Có một lần, chồng tôi hỏi tôi “Nỗi sợ lớn nhất của em là gì?” Hơi bất ngờ trước câu hỏi đó một chút, bởi trải qua nhiều chuyện, tôi đã từng có nhiều nỗi sợ. Tuy nhiên lúc đó, một nỗi sợ lớn nhất, rõ ràng nhất hiển hiện trong tâm trí tôi lại là: Tôi sợ mình không thể nuôi các con mình khôn lớn. Nói thế nào nhỉ, nó không giống những nỗi sợ ngày xưa như sợ nhện, sợ nói trước đám đông, mà chúng xuất phát từ sâu trong tim, khiến tôi trở nên lo lắng vô cùng.
Có lẽ, mỗi mẹ lại có một nỗi sợ hãi khác nhau. Có rất nhiều điều cần lo lắng, có 5 điều mà tôi đã từng cảm thấy, cũng như bạn bè tôi – những người đã trở thành mẹ đều đôi lần trải qua cảm giác này.
Mục lục
1. Mẹ sợ mẹ không thể làm một người mẹ tốt
Tôi từng sợ rằng tôi sẽ khiến con mình có những cảm xúc tiêu cực, hay làm chúng rối lên về mặt cảm xúc. Một số mẹ khác lại lo sợ mình không đủ kiến thức để chăm sóc con, không chuẩn bị cho con đủ tốt để con lớn khôn, để con tự tin bước vào thế giới ngoài kia. Có lẽ, nỗi sợ hãi luôn luôn tiềm ẩn, rằng “Mình là một bà mẹ không tốt”.
Thực ra, bình tĩnh một chút, mẹ hoàn toàn chống lại được nỗi sợ hãi này bằng cách cho con thấy tình yêu thương và sự kiên định, dạy con qua những câu chuyện, những bài học, hành động trong cuộc sống hàng ngày, giúp con lớn lên trở thành người tử tế. Cứ trao quyền cho con, cho con tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm, và đặt mục tiêu phù hợp với con, con sẽ tự học và trưởng thành mỗi ngày. Trang bị cho con những công cụ con cần, chắc chắn mẹ nào cũng đang cố gắng hết sức để mang đến những gì tốt nhất con cần.
2. Mẹ sợ một ngày mẹ sẽ đánh mất chính mình
Đây là một trong những nỗi sợ hãi thường xảy ra khi mới làm mẹ. Khi mẹ cảm thấy mẹ chẳng còn tập trung làm được việc gì nữa ngoài công việc trở thành một “chiếc máy” cho con bú hay thay tã cho con. “Chuyện gì đang xảy ra thế này?” Đã từng có thời gian, tôi cảm thấy mình như đánh mất chính mình. Gác lại mọi thứ mình thích, tập trung toàn thời gian để chăm sóc con, và rồi cuối ngày cảm thấy kiệt sức không còn thời gian nghĩ đến bản thân mình.
Những lúc như vậy, sắp xếp lại thời gian một ngày là điều cần thiết. Đừng ngần ngại dành cho mình một khoảng thời gian ngắn cho bản thân, có thể chỉ là 30 phút cuối ngày, để skincare, làm những việc mình thích mà không cần bất cứ ai ở bên cạnh. Kết hợp với những bài thể dục nhẹ nhàng sẽ khiến tinh thần mẹ tỉnh táo, thư giãn hơn rất nhiều.
3. Mẹ sợ con mình sẽ đưa ra những quyết định tồi tệ
Mẹ nào cũng đều mong muốn con mình kết hôn đúng người, được học hành, sống có mục đích, có quyết định đúng đắn và có một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Sẽ có lúc mẹ không thể can thiệp đối với những lựa chọn mà con mình đã đưa ra. Thậm chí, mẹ có thể mất ngủ vào ban đêm vì lo lắng rằng con mình sẽ đưa ra lựa chọn khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng mẹ ơi, thay vì lo sợ về tương lai và lựa chọn của con, hãy luôn là người đồng hành để dạy dỗ, dẫn dắt con đưa ra những quyết định đúng đắn nhất khi con trưởng thành. Chắc chắn, con sẽ luôn ghi nhớ những điều mẹ đã dạy.
4. Mẹ sợ mẹ sẽ từ bỏ niềm tin hoặc giá trị của mình
Đôi khi có cảm giác như những giá trị mà mẹ cố gắng truyền cho con mình, cho dù là niềm tin, công lý hay đơn giản là lòng tốt của con người, dường như không được lắng nghe. Đôi lúc mẹ tự hỏi liệu con có phải con làm theo chỉ vì muốn làm hài lòng mẹ mà thôi. Suy nghĩ về việc con mình trở nên độc lập và đưa ra những lựa chọn cho bản thân có thể khiến mẹ lo lắng rằng con sẽ đi theo hướng khác, khác xa những gì mẹ đã dạy.
Thật ra, tất cả những gì mẹ cần làm là tiếp tục sống với các giá trị của mình theo những cách phù hợp, hy vọng rằng khi đến lúc con áp dụng những điều này vào thực tế, con đã có đủ nền tảng vững chắc để biết điều gì phù hợp nhất, điều gì đúng, điều gì sai.
5. Mẹ sợ một ngày con trưởng thành, con sẽ rời xa mẹ
Tưởng tượng ngày mà con gái mình chuyển đến một căn hộ mới cũng là ngày cuối cùng mẹ được ôm con. Hay ngày cưới của con trai, ngày con có gia đình của riêng mình. Nghe có vẻ khá phi lý vì cuối cùng, đích đến trên hành trình làm mẹ vẫn là dẫn dắt nuôi dạy con trưởng thành, để một ngày con đứng vững trên đôi chân của mình, không cần sự bao bọc của mẹ nữa.
Mẹ muốn con tự giải quyết vấn đề của mình, suy nghĩ độc lập và tự chủ. Trên thực tế, tại một thời điểm nào đó, con mẹ sẽ không còn là những đứa trẻ nữa mà trở thành người bạn của mẹ. Xây dựng mối quan hệ vững chắc từ bây giờ, để con cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của mẹ, dù sau này như thế nào, con vẫn luôn là con của mẹ.
Mẹ có từng cảm thấy những nỗi sợ hãi trên không? Mẹ đã vượt qua chúng như thế nào?