Bắt đầu hành trình lớn khôn cùng bé con là muôn vàn những điều mới mẻ mẹ cần biết. Ngay từ việc cho bé ăn sữa cũng cần có một bộ dụng cụ rửa bình sữa gồm 6 món để đảm bảo vệ sinh, giúp con yêu được ti dòng sữa thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Cùng Góc của mẹ tìm hiểu đó là những món gì và cách sử dụng ra sao mẹ nhé!
Mục lục
1. Dụng cụ rửa bình sữa gồm những loại nào?
1 – Bộ cọ rửa bình sữa: Gồm cọ bình và cọ núm ti. Cọ có nhiều loại, khác nhau về kiểu dáng, cấu tạo và xuất xứ. Đầu cọ thường được làm từ mút xốp hoặc lông silicone dài/nhỏ tùy theo mục đích mẹ muốn cọ bình hay cọ núm ti. Cán cọ thường được thiết kế xoay 360 giúp mẹ rửa bình nhanh chóng mà không tốn nhiều sức lực,đỡ phải xoay bình nhiều lần, hạn chế rơi vỡ trong quá trình vệ sinh.
2 – Nước rửa bình sữa chuyên dụng
Trong sữa có rất nhiều protein, chất béo, tạo nên lớp cặn trong bình mà nước thường không thể rửa trôi được. Nước rửa bình chuyên dụng cho bé với thành phần tự nhiên, kháng khuẩn vượt trội, không chứa chất tạo bọt, tạo màu, chất bảo quản gây hại đang trở thành lựa chọn được mẹ ưu tiên hàng đầu để con có những bữa sữa thơm ngon và an toàn nhất, hạn chế bình sữa có mùi hôi khó chịu.
3 – Khay úp bình sữa
Khay úp bình sữa là món đồ mẹ nên sắm riêng cho bé bởi các dụng cụ pha, rửa bình sữa cho bé cần được để riêng với bát, đĩa của gia đình, giúp dụng cụ được bảo quản ở trạng thái tiệt trùng. Tốt nhất mẹ nên sắm cho con, mẹ nên chọn mua khay úp bình, núm ti có lồng chụp để tránh bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập, làm bình sữa của con nhiễm khuẩn trở lại.
4 – Các thiết bị tiệt trùng bình sữa
Tiệt trùng bình là bước quan trọng sau khi đã rửa sạch bình với nước rửa chuyên dụng. Tùy theo điều kiện của từng gia đình, mẹ chuẩn bị tiệt trùng bình cho con với 1 trong các dụng cụ như nồi tiệt trùng dành riêng cho bình sữa của bé, lò vi sóng, máy tiệt trùng.
2. Mách mẹ cách chọn các dụng cụ rửa bình sữa
Trên thị trường có rất nhiều dụng cụ rửa bình sữa đa dạng về thành phần cũng như mức giá. Có loại cọ thiết kế tiện lợi nhưng đầu cọ làm bằng nhựa tổng hợp rất cứng, dễ trầy xước bình sữa của con khiến mẹ băn khoăn đứng hàng giờ để chọn. Dưới đây là gợi ý cách chọn dụng cụ rửa bình sữa cho bé yêu chỉ trong 10 phút, theo dõi xem có những lưu ý gì mẹ cần biết nhé.
2.1. Chọn bộ cọ rửa bình sữa an toàn – tiện lợi
2.1.1. Ưu tiên chất liệu an toàn
1 – Chọn đầu cọ chất liệu xốp tươi hoặc silicone
Các chất liệu ưa chuộng sản xuất các sản phẩm cho trẻ em hiện nay phải kể đến là silicone và xốp tươi nguyên chất. Hai nguyên liệu này có ưu điểm là chịu nhiệt tốt, hạn chế xước khi cọ rửa, không chứa BPA và bền, dai ít biến dạng, thay đổi tính chất hóa học khi dùng trong thời gian dài.
