Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị mẩn đỏ không sốt như rôm sảy, hồng ban, ban đỏ nhiễm độc, hăm tã,… Tình trạng này thường không nguy hiểm nếu mẹ hiểu da con và có cách chăm sóc phù hợp. Nếu đang lúng túng chưa biết phải làm sao thì bài viết dưới đây sẽ là “cứu tinh” cho mẹ đấy!
Mục lục
1. Chăm sóc bé bị nổi mẩn đỏ không sốt trong từng trường hợp
Các trường hợp bé nổi mẩn đỏ không sốt rất đa dạng như hăm tã, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, ban đỏ,… Hiểu rõ từng trường hợp để có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tốt nhất cho bé mẹ nhé.
1.1. Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh (Mụn hạt kê)
Mụn trứng cá là hiện tượng thường gặp ở bé sơ sinh do lượng hormone bé nhận được từ mẹ trong giai đoạn cuối thai kỳ chưa được đào thải hết; còn tồn tại trong cơ thể bé. Điều này gây mất cân bằng hormone, dẫn tới các nốt mẩn đỏ trên da.
1.1.1. Biểu hiện
Bé sơ sinh bị mụn trứng cá có các biểu hiện:
- Mụn nhỏ, li ti, mật độ dày.
- Các vết mụn xuất hiện sau vài ngày hoặc vài tuần sau sinh.
- Mụn chủ yếu xuất hiện ở cằm, má, trán, lưng; ít xuất hiện ở các bộ phận khác.
1.1.2. Cách chăm sóc
Mụn trứng cá ở bé sơ sinh sẽ tự khỏi trong vòng 2 – 4 tuần. Trong thời gian này, mẹ cần lưu ý:
- Giữ vệ sinh da bé sạch sẽ: Mẹ dùng nước ấm khoảng 40 độ C tắm rửa cho bé hàng ngày. Ngoài ra, sau khi cho bé ăn sữa, mẹ dùng khăn mềm, khăn ướt lau sữa và nước bọt bám trên da bé mẹ nhé!
- Chọn quần áo chất liệu mềm mại như vải lanh, vải đũi, vải cotton,… để tránh làm xước các vết mụn của bé.
- Đưa bé tới gặp bác sĩ nếu tình trạng mụn trứng cá kéo dài quá 3 tháng.
1.2. Ban đỏ nhiễm độc
Có nhiều bé sơ sinh bị ban đỏ nhiễm độc trong vòng 2 ngày đến 2 tuần sau sinh. Bé không nhiễm trùng, không dị ứng, xuất hiện các vết mẩn đỏ không rõ nguyên nhân.
1.2.1. Biểu hiện
Bé bị ban đỏ nhiễm độc có các biểu hiện như:
- Mụn chấm nhỏ, li ti màu đỏ. Chúng mờ đi khi mẹ ấn tay vào.
- Mụn có mủ hoặc không.
- Bé không ngứa, không sốt.
- Mụn thường gặp ở mặt và thân; đôi lúc xuất hiện ở cánh tay, chân; hiếm khi xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Mụn có khả năng lây lan từ bộ phần này sang bộ phận khác.
1.2.2. Cách chăm sóc
Khác với tên gọi, phát ban nhiễm độc thường lành tính. Da bé tự khỏi sau vài ngày, không cần dùng thuốc và không để lại sẹo, thâm trên da. Để da bé hồi phục nhanh nhất, mẹ lưu ý:
- Nhẹ nhàng khi tắm cho bé: Các vết mụn dễ bị xước, vỡ; tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Vì thế, khi tắm cho bé, mẹ không chà xát quá mạnh, đặc biệt tại vùng da nổi mụn.
- Không nặn mụn cho bé: Các vết mụn của bé sẽ tự biến mất sau vài ngày. Mẹ không cần nặn mụn cho bé đâu ạ! Việc nặn mụn sẽ vô tình tạo các tổn thương nhỏ trên da để vi khuẩn xâm nhập gây loét da, nhiễm trùng,…
- Không tự ý dùng thuốc cho bé: Da bé sẽ tự khỏi mà không cần sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Trong trường hợp mụn lây lan toàn thân, xuất hiện ở cả lòng bàn tay, lòng bàn chân; mẹ đưa bé tới khám bác sĩ và dùng thuốc cho bé theo hướng dẫn.
