Chăm sóc trẻ sơ sinh rụng rốn không quá khó đâu mẹ! Chỉ cần bình tĩnh tìm hiểu, mẹ sẽ biết cách “bảo vệ” sức khỏe rốn của con. Tất tần tật kinh nghiệm đã được Góc của mẹ tổng hợp trong bài viết này, mẹ tham khảo nhé!
Mục lục
1. Quá trình rụng rốn của trẻ sơ sinh
Rốn của bé sẽ tự khô và rụng sau khoảng 8 – 10 ngày sau sinh, đến ngày thứ 15 sẽ lành hẳn. Hai giai đoạn trong quá trình rụng rốn của trẻ sơ sinh đây ạ!
- Trước khi rụng rốn: Ngay sau sinh, bé được nữ hộ sinh (hoặc chính người nhà của bé) cắt dây rốn, để lại gốc rốn dài 2-3 cm, có màu vàng, sáng bóng. Khoảng 1-2 tuần sau, gốc rốn tự khô chuyển sang màu xám, xanh hoặc nâu.
- Khi rụng rốn: Dây rốn dần chuyển sang màu đen rồi tự rụng xuống. Từ 7-10 ngày sau, rốn bé tự lành lại và hoàn thiện.
Ở bất kỳ giai đoạn nào, đây là vùng dễ nhiễm khuẩn nhất trên cơ thể bé. Mẹ cần vệ sinh vùng rốn đúng cách hàng ngày, tránh các biến chứng nguy hiểm cho bé nhé.
2. Chăm sóc trẻ sơ sinh trước khi rốn rụng
Chăm sóc trẻ sơ sinh rụng rốn quan trọng nhất là luôn giữ cho gốc rốn được sạch sẽ và khô. Bởi lúc này, cuống rốn của bé được coi như một vết thương hở, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn lợi dụng tấn công gây viêm và nhiễm trùng cho bé.
- Vệ sinh rốn sạch sẽ 1 lần/ngày: Vùng gốc rốn dễ nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng huyết, uốn ván rốn hay chậm rụng rốn. Mẹ vệ sinh rốn bé hàng ngày bằng nước muối sinh lý (0,9%), sau đó lau khô bằng khăn mềm và sát khuẩn vùng da xung quanh rốn bằng cồn 70 độ.
- Giữ cho rốn của con được khô ráo: Để rốn khô, dây rốn sẽ nhanh rụng và nhanh lành hơn. Vì vậy, khi thay hay mặc tã cho con, mẹ lưu ý quấn tã dưới rốn, để cuống rốn khô và rụng nhanh hơn.
- Lựa chọn quần áo rộng rãi cho con: Quần áo rộng rãi, không cọ xát với cuống rốn để tránh cọ xước, chảy máu,… khiến con đau và lâu rụng rốn hơn.
Chi tiết về cách chăm sóc bé sơ sinh chưa rụng rốn, mẹ tham khảo bài viết: 6 Điểm cần lưu ý khi chăm sóc bé sơ sinh chưa rụng rốn
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Mỗi lần thay tã, mẹ quan sát mặt cắt rốn và vùng xung quanh để kiểm tra rốn của con có bị viêm, có mủ hay dịch vàng, bị chảy máu hay rốn có mùi hôi không? Các dấu hiệu này có thể báo hiệu nguy cơ bé bị nhiễm trùng rốn, cần được mẹ đưa tới thăm khám bác sĩ.
3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh rụng rốn
Trẻ sơ sinh khi nào rụng rốn? Sau khoảng 10 ngày, dây rốn của bé đã rụng. Ở giai đoạn này mẹ cần chú ý cách chăm sóc rốn sau khi rụng dưới đây.
1 – Làm sạch rốn của con: Mẹ dùng khăn ướt lau sạch chất tiết còn sót lại, sau đó dùng khăn khô thấm nhẹ để giữa vùng rốn con luôn khô ráo đây là cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng bắt buộc nha các mẹ.
Mẹo cho mẹ: Để tiện lợi và tăng khả năng làm sạch, mẹ nên dùng khăn ướt có chứa thành phần kháng khuẩn (Chlorhexidine Gluconate Solution) sạch bẩn, sạch khuẩn, đảm bảo an toàn cho con.
2 – Vệ sinh rốn hàng ngày sau khi rụng rốn: Sau khi tắm, mẹ cần làm sạch rốn con 1 – 2 lần bằng bông hoặc gạc có thấm cồn 70 độ (hoặc cồn i-ốt).
- Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ: Cồn 70 độ (hoặc cồn i-ốt), bông hoặc gạc.
- Bước 2: Mẹ rửa tay sạch bằng xà phòng, sát khuẩn bằng cồn 70 độ.
- Bước 3: Thấm ướt bông hoặc gạc bằng cồn 70 độ (hoặc cồn i-ốt)
- Bước 4: Nhẹ nhàng lau phần cuống rốn 1-2 lần và chờ cho đến khi khô hẳn.
3 – Giữ cho rốn của bé sau khi rụng được khô, thoáng: Giữ cho vùng rốn khô thoáng để vi khuẩn không xâm nhập và phát triển, làm kéo dài thời gian liền sẹo. Khi thay hay mặc tã cho con, mẹ lưu ý quấn tã dưới rốn, để cuống rốn khô và rụng nhanh hơn. Ngoài ra, ưu tiên chọn quần áo mỏng, thoáng để rốn con được “thở” mẹ nhé!
4 – Theo dõi rốn của con đến khi hoàn toàn liền sẹo: Các bác sĩ khuyên mẹ nên theo dõi cẩn thận vùng rốn của bé trong vài tuần đầu sau khi sinh để phát hiện những dấu hiệu bất thường: chảy máu, chảy mủ vàng,… và xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con, ngay cả khi rốn bé rụng nhưng chưa khô.
Mẹ tham khảo: Chăm sóc rốn bé sơ sinh đúng cách tránh nguy cơ nhiễm trùng.
4. Vấn đề có thể gặp sau khi rụng rốn
Chỉ cần cẩn thận một chút thôi, mẹ hoàn toàn chăm sóc rốn trẻ được tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp sai sót trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh rụng rốn khiến trẻ gặp phải các vấn đề sau:
- Rốn bé chảy máu: Rốn bé sau khi rụng có thể coi là vết thương hở nên rỉ 1 chút máu (như hạt gạo) là việc hoàn toàn bình thường, mẹ không cần lo lắng đâu ạ. Tuy nhiên, nếu bé chảy máu khó cầm hoặc máu chảy liên tục 10 phút, mẹ đưa bé đến gặp bác sĩ ngay vì có thể đó là bệnh lý gây chảy máu rốn đó ạ!
- Da xung quanh rốn sưng đỏ, ấm, mềm, chảy mủ và mùi hôi: Tình trạng này xảy ra khi rốn bị nhiễm trùng, thường kèm theo sốt và gây đau nhức cho bé, chỉ cần mẹ chạm nhẹ cũng khiến bé khóc. Nếu tình trạng này xảy ra 1-2 ngày không cải thiện, mẹ cần đưa bé đi khám để xử lý ngay.
- Rốn bé xuất hiện u hạt: Nếu rốn bị ẩm, vi khuẩn dễ dàng tấn công và làm xuất hiện các u, hạt. Lúc này, mẹ đưa bé đi khám để được điều trị, bởi u hạt rốn để lâu có thể gây nhiễm trùng rốn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.
Qua chia sẻ trên, hi vọng việc chăm sóc trẻ sơ sinh rụng rốn sẽ dễ dàng hơn với mẹ. Nếu còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ nhé!