Nếu mẹ đang muốn dạy bé tập nói thì 3 năm đầu đời chính là thời điểm lý tưởng đó ạ. Đây là thời điểm não bộ bé đang phát triển mạnh mẽ, bé có khả năng học nói nhanh nhạy và tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi tháng tuổi lại có phương pháp học nói khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn mẹ cách dạy bé 3 tháng đến 3 tuổi tập nói chỉ trong “một nốt nhạc”, mẹ tham khảo nhé!
Mục lục
1. Dạy bé dưới 3 tháng tuổi tập nói
Bé dưới 3 tháng tuổi đã biết hóng chuyện, thỉnh thoảng phát ra những âm thanh a, ô, mặc dù chưa nói được thành từ đúng nhưng bé nhận biết được mẹ đang nói và đang cố gắng phát ra âm thanh mô phỏng theo mẹ. Nếu để ý mẹ sẽ thấy bé thường xuyên hướng mặt về phía có giọng nói hoặc âm thanh, bé đang chú ý lắng nghe đấy!
Học nói là một quá trình bắt đầu từ khi mới sinh, mẹ đừng bỏ qua các cách dạy nói cho bé dưới 3 tháng tuổi tập nói sau đây nhé:
- Nói chuyện với bé: Mẹ nên trò chuyện với bé thường xuyên khi cho bé ăn, tắm cho bé hoặc khi thay đồ để bé được nghe giọng nói của mẹ nhiều hơn, tăng khả năng bắt chước theo, từ đó bé học nói nhanh hơn.
- Đọc sách cho bé: Theo một nghiên cứu năm 2016, trẻ em tiếp xúc với vốn từ vựng rộng hơn thông qua việc mẹ đọc sách truyện tranh cho con nghe hơn là nghe lời nói của mẹ.
- Cho bé khoảng thời gian yên tĩnh: Sau khi tiếp thu giọng nói và âm thanh, bé cần thời gian yên tĩnh để bập bẹ tập nói độc lập mà không bị phân tâm bởi các tiếng ồn xung quanh. Mẹ để con chơi cùng phòng với mẹ nhưng hạn chế trò chuyện với con nhé!
2. Dạy bé 3 đến 6 tháng tuổi tập nói
Ở giai đoạn 3 đến 6 tháng tuổi, bé bắt đầu chú ý mọi người nói chuyện với nhau nhiều hơn và bập bẹ phát âm theo thường xuyên hơn. Có thể con vẫn chưa nói được rõ nghĩa chữ nào nhưng những âm thanh bé tạo ra đã đa dạng hơn rất nhiều rồi đó mẹ
Mẹ giúp bé tập nói nhiều hơn nhờ các cách sau nhé:
- Ôm bé lại gần để bé nhìn thẳng vào mắt mẹ: Khi để mặt bé và mẹ đối diện sát gần nhau, bé dễ dàng cảm nhận được cảm xúc của mẹ và chú ý lắng nghe mẹ nói hơn.
- Nói chuyện và cười với bé: Việc nói chuyện thường xuyên với bé giúp bé tăng khả năng học nói, con cũng được tiếp thêm động lực nếu mẹ hay cười với bé đó ạ.
- Mẹ bắt chước lại các âm thanh bé nói ra: Tuy các âm thanh bé tạo ra chưa đúng một từ nào cả nhưng mẹ bắt chước như đang đáp lại lời bé, tạo nên một cuộc nói chuyện qua lại, từ đó cổ vũ bé nói nhiều hơn.
- Mẹ nhắc lại từ mà bé đang cố học nói theo: Khi thấy bé đang cố mô phỏng lại từ mà mẹ đã nói, mẹ nhắc lại để bé nghe rõ hơn và khích lệ bé nói càng nhiều lần, bé học nói từ đó sẽ càng nhanh hơn.
3. Dạy bé 6 đến 12 tháng tuổi tập nói
Khi bé được 6 đến 12 tháng tuổi, bé hiểu được một số từ ngữ đơn giản mẹ thường nói, âm thanh bé mô phỏng có vài từ đúng như “ba” hoặc “bà”. Bé bắt đầu có phản xạ với âm thanh, bé dừng lại khi thấy mẹ nói “không/đừng”, bé mỉm cười khi nghe được giọng nói vui vẻ hoặc tỏ ra buồn khi nghe giọng giận dữ của mẹ.
