Hành trình mang thai đã gần kết thúc rồi! Trong tuần thai thứ 37 này mẹ bầu cần quan tâm điều gì để mẹ và bé luôn được khỏe mạnh đây? Hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu nhé!
Sự phát triển của thai nhi tuần thai thứ 36
Sự phát triển của thai nhi tuần thai thứ 38
Mục lục
1. Những triệu chứng mà mẹ bầu sẽ gặp phải ở tuần thai thứ 37
Trong tuần thai này, hãy cùng xem mẹ bầu có thể gặp những vấn đề gì về sức khỏe nhé!
1.1. Đau vùng chậu
Trong tuần thai thứ 37, mẹ có thể cảm thấy đau ở vùng xương chậu. Đây là dấu hiệu của sa bụng bầu. Thông thường việc em bé dịch chuyển vị trí hay sa bụng thường sẽ diễn ra từ tuần thai thứ 32 đến tuần thai thứ 36. Tuy nhiên có một số mẹ bầu sẽ sa bụng trễ hơn. Do lúc này, em bé đã dịch chuyển xuống vùng xương để chuẩn bị chào đời. Nên mẹ bầu sẽ cảm thấy đau hay căng tức ở vùng xương chậu.
1.2. Rạn da
Rạn da là vấn đề không của riêng ai khi mang thai ở những tuần cuối. Khi em bé lớn hơn khiến vùng da bụng của mẹ bầu cũng bị kéo căng ra dẫn đến rạn da. Thế nhưng mẹ bầu đừng quá lo lắng và tự ti về bản thân. Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp điều trị rạn da sau khi sinh rất hiệu quả. Nên mẹ bầu cứ an tâm mà sinh em bé nhé!
1.3. Đau núm ty
Ở tuần thai thứ 37, mẹ bầu sẽ cảm thấy ngực và núm ty bắt đầu căng và to ra. Đây là do cơ thể mẹ bầu đang thay đổi để chuẩn bị cho quá trình cho em bé bú.
1.4. Mất ngủ
Mất ngủ là thành viên lâu năm trong biệt đội “gây khó chịu cho mẹ bầu”. Trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu thường xuyên bị mất ngủ. Có rất nhiều nguyên nhân cho vấn đề này. Tuy nhiên ở tuần thai thứ 37, đa số các mẹ bầu bị mất ngủ là do tâm lý hồi hộp và căng thẳng. Các nguyên nhân khác có thể do việc đau nhức, phù nề, đi tiểu nhiều lần khiến cho mẹ bầu ngủ không thẳng giấc hay khó đi vào giấc ngủ.
1.5. Cơn đau Braxton Hicks
Càng về những tuần cuối khi mang thai, mẹ bầu sẽ càng cảm thấy các cơn đau Braxton Hicks nhiều hơn. Đây là điều hoàn toàn bình thường mẹ nhé. Một số bác sĩ tin rằng các cơn co thắt này sẽ giúp mẹ bầu làm săn các cơ, hỗ trợ việc sinh em bé ra ngoài dễ dàng hơn.
1.6. Trí nhớ kém
Vào tháng cuối mang thai, mẹ bầu sẽ rất hay “quên trước quên sau”. Đây là điểm chung của đa số các bà mẹ bầu mang thai. Nhưng người nhà hãy thông cảm cho mẹ nhé. Khi mang thai tâm lý của mẹ bầu sẽ hay căng thẳng và lo âu. Và các tế bào não ở tuần thai cuối thực sự giảm đi. Điều này có thể khiến cho trí nhớ của mẹ bầu kém đi. Mẹ bầu hãy nên ghi chép lại những điều cần quan trọng và nhờ sự giúp đỡ của gia đình nhiều hơn nhé!
1.7. Bong nút nhầy âm đạo
Nút nhầy âm đạo là các niêm mạc hình hành ở tử cung để ngăn cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào nước ối gây bệnh cho em bé. Ở những tuần thai cuối cùng nút nhầy dần dần thoát ra ngoài do tử cung mỏng hơn và mềm đi. Nút nhầy âm đạo sẽ có màu trắng đục và thường pha lẫn các đốm máu.
