Rốn sau rụng cũng giống như vết thương chưa lành của mẹ, rất nhạy cảm, dễ nhiễm khuẩn, sưng tấy nếu mẹ không vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Vậy vệ sinh rốn cho bé sau khi rụng thế nào để rốn con mau lành? Cùng Góc của mẹ tìm hiểu nhé!
Mục lục
1. Cách vệ sinh rốn cho bé sau khi rụng nếu chưa lành
Thông thường rốn sẽ rụng sau khi sinh 7-10 ngày hoặc sau 14-20 ngày tùy cơ địa từng bé. Sau khi rụng, rốn chưa lành hoàn toàn, mẹ lưu ý quan sát, vệ sinh để phát hiện những dấu hiệu bất thường và điều chỉnh chế độ chăm sóc kịp thời nhé.
1.1 Chỉ định
1 – Các biểu hiện bình thường: Rốn sau khi rụng 1-4 ngày chảy một chút máu, hơi đỏ nhẹ (là vùng da non mới mọc), đáy rốn hơi ướt và có ít chất lỏng vàng, dính chảy ra. Điều này hoàn toàn bình thường mẹ chỉ cần vệ sinh đúng cách là rốn sẽ khô và lành nhanh thôi ạ.
2 – Các dấu hiệu đặc biệt:
- Nhiễm trùng rốn: Chân rốn, vùng xung quanh rốn bị sưng, xuất hiện mẩn đỏ. Có mủ màu vàng hoặc xanh chảy ra nhiều, ngửi có mùi hôi. Rốn của con chảy máu với lượng ít nhưng kéo dài. Nhiều bé còn sốt cao trên 38 độ kèm theo quấy khóc, chán ăn.
- Uốn ván rốn: Khi điều kiện môi trường, dụng cụ chăm sóc không được vệ sinh, tiệt trùng sạch sẽ, dẫn đến việc nhiễm trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Khi bị uốn ván rốn, bé thường quấy khóc, bỏ bú, sốt cao, cứng hàm, co cứng toàn thân, thậm chí khó thở.
- Viêm động mạch rốn: Đáy rốn được nối thông với các mạch máu, động mạch, nếu không được vệ sinh đúng cách, vi khuẩn rất dễ xâm nhập gây viêm động mạch rốn. Nếu phần bụng dưới rốn bị sưng phù, tấy đỏ, vuốt thành bụng theo chiều từ xương mu lên rốn có mủ chảy ra, bé có nguy cơ bị viêm động mạch rốn rồi đó ạ.
- Viêm tĩnh mạch rốn: Nếu vuốt từ mỏm ức xuống thấy mủ chảy ra, rất có thể bé đã bị viêm tĩnh mạch rốn. Trong trường hợp này, vi khuẩn tấn công sang các cơ quan lân cận như gan, mật, từ đó dẫn đến nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.
Mẹ đặc biệt lưu ý khi vệ sinh rốn cho bé sau khi rụng, nếu gặp một trong 4 biểu hiện đặc biệt trên, mẹ đưa bé đến phòng khám, bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám, tránh các biến chứng như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng nội tạng và ổ bụng rất nguy hiểm. Sau khi khám bác sĩ, me nên kết hợp chăm sóc và vệ sinh tại nhà như hướng dẫn dưới đây để rốn bé lành nhanh hơn.
1.2 Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh rốn
- Dung dịch sát trùng: Cồn 70 độ hoặc Povidone Iodine 2 – 3%
- Gòn viên hoặc que gòn vô trùng, gạc vô trùng
- Găng tay vô trùng
- Kềm vô trùng
- Thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ
1.3. Các bước vệ sinh rốn chưa lành
- Bước 1: Mẹ rửa tay thật sạch với xà phòng, đợi tay khô và đeo găng tay vô trùng.
- Bước 2: Nhẹ nhàng gỡ gạc vô trùng khỏi vị trí rốn, tránh làm đau bé.
- Bước 3: Dùng kềm vô trùng gắp gòn viên, hoặc dùng trực tiếp que gòn tẩm dung dịch sát trùng lau sạch xung quanh rốn. Mẹ lau theo chiều từ miệng rốn đến chân rốn, từ ngoài vào trong để tránh lan nhiễm khuẩn từ chân rốn ra ngoài.
- Bước 4: Vùng da phía ngoài, xung quanh chân rốn có nguy cơ vi khuẩn lan ra, mẹ nên khử trùng rộng ra khoảng 3 – 4 cm, hạn chế tối đa vi khuẩn phát triển.
- Bước 5: Bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ với các trường hợp nhiễm trùng, uốn ván, viêm mạch máu rốn, viêm tĩnh mạch rốn. Nếu rốn bé mới rụng và không có biểu hiện bất thường, mẹ bỏ qua bước này nhé.
- Bước 6: Thay băng gạc vô trùng mới vào rốn cho bé để tránh dịch rốn hoặc máu chảy ra và tránh để vết thương tiếp xúc với môi trường bên ngoài gây nhiễm khuẩn.
1.4. Nguyên tắc vệ sinh rốn chưa lành
- Tần suất: Mẹ thực hiện vệ sinh và thay băng rốn 2 – 3 lần một ngày.
- Không tắm rốn: Chỉ cần tắm rửa cơ thể và lau sạch sẽ vùng da quanh rốn mỗi ngày, tuyệt đối không để rốn bé ngâm trong nước mẹ nhé.
