Mẹ nghe nói đến phương pháp giáo dục sớm giúp bé thông minh và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, mẹ vẫn đang băn khoăn một chút về cách áp dụng cũng như hiệu quả của phương pháp này đúng không ạ? Đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ nhất mẹ nhé!
Mục lục
1. Giáo dục sớm là gì?
Giáo dục sớm là thuật ngữ không còn xa lạ với nhiều ba mẹ có mục đích giáo dục và nuôi dạy con trong giai đoạn bé 0 – 6 tuổi. Thời điểm này trí não bé đang phát triển vượt bậc, bé tò mò về thế giới xung quanh. Việc cùng bé khám phá sẽ giúp con nhanh chóng tiếp nhận những kiến thức mới, xây dựng nền tảng vững chắc giúp bé phát triển hơn trong tương lai.
Trong giáo dục sớm, ba mẹ không hẳn là người dạy và con cái cũng không phải người theo học. Điều quan trọng nhất của giáo dục sớm là khuyến khích, hỗ trợ bé phát triển thuận theo tự nhiên và giáo dục bằng một tình yêu thương to lớn nhất.
Lưu ý cho mẹ: Giáo dục sớm có thể bắt đầu từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ chứ không phải chỉ khi bé đã được sinh ra đâu ạ mẹ nhé. Mẹ tìm hiểu thêm bài viết “Thai giáo là gì” để hiểu rõ hơn và bỏ túi những phương pháp giáo dục hay cho bé ngay từ trong bụng mẹ.
2. 3 “hiểu nhầm” về giáo dục sớm
2.1. Giáo dục sớm là “Nhồi nhét”
1 – Tại sao mọi người lại cho rằng giáo dục sớm là “nhồi nhét”?
Giáo dục sớm thường bị hiểu lầm thành giảng dạy lý thuyết, sách vở, bởi vậy nhiều mẹ cho rằng giáo dục sớm là tình trạng nhồi nhét, bắt ép bé phải học theo lộ trình.
2 – Liệu giáo dục sớm có phải “nhồi nhét”?
Khác với hình ảnh em bé khóc lóc vì phải ghi nhớ những kiến thức khó nhằn cùng nỗi sợ đòn roi hay lời quát mắng của ba mẹ, bản chất của giáo dục sớm là đặt bé làm trung tâm, giáo dục theo một cách tự nhiên nhất, không ép buộc bé theo quy chuẩn nào cả, để mang lại tuổi thơ hoàn hảo cho bé vừa được vui chơi vừa có thể học hỏi, khám phá.
Như vậy, giáo dục sớm không phải “nhồi nhét” mà là hỗ trợ bé tiếp nhận kiến thức thông qua việc bé vui chơi, trò chuyện, học tập,… giúp bé vui vẻ tận hưởng tuổi thơ nhưng vẫn rèn luyện khả năng sáng tạo, ham học hỏi và xây dựng sự tự tin cho bé.
2.2. Giáo dục sớm để bé thành “thần đồng”
1 – Tại sao mọi người lại cho rằng giáo dục sớm để bé thành “thần đồng”?
Trước đây, nếu bé trong độ tuổi 3 – 6 thông thạo đọc viết, biết nhẩm tính sẽ được coi là thần đồng, có lẽ vì vậy mà có mẹ cho rằng giáo dục sớm là cách để bé trở thành thần đồng.
2 – Giáo dục sớm có phải đang đào tạo “thần đồng”?
Mục đích của giáo dục sớm không phải để rèn dũa đào tạo thần đồng đâu mẹ ơi! Phương pháp này không hướng đến việc dạy cho con những kiến thức cao siêu của “thần đồng”, nhồi nhét kiến thức hay ép con học nhiều thời gian mà chỉ thay đổi cách tiếp cận, giúp con thích thú khám phá, học tập hơn. Ví dụ, thay vì việc cho con học màu sắc thông qua bảng màu nhàm chán thì mẹ có thể sử dụng màu sắc từ hoa quả để cùng con khám phá,…
Ngoài ra, giáo dục sớm còn quan tâm tới việc nuôi dưỡng tâm hồn, rèn cho bé thói quen độc lập, tự tin cùng đức tính tốt, biết yêu thương và san sẻ,… Ví dụ như khi mẹ muốn dạy con học phép trừ, mẹ có thể lồng ghép vào đó câu chuyện chia sẻ với người khác, giúp con thấu hiểu và biết yêu thương người xung quanh,… Có thể nói, giáo dục sớm không phải để đào tạo thần đồng mà để xây dựng cho con nền tảng vững chắc giúp bé phát triển hơn trong tương lai.
2.3. Giáo dục sớm đánh mất tuổi thơ của bé
Chắc hẳn, những trải nghiệm về trường lớp với hình thức giáo dục nghiêm khắc đã khiến một số ba mẹ cho rằng giáo dục sớm là “tên trộm” cướp đi tuổi thơ của bé.
Thực tế, giáo dục sớm không phải hình thức học nhiều lý thuyết như ở phần lớn trường học mà là cách giúp bé thụ hưởng giáo dục dưới dạng vui chơi song song với việc bổ sung kiến thức, tất cả mọi vật trong cuộc sống (trừ những vật nguy hiểm) đều thuộc về trò chơi “khám phá” của bé: đi dạo công viên, quan sát mặt trời, tận hưởng làn gió hay nghịch bùn, tắm mưa,… Chính vì vậy, giáo dục sớm không phải đang cướp đi tuổi thơ của bé mà đang tạo ra những khoảnh khắc vui chơi đáng nhớ cùng ba mẹ đấy.
