Máy hút sữa dần trở thành “trợ thủ đắc lực” cho mẹ bỉm bởi sự tiện lợi, an toàn. Đặc biệt, mẹ có thể chữa tắc tia sữa bằng máy hút sữa nếu sử dụng đều đặn, đúng cách đấy ạ! Tại sao vậy? Mẹ đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Mục lục
1. Một số dấu hiệu cho thấy mẹ bị tắc tia sữa
Viêm tắc tia sữa là hiện tượng ống tuyến sữa bị tắc và sữa không thể chảy ra bên ngoài đầu ti được. Hiện tượng này phổ biến ở các mẹ ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Các dấu hiệu tắc tia sữa thường tiến triển từ từ, một vài trường hợp lại rất nhanh chóng và rõ rệt. Mẹ chú ý quan sát và lưu ý các dấu hiệu dưới đây để nhận biết nhé!
- Sữa không tiết ra đầu ti hoặc tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ đã chủ động vắt sữa cũng không ra nhiều.
- Chỉ cần sờ nhẹ vào ngực cũng thấy rõ những cục cứng tại vùng tắc đang nổi lên.
- Bầu ngực cương cứng, căng to, nặng nề hơn bình thường, càng lúc mức độ càng tăng lên gây đau nhức khi cho con bú.
- Ngực sưng lên, có cảm giác nóng ấm, khó chịu.
- Cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, cảm giác đau tăng lên do ứ đọng nhiều bên trong.
- Đôi khi tắc tia sữa gây sốt nhẹ hoặc sốt cao.
Tắc tia sữa có thể khiến mẹ bị ít sữa, mất sữa, ảnh hưởng tới việc nuôi con bằng sữa mẹ. Lâu ngày sẽ dẫn tới các biến chứng như viêm vú, áp xe nguy hiểm tới tính mạng.
Vì thế nếu xuất hiện các dấu hiệu trên, mẹ duy trì cho con bú thường xuyên để làm giảm tình trạng tắc sữa nhé. Đồng thời mẹ áp dụng các biện pháp chữa tắc sữa an toàn, hiệu quả như massage, chườm ấm, làm trống bầu vú bằng máy hút sữa…giúp làm tan cục sữa đông, kích thích dòng sữa chảy ra.
2. Cách chữa tắc tia sữa bằng máy hút sữa
Chữa tắc sữa bằng máy hút sữa được đánh giá phương pháp đơn giản, an toàn, mang lại hiệu quả tức thì.
Nếu mẹ muốn dùng máy hút sữa để chữa tắc sữa, mẹ nên sử dụng ngay khi bắt đầu thấy có dấu hiệu tắc sữa. Vị trí tắc sữa phải gần núm vú hoặc ở vị trí nông. Không nên để đến khi sữa vón cục dẫn tới tắc nghẽn sẽ khiến việc hút sữa trở nên khó khăn.
2.1. Chuẩn bị chữa tắc tia sữa bằng máy hút sữa
Để bắt đầu chữa tắc tia sữa bằng máy hút sữa, mẹ cần phải chuẩn bị một số dụng cụ trước khi thực hiện:
- Máy hút sữa đã được vệ sinh và khử trùng. Để chữa tắc sữa, mẹ nên lựa chọn máy hút sữa bằng điện. Loại máy này có cả 2 cơ chế là massage và hút sữa có tác dụng vừa làm tan cục sữa đông, lưu thông dòng sữa, loại bỏ sữa thừa tích tụ trong ngực, hạn chế sữa đông tái diễn. Trong khi đó, loại máy hút bằng tay lại chỉ có chức năng hút sữa, không mang lại hiệu quả cao như máy hút điện.
- Bình đựng sữa đã được vệ sinh và khử trùng.
- Khăn khô đa năng để lau trong quá trình chữa tắc tia sữa bằng máy hút sữa.
2.2. Các bước thực hiện chữa tắc tia sữa bằng máy hút sữa
Máy hút sữa với lực hút mạnh sẽ kích thích các nang tiết sữa ra nhanh hơn, tạo lực đẩy các cục sữa bị đọng lại trong bầu vú ra ngoài. Từ đó giúp sữa chảy ra nhiều hơn và đều hơn, giảm được tình trạng tắc sữa cho mẹ.
Sau khi cho bé bú xong, mẹ dùng máy hút sữa thực hiện theo các bước hướng dẫn sau:
- Bước 1: Dùng khăn khô đa năng nhúng nước, vắt kiệt và lau xung quanh bầu ngực, núm ti.