- Với cọ làm từ mút, xốp tươi: Có ưu điểm là cọ sạch nhanh hơn nhờ mút dạng miếng chiếm trọng diện tích lòng bình, len lỏi đến từng ngóc ngách trong bình để làm sạch cặn sữa chỉ trong vài lần xoay. Mút xốp mềm mại không gây xước bình, núm ti trong quá trình vệ sinh. Bình sữa của con lúc nào cũng bóng đẹp trơn láng, hạn chế tình trạng vi khuẩn trú ngụ trong các vết xước, tấn công hệ miễn dịch của bé.
- Với cọ làm từ các sợi lông silicone: Cọ silicon ít bắt bụi hơn và dễ khô hơn sau khi sử dụng nhưng độ linh hoạt và mềm mại của đầu cọ không cao, khó cọ sạch hoàn toàn chất bẩn. Mẹ thường mất nhiều thời gian và công sức hơn để cọ sạch được bình sữa của con. Giá thành của cọ silicon cũng cao hơn hẳn cọ làm bằng mút xốp tươi (gấp 2 – 3 lần).
Nếu mẹ muốn đầu tư mua dụng cụ cọ bình sạch hiệu quả và an toàn với giá mềm thì đầu cọ chất liệu xốp tươi sẽ lựa chọn tuyệt vời dành cho mẹ.
2 – Chọn thân cọ chất liệu PP
Nhựa PP (Polypropylene) là một loại polymer có độ bền cơ học cao, nổi tiếng an toàn với trẻ em, bé sơ sinh và thường được dùng làm bình sữa, đồ chơi cho bé. Mẹ ưu tiên chọn thân cọ làm từ chất liệu này để dụng cụ dùng bền hơn và không sinh ra chất độc hại BPA trong quá trình tiệt trùng. Những chất hóa học có trong thân cọ làm bằng nhựa chứa BPA nếu dính vào mút xốp rất dễ gây ra các bệnh như ung thư, rối loại chức năng sinh sản, cực nguy hiểm đó mẹ.
2.1.2. Ưu tiên thiết kế tiện lợi
1 – Đầu cọ phù hợp với thiết kế bình sữa – núm ti
- Đầu cọ bình sữa: Ưu tiên đầu cọ xốp tươi vì khả năng co giãn tốt, phù hợp với mọi kích thước bình sữa. Thiết kế nút cài của một số sản phẩm cọ bình sữa giúp mẹ dễ dàng thay đầu cọ mới chỉ trong 30 giây.
- Đầu cọ núm ti: Mẹ ưu tiên thiết kế cọ thông minh, điều chỉnh theo size núm và có cấu trúc mềm mịn, hạn chế tối đa tình trạng xước, rách núm và vẫn đảm bảo cọ sạch mọi ngóc ngách của núm.
2 – Tay cầm giúp mẹ tiết kiệm thời gian và công sức
- Kích thước cán dài vừa tay: Tương tự như khi chọn bình sữa cho con ti, mẹ nên chọn tay cầm có kích thước vừa tay, giúp mẹ cầm cọ vệ sinh mà không bị mỏi. Cán dài còn giúp mẹ vệ sinh đáy bình sữa có dung tích lớn, bình dài cổ hẹp dễ dàng hơn.
- Thiết kế chống trơn: Thiết kế tay cầm phình ở giữa và thuôn dần về đuôi hoặc có rãnh chống trơn sẽ giúp mẹ dễ dàng cầm nắm để vệ sinh mà không lo trơn trượt khi vệ sinh bình với nước rửa bình sữa.
- Cán xoay 360 độ: Làm sạch mọi ngóc ngách trong bình sữa từ cổ bình, thân bình, đáy bình chỉ trong vài vòng xoay, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức cho mẹ, đặc biệt không hề khiến cổ tay yếu sau khi sinh bé của mẹ bị mỏi.