2. Sự phát triển của bé
Trong tuần thai này, em bé của mẹ đã sẵn sàng chưa nhỉ?
2.1. Cơ thể bé đang dần hoàn thiện
Ở tuần thai thứ 37, em bé nặng khoảng 3kg và dài khoảng 50cm. Mẹ bầu hãy tưởng tượng bé như một cây cải cầu vồng cho dễ hình dung nhé! Phổi em bé lúc này đang phát triển rất tốt nhưng chưa hoàn thiện. Đến tuần thai thứ 38, phổi của bé mới bắt đầu hoàn chỉnh mẹ nhé! Các cơ quan khác của em bé thì đã hoàn chỉnh và sẵn sàng cho ngày chào đời.
Kích thước đầu của bé cũng đang lớn, khi em bé chào đời mẹ bầu có thể thấy đầu bé sẽ gần bằng phần ngực. Lúc này em bé đã quay đầu và đi xuống vùng chậu của mẹ khiến mẹ sẽ cảm thấy hơi đau bụng. Nếu như em bé vẫn chưa trở đầu, các bác sĩ sẽ thông báo cho mẹ để tìm ra giải pháp.
2.2. Em bé đang tập luyện cho ngày ra đời.
Em bé lúc này đã có biết tự mút tay để làm quen với việc bú mẹ. Bé có thể cầm nắm các thứ như dây rốn tay bé từ trong bụng mẹ rồi đấy. Mẹ bầu có thể thấy lúc này em bé sẽ ít đạp hơn do tử cung chật chội. Thế nhưng mẹ bầu vẫn có thể sẽ cảm thấy em bé có ngọ nguậy. Nếu như mẹ bầu không thấy các dấu hiệu của bé hãy tìm đến bác sĩ để được kiểm tra nhé!
Đây chính là thời điểm thích hợp để bố mẹ đặt tên cho bé. Bố họ Nguyễn nào còn đang băn khoăn không biết chọn tên nào cho con gái thì hãy tham khảo bài viết những tên con gái họ Nguyễn đẹp từ Góc của mẹ nhé!
Xem thêm: Cách đặt tên con là Đạt hay và ý nghĩa nhất năm 2022!
3. Lời khuyên dành cho mẹ bầu
Trong tuần thai thứ 37 này, mẹ bầu sẽ bắt đầu chậm tăng cân lại. Nhưng đây là điều hoàn toàn bình thường, mẹ bầu đừng quá lo lắng nhé! Mẹ bầu nên bổ sung đủ nước và các chất dinh dưỡng cho giai đoạn cuối này. Sau đây là một số lưu ý dành cho bà bầu:
- Thay đổi áo loại áo ngực thường dùng bằng các loại áo thể thao, áo vải nếu cảm thấy bị đau ngực, đau núm ty
- Nằm nghiêng bên trái và kê gối để giúp giấc ngủ ngon hơn và máu lưu thông tốt hơn.
- Hãy mát xa tầng sinh môn để giúp bộ phận này mềm mại hơn. Điều này sẽ giúp cho khi sinh, em bé dễ chui qua hơn.
- Chuẩn bị các đồ dùng đi sinh và luôn trong tư thế sẵn sàng để chào đón em bé
- Nếu xuất hiện tình trạng chảy máu cần đến gấp bệnh viện để đảm bảo cho sức khỏe mẹ và bé
- Đọc các loại sách về chăm sóc em bé, nuôi dạy con trẻ để chuẩn bị cho hành trình làm mẹ phía trước
Phía trên là tất cả những thông tin mà chúng tôi muốn gửi đến cho mẹ bầu ở tuần thai thứ 37. Chặng đường mang thai đang đi đến hồi kết. Mẹ bầu đừng quá căng thẳng và lo lắng nhé. Chúc cho mẹ bầu và em bé luôn mạnh khỏe.