Mẹ có thể giúp con hiểu nhiều câu từ và phản xạ nhanh hơn với các câu hỏi của mẹ qua các phương pháp sau:
- Đặt ra nhiều câu hỏi đơn giản: Ví dụ các câu hỏi “Mẹ đâu?” hoặc “Ai đấy?” khi cho bé nhìn gương sẽ giúp bé tăng phản xạ khi tiếp nhận giọng nói. Nếu bé không có phản ứng gì,mẹ hãy chỉ hoặc trả lời cho bé các câu hỏi để con tập làm quen cho lần sau.
- Chờ bé nói ra yêu cầu: Bé sẽ chỉ tay vào đồ vật để tỏ mong muốn, tuy nhiên mẹ đừng đáp ứng ngay lập tức mà hãy chờ bé nói ra, nếu bé không nói được, mẹ có thể nhắc trước để bé bắt chước theo. Từ đó bé nhận ra mình cần nói thì mẹ mới hiểu nên sẽ cố gắng nói nhiều hơn.
4. Dạy bé 12 đến 15 tháng tuổi tập nói
Ở giai đoạn này, bé bắt đầu có vốn từ khoảng 10 – 20 từ, đó đều là những từ đơn giản thường xuyên được mẹ sử dụng lặp đi lặp lại. Bé đã có thể hiểu nhiều hơn những gì mẹ nói và phản xạ tốt hơn với các câu hỏi của mẹ.
Các phương pháp dưới đây sẽ giúp mẹ kích thích bé nói nhiều hơn và tăng dần vốn từ lên:
- Mẹ cho bé xem sách tranh thường xuyên: Sách tranh nhiều màu sắc sẽ cung cấp đa dạng hình ảnh kích thích khả năng học nói của bé hơn so với việc mẹ chỉ hỏi về những thứ bé nhìn thấy.
- Mỉm cười hoặc vỗ tay khi thấy bé nói đúng tên những thứ bé nhìn thấy: Bởi đã nhận diện được cảm xúc vui buồn của mẹ nên bé sẽ hào hứng thích thú khi mẹ khích lệ bé bằng cách vỗ tay và cười.
- Đặt ra các câu hỏi lựa chọn: Ví dụ các câu hỏi hàng ngày như “Con chọn gấu bông hay búp bê?” giúp bé nhận diện chính xác đồ vật và nói ra được tên của chúng, từ đó làm phong phú vốn từ cho con.
5. Dạy bé 15 đến 18 tháng tuổi tập nói
Ở giai đoạn bé 15 đến 18 tháng tuổi, bé bắt đầu sử dụng những cử chỉ phức tạp hơn để giao tiếp với mẹ và tiếp tục bổ sung thêm vốn từ vựng của mình. Bé có thể dắt tay mẹ đến giá để đồ, và chỉ vào một quả bóng và nói “bóng” để biểu đạt rằng bé muốn mẹ lấy xuống cho bé chơi.
Mẹ giúp bé hào hứng và thích thú nói chuyện với mẹ hơn qua các cách làm đơn giản nhưng hiệu quả sau:
- Giấu đồ chơi của bé và để bé tìm: Mẹ giấu một món đồ chơi mà bé đang chơi và giúp bé tìm nó, sau đó mẹ cùng bé chia sẻ niềm vui, ví dụ mẹ vỗ tay: “Ôi bạn gấu đây rồi!”, chắc chắn bé cũng sẽ vui vẻ cười nói theo mẹ đấy ạ!
- Mẹ nói rõ đặc điểm các đối tượng mà con đang chơi: Ví dụ khi con đưa cho mẹ một quyển sách, mẹ miêu tả về nó cho bé như sau: “Mẹ xin, con đưa cho mẹ quyển sách đó à, con nhìn hình bạn thỏ đang ăn cà rốt kìa!”
- Vui đùa bằng các câu hỏi với bé: Các câu hỏi vừa để tăng tương tác giữa mẹ và bé, vừa giúp mở rộng vốn từ về bộ phận cơ thể như: “Cho mẹ xem mũi của con nào”, “Bàn tay con đâu nhỉ”, “Chỉ vào miệng của con nhé”.
