Thời tiết mùa Đông lúc mưa lạnh, lúc khô hanh… khiến mẹ lo lắng, không biết chăm sóc bé sơ sinh mùa Đông thế nào để bé khỏe mạnh, không ốm vặt. Bí quyết cho mẹ đây ạ! Với 6 cách chăm sóc cùng những kinh nghiệm từ chuyên gia, 2 mẹ con sẽ khoẻ mạnh hết mùa Đông này đấy ạ!
Mục lục
1. 6 cách chăm sóc bé sơ sinh vào mùa Đông
Mùa đông trời lạnh, nhiệt độ có thể xuống dưới 10 độ C ở miền Bắc. Thời tiết này khiến bé dễ gặp các vấn đề về hô hấp (do bị nhiễm lạnh), khô viêm da (do trời hanh khô). Mẹ theo dõi 6 cách bên dưới để giúp con luôn khỏe mạnh trong mùa Đông nhé!
1.1. Giữ ấm cho cơ thể bé
Một số mẹ nghĩ giữ ấm cho bé vào mùa Đông đơn giản, trời lạnh thì mặc áo ấm vào thôi, nhưng không phải đâu ạ! Có mẹ ủ bé quá chặt vì sợ bé lạnh, có mẹ lại mặc cho bé quá phong phanh vì nghĩ bé cũng có cảm nhận về nhiệt độ giống mình. Vậy làm thế nào mới đúng? 4 lưu ý cho mẹ:
- Không ủ bé quá kỹ và chặt: Mẹ chỉ mặc 2 – 3 áo gồm 1 áo cộc, 1 áo len và 1 áo khoác cho bé. Tránh mặc áo quá chật hay ủ bé bằng lớp áo quá dày khiến bé nóng bức, ra nhiều mồ hôi. Bởi mồ hôi thấm ngược trở lại cơ thể bé sẽ gây cảm lạnh đó ạ!
- Thay tã sau khoảng 4 – 6 giờ: Có mẹ sợ thay tã thường xuyên khiến bé bị lạnh, nên “lười” thay tã cho con. Việc này tạo cơ hội cho nước tiểu thấm ngược vào da càng khiến bé lạnh hơn. Chưa kể nước tiểu, phân để lâu là môi trường cho vi khuẩn phát triển gây hăm tã, viêm da.
- Cho bé tắm ở trong phòng ấm áp: Trước khi tắm cho bé, mẹ bật lò sưởi trước khoảng 10 – 15 phút để làm ấm phòng, chú ý đóng kín cửa tránh gió lùa khiến con bị nhiễm lạnh mẹ nhé!
- Mặc áo ấm cho bé cẩn thận: Bàn chân, ngực, cổ và đầu bé là những vị trí dễ bị nhiễm lạnh. Mẹ mặc áo dày dặn che kín phần cổ và tay, chân, chú ý cài cúc chắc chắn để áo không bị tuột khiến con bị lạnh, đặc biệt với các bé hiếu động, hay ngọ nguậy liên tục.
1.2. Vệ sinh cơ thể hàng ngày cho bé
Mùa đông tắm ít cho bé được không? mùa Đông không tắm mà chỉ lau người cho bé có đủ sạch? Đấy là băn khoăn của mẹ bỉm “tập 1” khi chăm con vào mùa đông. Thực tế, mẹ vẫn cần tắm thường xuyên cho bé 3 – 4 lần/tuần, những ngày còn lại có thể lau người để làm sạch cơ thể bé. Không vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, chất bẩn, vi nấm tấn công, bé sẽ dễ gặp các vấn đề ngoài da hơn đó ạ!
Mẹ cũng đừng lo tắm mùa Đông khiến bé bị cảm lạnh. Với 4 lưu ý dưới đây, mẹ sẽ yên tâm hoàn toàn khi tắm cho bé vào mùa đông:
- Tắm cho bé trong phòng ấm, kín gió: Mẹ đóng kín cửa phòng, bật trước lò sưởi khoảng 10 – 15 phút để làm ấm phòng, đảm bảo nhiệt độ phòng khoảng 23 – 28 độ C.
- Nhiệt độ nước để tắm 35 – 37 độ C: Đây là ngưỡng nhiệt bằng với nhiệt độ cơ thể bé vừa giúp giữ ấm vừa không gây khô da. Để đo nhiệt độ nước tắm, mẹ sử dụng nhiệt kế, không sờ bằng bàn tay vì mùa Đông da tay lạnh, rất dễ cảm nhận sai nhiệt độ khiến bé bị bỏng.
- Thời gian tắm tối đa là 5 phút: Với bé sơ sinh mẹ chỉ nên tắm trong vòng 5 phút. Không nên tắm lâu hơn, nước tắm bị nguội cùng với cái lạnh của mùa Đông khiến bé dễ nhiễm lạnh, cảm lạnh.
