Các mẹ hãy bỏ túi ngay 14 cách giúp giảm đau tự nhiên khi có dấu hiệu chuyển dạ nhé. Đây là những cách giúp các mẹ cảm thấy thư giãn và thoải mái, chuẩn bị tinh thần thật tốt cho cuộc vượt cạn thành công.
Mục lục
1. Massage giúp giảm đau khi chuyển dạ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những mẹ bầu nhận được physical touch so với mẹ bầu không nhận được physical touch:
- Giảm 56% tỷ lệ sinh mổ
- Giảm 85% sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng
- Giảm 70% sinh thường dùng đến thủ thuật forceps
- Thời gian vượt cạn ngắn hơn 25%
Physical touch có thể hiểu là những cử chỉ vật lý, tác động vào bên ngoài cơ thể, như massage, ôm, chạm,… Khi được massage hoặc nhận được những cử chỉ âu yếm, cơ thể giải phóng oxytocin. Đây là hormone giúp cơ thể giảm căng thẳng, sợ hãi cho mẹ bầu. Nó cũng giúp mẹ bầu thấy đỡ đau hơn khi chuyển dạ.
2. Mùi hương
Trong nhiều thế kỷ, tinh dầu được sử dụng lúc các mẹ vượt cạn. Một số loại tinh dầu được chứng minh là có lợi trong quá trình chuyển dạ, giúp mẹ bầu giảm căng thẳng. Đồng thời chúng hoạt động như một loại thuốc có lợi cho tử cung, kích thích lưu thông và nhiều lợi ích khác nữa.
Dưới đây là một số loại tinh dầu các mẹ có thể sử dụng trong quá trình chuyển dạ hoặc mang thai, đã được chứng minh là hữu ích:
2.1. Hoa oải hương
Đây là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất được sử dụng trong khi chuyển dạ. Tinh dầu này có thể giúp mẹ thư giãn và bình tĩnh hơn. Đây cũng là một loại thuốc giảm đau, giúp kích thích lưu thông và chữa lành.
2.2. Xô thơm
Tinh dầu xô thơm thường dùng để tăng cường các cơn co thắt và giảm lo lắng. Lưu ý chỉ dùng khi có dấu hiệu chuyển dạ các mẹ nhé.
2.3. Phong lữ
Tinh dầu phong lữ giúp tăng cường sự lưu thông, thở dễ dàng hơn
2.4. Bạc hà
Tinh dầu bạc hà giúp giảm buồn nôn và đau đầu
2.5. Hoa cúc La Mã
Tinh dầu hoa cúc La Mã giúp giảm căng thẳng và lo lắng
2.6. Hoa cam Neroli
Tinh dầu hoa cam Neroli giúp thư giãn, bình tĩnh hơn. Tinh dầu này cũng là chất chống trầm cảm mạnh mẽ.
2.7. Cam bergamot
Tinh dầu cam bergamot giúp cảm giác thư thái hơn.
2.8. Hoa nhài
Tinh dầu hoa nhài được ví như một loại thuốc giảm đau. Tinh dầu này cũng có tác dụng tăng cường các cơn co thắt khi chuyển dạ.
2.9. Lá kinh giới
Tinh dầu lá kinh giới giúp giảm huyết áp và giảm đau hiệu quả.
2.10. Lưu ý khi sử dụng tinh dầu
Không phải tinh dầu nào các mẹ cũng có thể sử dụng trong khi mang thai hoặc khi chuyển dạ. Có những loại tinh dầu chỉ được sử dụng khi chuyển dạ. Ngược lại, có loại tinh dầu chỉ dùng khi mang thai. Vì vậy, trước khi quyết định lựa chọn sử dụng, các mẹ hãy tìm hiểu thật kỹ. Ngoài ra, tham khảo ý kiến của bác sĩ nữa các mẹ nhé.