6. Dạy bé 18 tháng đến 2 tuổi tập nói
Bé 18 tháng đến 2 tuổi đã có thể làm theo các chỉ dẫn của mẹ và ghép các từ lại với nhau thành các cụm từ dài hơn như “đi ô tô”, “mẹ – bế”, “uống nước”… Bé luôn tò mò tìm hiểu và tiếp thu được nhiều từ ngữ mới với độ khó cao hơn nhiều.
Để giúp con giao tiếp tốt hơn mẹ không nên bỏ qua áp dụng các phương pháp sau:
- Nhờ bé giúp mẹ: Bằng các hoạt động “nhờ vả” nhẹ nhàng như: “Con cất giúp mẹ cái cốc này lên bàn kia nhé!”, “Con lấy giúp mẹ tờ giấy lại đây nào!”, mẹ đang giúp bé phản xạ nhanh khi nhận diện đồ vật và hiểu nghĩa câu nói đó ạ.
- Mẹ dạy con các bài hát dễ nhớ: Các giai điệu đơn giản, từ ngữ dễ nói, lặp lại nhiều trong bài hát luôn làm các bé hào hứng ghi nhớ và thích thú khi ngâm nga lại. Ví dụ như bài: cháu lên 3, một cộng một bằng hai, một con vịt xòe ra 2 cái cánh,…
- Khuyến khích con nói chuyện nhiều hơn: Mẹ kích thích con nói chuyện nhiều hơn khi bảo con kể về đồ chơi mà bé yêu thích, hoặc mẹ tạo ra các cuộc đối thoại nhập vai vào bạn gấu bông, búp bê, xe đồ chơi… để nói chuyện khi chơi cùng con.
7. Dạy bé 2 đến 3 tuổi tập nói
Ở giai đoạn này mẹ sẽ thấy khả năng ngôn ngữ của con có bước tiến bộ vượt bậc, bé có thể kết hợp các từ lại với nhau thành câu hoàn chỉnh,thường xuyên chơi trò nhập vai thay các đồ chơi để nói chuyện khi chơi với chúng.
Để giúp con nhanh nhớ được các từ mới và kích thích con trò chuyện nhiều hơn, mẹ tham khảo các phương pháp sau nhé:
- Mẹ hỏi con câu hỏi cần câu trả lời dài: Thay vì hỏi các câu hỏi “Có – Không”, mẹ thường xuyên hỏi bé các câu hỏi cần phải suy nghĩ và trả lời dài, ví dụ khi bé đi chơi với bố về: “Con vừa đi đâu chơi thế, con được bố cho chơi trò gì nhỉ”.
- Kích thích bé kể lại câu chuyện hoặc hát bài hát bé yêu thích: Trước đó bé đã được mẹ cho nghe nhiều lần nên chắc hẳn sẽ nhớ được đôi chút, việc mẹ để bé kể lại giúp bé phát triển cả trí nhớ và khả năng ngôn ngữ của mình.
- Mẹ gợi ý bé chơi nhiều trò chơi nhập vai thay đồ vật nói chuyện: Trò chơi giúp bé tăng cơ hội để sử dụng và học hỏi ngôn ngữ, ngoài ra còn giúp bé phát triển khả năng diễn xuất và biểu cảm qua lời nói. Ví dụ như trò chơi: kể chuyện bằng con rối, hoặc đóng vai nhân vật bé yêu thích để trò chuyện cùng bé,…
- Để cho bé thời gian yên tĩnh, tự chơi: Sau thời gian tiếp thu các kiến thức ngôn ngữ mới, bé cần thời gian yên tĩnh (tắt Tivi, đài nói, ca nhạc,…) để tự ghi nhớ và phát triển hệ ngôn ngữ theo cá tính riêng.
Lưu ý cho mẹ: Lần đầu làm mẹ còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen lắm với những lần “khủng hoảng” của con: con không chịu hợp tác, còn mẹ bực bội. Để 2 mẹ con dễ dàng giao tiếp và hiểu nhau hơn, mẹ tham khảo thêm các cách dạy và chăm bé 1 – 3 tuổi chuẩn khoa học nhé.
