Mang thai là một hành trình dài với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, chăm sóc mẹ bầu đúng cách giúp hành trình mang thai trở nên an tâm hơn. Bởi sức khoẻ của mẹ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Hãy cùng Góc của mẹ đọc ngay bài viết này để hiểu hơn về chăm sóc mẹ bầu đúng cách, bố mẹ nhé!
Mục lục
1.Chăm sóc mẹ bầu – chìa khoá để bảo vệ sức khoẻ mẹ và bé
Chăm sóc mẹ bầu không chỉ là chuẩn bị sức khoẻ, tinh thần, vật chất trước khi mang thai còn cả khi mang thai nữa. Chăm sóc đúng cách giúp mẹ khoẻ mạnh hơn, bé yêu trong bụng cũng phát triển tốt hơn.
Ngay khi biết mình có thai, các mẹ hãy chủ động đến gặp bác sĩ để làm những xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh nhé. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ biết tình hình phát triển của bé. Đồng thời cũng có thể phát hiện sớm những bất thường ở thai nhi.
Góc của mẹ đã có bài viết chi tiết về xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh. Mẹ đọc ở đây để biết thêm chi tiết.
1.1.Khám thai và làm xét nghiệm sàng lọc
Sau lần khám thai đầu tiên, các mẹ khoẻ mạnh và không có những bất thường nào về sức khoẻ mẹ và bé, thì có thể khám thai:
- Cứ sau 4 tuần cho đến tuần thứ 28 của thai kỳ
- Sau đó, cứ sau 2 tuần cho đến tuần 36
- Sau đó mỗi tuần 1 lần cho đến khi sinh
Trong suốt thai kỳ, những lần khám thai bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng và huyết áp của mẹ. Đồng thời kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của em bé. Bằng phương pháp siêu âm, đo tim thai, xét nghiệm,….Trong suốt quãng thời gian mang thai, mẹ bầu cũng sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh, bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu, cổ tử cung,…
1.2.Bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu
Suy nghĩ ăn cho 2 người không còn thực sự đúng như mọi người vẫn nghĩ. Bởi mỗi mẹ cần bổ sung dinh dưỡng, năng lượng khác nhau. Với những mẹ đang gầy, hoặc mang thai đôi, thai ba,… sẽ cần bổ sung nhiều dinh dưỡng và calo hơn. Với những mẹ đang thừa cân, các mẹ vẫn cần bổ sung chất dinh dưỡng nhưng với một lượng vừa phải. Vì vậy, khi mang bầu, các mẹ cần nhớ ăn uống lành mạnh mới là điều quan trọng. Không phải cứ ăn thật nhiều là đã tốt, các mẹ nhé. Thay vào đó, các mẹ nên lựa chọn những thực phẩm mang lại chất dinh dưỡng để giúp bé phát triển.
Tham khảo thêm về chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu tại đây.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng với những thực phẩm như:
- Thịt nạc
- Trái cây
- Rau, củ
- Các loại hạt
- ….
Sau đây là những chất dinh dưỡng thiết yếu các mẹ bầu cần bổ sung:
1.2.1. Canxi
Hầu hết nữ giới từ 19 tuổi trở lên – bao gồm cả những người đang mang thai – thường không nhận được 1.000 mg canxi mỗi ngày theo khuyến nghị. Vì nhu cầu canxi cho sự phát triển của thai nhi rất cao, mẹ bầu nên tăng mức tiêu thụ canxi để ngăn ngừa mất canxi từ xương của chính mình. Bác sĩ cũng có thể sẽ kê thêm vitamin trước khi sinh, có thể chứa thêm canxi giúp các mẹ bổ sung thêm. Không chỉ phụ thuộc vào nguồn vitamin qua đường uống, các mẹ nên bổ sung qua thực phẩm. Nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm:
- Các sản phẩm từ sữa ít béo bao gồm sữa, phô mai tiệt trùng và sữa chua Các sản phẩm tăng cường canxi: nước cam, sữa đậu nành và ngũ cốc
- Rau màu xanh đậm: rau bina, cải xoăn và bông cải xanh
- Đậu hũ
- Các loại đậu
- Quả hạnh nhân
1.2.2. Sắt
Phụ nữ mang thai cần khoảng 30 mg sắt mỗi ngày. Bởi sắt là chất cần thiết để tạo ra huyết sắc tố, thành phần mang oxy của các tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu chạy khắp cơ thể để cung cấp oxy cho tất cả các cơ quan. Không có đủ chất sắt, cơ thể không thể tạo đủ tế bào hồng cầu và các mô và cơ quan của cơ thể sẽ không nhận được oxy cần thiết để hoạt động tốt. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng đối với mẹ bầu là có đủ chất sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Mặc dù chất dinh dưỡng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác nhau, sắt từ thịt dễ dàng được cơ thể hấp thụ hơn so với sắt có trong thực phẩm thực vật. Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:
- Thịt đỏ
- Gia cầm
- Cá hồi
- Trứng
- Đậu hũ
- Ngũ cốc
- Đậu Hà Lan
- Trái cây sấy
- Rau màu xanh đậm
1.2.3. Folate (Axit Folic)
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – The Centers for Disease Control and Prevention (CDC) khuyến nghị tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – và đặc biệt là những người đang có kế hoạch mang thai – nên bổ sung khoảng 400 microgam (0,4 miligam) axit folic mỗi ngày. Có thể bổ sung từ vitamin tổng hợp hoặc từ thực phẩm.
