Khi pha sữa, nếu mẹ không biết cách sẽ làm sữa bị vón cục, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sữa, vừa khiến bé dễ bị sặc. Vì vậy, kỹ năng quan trọng mẹ cần trang bị để con yêu được chăm sóc tốt nhất chính là cách pha sữa không bị vón cục. Để biết cách pha sữa đúng chuẩn, hãy cùng Góc của mẹ theo dõi bài viết sau!
Mục lục
1. Nguyên nhân khi pha sữa bị vón cục
Sữa khi pha bị vón cục do chất lượng bột sữa không tốt, hoặc do mẹ sử dụng sữa không đúng cách.
1.1. Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân khách quan khiến sữa bị vón cục đến từ chất lượng bột sữa kém:
- Do nhà sản xuất: Các loại sữa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hay thương hiệu không rõ ràng không đảm bảo độ tơi, mịn và khả năng hòa tan. Bột sữa không tan hết, vón cục lợn cợn làm bé dễ sặc sữa, tiêu chảy,… Ngoài ra, sữa kém chất lượng không an toàn và không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, dễ làm bé suy dinh dưỡng, ngộ độc thực phẩm,…
- Do bao bì không kín: Một số loại sữa đựng trong bao bì giấy không chống ẩm và chống khí tốt bằng các hộp sữa kim loại. Hoặc, hộp sữa vô tình bị hở, bong nắp trong quá trình vận chuyển. Bột sữa bên trong nhiễm ẩm từ không khí và vón cục ngay trong hộp sữa, khó tan hoàn toàn khi pha.
- Sữa quá hạn sử dụng: Bột sữa quá hạn sử dụng không giữ được chất lượng, độ tơi mịn và khả năng hòa tan tốt như ban đầu. Mẹ cần chú ý 2 hạn sử dụng của sữa: Hạn sử dụng trước và sau khi mở nắp.
- Hạn sử dụng trước mở nắp được in trên bao bì.
- Hạn sử dụng 30 ngày sau mở nắp: Sau lần mở nắp đầu tiên, hộp sữa không còn kín, chưa kể, mẹ phải mở nắp hộp nhiều lần để pha sữa. Bột sữa tiếp xúc nhiều với không khí và mồ hôi tay mẹ sẽ dễ nhiễm ẩm và vón cục. Hạn sử dụng sữa lúc này giảm xuống chỉ còn 30 ngày thôi mẹ nhé!
1.2. Nguyên nhân chủ quan
Sữa vón cục do mẹ bảo quản và pha sữa không đúng cách:
- Không đậy nắp hộp kín: Sau mỗi lần sử dụng, mẹ đậy nắp không kín; không khí ẩm sẽ len lỏi vào hộp sữa làm bột sữa giảm độ tơi khô, dễ vón cục khi pha.
- Pha sữa với tay ướt: Mẹ dùng tay ướt để lấy bột sữa ra khỏi hộp. Bột sữa ngay khi tiếp xúc với tay mẹ sẽ vón cục và khó tan hơn.
- Pha sữa với nước quá nóng hoặc quá lạnh: Nước lạnh, dưới 30 độ C làm đông tụ chất béo trong sữa, giảm độ tan của sữa. Ngược lại, nước nóng, trên 75 độ C làm biến đổi, tăng kết dính, giảm hòa tan các thành phần và tạo ra các cặn sữa vón.
2. Cách pha sữa bột không bị vón cục
Sữa vón cục làm bé dễ bị sặc, khó tiêu hóa và giảm hấp thu dinh dưỡng. Để pha được sữa chất lượng nhất cho con, mẹ tham khảo hướng dẫn sau:
2.1. Bước 1: Kiểm tra nhiệt độ và chất lượng nước pha sữa
Đa số nhiệt độ pha sữa bột thích hợp cho bé là 40 – 50 độ C. Một số loại sữa Nhật yêu cầu nhiệt độ pha sữa là 70 độ C. Mẹ đọc hướng dẫn trên bao bì sản phẩm để nắm rõ nhiệt độ pha sữa thích hợp với từng loại sữa khác nhau.
Cơ thể và hệ tiêu hóa của bé rất nhạy cảm. Dù pha sữa ở nhiệt độ nào, mẹ cũng cần đun sôi nước đến 100 độ C để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và vi trùng gây bệnh. Sau đó, mẹ để nước nguội tự nhiên và dùng nhiệt kế kiểm tra nước đến mức nhiệt độ yêu cầu.