1.3. Thời tiết nóng bức
Bé có làn da rất mỏng manh và dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Khi thời tiết nóng bức, da bé ra mồ hôi nhiều, ứ đọng trong tuyến mồ hôi, gây mẩn đỏ và mụn nước trên da.
1.3.1. Biểu hiện
Bé không sốt, các vết mẩn đỏ có biểu hiện:
- Các chấm đỏ rải rác trên da.
- Có hoặc không có mụn nước trên da.
- Bé ngứa ngáy, thường đưa tay dụi ngứa vùng da nổi mẩn.
- Bé quấy khóc nhiều do bức bối, ngứa rát nhiều.
1.3.2. Cách chăm sóc
Bé nổi mẩn do thời tiết nóng bức hồi phục rất nhanh chóng nếu mẹ giữ không gian thoáng mát và tránh nóng cho bé. Bé sẽ khỏe mạnh sau vài ngày, thậm chí vài giờ nếu mẹ áp dụng các biện pháp sau:
- Chọn quần áo mỏng nhẹ, mềm mại, thoáng mát cho bé: Mẹ ưu tiên chất liệu vải như: lanh, cotton,vải đũi,… và hạn chế các chất liệu thô ráp, khó thấm hút mồ hôi như: Jeans, nilon, da, lụa…
- Tắm cho bé hàng ngày: Tắm cho bé với nước ấm 40 độ C giúp làm dịu da, loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn trên người bé. Ngoài ra, mẹ lưu ý chọn sản phẩm tắm gội dành riêng cho bé sơ sinh với thành phần thiên nhiên, lành tính; tránh các thành phần gây kích ứng như: Paraben và methylisothiazolinone (MIT), hóa chất tạo bọt SLS-SLES….
- Giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát: Mẹ dọn nhà cửa, giường ngủ sạch sẽ; sử dụng quạt hoặc điều hòa, duy trì nhiệt độ phòng khoảng 28 độ C để làm mát phòng ngủ và tránh để bé gần cửa sổ khi trời nắng nóng, đặc biệt là thời điểm giữa trưa mẹ nhé!
1.4. Bệnh hồng ban
Hồng ban là vấn đề da do nhiễm trùng bởi virus: Herpes simplex virus gây ra. Theo thống kê, hồng ban chủ yếu xuất hiện vào mùa xuân và mùa thu.
1.4.1. Biểu hiện
Các vết tổn thương hồng ban rất đặc trưng và xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể:
- Vết mẩn đỏ trên da hình bia bắn: Có 2- 3 vòng tròn đồng tâm; vòng tròn trung tâm có màu đỏ đậm, vùng da giữa các vòng tròn có màu hồng nhạt và vùng da ngoài cùng có màu đỏ tươi.
- Có hoặc không có bọng nước ở giữa vết mẩn đỏ hình vòng tròn.
- Vùng da mẩn đỏ phồng rộp.
- Bé không ngứa, không sốt.
1.4.2. Cách chăm sóc
Bé bị hồng ban da tự hồi phục sau khoảng 3 – 6 tuần mà không cần điều trị, không lây lan sang mẹ hoặc những người tiếp xúc. Để bé hồi phục nhanh hơn, mẹ tắm cho bé với nước ấm 40 độ C hàng ngày để làm dịu da, loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn trên người. Mẹ cũng ưu tiên chọn sản phẩm tắm gội có thành phần thiên nhiên để an toàn, lành tính nhất cho bé nhé!
Lưu ý: Nếu bé có biểu hiện: ngứa rát, khó chịu, quấy khóc nhiều, bỏ bú, ngủ không yên giấc; mẹ đưa bé đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc tốt nhất.