Tại sao axit folic rất quan trọng? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic 1 tháng trước khi mang thai và trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
1.2.4. Vai trò quan trọng của folate với sự phát triển của thai nhi
Ống thần kinh được hình thành trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ. Thậm chí có thể trước khi một người phụ nữ biết mình có thai. Và tiếp tục phát triển thành não và tủy sống của em bé. Khi ống thần kinh hình thành không đúng cách, thai nhi có thể bị dị tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống.
Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai, các mẹ nên bổ sung axit folic trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu của thai kỳ nhé. Để biết nên bổ sung bao nhiêu là hợp lý, các mẹ nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể. Tránh tự ý uống, không theo hướng dẫn, chỉ dẫn của bác sĩ.
1.2.5. Bổ sung nước
Nhiều mẹ bầu gặp tình trạng táo bón hoặc thiếu ối trong quá trình mang thai. Một trong những lý do đó có thể là do mẹ uống quá ít nước. Vì vậy, luôn chủ động bổ sung đủ nước cho cơ thể, các mẹ nhé. Đặc biệt là trong khi mang thai. Uống đủ nước giúp các mẹ ngăn ngừa tình trạng mất nước, táo bón hoặc thiếu ối.
Các mẹ có thể bổ sung nước bằng cách uống nước lọc hoặc những loại nước tốt cho sức khoẻ. Tránh uống nước ngọt, cafe, bia,… các mẹ nhé.
1.2.6. Tập thể dục
Tập thể dục mang lại những lợi ích vô cùng tốt cho sức khoẻ, không chỉ với mọi người nói chung, đặc biệt với mẹ bầu. Tập thể dục thường xuyên giúp mẹ bầu:
- Ngăn ngừa tăng cân không cần thiết
- Giảm các vấn đề liên quan đến thai kỳ, như đau lưng, phù và táo bón
- Cải thiện giấc ngủ
- Cải thiện tâm trạng
- Giảm thời gian phục hồi sau khi sinh
- …
Tập thể dục với tác động nhẹ nhàng, cường độ vừa phải (như đi bộ và bơi lội) là những lựa chọn tuyệt vời cho các mẹ. Các mẹ cũng có thể thử các lớp yoga, Pilates, hoặc tập theo bài tập từ các ứng dụng tập thể dục phù hợp với thai kỳ. Đây là những tác động nhẹ nhàng, mang lại sự linh hoạt và thư giãn cho cơ thể. Các mẹ nên hạn chế tập thể dục nhịp điệu, tác động nhanh, mạnh hay các môn thể thao có nguy cơ bị ngã hoặc chấn thương bụng.
Lưu ý khi tập thể dục
Điều quan trọng là mẹ phải nhận thức được cơ thể đang thay đổi như thế nào để lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp. Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu tạo ra một loại hormone gọi là relaxin. Relaxin có vai trò ngăn ngừa các cơn co thắt sớm, giúp giữ thai và tránh làm sảy thai. Tuy nhiên, nó cũng làm lỏng dây chằng trong cơ thể, khiến cơ thể mẹ kém ổn định và dễ bị chấn thương hơn. Vì vậy, tập những bài tập nặng, nhanh, mạnh có thể gây áp lực cho toàn cơ thể, đặc biệt là các khớp ở xương chậu, lưng dưới và đầu gối.
Ngoài ra, trọng tâm của mẹ bầu thay đổi khi thai nhi ngày một lớn hơn. Do đó mẹ có thể cảm thấy mất cân bằng và có thể bị ngã. Vì vậy, khi lựa chọn hình thức/ bộ môn để tập thể dục, các mẹ hãy cân nhắc cẩn thận nhé. Tập từng chút một, lắng nghe cơ thể. Dừng lại nếu thấy bất kỳ vấn đề bất thường nào hoặc thấy không thoải mái.
1.2.7. Giấc ngủ
Điều quan trọng khi chăm sóc mẹ bầu chính là chất lượng giấc ngủ. Ngủ đủ giấc khiến mẹ bầu cảm thấy thoải mái, khoẻ khoắn hơn. Khi mang thai, nhiều mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Và khi thai nhi lớn hơn, các mẹ sẽ khó tìm được tư thế thoải mái khi ngủ.
Nằm nghiêng về một phía, nhất là bên trái có thể là tư thế thoải mái nhất khi mang thai. Tư thế này được cho là tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu. Bởi:
- Nằm nghiêng bên trái giúp giảm áp lực của các bộ phận khác lên tử cung. Đồng thời giúp động mạch chủ – cung cấp máu, chất dinh dưỡng đến thai nhi hoạt động bình thường
- Giúp tử cung dễ dàng mở rộng, không chịu áp lực từ các bộ phận khác trong cơ thể ở 3 tháng cuối thai kỳ. Em bé dễ dàng nhận được oxy, máu và các chất dinh dưỡng
- Giúp ngăn ngừa hoặc giảm chứng giãn tĩnh mạch, bệnh trĩ và sưng ở chân.