- Bước 2:
- Massage bầu ngực theo hướng sữa chảy ra (hướng từ chân vú đến đầu ti). Điều này sẽ giúp mẹ bớt đau ngực và bớt nóng hơn.
- Kết hợp chườm nóng vào chỗ bị tắc để làm tan cục sữa bị đông vón bên trong, giúp sữa lưu thông dễ dàng.
- Bước 3:
- Dùng máy hút sữa hút trong khoảng 5 phút.
- Dùng khăn ẩm lau nhẹ nhàng phần đầu ti để loại bỏ hết cặn sữa.
- Mẹ có thể cho bé bú trực tiếp càng nhiều càng tốt để nâng cao hiệu quả.
- Bước 4:
- Kết hợp massage bằng tay.
- Tiếp tục sử dụng máy hút sữa để hút trong khoảng 20 phút.
- Nếu sữa ra chậm hoặc không ra thì ngưng hút, lau đầu ti để loại bỏ cặn sữa. Nếu chưa thấy hiệu quả, mẹ dùng vòi hoa sen xả nước ấm vào bầu ngực, dùng tay vuốt từ hướng chân ngực lên phía trên.
- Dùng 2 tay chặn ép đuôi ngực để ép sữa ra. Ép làm sao cho sữa chảy ra nhiều hơn, nhanh hơn hay thấy giọt sữa lăn ra to hơn thì hút tiếp..
Tần suất: Mẹ thực hiện hút sữa 2 – 3 giờ 1 lần,lượng sữa sẽ ra ổn định.
Mẹ lưu ý: Mẹ tránh hút trên 30 phút vì sẽ làm tổn thương bầu ti. Hút sữa quá lâu có thể gây tình trạng tiết sữa mạnh, sữa cũ chưa thoát ra hết mà sữa mới đã được sản xuất dễ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
3. Khi nào cần đến khám bác sĩ?
Mặc dù những phương pháp ở trên được nhiều mẹ áp dụng, tuy nhiên hiệu quả còn phụ thuộc vào mức độ tắc sữa và thể trạng mỗi mẹ.
Nếu mẹ đã dùng máy hút sữa hay các phương pháp chữa tắc sữa khác mà không thấy thuyên giảm thì mẹ cần gặp bác sĩ ngay để có biện pháp điều trị kịp thời.
Ngoài ra, khi gặp 2 trong số các dấu hiệu dưới đây thì mẹ cũng nên cẩn trọng. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm vú, áp xe vú nguy hiểm tới tính mạng.
- Tắc sữa kèm theo sốt cao trên 38.5 độ C: Tắc sữa kèm theo sốt cao không nguy hiểm tới tính mạng nhưng sẽ khiến mẹ mệt mỏi, đau nhức vùng ngực, ít sữa hoặc ngừng tiết sữa. Nếu dấu hiệu kéo dài 1 tuần trở nên, rất có thể mẹ sẽ có nguy cơ cao bị viêm tuyến vú.
- Vú sưng lên, cứng, bóng, có cảm giác nóng ấm, lấy tay sờ thấy hơi sần.
- Cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, khó thở…
- Mẹ tắc sữa không thấy thuyên giảm sau 3 – 4 ngày.
Rất nhiều mẹ bị tắc sữa lâu ngày nhưng vì tâm lý ngại ngùng, sợ đau nên chần chừ không tới bệnh viện khám mà vẫn cố sử dụng các phương pháp ở nhà. Tuy nhiên, chữa tắc sữa khi còn nhẹ không quá đau hay khủng khiếp như mẹ nghĩ. Chỉ khi mẹ bị viêm nhiễm, áp xe vú, quá trình điều trị mới kéo dài và gây đau cho mẹ thôi. Vì thế, hãy nhờ sự can thiệp của bác sĩ ngay khi có dấu hiệu ở trên để tránh tắc sữa nặng hơn mẹ nhé!
Chữa tắc sữa bằng máy hút sữa chỉ nên áp dụng ở giai đoạn khi mẹ mới tắc sữa. Để đảm bảo tình trạng tắc sữa nhanh chóng chấm dứt, mẹ cần thực hiện đúng quy trình và kết hợp thêm các phương pháp chữa tắc sữa khác như massage, chườm ấm… Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ tốt nhất mẹ nhé!