2.2. Chọn nước rửa bình sữa thiên nhiên làm sạch hiệu quả
Nước rửa bình sữa không còn nghi ngờ gì nữa, chính là một trong những “chiến binh” bảo vệ bình sữa của con khỏi những chất bẩn, mùi hôi khó chịu. Thế nhưng không phải nước rửa bình sữa nào cũng đạt chuẩn, xứng đáng để mẹ chọn mặt gửi vàng đâu ạ. Lưu lại những tiêu chí dưới đây để chọn đúng nước rửa bình sữa cho con mẹ nhé.
1 – Thành phần khử khuẩn – khử mùi hiệu quả: Bình sữa của bé rất dễ có mùi hôi, chua của cặn sữa lên men do vi khuẩn, vi nấm chuyển hóa chất béo, protein và bám lại rất nhanh trong môi trường ấm của bình sữa. Mẹ ưu tiên sản phẩm có thành phần thiên nhiên khử mùi như chiết xuất ngô và rượu dừa, loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, vi nấm an toàn, không gây độc để hương vị sữa của bé luôn trọn vẹn, tự nhiên nhất nhé.
3 – Không chứa chất lưu hương, hóa chất tạo mùi, chất tạo bọt: Các chất hoạt động bề mặt này có tác dụng tạo bọt, giúp tiết kiệm nước rửa nhưng rất dễ gây buồn nôn và tiêu chảy nếu bé hít hoặc nuốt phải. Chất lưu hương không cần thiết trong các sản phẩm nước rửa bình còn bám lại sẽ làm mất hương sữa thơm tự nhiên, khiến bé ăn không ngon miệng. tránh xa những chất này ra mẹ nhé.
2.3. Chọn khay úp bình sữa chống bụi bẩn
Với điều kiện ô nhiễm không khí hiện nay, bụi bẩn bám lại trên đồ dùng rất nhanh, chỉ chờ cơ hội để bám vào đồ dùng của con. Khay úp bình sữa làm từ chất liệu nhựa PP, thiết kế có nắp, đựng được nhiều bình và phụ kiện cùng lúc là những tiêu chí mẹ cần biết để lựa chọn được khay úp đa năng, an toàn nhất. Với các bé nhạy cảm với bụi, mạt nhà, mẹ không đậy bình sữa sau khi vệ sinh rất dễ khiến con chảy nước mũi, dị ứng, mẩn ngứa.
2.4. Chọn các thiết bị tiệt trùng bình sữa đảm bảo an toàn
1 – Nồi tiệt trùng: Mẹ sử dụng nồi riêng biệt, không dùng chung nồi nấu bởi nồi nấu được vệ sinh bằng nước rửa chén thông thường, sẽ tồn dư lại hóa chất không có lợi cho bé. Dầu mỡ và mùi đồ ăn cũ ám lại cũng khiến cho sữa của con không còn tròn vị, bé yêu thông minh sẽ phát hiện ra ngay và không chịu ti, lâu dần sẽ sợ ti bình, chậm lớn.
2 – Lò vi sóng: Mẹ sử dụng lò vi sóng của gia đình để tiệt trùng bình sữa cho con nhưng cần chú ý:
- Vệ sinh sạch lò vi sóng với cồn khử khuẩn hoặc bột baking soda pha muối trước khi dùng
- Không nên tiệt trùng dụng cụ có viền kim loại hoặc chất liệu nhựa dẻo vì trong quá trình tiệt trùng, những sản phẩm này sẽ giải phóng BPA và các phân tử kim loại, bám lên bình sữa của con. Không tốt chút nào đâu mẹ ạ.
- Mẹ nên chuẩn bị khay nước khi cho bình vào tiệt trùng để tránh bình bị co rúm, biến dạng, hỏng hóc.
3 – Máy tiệt trùng bình sữa: Mẹ nên quan tâm đến 3 tiêu chí sau khi chọn máy tiệt trùng bình sữa:
- Chất liệu: Mẹ ưu tiên máy được sản xuất với chất liệu an toàn như PP và ABS. Máy làm từ nhựa PP được kí hiệu hình tam giác cân với số 5 bên trong được in trên máy. Nhựa ABS khó nhận biết bằng mắt hơn, mẹ lưu ý đọc kỹ thông tin sản phẩm trên bao bì để chọn đúng sản phẩm được làm từ loại nhựa này nhé.
