Ở tuần thai thứ 5, mẹ chính thức mang thai. Ở các tuần trước, em bé quá nhỏ để nhìn thấy và cảm nhận nhưng khi mang thai 5 tuần, mẹ có thể đã cảm thấy sự hiện diện của bé cả về thể chất và cảm xúc.
Mục lục
1. Sự phát triển của thai nhi tuần thai thứ 5
Ở tuần thai thứ 5, em bé đo được khoảng 6 mm. Bé đang phát triển nhanh chóng và các hệ thống cơ quan chính của cơ thể đang bắt đầu hình thành, đặc biệt là não và tim. Lúc này, túi thai là một quả bóng chứa đầy chất lỏng hình thành xung quanh em bé đang phát triển. Phôi còn quá nhỏ để nhìn thấy nhưng túi thai có thể được nhìn thấy trên siêu âm.
1.1. Hình thành mầm phôi ba lá
Tại thời điểm này, phôi nhỏ bắt đầu dài ra và trông giống một con nòng nọc. Song song đó là sự phát triển của ống thần kinh cực kỳ quan trọng chạy từ đỉnh đến đáy phôi. Ống này sẽ phát triển để trở thành tủy sống và não. Ở đó, một đốm nhỏ ở trung tâm của phôi sẽ sớm phát triển thành trái tim bé con.
Bên trong phôi, các tế bào được tách thành ba lớp để tạo thành các hệ thống cơ thể khác nhau:
- Lớp ngoài tử cung (Lá phôi ngoài) đang bắt đầu hình thành hệ thống thần kinh, bao gồm não và tủy sống của bé. Nó cũng sẽ tạo ra da, tóc và móng tay của bé.
- Lớp trung bì (Lá phôi giữa) đang trở thành hệ tuần hoàn của bé với sự phát triển của tim và máu. Nó cũng sẽ phát triển thành xương, cơ và thận.
- Lớp nội nhũ (Lá phôi trong) cuối cùng sẽ trở thành phổi, ruột và gan của bé.
Trong tuần thứ 5 thai kỳ, sự phát triển thai nhi tập trung ở não với tốc độ khoảng 100 tế bào não được hình thành trong một phút. Do vậy, mẹ hay thấy đói bụng do tập trung nhiều năng lượng cho bé yêu. Có thể thấy, ở tuần này, hệ thống não, phổi, tim mạch, tuần hoàn của bé còn hết sức mỏng manh. Mẹ hết sức thận trọng trong tuần này. Không để bị cảm cúm, di chuyển đến vùng có virus Zika, tiếp xúc tia X, tia phóng xạ hay vận động mạnh dễ gây dị tật thai nhi.
Xem thêm: Mẹ mang thai nên tránh xa 6 loại trà làm giảm khả năng sinh sản
2. Dấu hiệu mang thai tuần thai thứ 5
Mẹ có thể thấy những thay đổi cơ thể ở tuần thai thứ 5 như:
2.1. Trễ kinh
Trễ hoặc không có kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu mang thai thường gặp nhất. Cơ thể tăng hormone progesterone ngăn chặn niêm mạc tử cung bị bong ra, giúp duy trì thai kỳ.
2.2. Ngực thay đổi
Ngực mẹ lớn hơn kèm cảm giác căng tức. Màu bầu ngực và núm sẫm màu hơn. Mẹ sẽ nhận thấy sự thay đổi này sớm nếu chú ý chúng từ trước kỳ kinh.
2.3. Mệt mỏi
Ở tuần thai thứ 5, cơ thể mẹ đang làm việc chăm chỉ để hai mẹ con khỏe mạnh. Mẹ cũng đang trải qua nhiều thay đổi về thể chất và cảm xúc. Nên hoàn toàn bình thường khi mẹ cảm thấy mệt mỏi và cần một giấc ngủ ngắn. Mệt mỏi là một triệu chứng mang thai sớm trong thai kỳ.
2.4. Ốm nghén
Ốm nghén là một trong những khó chịu phổ biến của thai kỳ. Nguyên nhân do sự gia tăng nhanh chóng hormone thai kỳ. Nó là dấu hiệu điển hình trong ba tháng đầu tiên, mặc dù nó có thể kéo dài hơn. Và sự buồn nôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.
