khó khăn trong việc ru bé ngủ ngon, mẹ có thể tham khảo: 10+ mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc từ chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ trước khi cho bé dùng ti giả mẹ nhé! Những điều tưởng như đơn giản nhưng sẽ giúp bé có giấc ngủ ngon, bé không cáu gắt, mẹ lại có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
- Ngăn bé mút tay: Mút tay là bản năng của tất cả bé nên mẹ đừng quá lo lắng. Thấy bé mút tay, mẹ vỗ về đánh lạc hướng, tạo cảm giác an toàn cho bé và nhẹ nhàng đưa tay khỏi miệng bé. Dần dần, bé sẽ bỏ được thói quen này thôi mẹ ạ!
3. Lưu ý khi chọn và tập cho bé ngậm núm giả
3.1. Lưu ý khi chọn núm ti giả cho bé
Hiện nay có nhiều loại núm ti giả cho bé, mẹ băn khoăn không biết loại nào an toàn cho tốt nhất cho con Góc của mẹ sẽ bật mí giúp mẹ cách chọn núm giả cho bé ngay đây ạ!
- Về chất liệu: Mẹ ưu tiên sử dụng núm chất liệu cao su mềm dẻo trong những tháng đầu và dùng chất liệu silicon cứng dai hơn khi bé mọc răng và thích nhai. Mẹ chọn sản phẩm không chứa bisphenol-A (BPA) (trên bao bì sản phẩm ký hiệu là BPA Free) vì chất này có nguy cơ gây ra một số bệnh lý nguy hiểm cho bé như tiểu đường, ung thư vú, béo phì, rối loạn hormone…
- Về kích thước: Mẹ lựa núm ti phù hợp với tháng tuổi của bé mẹ nhé, tránh núm vú quá to hoặc quá nhỏ vì khiến bé cảm thấy khó chịu, bức bối, dễ tụt núm, kênh hai hàm. Trên bao bì sản phẩm thường ghi rõ đối tượng sử dụng, mẹ đọc kỹ hoặc hỏi tư vấn của nhân viên để chọn loại phù hợp với con nhé!
- Về thiết kế: Mẹ chọn loại có tấm chắn chắn miệng trên 2,5cm bằng nhựa chắc chắn để tránh bé nuốt phải núm ti giả khi ngậm. Ngoài ra, mẹ chú ý chọn núm ti có lỗ thoát khí, giúp không khí có thể đi vào, tránh nguy cơ bé ngạt thở mẹ nhé!
2 loại núm giả đáp ứng tiêu chí an toàn, chất lượng cho bé:
- Núm ti giả Pigeon (Nhật Bản): Núm ti giả Pigeon với chất liệu silicon không chứa BPA độc hại lại có thể thay đổi hình dạng, độ rộng núm theo từng giai đoạn phát triển của bé. Đặc biệt là khả năng chịu nhiệt cao lên đến 120 độ C, mẹ dễ dàng tiệt trùng núm thường xuyên cho bé. Núm chia kích thước như sau: nấc 1 (0 – 5 tháng), nấc 2 (5 – 8 tháng), nấc 3 (8 – 18 tháng).
- Núm ti giả Avent (Anh Quốc): Sản phẩm được thiết kế ngộ nghĩnh, chất liệu silicon mềm mại, an toàn, hệ thống thông khí tối tân giúp bé cảm thấy thoải mái và có thể tùy chỉnh kích thước cho bé. Sản phẩm được khuyên dùng với bé trên 3 tháng tuổi.
3.2. Lưu ý khi tập cho bé ngậm núm giả
Khi tập cho bé ngậm núm ti giả, mẹ chú ý:
- Không cố ép bé ngậm núm giả: Nếu bé không thích hoặc quấy khóc khi mẹ đưa ti giả vào miệng, mẹ đừng ép con nhé! Con lúc này chưa sẵn sàng, mẹ cố ép sẽ làm bé sợ, thậm chí bỏ bú mẹ đấy ạ!
- Không cho bé sử dụng chung núm ti giả với bé khác: Dùng chung núm giả có thể khiến bé gặp tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn qua đường miệng gây nấm khoang miệng, tróc loét miệng…
- Không buộc núm ti vào cổ bé: Một số mẹ làm như vậy để núm ti không bị rơi ra. Tuy nhiên, khi bé lật mình hoặc thay đổi tư thế, dây buộc này dễ khiến bé bị siết cổ, rất nguy hiểm đó ạ!
- Vệ sinh núm giả thường xuyên: Với núm ti mới, mẹ ngâm trong nước sôi khoảng 10 – 15 phút để loại bụi, khử mùi, diệt khuẩn trước khi cho bé dùng. Trong quá trình sử dụng, mẹ rửa núm ti sau mỗi lần sử dụng bằng nước rửa bình sữa chuyên dụng cho bé sơ sinh để đảm bảo an toàn vệ sinh cho bé nhé. Mẹ lưu ý: Không rửa bằng nước rửa bát vì chứa chất tẩy rửa mạnh, dễ gây kích ứng.
Mong rằng với những chia sẻ trên, mẹ đã có câu trả lời cho câu hỏi có nên cho bé ngậm núm giả hay không. Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!