- Dung tích khoang chứa: Để tiết kiệm thời gian và số lần tiệt trùng trong ngày, mẹ nên chọn máy có dung tích khoang gấp 5 – 6 lần bình sữa con đang dùng.
- Điều chỉnh được công suất tiệt trùng: Máy có khả năng điều chỉnh công suất cao và thấp sẽ tiện lợi hơn cho mẹ, tùy vào nhu cầu muốn tiệt trùng nhanh cho bé ăn ngay hay tiệt trùng lâu để bảo quản trong ngày.
3. Mách mẹ cách sử dụng các dụng cụ rửa bình sữa tại nhà
Sau khi con ăn xong, mẹ chỉ cần vệ sinh bình sữa của con với 5 bước sau đây là con đã có bình sữa sạch để sử dụng trong cữ ăn tiếp theo rồi ạ:
Bước 1 – Mẹ rửa tay bằng xà phòng: Mẹ nhớ rửa tay trước khi rửa bình cho con với xà phòng diệt khuẩn, hạn chế tối đa vi khuẩn bám trên bình.
Bước 2 – Đổ sữa thừa và tráng bình với nước ấm: Mẹ ngâm núm ti, bình sữa và nắp bình sữa trong nước ấm khoảng 15 phút để cặn sữa bong ra khỏi bình, giúp quá trình vệ sinh cọ rửa diễn ra nhanh chóng hơn.
Bước 3 – Cọ bình và cọ núm với nước rửa chuyên dụng: Trong bước này, mẹ lưu ý tẩm ướt đầu cọ với nước rửa bình sữa, xoay cọ đều để không bỏ qua ngóc ngách nào trên cổ, thân, đáy bình. Với núm ti, mẹ sử dụng cọ chuyên dùng cho núm ti và cọ khoảng 30 giây. Sau đó mẹ kiểm tra lại và lặp lại bước này nếu bình sữa, núm ti của con chưa sạch hoàn toàn.
Bước 4 – Tráng lại với nước sạch: Với nước rửa bình chuyên dụng không tạo bọt, bình sẽ sạch ngay chỉ sau 1 – 2 lần tráng nước, không hề để lại mùi hóa chất trên bình sữa của con.
Bước 5 – Tiệt trùng bình sữa và núm ti:
- Dùng nồi tiệt trùng: Mẹ luộc bình và núm trong nước sôi 10 – 15 phút, cho bình sữa vào trước và cho núm ti vào sau, tránh núm ti bị chảy. Sau khi luộc, mẹ dùng kẹp gắp bình sữa, núm ti ra và úp lên khay, để ráo nước và đậy nắp khay để tránh bụi.
- Dùng lò vi sóng: Mẹ để bình sữa, núm ti trong khay, đổ nước xâm xấp vào khay, đậy lồng và bấm quay lò trong 5 – 10 phút. Mẹ chờ khay nguội để lấy ra và bảo quản bình sữa của con trong khay úp có nắp đậy.
- Dùng máy tiệt trùng: Tùy từng nguyên lý của máy, mẹ làm theo hướng dẫn, xếp bình, núm vào khoang và bật máy đến khi bình được tiệt trùng hoàn toàn.
Như vậy, Góc của mẹ đã chia sẻ cho mẹ cách chọn bộ dụng cụ rửa bình sữa cho bé yêu và một số mẹo nhỏ từ mẹ bỉm thông thái giúp việc rửa bình sau mỗi bữa ăn trở nên dễ dàng, nhanh gọn hơn. Nếu còn điều gì thắc mắc, mẹ hãy để lại câu hỏi tại phần bình luận để Góc của mẹ cùng mẹ gỡ rối nhé!