Mẹ bầu thường lo lắng và căng thẳng khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ. Sau đây sẽ là TOP 4 điều hữu ích giúp mẹ khi chẩn đoán chuyển dạ.
Mục lục
1. Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là quá trình sinh lý bình thường của sản phụ khi sắp sinh. Nó bắt đầu từ những cơn đau tử cung đều đặn cho đến khi thai nhi và nhau thai được sổ ra.
Thai nhi trong quá trình chuyển dạ sẽ di chuyển đến tử cung. Dưới sự kết hợp của các cơn gò tử cung và sức rặn của mẹ, em bé sẽ được chào đời. Thời gian chuyển dạ của mỗi người khác nhau và tùy thuộc vào cơ địa của mỗi sản phụ.
Mẹ thường chuyển dạ từ tuần 37 – 42 của thai kỳ. Đối với trường hợp sinh non, chuyển dạ sẽ rơi vào tuần 22 đến tuần 37 của thai kỳ. Khi mẹ nhận thấy dấu hiệu chuyển dạ thực sự ở trước tuần thứ 37, mẹ cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ hỗ trợ kịp thời.
2. Dấu hiệu nhận biết chuyển dạ
Để chẩn đoán chuyển dạ chính xác, mẹ có thể tham khảo 3 dấu hiệu chính sau đây:
- Các cơn gò tử cung đều đặn và có cường độ mạnh dần. Các cơn gò càng về sau sẽ càng tăng dần đều về tần số và cường độ.
- Dịch âm đạo thay đổi có màu hồng hoặc nâu và độ nhầy sẽ đặc hơn. Đây là dấu hiệu cổ tử cung bắt đầu được xóa mở. Nếu mẹ đã bị chảy nước ối trước thì sẽ không xuất hiện dịch âm đạo này.
- Chảy nước ối là khi nước ối trong buồng tử cung sẽ chảy ra ngoài theo đường âm đạo. Lượng nước ối ít hay nhiều tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.
Ngoài ra, cũng có một vài dấu hiệu chuyển dạ khác như tiêu chảy, đau lưng, chuột rút nhiều lần, bụng bầu bị tụt xuống, đau bất thường ở bụng dưới…
3. Cách chẩn đoán chuyển dạ thật và chuyển dạ giả
3.1. Chuyển dạ giả là gì?
Chuyển dạ giả hay còn được gọi là cơn gò Braxton Hicks thường xuất hiện từ tuần 20 của thai kỳ. Sau đó các cơn gò sẽ tăng dần từ tuần 32 cho đến khi mẹ chuyển dạ thực sự. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng phải trải qua giai đoạn chuyển dạ giả này.
Các cơn gò Braxton Hicks có cường độ không mạnh và tần suất cùng không đều. Chuyển dạ giả cũng không làm co giãn cổ tử cung như chuyển dạ thật. Đồng thời, chuyển dạ giả chỉ là đau thắt chặt ở phần bụng và xương chậu. Mẹ nhớ lưu ý dấu hiệu này để chẩn đoán chuyển dạ giả một cách chính xác.
3.2. Các dấu hiệu phân biệt chuyển dạ thật và chuyển dạ giả
Giai đoạn gần cuối thai kỳ, mẹ thường rất lo lắng khi có sự xuất hiện của các cơn co thắt vùng bụng. Nhưng mẹ cần bình tĩnh để phân biệt giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả để tránh tình trạng nhập viện quá sớm. Sau đây là 4 đặc điểm giúp mẹ chẩn đoán chuyển dạ thật và chuyển dạ giả:
- Cơn gò tử cung: Chuyển dạ thật các cơn gò sẽ xuất hiện và tăng dần một cách đều đặn về tần suất và cường độ. Trong khi các cơn gò tử cung giả sẽ có tần suất và độ mạnh thất thường, không tăng theo thời gian.
- Túi ối: Túi ối đã được thành lập ở giai đoạn chuyển dạ thật. Đối với chuyển dạ giả, túi ối vẫn chưa được hoàn thành.
- Các cơn co thắt: Chuyển dạ thật, các cơn co thắt rất mạnh và không dừng lại kể cả khi mẹ di chuyển hoặc thay đổi tư thế. Chuyển dạ giả khi mẹ thay đổi tư thế, hoặc nghỉ ngơi các cơn co thắt sẽ giảm và dừng lại hẳn.
- Vùng bị đau: Các cơn co gò của chuyển dạ thật sẽ bắt đầu từ vùng thắt lưng đến quanh bụng rồi đến vùng chậu. Trong khi các cơn thắt của chuyển dạ giả chỉ chủ yếu ở vùng bụng và xương chậu.
4. Khi nào nên đến bệnh viện chẩn đoán chuyển dạ?
Khi mẹ đã biết chẩn đoán chuyển dạ thật và giả, mẹ nên đến bệnh viện khi có dấu hiệu của chuyển dạ thật. Đối với chuyển dạ giả, mẹ đừng vội nhập viện ngay vì sẽ gây căng thẳng về tâm lý cho mẹ và cả người thân bên cạnh.
Tuy vậy, mẹ cần đến bệnh viện ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào dưới đây:
- Dịch âm đạo có máu tươi.
- Vỡ nước ối có màu xanh hoặc nâu.
- Các cơn gò nghiêm trọng cứ lập lại sau 5 phút và kéo dài trong 1 giờ
- Triệu chứng bất thường của mẹ như hoa mắt, đau đầu, cơ thể sưng phù.
- Giai đoạn trước tuần thứ 37, mẹ xuất hiện các dấu hiệu của chuyển dạ thật hoặc sinh non.
5. Các bước khám chẩn đoán chuyển dạ
5.1. Bác sĩ hỏi mẹ trước khi chẩn đoán chuyển dạ
- Tiền sử: cá nhân, gia đình, tiền sử sản phụ khoa.
- Tình hình kỳ thai này:
- Kinh cuối cùng.
- Diễn biến quá trình thai nghén. Kết quả các lần khám thai.
Dấu hiệu chuyển dạ: tính chất của đau bụng, ra nhầy hồng…
5.2. Khám toàn thân
Mẹ được đo chiều cao, cân nặng, đếm mạch, đo huyết áp, đo thân nhiệt, nghe tim phổi, khám phù, da – niêm mạc, quan sát toàn bộ (thể trạng, cao, lùn, thọt…). Đặc biệt chú ý với mẹ đẻ con so hay đẻ con rạ nhưng lần để trước con bé, đẻ khó…
5.3. Khám sản khoa
Bác sĩ sẽ thực hiện các công việc chẩn đoán chuyển dạ như sau:
- Quan sát bụng to hay nhỏ, tư thế tử cung.
- Đo chiều cao tử cung, vòng bụng.
- Sờ nắn bụng xem ngôi thế.
- Nghe tim thai.
- Đo cơn co tử cung.
- Đo và đánh giá khung chậu ngoài
- Thăm âm đạo đánh giá tình trạng
Sau đó, bác sĩ đưa ra kết luận chẩn đoán chuyển dạ của mẹ.
Với 5 điều chia sẻ trên, hy vọng sẽ giúp ích trong việc chẩn đoán chuyển dạ của mẹ. Mẹ đừng quá lo lắng khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ. Vì đó là quá trình mà bất cứ sản phụ nào cũng trải qua. Mẹ cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để có sức khỏe và một tinh thần tốt nhất để chào đón bé yêu ra đời nhé!