1.5. Rôm sảy
Bé nổi mẩn đỏ không sốt là triệu chứng của rôm sảy. Bé thường bị rôm sảy vào mùa hè. Những ngày nắng nóng làm da bé ra nhiều mồ hôi, gây bít tắc ống tiết tuyến mồ hôi, từ đó gây viêm và nổi mẩn rôm sảy.
1.5.1. Biểu hiện
- Các mụn nước nhỏ, li ti, mọc thành đám.
- Nền da mọc mụn nước tấy đỏ.
- Bé ngứa nên thường hay đưa tay gãi, quấy khóc.
- Các vết mẩn đỏ thường gặp ở vùng da ra nhiều mồ hôi như lưng, cổ, trán, ngực, kẽ nách, háng.
1.5.2. Cách chăm sóc
Tương tự như trường hợp bé nổi mẩn đỏ do thời tiết nóng bức; các vết phát ban trên da sẽ tự lặn sau 2 – 3 ngày nếu mẹ chăm sóc đúng cách. Mẹ lưu ý chọn quần áo mát mẻ, chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt như: vải lanh, vải cotton, nhẹ nhàng tắm rửa cho bé hàng ngày và vệ sinh phòng ngủ, chăn gối của bé sạch sẽ.
Lưu ý quan trọng: Mụn nước do phát ban, rôm sảy rất dễ vỡ. Sau khi vỡ, chúng sẽ “mở cửa” cho vi khuẩn tấn công da bé và gây nhiễm trùng rất nguy hiểm! Nếu bé hay đưa tay lên gãi ngứa, mẹ dùng khăn thấm nước mát 25 – 30 độ C, vắt bớt nước và chườm nhẹ lên vùng da mẩn đỏ. Nước mát sẽ làm dịu, giảm kích ứng và ngứa ngáy da bé.
1.6. Hăm tã
Hăm tã là vấn đề về da thường gặp với những bé trong độ tuổi mặc tã. Nguyên nhân là do da bé phải tiếp xúc với phân và nước tiểu trong thời gian dài, trở nên yếu ớt hơn, dễ bị mẩn đỏ hơn các vùng da khác. Nếu mẹ không thay tã cho bé thường xuyên, vệ sinh vùng mặc tã sai cách, vi khuẩn sẽ phát triển gây hăm tã.
1.6.1. Biểu hiện
Các tổn thương da do hăm tã thường xuất hiện ở mông, quanh vùng bẹn với các biểu hiện:
- Da mẩn đỏ.
- Có hoặc không có mụn nước trên nền da mẩn đỏ.
- Da bé khô, thậm chí bong tróc.
- Có hoặc không có các vết mụn mủ.
1.6.2. Cách chăm sóc
Khi bé bị hăm tã, mẹ đặc biệt lưu ý đến việc dùng tã cho bé:
- Thay tã thường xuyên 3 – 4h: Phân và nước tiểu để lâu là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, khiến hăm tã nặng hơn. Chuyên gia khuyên mẹ nên thay tã cho bé sau 3 – 4h để bảo vệ tốt nhất cho vùng da mặc tã của con.
- Mặc tã vừa hoặc nhỉnh hơn 1 chút cho bé: Tã chật gây cọ xát và kích ứng da bé. Tã quá rộng gây tràn bỉm, xô lệch,… Do đó, mẹ chọn tã vừa vặn hoặc nhỉnh hơn 1 size so với cân nặng của con, giúp mông con được thở, nhanh khỏi hơn mẹ nhé!
- Chọn tã thấm hút tốt: Tã thấm hút tốt sẽ hút nhanh nước tiểu sau khi bé tè, chống thấm ngược trở lại mông bé, tránh hăm tã nặng hơn. Vậy thế nào là tã thấm hút tốt mẹ nhỉ? Mẹ ưu tiên chọn tã có nhiều hạt SAP thấm hút cao cấp – loại hạt có khả năng hấp thụ lượng chất lỏng gấp 30 lần trọng lượng của nó, sau khi hút xong sẽ chuyển sang dạng gel chống thấm ngược trở lại, giúp mông bé khô thoáng tối đa.
