Bước vào tuần thai thứ 21, mẹ đã ở nửa sau hành trình mang thai rồi. Cảm giác gắn kết giữa mẹ và bé ngày càng rõ ràng hơn. Hiểu được những đặc điểm của cơ thể cũng như sự phát triển của bé trong giai đoạn này sẽ giúp mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất. Cùng Góc của mẹ khám phá những thay đổi ở tuần thai thứ 21 này nhé.
Mục lục
1. Sự phát triển của bé ở tuần thai thứ 21
1.1. Nhịp tim của bé
Lúc này, mẹ đã có thể nghe được nhịp tim bé qua các ống nghe đơn giản rồi. Tuy vẫn còn chút khó khăn khi phân biệt với nhịp thở của mẹ. Nhip tim của bé nhanh hơn, khoảng 120 đến 160 nhịp mỗi phút, nhanh gấp đôi nhịp của mẹ. Nhiều người còn so sánh chúng nghe như tiếng ngựa phi nước đại vậy.
1.2. Chu kỳ ngủ của bé
Bé yêu đã có thể ngủ và thức dậy theo một chu kỳ nhất định. Thậm chí, bé còn có thể ổn định một tư thế ngủ yêu thích ngay trong bụng mẹ nữa đó.
1.3. Ngón tay và ngón chân
Khoảng vào tuần thai thứ 21, ngón tay và ngón chân nhỏ của bé đã thành hình. Bé còn có một ít dấu vân tay và dấu chân nữa. Hơn nữa, bé còn có thể bắt đầu cử động bằng cách mút ngón tay cái của bé.
1.4. Bé đã lớn như thế nào?
Bé có kích thước tương đương với một củ cà rốt. Bé có thể đã nặng tới 0,35 – 0,4 kg rồi đấy. Dài khoảng 25cm và càng ngày càng giống với hình hài đứa trẻ sơ sinh.
1.5. Mí mắt
Trong giai đoạn này, mí mắt của bé cũng đang bắt đầu phát triển. Tuy nhiên phải mất một thời gian khá dài nữa để bé có thể có một cái nháy mắt dễ thương đó mẹ ơi.
1.6. Hệ tiêu hóa
Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn đang được dần hoàn thiện để chuẩn bị cho cuộc sống ở bên ngoài. Chính vì vậy, lượng phân su tăng lên đáng kể trong tuần này. Vào tuần thứ 21, bé đã bắt đầu nuốt dịch màng ối. Ruột của bé đã phát triển đủ để hấp thu một lượng nhỏ các loại đường trong chất lỏng. Lượng đường qua hệ tiêu hóa góp một phần nhỏ trong việc cung cấp dinh dưỡng cho bé. Hầu hết dưỡng chất cho thai nhi được cung cấp thông qua nhau thai và dây rốn.
2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào ở tuần thai thứ 21?
Vậy tuần thai thứ 21 nghĩa là mẹ đã mang thai được bao nhiêu tháng rồi? Lúc này mẹ đã bước vào tháng thứ 6 của thai kỳ rồi nha. Mẹ có thể gặp phải tình trạng ợ nóng và khó tiêu sớm hơn trong tam cá nguyệt thứ nhất. Khi tử cung của mẹ lớn hơn vào thời điểm này ảnh hưởng đến dạ dày. Mẹ sẽ bị ợ nóng thường xuyên hơn.
Trong khoảng thời gian này, hormones thai kỳ có thể gây ra cảm giác nóng bừng (hot flashes). Việc tăng cân nhanh chóng cũng sẽ khiến mẹ bị đau nhức trong những tuần tiếp theo.
3. Những triệu chứng thường gặp khi bước vào tuần thai thứ 21
3.1. Đau lưng
Đau lưng là một triệu chứng thường thấy mà mẹ sẽ phải “đối mặt” trong giai đoạn này. Đặc biệt là ở phần lưng dưới. Vào tuần 21 của thai kỳ, bụng bầu đang phát triển làm dịch chuyển trọng tâm, kéo phần lưng của mẹ về phía trước. Trong khi đó, hormone relaxin nới lỏng mọi khớp và dây chằng trong cơ thể mẹ. Điều này khiến xương chậu mẹ mở rộng đến lúc sinh nở.
