Sinh mổ có thể tác động lớn đến sức khoẻ và tinh thần của mẹ trong những tuần sau đó. Vì vậy, chăm sóc sau sinh mổ là điều cực kỳ quan trọng, không chỉ mẹ mà cả gia đình đều cần quan tâm. Để tăng tốc độ phục hồi cho mẹ, Góc của mẹ đã tổng hợp 29 tips sau đây. Mẹ và cả nhà hãy đọc và lưu lại ngay nhé.
Mục lục
1. Chăm sóc sau sinh mổ – chăm sóc thể chất
1.1. Trước khi rời bệnh viện
- Trong vòng 24 giờ đầu sau khi phẫu thuật, mẹ cố gắng đi vệ sinh nhé. Điều này giúp bắt đầu quá trình chữa lành và cơ thể quen với việc di chuyển cùng vết mổ. Mẹ nhớ di chuyển chậm, chắc nhé.
- Đi tiểu sau khi rút ống thông tiểu có thể gây đau cho mẹ. Mẹ hãy yêu cầu y tá giúp bạn để mọi việc dễ dàng hơn.
- Nói chuyện với bác sĩ về việc đối phó với những cơn đau sau khi phẫu thuật. Nếu mẹ muốn dùng thuốc, hãy mua thuốc theo đơn và đọc kỹ những tác dụng phụ cho cả mẹ và bé. Còn nếu mẹ không muốn dùng thuốc, mẹ cũng hãy hỏi bác sĩ để có những lựa chọn thay thế an toàn khác.
- Sau khi sinh, kích thước tử cung sẽ co và nhỏ dần về vị trí ban đầu. Điều này có thể khiến các chất dịch lỏng tử cung (sản dịch) chảy ra ngoài theo đường âm đạo. Vì vậy, mẹ cần dùng băng vệ sinh để thấm được chúng. Không sử dụng tampon trong thời gian này.
- Nhẹ nhàng đi dạo quanh phòng cũng có thể giúp cơ thể tăng tốc độ phục hồi.
1.2. Sau khi về nhà
- Các mẹ tránh vận động nhiều, nâng bất cứ thứ gì nặng sau khi sinh mổ
- Nếu sản dịch có dấu hiệu bất thường (mùi hôi) hoặc mẹ thấy căng tức, đau vùng hạ vị, sốt nhẹ thì có thể mẹ bị bế sản dịch sau sinh. Mẹ cần đến bệnh viện để xử lý kịp thời.
- Mẹ nhớ đủ nước và ăn các thực phẩm lành mạnh để khôi phục năng lượng, ngăn ngừa táo bón
- Luôn theo dõi tình trạng sức khoẻ. Nếu có những biểu hiện khác thường như sốt, đau,.. mẹ nên gọi bác sĩ và đến bệnh viện để theo dõi.
2. Những điều nên tránh sau khi sinh mổ
- Quan hệ tình dục, cho đến thời điểm an toàn, cơ thể phục hồi hoàn toàn
- Sử dụng tampon hoặc thụt rửa
- Dùng bể bơi công cộng hoặc bồn tắm nước nóng
- Nâng vật nặng
- Liên tục sử dụng cầu tháng
- Tập thể dục
3. Chăm sóc sức khoẻ sau sinh mổ – chăm sóc cảm xúc
- Dành thời gian hàng ngày để gắn kết với em bé
- Chia sẻ cảm xúc với chồng, người thân, bạn bè, nhất là những cảm xúc tiêu cực
- Yêu cầu giúp đỡ
- Đọc sách, nghe nhạc, xem phim,… bất kỳ hoạt động nào giúp mẹ cảm thấy tốt hơn, thoải mái hơn
4. 9 mẹo giúp mẹ phục hồi nhanh hơn
4.1. Nghỉ ngơi nhiều
Nghỉ ngơi rất quan trọng để cơ thể mẹ phục hồi sau sinh mổ. Tuy nhiên, đối với nhiều người lần đầu làm cha mẹ, nghỉ ngơi là gần như không thể với một em bé mới sinh trong nhà. Bé mới sinh có thể chỉ ngủ 1 hoặc 2 giờ mỗi lần. Vì vậy, các mẹ nên cố gắng ngủ khi em bé ngủ, hoặc nhờ sự giúp đỡ của người thân để có thể chợp mắt.
Nhiều mẹ bỏ giấc ngủ để dọn bát đĩa hoặc dọn nhà cửa sạch sẽ. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ. Do đó, sau khi sinh mổ, mẹ nên cố gắng ngủ càng nhiều càng tốt để cơ thể phục hồi nhanh hơn.