2.5. Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên là một dấu hiệu mang thai sớm phổ biến. Những hormone thai kỳ gây sự gia tăng lưu lượng máu và chất lỏng trong cơ thể. Vì vậy, thận của mẹ đang làm việc tích cực để loại bỏ chất lỏng dư.
2.6. Thay đổi cảm xúc
Tâm trạng mẹ khi mang thai có thể thay đổi từ tuần này sang tuần khác, thậm chí từng giờ. Mang thai khiến cảm xúc mẹ phức tạp hơn rất nhiều. Phản ứng của mẹ có thể tích cực hoặc tiêu cực với việc mang thai đều là bình thường.
Xem thêm: 12 dấu hiệu mang thai sớm bạn có thể tự kiểm tra ở nhà
3. Có thai 5 tuần mà không nghén có sao không?
Có thai 5 tuần mà không nghén có khiến mẹ lo lắng? Mẹ nghĩ rằng đó là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ bản thân đang mang thai? Không ốm nghén liệu thai nhi có phát triển tốt không? Hay là mẹ đang thở phào nhẹ nhõm khi không bị thai nghén khổ sở trong thai kỳ?
Rõ ràng, ốm nghén là hiện tượng thường thấy khi mang thai. Mẹ sẽ thường gặp ở tuần thai thứ 5 đến tuần thai thứ 8. Nhưng cũng có mẹ sang tuần thai thứ 10 mới ốm nghén. Hoặc gặp tình trạng ốm nghén đến tháng thứ 7, thậm chí là đến khi sinh.
Ốm nghén tuy phổ biến nhưng không phải mẹ nào cũng sẽ bị ốm nghén. Có khoảng 20-50% mẹ không bị ốm nghén. Hoặc mẹ trải qua ốm nghén hết sức nhẹ nhàng, dễ chịu. Việc các mẹ có thai 5 tuần mà không nghén chứng tỏ thể chất mẹ mạnh khỏe. Cơ thể xử lý tốt việc cung cấp dưỡng chất cho bé cũng như thích ứng tốt với sự gia tăng hóc môn thai kỳ.
Điều quan trọng cần biết là có thai 5 tuần mà không nghén hoàn toàn bình thường. Việc này cũng không thể phản ánh sức khỏe của em bé đang lớn, các mẹ yên tâm nhé.
4. Thai 5 tuần có tim thai chưa?
Như đã nói ở trên, ở tuần thai thứ 5 hệ thống tuần hoàn của bé đã hình thành. Thai 5 tuần đã có tim thai. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tim thai để theo dõi và kết luận tình trạng sức khỏe của bé.
Tuy nhiên, nếu mẹ đi khám vẫn chưa thấy tim thai cũng đừng lo lắng. Mẹ đợi thêm 1-2 tuần nữa để có kết quả chính xác. Vì sự phát triển của mỗi bé cũng như thời điểm thụ thai chính xác của mỗi mẹ là khác nhau. Tùy tình hình thực tế, bác sĩ sẽ cho lời khuyên và các biện pháp can thiệp, kiểm tra chính xác.
Tuần thai thứ 5 mang đến sự khẳng định chắc chắn về việc mang thai của mẹ. Thật tuyệt vời khi biết rằng em bé đang phát triển rất tốt. Dù mẹ đang trải qua những ốm nghén trong tuần đầu tiên. Sang tuần thai thứ 6, mẹ có thể sẽ có các dấu hiệu mang thai và ốm nghén rõ ràng hơn. Mẹ đừng quên mốc khám thai đầu tiên ở tuần thai thứ 6 và nhìn thấy nhịp tim nhỏ của bé nhé.
Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị khiếm khuyết vách ngăn nhĩ thất ở trẻ
Nếu mẹ cần biết thêm về mang thai và các tuần thai kỳ đừng quên tham khảo tại Góc của mẹ để có những thông tin hữu ích.
Nguồn tham khảo:
https://www.verywellfamily.com/5-weeks-pregnant-4158868
https://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-5.aspx