8. 5 sai lầm mẹ cần tránh khi dạy bé tập nói
Trong quá trình dạy cho bé tập nói, mẹ cần hiểu đúng để tránh các sai lầm dưới đây khiến con chậm nói, rối loạn ngôn ngữ:
1 – Dùng ngôn ngữ trẻ em để dạy bé tập nói: Nhiều mẹ cho rằng nói ngắn gọn, lược bớt từ ngữ đi thì con sẽ dễ hiểu và nói được nhanh hơn, ví dụ cụm từ “đi chơi” mẹ sẽ thay thế nói là “chơi chơi”. Thói quen này kéo dài vô tình làm bé tư duy sai lệch về việc học nói đúng và đầy đủ, bé sẽ chỉ học được các từ cụt, hoặc thay vì nói cả câu, bé chỉ nói được một từ trong đó. Vì vậy, khi nói chuyện với con, mẹ nên nói đầy đủ cả câu hoặc cả cụm từ, dù không nói được ngay nhưng bé sẽ bắt chước dần dần để nói được như mẹ đó ạ.
2 – “Lấy” mất cơ hội nói của con: Khi mẹ đáp ứng quá nhanh các yêu cầu của bé mà chưa chờ bé nói ra là mẹ đang “lấy” mất cơ hội nói của con đó ạ, sau đó lặp lại nhiều lần làm bé lười nói, bởi bé thấy bé không nói mà vẫn đạt được các yêu cầu. Để con học nói nhanh, mẹ cần chờ bé nói ra các yêu cầu nhé, dù chỉ là bập bẹ tập nói 1 – 2 từ. Ví dụ thấy bé chỉ vào bình sữa, mẹ hiểu ngay bé đang đói, nhưng đừng vội pha sữa đưa cho con, hãy kiên nhẫn chờ con nói, hoặc gợi ý cho con từ “ăn” hoặc “sữa” để con phát âm theo và đừng quên khích lệ khi con nói được từ đó mẹ nhé.
3 – Dùng từ ngữ phức tạp để trò chuyện với con: Trong gia đình, khi thấy mọi người nói chuyện với nhau bằng nhiều ngôn ngữ địa phương khác nhau sẽ làm bé bị loạn, bé khó học nói theo, dẫn đến bé bị chậm nói. Vậy nên, để giúp con có môi trường học nói tốt nhất, mọi người trong nhà cố gắng thống nhất một kiểu phương ngữ khi nói chuyện cùng nhau.
4 – Lạm dụng các thiết bị thông minh: Một nghiên cứu năm 2018 nhận thấy rằng thời gian sử dụng thiết bị di động tăng lên có liên quan đến sự chậm phát triển ngôn ngữ ở bé 18 tháng tuổi. Mẹ đừng vì thấy con quấy khóc đòi xem điện thoại, Tivi mà mềm lòng cho con xem quá nhiều, các chuyên gia đã chỉ ra rằng các bé thường xuyên nhìn chằm chằm vào màn hình có khả năng học nói kém hơn so với bé được giao tiếp trực tiếp với mẹ.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đưa ra lời khuyên cho bé dưới 3 tuổi sử dụng thiết bị thông minh từ 15 phút đến dưới 1 giờ mỗi ngày.
5 – Quá kỳ vọng vào con: Thông thường bé sẽ nói được khi được khoảng 1 tuổi, tuy nhiên tốc độ phát triển ở mỗi bé là khác nhau. Do đó, mẹ đừng vì quá lo lắng khi thấy con nói chậm hơn các bạn cùng độ tuổi mà sốt ruột nhé! Dạy con học nói là một quá trình cần sự kiên nhẫn, tâm lý thoải mái và thường xuyên tán thưởng con, không những để con nhanh biết nói mà đây còn trở thành một trải nghiệm tuyệt vời gắn kết 2 mẹ con đó.
Theo dõi tới đây chắc hẳn mẹ đã nắm chắc được các phương pháp dạy bé tập nói từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi rồi đúng không ạ. Nếu trong quá trình thực hiện, mẹ gặp bất kỳ khó khăn hay băn khoăn nào, đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới, Góc của mẹ luôn sẵn sàng để giải đáp mẹ nhanh nhất!