4.2. Yêu cầu giúp đỡ
Cơ thể mẹ mới sinh mổ xong còn rất yếu, có nhiều việc không thể tự làm một mình được. Vì vậy, mẹ hãy yêu cầu giúp đỡ từ bố hoặc người thân nhé.
4.3. Điều khiển cảm xúc của bản thân
Nhiều mẹ sau khi sinh xong (sinh thường và sinh mổ) đều có những trạng thái cảm xúc khác nhau, và thường là cảm xúc không được tích cực cho lắm. Thay vì bỏ qua những cảm xúc tiêu này, mẹ hãy điều khiển để chuyển cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Giải quyết triệt để những cảm xúc tiêu đó. Bởi nếu để lâu, chúng sẽ tích tụ lại và dễ lớn dần lên. Có quá nhiều cảm xúc tiêu cực tích tụ bên trong có thể khiến các mẹ dễ bị trầm cảm sau sinh.
Do đó, các mẹ hãy chủ động giải toả những cảm xúc tiêu cực này nhé. Mẹ có thể nói chuyện tâm sự với chồng, người thân hoặc bạn bè. Hoặc mẹ cũng có thể lựa chọn cách viết ra cảm xúc của mình. Có nhiều cách để giải toả tâm lý, giúp mẹ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.
4.4. Đi bộ thường xuyên
Đi bộ nhẹ nhàng, thường xuyên có thể giúp mẹ giữ dáng và duy trì sức khoẻ tinh thần. Đi bộ cũng làm giảm nguy cơ đông máu và các vấn đề về tim mạch.
4.5. Kiểm soát cơn đau
Mẹ không cần thiết phải chịu đựng cơn đau một mình. Thay vào đó, mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn. Có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng những cách giảm đau khác.
4.6. Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng
Một số bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ tự đo nhiệt độ sau mỗi 24 giờ để theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng. Ngoài ra, mẹ phải chú ý đến các dấu hiệu nhiễm trùng khác, chẳng hạn như sưng, đau dữ dội, hoặc thấy ớn lạnh. Liên lạc với bác sĩ hoặc bệnh viện ngay nếu những triệu chứng này xuất hiện, các mẹ nhé
4.7. Chống táo bón
Sự kết hợp của việc thay đổi nội tiết tố, cơ bụng yếu hơn và nằm nhiều có thể dẫn đến táo bón. Táo bón nặng có thể gây đau đớn và làm tổn thương vết mổ. Các mẹ nhớ uống nhiều nước. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như trái cây và rau quả, có thể giúp ngăn ngừa táo bón.
4.8. Nhờ người nhà cho bé bú
Những mẹ sinh mổ có thể gặp khó khăn khi cho bé bú. Vì vậy, mẹ có thể tham khảo những lưu ý cho bé bú đúng cách. Hoặc có thể nhờ người nhà giúp đỡ để bé bú thuận tiện hơn.
4.9. Yêu cầu giúp đỡ
Một số mẹ bị đau về lâu dài sau khi sinh mổ. Nhiều mẹ thấy cơ thể yếu hơn, không tự chủ được khi đi vệ sinh hoặc bị trầm cảm. Đây là những vấn đề phổ biến, các mẹ không nên cảm thấy xấu hổ nếu gặp những điều này. Những vấn đề này đều có thể giải quyết. Quan trọng là các mẹ hãy yêu cầu sự giúp đỡ và chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của bản thân.
5. Khi nào mẹ nên đi khám bác sĩ
Sau khi mổ và về nhà, mẹ nên gọi bác sĩ hoặc vào viện ngay nếu có những triệu chứng sau:
- Tử cung co thắt dữ dội
- Khó đi tiểu
- Đau đầu thường xuyên
- Cảm thấy lo lắng, buồn bã,… trầm cảm
- Chảy quá nhiều máu
- Có dấu hiệu cho thấy vết mổ bị vỡ: chảy máu, máu rỉ ra từ vết mổ
- Đau bắp chân dữ dội, kèm theo sưng và tê ở bàn chân
- Khó thở
6. Tổng kết
Chăm sóc sau sinh mổ đòi hỏi mẹ cần kiên nhẫn và mạnh mẽ để vượt lên những cảm giác đau đớn, khó chịu ban đầu. Bởi sức khoẻ của mẹ vô cùng quan trọng. Hy vọng bài viết giúp mẹ có thêm những thông tin hữu ích để chăm sóc bản thân tốt hơn.
Nguồn tham khảo
Mayo Clinic Guide To A Healthy Pregnancy Harms, Roger W., M.D., et al, Chapter 12.
Planning Your Pregnancy and Birth Third Ed. The American College of Obstetricians and Gynecologists, Ch. 9.