- Quấn tã bé ở dưới rốn: Mẹ quấn tã dưới rốn và cách rốn tối thiểu 5cm, tránh nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Trong trường hợp bé mới rụng rốn và rốn không có biểu hiện bất thường, không nên tự ý cho bé uống thuốc hoặc bôi thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Hạn chế chạm vào rốn và vùng xung quanh rốn: tránh nhiễm trùng chéo từ tay mẹ, khiến rốn bé lâu lành hơn.
- Tiếp tục theo dõi tình trạng của bé: nếu 7-10 ngày chăm sóc mà rốn con vẫn chưa lành, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để điều chỉnh cách chăm sóc và sử dụng thuốc kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
2. Cách vệ sinh khi đáy rốn đã khô
Chăm sóc rốn đúng cách, đều đặn kể cả khi rốn rụng và đáy rốn đã khô rất cần thiết bởi nếu bị ẩm ướt, không được vệ sinh sạch sẽ thì rốn vẫn có khả năng bị nhiễm trùng, viêm nhiễm đó mẹ ạ.
2.1. Chỉ định
Rốn đã rụng và đáy rốn khô, không chảy nước, không tạo mủ, không sưng tấy, không chảy máu, không có các hạt trắng, vàng, không có mùi hôi, mùi khó chịu…
2.2 Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh rốn
- Tăm bông vô trùng
- 2 khăn khô đa năng
2.3 Các bước vệ sinh rốn khi đáy rốn đã khô
- Bước 1: Mẹ rửa tay bằng xà phòng trước khi vệ sinh rốn cho con để vi khuẩn không lây chéo từ tay mẹ sang rốn bé.
- Bước 2: Tháo băng rốn và quan sát tình trạng rốn xem có bất kỳ biểu hiện bất thường như chảy nước, chảy máu, sưng tấy hay không.
- Bước 3: Dùng đầu tăm bông mở nhẹ phần chân rốn ra và vệ sinh sạch sẽ theo chiều từ trong ra ngoài.
- Bước 4: Dùng tăm bông hoặc khăn khô đa năng nước ấm lau nhẹ nhàng lại phần rốn của bé từ 2 đến 3 lượt để đảm bảo không còn chất bẩn.
- Bước 5: Dùng một chiếc khăn khô lau khô rốn.
- Bước 6: Lấy một chiếc khăn vải khô sạch che rốn để rốn có thời gian “thở”, tránh bé bị lạnh bụng. Mẹ nên để rốn khô tự nhiên, không dùng các loại bột chống hăm, hoặc phấn rôm để làm khô rốn. Sau khoảng 5 phút, mẹ mặc quần áo cho bé, việc vệ sinh rốn hoàn thành rồi đó ạ!
2.4 Nguyên tắc vệ sinh khi rốn đã khô
- Mẹ chỉ nên làm sạch rốn khi tắm, không cần vệ sinh 2 – 3 lần 1 ngày vì lúc này rốn con đã lành rồi.
- Khử trùng rốn với cồn 70 độ hoặc nước muối sinh lý 2 – 3 lần/tuần.
- Không dùng băng hay bất kỳ vật gì băng rốn lại để rốn được thông thoáng.
- Mẹ mặc tã, bỉm dưới rốn để tránh rốn nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu. Nếu nước tiểu và phân dính vào, cần vệ sinh rốn ngay mẹ nhé.
- Theo dõi tình trạng rốn thường xuyên, nếu rốn bé có biểu hiện bất thường như chảy mủ, chảy máu, sưng tấy, mẹ nên cho bé đi khám ngay nhé.
3. Những lưu ý khi vệ sinh rốn cho bé sau khi rụng
1 – Chọn trang phục phù hợp với con: Khi rốn vẫn chưa lành hẳn, mẹ nên chọn cho bé những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát. Tránh mặc quần áo chật, bó sát, đặc biệt là dạng bodysuit vì chúng sẽ cọ sát vào rốn gây đau rát.
2 – Mẹ thao tác nhẹ nhàng khi mặc quần áo: tránh quệt phải rốn con, gây khó chịu cho con mẹ nhé.
3 – Giặt sạch sẽ trang phục, tã lót, khăn lau của bé với nước giặt chuyên dụng: tránh vi khuẩn từ quần áo, tã lót không sạch xâm nhập vào rốn gây viêm, nhiễm. Các sản phẩm nước giặt xả thiên nhiên nguồn gốc thực vật, không chứa các chất lưu hương, chất tẩy rửa, chất tạo bọt SLS & SLES… và đã được kiểm chứng an toàn là sự lựa chọn tốt nhất cho da bé.
4 – Không đắp bất cứ loại lá thiên nhiên nào lên rốn bé: Rốn chưa lành là một vết thương hở, khi mẹ sử dụng các loại lá thiên nhiên không rõ nguồn gốc, hoặc chứa dư lượng thuốc trừ sâu sẽ gây nóng, rát, sưng viêm, nặng hơn, thậm chí gây hoại tử rốn rất nguy hiểm.
Trên đây là những lời khuyên về cách vệ sinh rốn cho bé sau khi rụng, Góc của mẹ hy vọng mẹ có thêm nhiều kiến thức chăm sóc bé, giúp bé luôn khỏe mạnh, mẹ cũng yên tâm hơn nhé. Nếu mẹ còn điều gì băn khoăn, hãy để lại bình luận để được giải đáp nhanh nhất mẹ nhé.