3. Túi chườm nóng, lạnh
Túi chườm nóng, lạnh đều có thể sử dụng để giảm đau và tăng sự thoải mái khi chuyển dạ và sinh nở. Sau đây là một số cách thực hiện:
3.1. Túi chườm lạnh
- Đặt khăn lạnh lên mặt, cổ và ngực trên, giúp mẹ cảm thấy thư giãn khi chuyển dạ
- Nếu mẹ bầu đang bị buồn nôn, đặt một chiếc khăn lạnh sau gáy giúp giảm cảm giác này
- Đặt một túi chườm lạnh ở lưng dưới có thể giúp đỡ đau lưng
3.2. Túi chườm nóng
- Dùng khăn ấm, túi chườm nóng, hay miếng sưởi ấm đặt bên dưới bụng mẹ bầu mang lại sự thoải mái khi chuyển dạ
- Ngay trước khi sinh, đặt một chiếc khăn ướt, ấm lên đáy chậu giúp giảm bớt sự khó chịu ở đây. Đồng thời cũng giúp làm mềm và kéo giãn các mô đáy chậu để chuẩn bị cho việc sinh nở
- Dùng chai nước ấm hoặc khăn ấm đặt vào vùng lưng để giảm đau lưng khi chuyển dạ
- Sau khi sinh, trong thời gian cho con bú, các mẹ có thể dùng túi chườm ấm hoặc khăn ấm đặt trên bụng để giúp giảm bớt cảm giác chuột rút khi tử cung co lại về kích thước ban đầu
4. Thuỷ liệu pháp
Thuỷ liệu pháp là sử dụng nước để mang lại những lợi ích cho thể chất hoặc tâm lý, nhất là khi chuyển dạ:
- Mẹ bầu thấy thư giãn hơn ở trong và giữa các cơn co thắt
- Giảm cơn đau hiệu quả
- Giảm huyết áp
- Có thể giúp giãn cổ tử cung
5. Âm nhạc
Âm nhạc là một công cụ tuyệt vời giúp kiểm soát cơn đau. Nó giúp đánh lạc hướng mẹ bầu khỏi cơn đau và giúp mẹ bầu thư giãn khi chuyển dạ. Khi nghe nhạc, âm nhạc giúp mẹ bầu thở nhịp nhàng hơn. Nó cũng mang lại cho các mẹ thứ gì đó để tập trung hơn là tập trung vào các cơn co thắt.
6. Tập trung vào hơi thở
Hơi thở trong chuyển dạ vô cùng quan trọng. Hơi thở có thể giúp mẹ bầu tập trung hơn với mỗi cơn co thắt. Dưới đây là một số lợi ích của việc tập thở đúng cách:
- Người mẹ ở trong trạng thái thoải mái hơn và sẽ phản ứng tích cực hơn với cơn đau
- Nhịp thở đều đặn giúp cơn đau dịu dần khi chuyển dạ
- Giúp mẹ bầu có cảm giác bình tĩnh hơn
- Tăng oxy, cung cấp thêm sức mạnh và năng lượng cho cả mẹ và bé
7. Nhìn tập trung vào một điểm
Khi các cơn co thắt trở nên đau dữ dội hơn, các mẹ có thể nhìn vào một thứ gì đó và tập trung nhìn vào đó. Có thể là một bức tranh trên tường, hay bất kỳ thứ gì phía trước. Cách này dựa theo thuyết “cổng kiểm soát” của hệ thần kinh (The gate control theory). Thuyết này có thể hiểu như sau. Thực hiện một hành động khác làm lấn át cảm giác đau truyền từ vị trị đau lên tới não bộ, từ đó giúp người bị đau không còn cảm giác đau đớn hay sợ hãi.
8. Sử dụng trí tưởng tượng
Đối lập với việc tập trung nhìn vào một điểm, các mẹ có thể sử dụng trí tưởng tượng. Đây là một kỹ thuật giúp làm giảm cơn đau khi chuyển dạ. Các mẹ nhắm mắt lại, tưởng tượng ra một nơi thật thư giãn. Chẳng hạn: bãi biển đầy nắng, tiếng suối chảy róc rách hay một khung cảnh thật thiên nhiên, trong lành. Hoặc cũng có thể hình dung ra cách em bé đang từ từ đi ra từ đường sinh như nào, cổ tử cung mở ra sao,… Càng thật càng chi tiết càng tốt. Đây là một trong những cách giúp các mẹ có thể dễ sinh nở hơn.