Mẹ lưu ý: Dùng nước lọc, không dùng nước khoáng, nước hoa quả để pha sữa cho bé. Nước lọc cho khả năng hòa tan sữa tốt nhất. Các loại nước khác chứa nhiều thành phần khác nhau, làm giảm khả năng hòa tan bột sữa.
2.2. Bước 2: Vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ pha sữa
Khi pha sữa, mẹ đảm bảo quy tắc 3 sạch: tay sạch, khu vực sạch, dụng cụ sạch để sữa của con không bị nhiễm bụi bẩn hay vi khuẩn gây bệnh:
- Tay sạch: Đừng quên rửa sạch tay trước khi tiến hành pha sữa cho bé mẹ nhé!
- Khu vực sạch: Mẹ chọn nơi pha sữa khô ráo, không bụi bẩn, không ẩm ướt, không lây nhiễm bụi hay nhiễm ẩm vào cả hộp sữa khô hay sữa mẹ đang pha cho bé.
- Dụng cụ sạch: Mẹ dùng nước rửa bình chuyên dụng để vệ sinh tất cả các bộ phận của bình sữa: thân bình, núm ti, nắp bình. Sau đó, mẹ tiệt trùng các dụng cụ bằng cách đun chúng với nước sôi 3 – 5 phút hoặc dùng máy tiệt trùng để diệt hết vi khuẩn bám trên bình.
Mẹ xem thêm: Cách vệ sinh và tiệt trùng bình sữa.
2.3. Bước 3: Lấy lượng sữa phù hợp
Ở mỗi độ tuổi khác nhau bé có nhu cầu ăn sữa khác nhau. Lượng sữa phù hợp với bé được nhà sản xuất ghi trên mặt sau bao bì mỗi hộp sữa. Mẹ cho bé ăn lượng sữa đúng với nhu cầu, không ít hơn, làm bé thiếu chất, chậm lớn; cũng không nhiều hơn, làm bé dễ béo phì, ợ sữa, đau bụng.
Một thìa đong gạt ngang sữa bột (thìa có sẵn trong hộp) thường được pha với 40ml nước ấm. Một số loại sữa khác cần mẹ pha loãng hơn, 45 – 50 ml nước. Mẹ đọc kỹ hướng dẫn trước khi pha sữa cho con mẹ nhé! Sữa không quá loãng, làm bé nhanh no, đầy bụng. Đồng thời, sữa không quá đặc khiến bé khó tiêu và làm sữa bột khó tan, dễ vón cục.
2.4. Bước 4: Tiến hành pha sữa bột không vón cục
Để sữa không vón cục, mẹ chia bột sữa thành nhiều phần và hòa tan từ từ:
- Thêm nước đã chuẩn bị vào bình sữa. Chú ý nhiệt độ nước và mực nước theo hướng dẫn của từng loại sữa.
- Hòa tan từ từ lượng sữa: Thêm từng thìa một vào bình, đậy nắp, lắc đều đến khi bột tan hết mới thêm thìa bột sữa tiếp theo. Nếu mẹ chỉ pha 1 thìa sữa, mẹ hòa tan nửa thìa trước, sau đó hòa tan nửa thìa còn lại.
Mẹ chú ý: Khi lấy bột sữa, tay và thìa lấy sữa phải khô, không lây ẩm sang cả hộp sữa. Bột sữa nhiễm ẩm sẽ vón cục, lên men, sinh sôi vi khuẩn gây bệnh cho bé.
2.5. Bước 5: Lắc đều sữa đến khi sữa không còn vón cục
Sau các bước trên; nếu mẹ thấy vẫn còn cặn sữa vón, mẹ tiếp tục lắc bình sữa nhẹ nhàng trong 1 – 3 phút. Sữa vón dần dần sẽ tan hoàn toàn. Mẹ không lắc mạnh làm không khí lẫn vào sữa và làm sữa nổi bong bóng. Bé ăn sữa lẫn nhiều không khí sẽ bị đầy hơi, dễ trào ngược dạ dày, nôn trớ.
3. Lưu ý mẹ cần biết khi pha sữa cho bé
Chất lượng sữa pha ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con. Mẹ không để sữa nhiễm bụi bẩn hay vi khuẩn, dễ làm bé bị tiêu chảy, đau bụng. Để làm được điều này, mẹ lưu ý những điều sau:
3.1. Vệ sinh sạch và tiệt trùng bình sữa đúng cách
Bình sữa là nơi dễ bám cặn sữa, vi khuẩn và bụi bẩn; ảnh hưởng xấu đến cơ thể nhạy cảm của con. Trước khi pha sữa, mẹ cần đảm bảo bình sữa đã được vệ sinh và tiệt trùng sạch sẽ mẹ nhé!