3. Lợi ích của giáo dục sớm
Bé được hưởng giáo dục sớm liệu có thể mang lại những lợi ích gì?
- Nâng cao khả năng tư duy, trí tưởng tượng cho bé: Giáo dục sớm giúp não bộ trở nên linh hoạt, hai nửa bán cầu phát triển mạnh kích thích khả năng tư duy, mở rộng tầm nhìn, trí tưởng tượng phong phú hơn.
- Tạo ra hứng thú trong việc học cho bé: Giáo dục sớm giúp bé tìm ra đam mê, ham học hỏi, khao khát tri thức và nâng cao khả năng tập trung cao độ.
- Giúp bé tự tin, linh hoạt trong các tình huống: Giáo dục sớm giúp bé tự tin, hoạt bát,ứng xử linh hoạt.
- Rèn luyện thể chất cho bé, giúp bé khỏe mạnh: Bé khỏe mạnh hơn nhờ các hoạt động rèn luyện thể chất, hình thành thói quen vận động tốt cho bé.
- Phát huy các thế mạnh, tiềm năng: Khuyến khích bé theo đuổi đam mê từ nhỏ: âm nhạc, mỹ thuật,… cũng như giúp bé tự tin phát huy các thế mạnh, tiềm năng của bản thân.
- Xây dựng tình yêu thương gia đình, biết đồng cảm với mọi người xung quanh: Giáo dục sớm là cách giúp kiến tạo nên những phẩm chất tốt, từ vun đắp tình yêu thương, gắn bó với gia đình, bạn bè đến lòng trắc ẩn, biết đồng cảm, sẻ chia với mọi mọi người xung quanh.
4. Nhược điểm của giáo dục sớm
Giáo dục sớm mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho bé dù vậy phương pháp cũng còn tồn đọng một vài hạn chế. Tìm ra và khắc phục hạn chế cũng là cách để giáo dục bé tốt hơn đó ạ!
- Tốn nhiều thời gian: Để đáp ứng giáo dục sớm cho bé, ba mẹ cần dành nhiều thời gian gần gũi, quan tâm và dạy bảo bé từng chút một tuy nhiên đa số ba mẹ trẻ ngày nay đều bận rộn với công việc, khó dành nhiều thời gian ở bên con.
- Tốn nhiều chi phí hơn so với các phương pháp giáo dục truyền thống: để phương pháp giáo dục sớm đạt hiệu quả, ba mẹ cũng cần chịu chi một khoản tiền vào giáo cụ, đồ chơi hỗ trợ phát triển khả năng cho bé.
- Đòi hỏi sự kiên nhẫn, yêu thương của ba mẹ: Trên thực tế, việc giáo dục sớm cho bé không hề dễ dàng, yêu cầu sự nhẫn nại, kiên trì của ba mẹ trong việc tạo dựng tấm gương, hỗ trợ bé phát triển phẩm chất, xây dựng thói quen.
- Cần chọn lựa phương pháp kỹ càng: Hiện nay, có rất nhiều các phương pháp giáo dục sớm cho bé như: Montessori – Phương pháp giúp trẻ phát triển cá nhân; Glenn Doman – Phương pháp giúp kích thích trí thông minh của bé; Shichida – phương pháp hướng đến sự phát triển toàn diện của bé;… Chính vì vậy, đòi hỏi ba mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng để đưa ra lựa chọn đúng đắn phù hợp cho bé yêu nhà mình.
5. Có nên áp dụng giáo dục sớm không?
Sau khi hiểu rõ về phương pháp giáo dục sớm chắc hẳn ba mẹ đã có những quyết định riêng cho mình rồi nhỉ.
Theo xu thế hiện nay, khi xã hội càng phát triển thì yêu cầu về tài năng, học thức lại càng cao. Có lẽ thế mà ba mẹ luôn mong muốn con nhận được sự giáo dục, hỗ trợ từ sớm không chỉ để rèn luyện thể chất và tinh thần mà còn giúp bé xây dựng nền tảng phát triển bản thân, tự tin hòa nhập với xã hội. Chính vì vậy, mẹ còn chần chừ gì mà không thử ngay phương pháp giáo dục sớm cho bé yêu nhà mình.
Tuy nhiên, giáo dục sớm còn đặt ra nhiều yêu cầu, khiến ba mẹ có đôi chút băn khoăn, lo lắng. Nếu mẹ có mong muốn nhưng lại chưa sẵn sàng về thời gian hay tài chính, ba mẹ có thể cân nhắc thêm để lựa chọn ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất cho điều kiện gia đình nhà mình. 5 phương pháp giáo dục sớm để mẹ tìm hiểu thêm là:
- Montessori: Phương pháp giúp bé phát triển cá nhân.
- Glenn Doman: Phương pháp kích thích trí thông minh của bé
- Shichida: Phương pháp giúp trẻ phát triển toàn diện
- HighScope: Phương pháp giúp trẻ chủ động hơn
- Reggio Emilia: Phương pháp giúp trẻ học tư duy sáng tạo
Chắc hẳn đọc đến đây mẹ đã có thêm những hiểu biết về giáo dục sớm cho bé rồi nhỉ. Góc của mẹ sẽ luôn đồng hành trên chặng đường cùng con phát triển vì vậy mẹ đừng ngần ngại chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình chăm sóc bé để nhanh chóng nhận được giải đáp, mẹ nhé!