Để tìm hiểu rõ hơn về các biểu hiện và cách chăm sóc bé bị hăm tã, mẹ hãy tham khảo bài viết: Hăm tã
1.7. Nguyên nhân khác khiến bé bị nổi mẩn đỏ không sốt
Ngoài những nguyên nhân kể trên, bé nổi mẩn đỏ không sốt do nhiều nguyên nhân khác như:
- Bé bị dị ứng: Dị ứng khiến bé nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy nhưng không sốt. Các vết mẩn đỏ này sẽ hết khi bé ngừng tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: Thời tiết, thức ăn, hóa chất trong đồ chơi, chất liệu bình sữa, lông chó mèo, sản phẩm tắm gội,…
- Bé bị viêm da cơ địa: Bé bị viêm da cơ địa bị mẩn đỏ theo từng đợt, cấp tính, khi tiếp xúc với bụi bẩn, bọ nhà, nấm mốc, mạt, không khí ô nhiễm, không gian ẩm thấp… Viêm da cơ địa có tính di truyền, nếu người thân trong nhà có tiền sử bị viêm da cơ địa thì bé dễ bị theo đó ạ!
- Nổi mề đay mẩn ngứa: Mề đay là phản ứng của da trước những tác nhân gây dị ứng bên ngoài như thay đổi thời tiết, các thành phần hóa mỹ phẩm, côn trùng cắn, khói bụi, phấn hoa,… Bé nổi mề đay không sốt nhưng xuất hiện các vết sưng phồng như muỗi đốt kèm theo ngứa ngáy nhiều, khó chịu.
- Nhiễm nấm da: Bé bị nấm da do nhiễm nấm Candida – loại nấm này thường có sẵn, vô hại trên bề mặt da và niêm mạc. Khi hệ miễn dịch của bé suy yếu do ốm, suy dinh dưỡng,… chúng sẽ sinh sôi phát triển mạnh gây nổi mẩn đỏ có vảy, bong tróc và ngứa khắp người bé.
Các trường hợp bé bị nổi mẩn đỏ không sốt đều lành tình và tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần tùy nguyên nhân. Da bé không để lại sẹo, không bị thâm da nếu mẹ biết chăm sóc bé đúng cách, giữ da bé sạch sẽ và tránh bé tiếp xúc với các nguyên nhân gây tổn thương da.
2. Khi nào nên đưa bé đi khám bác sĩ?
Bé nổi mẩn đỏ không sốt thường lành tính nhưng cũng không được chủ quan đâu mẹ nhé! Các vết mẩn đỏ, đặc biệt là những vết xước da do bé gãi ngứa là nơi để vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Khi phát hiện những dấu hiệu sau, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ nhanh chóng.
- Bé chán ăn, bỏ bú quấy khóc liên tục không ngừng.
- Bé mệt mỏi nhiều, không muốn chơi đùa, ngủ li bì, ngủ khó đánh thức.
- Các nốt mẩn đỏ xuất hiện mủ, dịch vàng, rỉ nước.
- Các nốt mẩn đỏ không giảm bớt, thậm chí, lan rộng, sưng tấy và đỏ hơn trước dù mẹ đã áp dụng các biện pháp chăm sóc bé tại nhà.
- Các mảng da đỏ, thâm tím, chảy máu qua các nốt mụn.
3. Lưu ý khi bé nổi mẩn đỏ khắp người không sốt
Dù bé nổi mẩn đỏ không sốt do nguyên nhân nào, mẹ cũng cần giữ da bé sạch sẽ, hạn chế để bé tiếp xúc với nguyên nhân gây mẩn đỏ, tránh làm xước da con. Cụ thể, trong giai đoạn này, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Tránh các nguyên nhân gây mẩn đỏ: Các nguyên nhân bao gồm: Nhiệt từ ánh sáng trực tiếp từ mặt trời; phấn hoa; khói bụi; môi trường ẩm thấp, bí bách…Mẹ quét dọn nhà cửa hàng ngày; giữ nhiệt độ phòng mát mẻ, thoáng mát, giữ vệ sinh chăn màn, đệm gối và quần áo của con….