- Lau khô người và ủ ấm cho bé sau khi tắm: Ngay sau khi tắm xong, mẹ lau khô người cho bé và dùng khăn bông ủ ấm cơ thể bé. Đừng quên ôm bé vào lòng khoảng 5 phút để hơi ấm từ mẹ truyền sang bé, tránh bị cảm lạnh.
- Chọn sữa tắm có thành phần dưỡng ẩm, kháng khuẩn: mùa Đông thời tiết hanh khô, bé dễ bị khô da. Mẹ chọn sản phẩm tắm chuyên dụng cho bé sơ sinh có thành phần dưỡng ẩm, ưu tiên thành phần tự nhiên vì an toàn, lành tính nhất cho bé.
1.3. Cho bé bú no
Khi được bú no, quá trình trao đổi chất và sản sinh năng lượng trong cơ thể bé diễn ra nhiều hơn, nhờ đó cơ thể bé sinh nhiệt và giữ ấm tốt hơn. Mẹ cho bé bú 2 – 3h/lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Ngoài ra, mẹ chú ý quan sát nếu thấy bé ngọ nguậy, miệng “đớp đớp”, dụi đầu vào ti mẹ… là bé đang đói đấy ạ.
1.4. Giữ da bé luôn khô thoáng
Da bé ẩm ướt là nguy cơ gây cảm lạnh cho bé vào mùa đông. Bên cạnh đó các vùng da như nách, cổ, vùng tã lót ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm phát triển và gây bệnh ngoài da đó mẹ ạ.
Vì vậy, mẹ cần giữ cho da bé khô ráo, tránh để quần áo của bé bị ướt. Với tã bỉm mẹ nên thay thường xuyên khoảng 4 giờ/lần. Trước khi mặc tã bỉm mới, mẹ cần lau khô vùng tã lót bằng khăn sạch nhé!
1.5. Dưỡng ẩm cho bé
Mỗi khi trời lạnh buốt, mẹ có thấy da mẹ bị khô hơn, thậm chí nứt nẻ, đau rát, chảy máu không? Do thời tiết mùa Đông khô hanh đó ạ. Da bé sơ sinh cũng vậy, thậm chí da bé dễ khô hơn do chỉ mỏng bằng ⅓ lần da người lớn.
Để giữ da bé mềm mại, căng bóng và không bị khô trong mùa đông, mẹ đừng quên thoa kem hoặc xịt dưỡng ẩm chuyên dụng dành riêng cho bé nhé!
1.6. Cho bé ở trong nhà
Thời tiết trời mùa Đông rất lạnh, đặc biệt những ngày sương muối độc. Mẹ hạn chế bế bé ra ngoài chơi tránh bị cảm lạnh. Nếu muốn tắm nắng cho con, mẹ chỉ cho bé ra ngoài khoảng 15 – 30 phút vào lúc 8 – 9 giờ sáng vì lúc này trời ấm áp, nắng “tốt” và ít sương muối nhất.
2. Cách vấn đề thường gặp mùa Đông và cách phòng ngừa cho bé sơ sinh
Vào mùa đông, bé sơ sinh thường gặp các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, tiêu hóa và một số vấn đề về da khác. Ngoài cách chăm sóc ở trên, mẹ để ý thêm 4 vấn đề dưới đây!
2.1. Bệnh cúm, cảm lạnh
Không chỉ bé sơ sinh, người lớn cũng hay mắc cảm cúm, cảm lạnh vào mùa đông. Tuy nhiên, chỉ cần lưu ý 3 bí quyết dưới đây, vấn đề này không còn là nỗi lo của 2 mẹ con nữa.
- Vệ sinh mắt, mũi, tai cho bé: Mẹ vệ sinh mắt mũi, tai cho bé từ 1 – 2 lần/ngày bằng nước muối sinh lý để loại bỏ chất bẩn, vi khuẩn tồn đọng ở hệ hô hấp của bé.
- Không để người lớn thơm bé: Bởi khi người lớn hôn hoặc tiếp xúc gần mắt, mũi, miệng khiến virus lây nhiễm sang bé, đặc biệt là các virus cảm cúm, cảm lạnh.
- Mẹ bổ sung dinh dưỡng: Mẹ ăn thêm thực phẩm giàu vitamin như quả mọng, cà chua, bắp cải, cải xoăn, bông cải xanh…, giàu protein như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, cá hồi, rong biển…; các loại hạt hạnh nhân, óc chó, hạt chia… Những thực phẩm này cung cấp kháng thể tự nhiên cho bé qua sữa mẹ, giúp nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch cho con.
2.2. Bệnh viêm tiểu phế quản, viêm mũi dị ứng, hô hấp trên
Tương tự như cúm, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng là bệnh không còn xa lạ gì vào mùa đông. Mẹ để ý cách chăm sóc để phòng bệnh cho con:
- Vệ sinh tai, mũi, mắt cho bé: Mẹ vệ sinh mắt mũi, tai cho bé từ 1 – 2 lần/ngày bằng nước muối sinh lý.
