Trẻ em mấy tháng mọc răng? Trẻ mọc răng sớm hay muộn so với các bạn cùng trang lứa có ảnh hưởng gì không? Đây chắc hẳn là câu hỏi khiến nhiều cha mẹ băn khoăn. Vậy cùng Góc của mẹ tìm hiểu xem trẻ em mấy tháng mọc răng để cha mẹ có thể chủ động nắm bắt tình hình và chăm sóc những chiếc răng đầu tiên của con tốt nhất nhé!
Mục lục
1. Trẻ em mấy tháng sẽ mọc răng?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, thông thường trẻ bắt đầu mọc răng từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 30, quá trình mọc răng kéo dài đến khoảng 2, 3 tuổi hoặc khi bé đủ 20 chiếc răng sữa. Tùy vào cơ địa từng bé mà răng sẽ mọc ở thời điểm khác nhau, điều này không gây ảnh hưởng tới sức khỏe bé nên cha mẹ không cần lo lắng vấn đề này.
Tuy vậy, bất cứ trẻ nào cũng sẽ mọc răng theo một trình tự nhất định:
- Răng cửa: Khoảng tháng thứ 6 trẻ bắt đầu mọc răng cửa, tới tháng 11 mọc đủ 4 răng cửa; tháng 15 mọc đủ 8 răng cửa.
- Răng hàm: Tháng 19 răng hàm của trẻ sẽ mọc khoảng 4 cái.
- Răng nanh: Tháng 23 trẻ mọc thêm 4 răng nanh. Tháng 27 mọc thêm 4 răng số 5.
- Sau đó, răng sữa sẽ rụng dần cho tới khi trẻ 6 tuổi, răng vĩnh viễn sẽ thay thế và mọc hoàn thiện lúc trẻ 12 tuổi.
Thời điểm trẻ mọc răng không quan trọng bằng trình tự mọc răng của trẻ, bởi nếu răng mọc không đúng thứ tự có thể dẫn đến răng mọc lệch, sai vị trí. Vậy nên cha mẹ cần theo dõi sát sao quá trình mọc răng để có biện pháp chăm sóc phù hợp nhất.
1.1. Trẻ mọc răng sớm có sao không?
Nếu có răng trong khoảng 3, 4 tháng đầu sẽ được gọi là trẻ mọc răng sớm. Nhưng có những trường hợp trẻ mới sinh ra đã có răng nhú rồi. Ngày nay các bé được bổ dung dưỡng chất, vitamin và canxi trong các bữa ăn đầy đủ do đó hầu hết trẻ sẽ mọc răng đúng thời điểm, và trẻ mọc răng sớm cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Giai đoạn này cha mẹ chỉ cần nhận biết sớm các dấu hiệu mọc răng ở trẻ, lưu ý chăm sóc và vệ sinh cho bé thật sạch sẽ là có thể yên tâm.
1.2. Trẻ mọc răng muộn có sao không?
Cho tới tháng thứ 12, nếu trẻ chưa mọc răng thì có thể coi là trẻ mọc răng muộn. Cha mẹ nên nhận biết 2 trường hợp sau để có cách xử lý phù hợp:
- Trẻ mọc răng muộn nhưng thể chất ổn định và các chỉ số chiều cao cân nặng bình thường. Bé mọc răng muộn đơn thuần là do cơ địa.
- Trẻ mọc răng muộn mà bị sụt cân, da xanh xao, xuất hiện các biểu hiện bệnh lý (tiêu chảy, ốm yếu,…). Cha mẹ cần đưa bé tới các cơ sở y tế nhi để thăm khám.
2. Yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn trẻ mọc răng
Để trẻ lớn lên với hàm răng chắc khoẻ, mẹ nên chăm chút dinh dưỡng ngay từ khi mang thai bé. Mẹ có thể bổ sung canxi, khoáng chất cần thiết trong thai kỳ bằng thực phẩm hoặc viên uống.
Trẻ sơ sinh sau 7 ngày chào đời cần được tắm nắng thường xuyên để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Đồng thời bú sữa mẹ giàu canxi. Nhằm giúp trẻ bổ sung đủ dưỡng chất cho quá trình mọc răng sau này.
Trẻ em trong những tháng mọc răng cần có chế độ ăn phù hợp. Trong các bữa ăn hằng ngày cần giàu vitamin, khoáng chất cần thiết và quan trọng nhất là canxi.
3. Chăm sóc trẻ khi mọc răng đúng cách
Trẻ khi mọc răng sẽ thường xuyên quấy khóc, biếng ăn, bỏ bú,… do cảm giác khó chịu trong miệng. Đây là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành đầu tiên của bé rất cần sự quan tâm đặc biệt từ cha mẹ.
Một số lưu ý dành cho cha mẹ:
- Nên cho trẻ ăn những đồ ăn mềm, loãng (cháo, súp, canh dinh dưỡng,…). Chia nhỏ phần ăn, không ép trẻ ăn liền một lúc có thể gây tâm lý sợ ăn, nôn trớ.
- Khi trẻ mọc răng thường cảm thấy nhức và ngứa lợi. Có thể cho trẻ ngậm vòng cao su mềm giúp trẻ thoải mái hơn.
- Thay đổi món ăn phong phú để kích thích trẻ thèm ăn và bổ sung những dưỡng chất cần thiết.
- Luôn sử dụng khăn mềm để vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ sau mỗi bữa ăn.
- Nếu trẻ bị sốt mọc răng, dùng khăn ấm lau để hạ sốt, tăng các cữ bú và bổ sung nước thường xuyên.
- Giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn bằng cách dùng gạc massage chân nướu.
Hy vọng với những thông tin trên từ Góc của mẹ, cha mẹ sẽ có được cách chăm sóc con tốt nhất trong giai đoạn trẻ mọc răng, giúp bé có hàm răng khỏe đẹp khi trưởng thành!