2.Một số điều cần tránh khi mang thai
2.1.Tránh/ hạn chế uống rượu/ bia
Chưa có nghiên cứu/ con số cụ thể nào về số lượng sử dụng rượu, bia được cho là an toàn cho mẹ bầu và thai nhi. Có thể uống rượu bia vừa phải không gây ra những bất thường nghiêm trọng cho thai nhi, nhưng vẫn có thể có những rủi ro nhất định. Hệ quả của việc uống nhiều rượu bia có thể khiến bé có nguy cơ mắc hội chứng suy thai do rượu ở thai nhi (Fetal Alcohol Syndrome – FAS).
Hội chứng FAS này có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trong cho em bé: vấn đề phát triển trí não, cơ thể. Nếu các mẹ đã uống rượu bia khi không biết mình mang thai thì hãy ngừng uống ngay nhé. Còn khi biết mình có thai rồi, việc hoàn toàn ngừng uống rượu bia là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khoẻ của bé và bản thân.
2.2.Hút thuốc lá, thuốc có chất kích thích
Phụ nữ mang thai hút thuốc lá, thuốc có chất kích thích có thể khiến thai nhi gặp những rủi ro sau:
- Có nguy cơ sinh non
- Tăng trưởng kém
- Nhẹ cân sau khi sinh
- Dị tật bẩm sinh
- Mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome – SIDS)
- Có các vấn đề về hành vi và học tập
- Hen suyễn và các vấn đề về hô hấp khác
2.3.Hạn chế/ tránh sử dụng thực phẩm chứa caffeine
Tiêu thụ caffeine liều cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai. Vì vậy các mẹ nên hạn chế hoặc thậm chí tránh hoàn toàn thực phẩm chứa caffeine nếu được.
Nếu gặp khó khăn trong việc cắt giảm cà phê, đây là cách các mẹ có thể bắt đầu:
- Giảm mức tiêu thụ xuống còn một hoặc hai cốc mỗi ngày
- Dần dần giảm lượng caffeine bằng cách kết hợp sử dụng cà phê Decaf với cà phê thông thường. Cafe Decaf là dòng cà phê được loại bỏ ít nhất 97% hàm lượng caffeine
- Cuối cùng cố gắng cắt bỏ hoàn toàn cà phê
Caffeine không chỉ có trong cà phê. Nhiều loại trà, cola và nước ngọt khác có chứa caffeine. Vì vậy, các mẹ hãy thử chuyển sang các sản phẩm khử caffein (vẫn có thể chứa một lượng ít caffeine) hoặc các chất thay thế không chứa caffeine.
2.4.Lựa chọn thực phẩm lành mạnh
Dinh dưỡng vô cùng quan trọng với chăm sóc sức khoẻ mẹ bầu và em bé. Vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh và an toàn cũng quan trọng không kém. Góc của mẹ đã có bài viết chi tiết về những thực phẩm tốt cho mẹ bầu. Các mẹ có thể đọc chi tiết ở đây nhé.
3.Lưu ý mẹ bầu khi sử dụng thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn
Ngay cả những loại thuốc không kê đơn, được dùng phổ biến thì cũng không thể đảm bảo là có chắc chắn an toàn cho em bé hay không. Không chỉ vậy, một số loại thuốc kê đơn cũng có thể gây hại cho thai nhi. Vì vậy, để đảm bảo an toàn nhất, các mẹ bầu nên:
- Hỏi bác sĩ thật kỹ về những loại thuốc các mẹ uống có an toàn không, cả thuốc theo đơn lẫn không theo đơn
- Nói với bác sĩ những loại thuốc mẹ đang dùng
- Nếu bị dị ứng với thành phần nào của thuốc, mẹ cũng nói với bác sĩ nhé
- Nếu mẹ đã được kê thuốc trước khi mang thai vì bệnh, hoặc vấn đề nào đó về sức khoẻ, hãy nói chuyện với bác sĩ, mẹ nhé. Nếu mẹ bị bệnh (ví dụ như bị cảm lạnh) hoặc có các triệu chứng khiến mẹ cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn (như đau đầu hoặc đau lưng) khi mang thai, mẹ cũng nên gặp bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ đưa ra các cách để giúp mẹ cảm thấy tốt hơn mà không cần dùng thuốc.
4.Luôn chăm sóc sức khoẻ mẹ bầu trong suốt thai kỳ
Mang thai là một hành trình dài. Vì vậy, điều quan trọng là các mẹ hãy tự chăm sóc bản thân thật tốt để có thể chăm sóc em bé. Có thể các mẹ sẽ phải kiêng khem nhiều món ăn hay không được làm những việc trước đó nhưng tất cả những điều đó đều giúp em bé phát triển tốt nhất. Tránh những trường hợp không đáng có. Vì vậy, các mẹ hãy kiên trì và cố gắng nhé.