- Không gian sống của bé sạch sẽ: Lông tơ, sâu bệnh, bụi bẩn… là những tác nhân gây dị ứng hệ hô hấp của bé. Vì vậy, mẹ thường xuyên quét dọn, hút bụi 2 lần/tuần. Mẹ thay ga giường, chăn gối của bé 1 lần/tuần
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Khi bé có dấu hiệu khò khè, khó thở, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để được kịp thời xử lý.
Mẹ vệ sinh không gian sống của bé sạch sẽ, tránh để lông tơ sâu bệnh gây kích ứng tiểu phế quản
2.3. Bệnh tiêu chảy ở bé
Nghe có vẻ “không liên quan”, “mùa nào chả bị” nhưng tiêu chảy gặp vào mùa Đông nhiều hơn các mùa khác đó ạ. Bởi bé dễ ăn phải đồ ăn lạnh, sữa lạnh, hoặc đôi khi mẹ sử dụng kháng sinh (do bị ốm) cũng có thể khiến bé bị tiêu chảy. Do đó, mẹ cần:
- Tiêm phòng vacxin đầy đủ cho bé: Mẹ cho bé uống vacxin ngừa virus Rota ngay từ 6 tuần tuổi.
- Mẹ ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn: Bé sơ sinh chủ yếu hấp thụ dinh dưỡng từ sữa mẹ, do đó mẹ cần phải chú ý thức ăn của mình. Mẹ ưu tiên thực phẩm sạch, được chế biến chín kỹ, không sử dụng thực phẩm lạnh hoặc đã có dấu hiệu hỏng.
- Mẹ không sử dụng kháng sinh bừa bãi: Mẹ sử dụng kháng sinh có thể gây tác dụng phụ là tiêu chảy cho bé. Do đó, mẹ không sử dụng bừa bãi, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
2.4. Hăm tã
Có mẹ sợ con lạnh nên để tã “đầy ự” mới thay cho con. Điều này không chỉ khiến bé bị lạnh mà còn gặp các vấn đề về da như hăm tã, mẩn đỏ. Mẹ cần thay tã cho bé sau 3 – 4h/lần kể cả khi tã bỉm còn sạch. Ngoài ra:
- Vệ sinh vùng mặc tã bằng khăn ướt có thành phần dưỡng ẩm, kháng khuẩn để vừa giúp da con mịn màng, vừa tạo lớp màng bảo vệ bé khỏi hăm tã, mẩn đỏ.
- Lau khô trước khi mặc tã, tránh mặc tã khi mông còn ướt vì môi trường ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn.
- Chọn tã thấm hút tốt, ưu tiên loại chứa nhiều hạt SAP – loại hạt có khả năng hấp thụ lượng chất lỏng gấp 30 lần trọng lượng của nó, sau khi hút nước sẽ chuyển thành dạng gel chống thấm ngược tránh gây bí bách, cảm lạnh cho bé.
3. Giải đáp thắc mắc của mẹ khi chăm sóc con vào mùa Đông
3.1. Chăm sóc bé sơ sinh bị sốt vào mùa Đông như thế nào?
Tuỳ thuộc vào nhiệt độ sốt của bé mà cách chăm sóc khác nhau:
- Với bé sốt dưới 38.5 độ C, mẹ chỉ cần dùng khăn ấm tầm 35 độ C, lau chườm cho bé trong vòng 10 – 15 phút.
- Bé sốt cao trên 38.5 độ C, mẹ sử dụng thêm thuốc hạ sốt để tránh bé sốt cao, co giật. Mẹ sử dụng thuốc theo tư vấn của Dược sĩ, không sử dụng tuỳ tiện tránh tác dụng phụ cho con. Trong trường hợp bé sốt cao trên 39 độ C kéo dài 2 tiếng, mẹ đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời nhé!
Lưu ý cho mẹ: Mẹ không nên dùng khăn lạnh hoặc miếng dán lạnh lau chườm lên cơ thể bé vì có thể gây cảm lạnh.
3.2. Cách giữ ấm cho bé khi ngủ vào mùa Đông như thế nào?
Buổi đêm mẹ không thế thúc trực 24/24 cùng bé, nhiệt độ buổi đêm lại thấp hơn khá nhiều so với ban ngày, do đó, việc giữ ấm khi bé ngủ đặc biệt quan trọng. 2 lưu ý cho mẹ:
- Sử dụng túi ngủ chuyên dụng cho bé sơ sinh: Các loại túi ngủ chuyên dụng vừa giữ ấm cho bé, vừa tránh bé đạp chăn ra ngoài bị lạnh.
- Phòng ngủ ấm áp: Thời tiết lạnh mẹ sử dụng thêm lò sưởi, quạt sưởi để nhiệt độ phòng tầm khoản 23 – 28 độ C. Mẹ tránh mở cửa hoặc để gió lùa trực tiếp vào phòng khi bé ngủ.
Chăm sóc bé sơ sinh mùa Đông không hề khó đâu mẹ ạ. Chỉ cần mẹ giữ ấm, chú ý để bé không mắc phải các bệnh vào mùa Đông mẹ nhé! Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!