Hơn ⅔ phụ nữ bị đau lưng khi mang thai, theo một khảo sát cho biết. Vậy thực sự nguyên nhân khiến các mẹ bị đau lưng là gì? Điều này có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của mẹ? Cùng Góc của mẹ đọc ngay bài viết bên dưới để hiểu rõ hơn, các mẹ nhé.
Mục lục
1. Nguyên nhân đau lưng khi mang thai trong 3 tháng đầu
1.1. Thay đổi nội tiết tố
Trong ba tháng đầu, nồng độ progesterone trong cơ thể tăng nhanh. Điều này giúp thư giãn các cơ và dây chằng gần xương chậu. Tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và liên kết của các khớp.
Một loại hormone khác mà các bác sĩ gọi là relaxin giúp trứng cấy vào thành tử cung, đồng thời ngăn ngừa các cơn co thắt trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Khi gần chuyển dạ, relaxin kích thích làm mềm cổ tử cung. Hơn nữa, relaxin làm thư giãn dây chằng và khớp ở vùng xương chậu để sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, relaxin có thể ảnh hưởng đến các khớp ở khung chậu, mất ổn định. Từ đó gây ra đau lưng khi mang thai.
1.2. Stress
Mang bầu có thể khiến nhiều mẹ cảm thấy căng thẳng, ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý. Stress có thể gây ra các triệu chứng về thể chất. Chẳng hạn như mệt mỏi, đau đầu, cứng khớp, đau cơ, đau lưng.
2. Nguyên nhân đau lưng khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, tử cung tiếp tục mở rộng khi thai nhi ngày một lớn hơn. Thay đổi tư thế, tăng cân và tách cơ đều góp phần gây đau lưng trong 2 giai đoạn này của thai kỳ.
2.1. Thay đổi tư thế
Khi em bé tăng cân, cơ thể mẹ bầu, nhất là phần phía trước sẽ phải thay đổi để di chuyển dễ dàng hơn. Khi đẩy người về phía trước như vậy vô tình tạo áp lực cho các cơ lưng. Từ đó khiến mẹ bầu thấy đau phần thắt lưng và cứng cơ.
2.2. Tăng cân
Cân nặng của phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé. Và nó cũng góp phần gây ra đau thắt lưng và đau khớp. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – The Centers for Disease Control and Prevention (CDC) khuyến nghị mẹ bầu nên tăng cân một cách hợp lý:
- Tăng 12 – 18kg khi mang thai nếu mẹ bầu thiếu cân trước khi mang thai
- Tăng 11 – 15kg khi mang thai nếu mẹ bầu có cân nặng bình thường
- Tăng 7 – 11kg khi mang thai nếu mẹ bầu bị thừa cân
- Tăng 5 – 9kg khi mang thai nếu mẹ bầu bị béo phì
2.3. Tách cơ
Phần bụng có hai dải cơ song song với nhau, chúng giúp bảo vệ cơ quan bên trong, đồng thời giúp ổn định cột sống. Khi mang thai, em bé phát triển, cơ bụng căng ra. Trong nhiều trường hợp, chúng tách ra. Áp lực này có thể dẫn đến tình trạng Diastasis recti – Tách cơ bụng sau sinh. Hay còn gọi là xổ bụng sau sinh.
Khi cơ bụng căng ra, chúng trở nên yếu hơn. Điều này có thể khiến tăng nguy cơ đau lưng khi mang thai.
3. Làm thế nào để giảm đau lưng khi mang thai
Có thể đau lưng là điều không thể tránh khỏi khi mang thai. Tuy nhiên, có nhiều cách giúp mẹ giảm đau lưng cả trong và sau khi mang thai:
- Luôn thay đổi tư thế, không ngồi một vị trí quá lâu
- Nằm nghiêng hoặc tư thế mẹ thấy ít đau nhất
- Học thiền, yoga cho bà bầu
- Ngủ đủ giấc
- Massage để thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng
- Sử dụng đai lưng hỗ trợ khi mang bầu
4. Lời khuyên để phòng ngừa và giảm đau lưng khi mang thai
- Tăng cường hoạt động cơ bắp với những bài thiện an toàn và có lợi với thai kỳ
- Duy trì cân nặng khoẻ mạnh trong suốt thai kỳ
- Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên với sự theo dõi và đồng ý của bác sĩ
- Đi giày đế thấp
- Tránh đứng lâu trong một thời gian dài
- Tránh nâng vật quá nặng
5. Khi nào mẹ bầu cần đi khám bác sĩ
Đau lưng khi mang thai hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải. Nhưng nếu có các triệu chứng sau, các mẹ hãy đến bác sĩ để thăm khám ngay nhé.
- Đau dữ dội
- Cơn đau kéo dài hơn 2 tuần
- Bị chuột rút liên tục, tần suất tăng dần
- Đau khi đi tiểu
- Ngứa ran ở tay chân
- Chảy máu âm đạo
- Dịch âm đạo không đều màu
- Sốt
Đau thần kinh tọa xảy ra do chấn thương hoặc kích thích dây thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa khi mang thai xảy ra khi thai nhi đang phát triển gây áp lực lên dây thần kinh tọa. Triệu chứng của đau thần kinh tọa là đau thắt lưng, từ mông xuống chân. Nếu mẹ bầu bị đau lưng dữ dội kéo dài hơn 2 tuần thì hãy đến bác sĩ để được kiểm tra ngay nhé.
Đau lưng khi mang thai là vấn đề các mẹ khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các mẹ hoàn toàn có thể làm giảm cảm giác đau mỏi bằng những cách kể trên. Đồng thời, luôn giữ tinh thần thoải mái trong suốt thai kỳ cũng góp phần giúp cơ thể mạnh mẽ hơn.