- Chất liệu quần áo thoáng mát, mềm mại cho bé: Các chất liệu quần áo cho bé cần thấm mồ hôi tốt, ít gây ma sát như vải cotton, vải lanh,… Mẹ tránh sử dụng những chất liệu thô cứng như vải jeans, vải bò, vải da,
- Chườm mát để làm dịu ngứa rát trên da: Mẹ dùng khăn thấm nước mát 25 – 30 độ C, vắt bớt nước và chườm lên vùng da nổi mẩn đỏ. Nước mát sẽ xoa dịu tức thời những cơn ngứa ngáy, châm chích, đau rát trên da bé.
- Tắm nước ấm (38 – 40 độ) cho bé: Nước ấm sẽ làm sạch da bé; loại bỏ mồ hôi, vi khuẩn, bụi bẩn , các tác nhân gây mẩn đỏ trên da và hạn chế tình trạng nổi mẩn do nhiệt, dị ứng.Mẹ không nên sử dụng nước lạnh cho bé mẹ nhé! Tắm cho bé với nước lạnh làm bé dễ bị cảm, giảm sức đề kháng khiến da con khó hồi phục hơn.
- Vệ sinh da bé đúng cách: Mẹ chọn những sản phẩm có thành phần an toàn, lành tính, dành riêng cho làn da nhạy cảm của bé. Bên cạnh đó, khi tắm hay vệ sinh da cho con, mẹ thao tác nhẹ nhàng, hạn chế tối đa ma sát, tránh làm tổn thương, xước da và các vết mụn.
- Tránh để móng tay làm xước da bé: Bé ngứa nên có xu hướng đưa tay gãi vết ngứa rất nhiều. Để tránh bé vô tình làm tổn thương, trầy xước da; mẹ cắt ngắn móng tay hoặc mang găng tay, bao tay cho bé.
4. Biện pháp phòng ngừa tính trạng nổi mẩn đỏ không sốt ở trẻ
Hệ miễn dịch của bé còn non yếu; do đó, bé dễ bị tấn công bởi các yếu tố bên ngoài môi trường dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ trên da. Để hạn chế tối đa tình trạng này, mẹ thực hiện những biện pháp phòng ngừa cho bé như sau:
- Vệ sinh cơ thể, tay chân cho bé hàng ngày, tránh để sữa, nước bọt, bụi bẩn bám trên da bé.
- Dùng sản phẩm giặt, tắm gội chuyên dụng cho bé, ưu tiên thành phần thiên nhiên để an toàn, lành tính với làn da nhạy cảm của con. Mẹ tập thói quen đọc kỹ thành phần sản phẩm, cần tránh các thành phần dễ gây kích ứng da bé như: Paraben và methylisothiazolinone (MIT), hóa chất tạo bọt SLS-SLES….
- Chọn quần áo cho bé có chất liệu thoáng khí, mềm mại và thấm mồ hôi tốt như: vải lanh, vải đũi, vải cotton; tránh các chất liệu thô ráp, không thấm mồ hôi như vải jeans, vải dạ,… làm bé bí bức, đổ mồ hôi nhiều gây nổi mẩn đỏ.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với các yếu tố từng làm bé bị nổi mẩn đỏ như: thời tiết, khói bụi, phấn hoa, hóa chất tẩy rửa, thức ăn,….
- Tiêm chủng đầy đủ cho bé theo lịch tiêm chủng mẹ nhé!
Lần đầu thấy bé bị mẩn đỏ không sốt, chắc hẳn mẹ hoang mang, lo lắng lắm. Nhưng con sẽ khỏi nhanh nếu mẹ bình tĩnh tìm hiểu da con và chăm sóc phù hợp, mẹ đừng lo lắng quá nhé! Nếu cần hỗ trợ, mẹ để lại bình luận ở dưới, Góc của mẹ sẽ trả lời mẹ nhanh chóng nhất!