3.2. Ợ nóng
Nếu như bị ợ nóng trong tuần này, mẹ cũng đừng lo lắng gì nhé. Vì đây là tình trạng hoàn toàn bình thường với các mẹ lúc này. Tử cung tác động đến dạ dày là nguyên nhân gây ra tình trạng ợ nóng. Bên cạnh đó, hormones thai kỳ làm giãn van giữa thực quản và dạ dày của mẹ, khiến một số axit dạ dày rò rỉ vào thực quản.
3.3. Cảm giác nóng bừng trong người (Hot flashes)
Hormone thai kỳ và sự trao đổi chất tăng lên khiến mẹ cảm thấy nóng và đổ mồ hôi. Mặc quần áo rộng rãi và uống nhiều nước sẽ giúp giảm thiểu tình trạng khó chịu này. Ngoài ra, mẹ chú ý bật quạt hoặc bật điều hòa, cố gắng giữ thoải mái nhất có thể nhé.
3.4. Rạn da
Khi bụng bầu phát triển, một số đường màu nâu đỏ, hồng hoặc tím trên da sẽ xuất hiện. Vết rạn hình thành khi da căng ra trong một khoảng thời gian ngắn và có thể xuất hiện dọc theo bụng, hông, đùi, mông và ngực của mẹ. Mẹ có thể còn cảm thấy ngứa da nữa. Sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ mang đến cho mẹ cảm giác dễ chịu hơn đó.
3.5. Chuột rút chân
Đây là triệu chứng phổ biến các mẹ thường gặp trong tam cá nguyệt thứ hai. Chúng xảy ra nhiều hơn vào ban đêm. Vì thế, trước khi đi ngủ, mẹ nên kéo căng cơ bắp, uống nhiều nước và tắm nước ấm. Điều đó có thể giảm bớt sự khó chịu cho mẹ và ngăn ngừa chuột rút hoàn toàn.
4. Mẹo chăm sóc tốt nhất cho mẹ ở tuần thai thứ 21
4.1. Mẹo giảm đau lưng trong tuần thai thứ 21
Để giảm đau lưng, hãy thử thực hiện những điều này hàng ngày mẹ nhé. Bất cứ khi nào mẹ ngồi, sử dụng một chỗ để chân để nâng bàn chân lên một chút. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải đứng trong khoảng thời gian dài, mẹ nên đặt một chân lên một chiếc ghế nhỏ để giảm áp lực cho lưng dưới. Kết hợp tắm nước ấm giúp giảm đau lưng.Nếu cơn đau lưng dai dẳng ngày càng trầm trọng, mẹ hãy đi khám bác sĩ để có lời khuyên phù hợp kịp thời nhé.
4.2. Tăng cường vitamin B
Các vitamin B, bao gồm B1, B2 và B6, là những chất dinh dưỡng chính vì chúng cung cấp năng lượng cho sự phát triển của bé. Chúng cũng giúp thúc đẩy thị lực và xây dựng nhau thai, cùng với các mô cơ thể khác. Các nguồn thực phẩm như gan, thịt lợn, thịt gia cầm, chuối và đậu là nguồn cung cấp vitamin B rất tốt cho mẹ.
4.3. Bổ sung choline
Choline là một chất dinh dưỡng mẹ cần nhiều hơn khi đang mang thai. Mặc dù cơ thể có thể sản xuất choline tự nhiên nhưng không đủ khi bé phát triển trong bụng mẹ. Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp mẹ bổ sung đủ choline. Gà, thịt bò, trứng, sữa, và đậu phộng là những loại thực phẩm chứa nhiều choline.
Gợi ý thêm cho mẹ về thông tin về dinh dưỡng trong thai kỳ từ A đến Z nha.
4.4. Giữ cân bằng cơ thể
Khi bụng bầu to hơn, mẹ có thể nhận thấy trọng tâm của mình thay đổi và cảm thấy hơi mất thăng bằng. Để bảo đảm an toàn, mẹ nên đi giày đế bằng, cẩn thận khi đi cầu thang. Đặc biệt cần tránh các bề mặt trơn trượt để giảm nguy cơ té ngã. Nếu chẳng may bị ngã, bị chảy máu, bị các cơn co thắt, hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay nhé.
Quan trọng nhất, một tinh thần thoải mái sẽ giúp mẹ tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc khi mang thai rất nhiều. Chúc mẹ sẽ có một tuần thai thứ 21 mạnh khỏe và ý nghĩa.