9. Thay đổi vị trí
Luôn thay đổi vị trí trong suốt quá trình chuyển dạ. Những vị trí khác nhau có thể giúp làm giảm cảm giác đau, tăng độ mở của khung chậu hơn. Ở một vị trí quá lâu có thể cản trở tiến trình chuyển dạ khiến các cơn co thắt đau hơn. Vì vậy các mẹ nhớ thay đổi vị trí sau mỗi 30 phút hoặc lâu nhất là 1 giờ nhé.
10. Giọng nói
Khi chúng ta cảm thấy đau hoặc khó chịu, sử dụng giọng nói của mình để giảm đau là một điều bình thường. Mẹ bầu khi chuẩn bị sinh có thể rên nhẹ, nói thầm một điều gì đó hoặc thậm chí có thể kêu. Tạo ra âm thanh là điều tự nhiên và giúp cơ thể giảm đau.
11. Sử dụng bóng sinh/ bóng hình đậu phộng
Một quả bóng sinh (birth ball) chỉ đơn giản là quả bóng tập thể dục cho mẹ bầu. Tuy nhiên, nó cũng giúp mẹ bầu đỡ mỏi lưng hơn. Bóng sinh giúp xương chậu được hỗ trợ tốt hơn, giảm áp lực, mang lại sự thoải mái cho mẹ bầu khi chuyển dạ.
Bên cạnh đó, quả bóng hình đậu phộng (peanut ball) cũng là quả bóng tập thể dục hoặc để trị liệu, có hình dạng giống hạt đậu phộng. Trong một nghiên cứu gần đây, người ta đã tìm thấy 3 lợi ích cho mẹ bầu sử dụng peanut ball khi chuyển dạ. Đó là rút ngắn thời gian sinh nở, giai đoạn đẩy và giảm khả năng sinh mổ.
Khi chuyển dạ, mẹ bầu sẽ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi, đôi khi cần ngồi hoặc nằm xuống. Quả bóng sinh/ bóng đậu phộng có thể thể giúp các mẹ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
12. Ăn uống
Trong nhiều năm, phụ nữ thường không được phép ăn hoặc uống chất lỏng trong khi chuyển dạ. Nhưng một nghiên cứu mới của Hiệp hội Bác sĩ gây mê Hoa Kỳ (American Society of Anesthesiologists) cho thấy đây có thể không phải là một điều tốt. Nghiên cứu này cho thấy hầu hết mẹ bầu sẽ nhận được nhiều lợi ích từ bữa ăn nhẹ khi chuyển dạ.
Họ kết luận rằng các mẹ bầu khi chuyển dạ cần cùng loại năng lượng và calo như vận động viên marathon. Được cung cấp đủ năng lượng, mẹ bầu có thể nhanh sinh em bé hơn, đủ sức để vượt cạn. Còn khi mẹ bầu không có đủ năng lượng, có thể làm giảm các cơn co thắt và sau đó dẫn đến chuyển dạ lâu hơn. Vì vậy, luôn có đồ ăn nhẹ và chất lỏng để giữ năng lượng các mẹ nhé.
13. Sử dụng nhà vệ sinh
Đi vệ sinh và làm trống bàng quang có thể giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn khi chuyển dạ.
14. Đi bộ và di chuyển
Mẹ bầu càng đi lại và di chuyển, đứng thẳng khi chuyển dạ, càng thúc đẩy em bé xuống kênh sinh và giữ bản thân thấy thoải mái hơn.
Trên đây là 14 cách giảm đau tự nhiên các mẹ có thể làm khi có những dấu hiệu chuyển dạ. Ngoài ra, để chủ động hơn, ngay khi có dấu hiệu sắp sinh các mẹ nên gọi điện cho bác sĩ nhé. Khi đó bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn những việc phải làm để cuộc vượt cạn diễn ra suôn sẻ và thành công nhất.
Nguồn tham khảo
Birch E 1986 The experience of touch received during labor. J Nurse Midwifery 31 (6): 270–76
http://www.cnyhealingarts.com/2010/06/11/using-the-heat-and-cold-as-a-comfort-measure-for-labor/
http://americanpregnancy.org/labor-and-birth/patterned-breathing/
https://preg-u.bloomlife.com/labor-at-night-melatonin-f263dd481db4