Bình sữa có cổ nhỏ, chỉ khoảng 3 – 6 cm. Điều này khiến mẹ khó khăn trong việc kỳ cọ cặn bẩn ở viền đáy bình sữa. Ngoài ra, mẹ sau sinh cổ tay còn khá yếu. Cọ rửa bình quay 360 độ sẽ là trợ lý, giúp mẹ làm sạch mọi ngóc ngách để bình sữa của con được sạch nhất mà không cần mẹ dùng lực mạnh, không làm xước thành bình và không để vi khuẩn có cơ hội tích tụ.
Lưu ý quan trọng cho mẹ: Không sử dụng nước rửa chén bát của gia đình để vệ sinh bình sữa vì chứa chất tẩy rửa mạnh như: Triclosan, Muối Silicat, Sulfuric acid, Ammonium sulfate,… gây kích ứng da và ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hoá của con. Tốt nhất, mẹ dùng nước rửa bình chuyên dụng cho bé sơ sinh để hoà tan chất bẩn và diệt khuẩn, giúp bình sữa của con sạch “kin kít”, hết sạch mùi hôi khó chịu,… Khi dùng nước rửa bình sữa chuyên dụng, mẹ cũng không tốn thời gian tiệt trùng bình sữa cho con, rất tiện cho mẹ đấy ạ!
3.2. Không nên sử dụng lượng sữa thừa
Mẹ chỉ dùng sữa đã pha cho bé trong vòng 1 giờ, kể cả khi sữa được giữ ấm trong bình ủ. Sữa sau pha dễ lây nhiễm vi khuẩn từ không khí hay nước bọt của bé. Chúng “ăn” dinh dưỡng trong sữa, nhân lên và phát triển mạnh mẽ. Sữa lúc này không còn đảm bảo an toàn và chất dinh dưỡng cho bé nữa.
Đặc biệt, theo thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang; sữa thừa quá 1 giờ dễ nhiễm vi khuẩn Crono, gây viêm màng não, nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng của bé yêu.
Chính vì thế, mỗi lần pha sữa cho con, mẹ tham khảo hướng dẫn trên bao bì và theo dõi nhu cầu ăn của con để pha lượng sữa phù hợp. Tránh pha sữa thừa gây lãng phí mẹ nhé!
3.3. Luôn luôn dùng nước đun sôi để pha sữa bột
Vi khuẩn có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả trong nước. Nước pha sữa cho bé phải được đun sôi đến 100 độ C để loại bỏ hết vi khuẩn gây bệnh. Có như vậy, con mới được an toàn.
Tốt nhất, khi pha sữa, mẹ dùng nồi nước sạch, đun sôi nước; để nồi nước ở nơi sạch sẽ, không khói bụi và chờ nước nguội đến nhiệt độ 40 – 50 độ C hoặc 65 – 75 độ C tùy từng loại sữa. Mẹ không trộn nước đun sôi với nước thường và không dùng nước đá để làm nguội nhanh nước đã đun.
3.4. Không pha sữa cho bé quá đặc
Các loại sữa bột đều được các chuyên gia tính toán dinh dưỡng và tỉ lệ pha sữa chuẩn với nhu cầu của bé. Mẹ không thay đổi tỉ lệ pha sữa, không pha sữa cho bé quá đặc. Điều này không cung cấp thêm dinh dưỡng cho bé đâu mẹ ạ. Hệ tiêu hóa của bé còn non, bé không tiêu hóa và hấp thu được dinh dưỡng, thậm chí còn bị “quá tải”, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,…
Ngoài ra, sữa đặc không cung cấp đủ nước cho bé. Bé thiếu nước dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như: táo bón, khát, khô họng, mệt mỏi, khô da, chậm lớn…
Hy vọng bài viết đã giúp mẹ nắm vững cách pha sữa không bị vón cục để bé luôn được ăn sữa thơm ngon, đủ dinh dưỡng. Mẹ dùng nước ấm pha sữa lần lượt từng thìa một để bột sữa từ từ tan hoàn toàn mẹ nhé!
Nếu có gì thắc mắc, mẹ để lại bình luận bên dưới để được giải đáp nhanh chóng.