Sinh con đẻ cái có lẽ là dự định lớn lao mà đa phần mọi cặp vợ chồng đều nghĩ tới. Việc có một đứa con là một điều tuyệt vời nhất mà bất kì ông bố bà mẹ nào đều cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, đây không phải là một việc đơn giản, từ việc mang thai, sinh nở và nuôi dạy con đều rất khó khăn. Nhất là với những người lần đầu làm cha làm mẹ thì lại càng vất vả hơn nữa. Để tránh bỡ ngỡ với việc sinh con đầu lòng thì bố mẹ nên tự trang bị những kĩ năng và kiến thức cần thiết. Mẹ hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu những điều cần biết khi sinh con lần đầu nhé!
Mục lục
Chuẩn bị trước khi sinh con đầu lòng
Tâm lí
Khi đã có kế hoạch sinh con đầu lòng, mẹ cần chuẩn bị tâm lí thật kĩ. Bởi vì việc mang thai và sinh đẻ không phải điều gì dễ dàng. Mẹ nên biết được những thay đổi về cơ thể và tâm lí của mình khi mang thai. Đối với nhiều người, mang thai có thể là một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên cũng có người cảm thấy mệt mỏi, bất an và lo lắng. Vậy nên mẹ cần chuẩn bị tâm lí để sẵn sàng mang thai con trong 9 tháng bầu. Nếu mẹ chưa thực sự sẵn sàng, đừng nên gượng ép bản thân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mẹ rất nhiều, kể cả lúc mang bầu và khi chăm sóc con.
Không chỉ mẹ, bố cũng phải chuẩn bị tâm lí. Cần tìm hiểu những vấn đề khi mang thai để chăm sóc mẹ một cách tốt nhất. Việc mẹ được thoải mái và giảm bớt lo âu khi mang thai phần lớn phụ thuộc vào người chồng.
Sức khỏe
Mẹ nên đi khám sức khỏe toàn diện khi có ý định mang thai. Điều này sẽ giúp mẹ biết rõ hơn về tình trạng cơ thể mình. Mẹ cần được bác sĩ cho lời khuyên nếu mình đang bị suy dinh dưỡng, béo phì hay mắc các bệnh có nguy cơ ảnh hướng đến thai nhi như: tiểu đường, thiếu máu, lao phổi…
Một điều quan trọng là nếu đang chuẩn bị sinh con đầu lòng, mẹ nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai từ 2 – 3 tháng trước đó. Cả bố và mẹ nên cân đối lại chế độ ăn uống dinh dưỡng, tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, tránh sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá… Việc này sẽ làm tăng khả năng thụ thai và tăng chất lượng tinh trùng.
Tài chính
Nếu có ý định sinh con đầu lòng, bố mẹ nên chuẩn bị tiết kiệm ngay từ bây giờ. Bởi vì mang thai và sinh con cần tiêu tốn khá nhiều khoản tiền. Từ việc khám thai, sinh đẻ, sắm đồ dùng cần thiết cho đến khi em bé ra đời cần bỉm sữa, tiêm chủng… Nên có tài chính ổn định để đảm bảo việc sinh đẻ và chăm sóc con được thuận lợi. Nếu mang thai mà vợ chồng luôn phải áp lực và lo lắng về thì chưa nên vội có con.
Dấu hiệu mang thai
Mẹ hãy để ý những dấu hiệu dễ nhận biết để xem mình mang thai hay chưa. Đó có thể là trễ kinh, ngực căng, buồn nôn, chán những món ăn mình thích, dễ xúc động… Khi thấy mình có dấu hiệu, mẹ có thể thử thai bằng que thử thai trước. Sau đó mẹ cần tới bệnh viện khám để chắc chắn hơn và xin lời khuyên của bác sĩ.
Còn nếu như mẹ đã mong chờ rất lâu mà vẫn không có dấu hiệu gì của mang thai, cả 2 vợ chồng nên tới gặp bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh vô sinh.
Những điều cần biết khi sinh con đầu lòng
Khám thai định kì
Mẹ phải đi khám thai định kì, ít nhất là 3 lần trong một thai kì. Đây là việc cần thiết vì nhờ thế mà mẹ có thể xác định tình trạng sức khỏe của mình và con. Mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng hợp lí, điều trị những bệnh ảnh hưởng đến con… Khám thai còn giúp mẹ theo dõi sự phát triển của thai nhi thường xuyên. Như vậy có thể kịp thời phát hiện nếu con có dị tật bẩm sinh để có cách xử lí tốt nhất.
Chế độ dinh dưỡng hợp lí
Mẹ bầu nên có một chế độ ăn uống hợp lí và lành mạnh. Cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và chất lượng thực phẩm. Mẹ nên điều chỉnh lượng thức ăn của mình, không nên quá suy dinh dưỡng hoặc quá thừa cân. Đồng thời mẹ cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh trước đó. Bổ sung vitamin và sắt để em bé được phát triển tốt hơn. Thời gian ốm nghén có thể làm mẹ khó ăn, hãy cố gắng tìm cách giải quyết. Mẹ có thể chia ra thành nhiều bữa nhỏ để dễ ăn hơn.
Chuẩn bị sinh con đầu lòng
Sinh con đầu lòng ở tuần bao nhiêu?
Nhiều mẹ lo lắng và còn bỡ ngỡ vì chưa có kinh nghiệm sinh con. Mẹ có hay thắc mắc sinh con đầu lòng thường ở bao nhiêu tuần thì chuyển dạ không? Thai nhi đủ 40 tuần tuổi là thai đủ ngày, tuy nhiên thai 38 tuần tuổi cũng đã có thể dễ dàng nuôi sống bên ngoài cơ thể mẹ. Thai từ 39 – 40 tuần tuổi là thời gian thích hợp nhất sẽ được sinh ra vì có ít nguy cơ biến chứng nhất.
Chăm sóc sức khỏe sau sinh
Sức khỏe sau sinh của cả mẹ và bé đều rất quan trọng, nhất là đối với mẹ sinh con lần đầu. Mẹ có thể đối mặt với một số tình trạng nguy hiểm như băng huyết, nhiễm trùng sau sinh, trầm cảm sau sinh… Em bé cũng cần được chăm sóc kĩ lưỡng vì bé lúc này còn mỏng manh và yếu ớt. Đây là thời điểm người cha cần quan tâm nhiều đến mẹ và bé. Hãy để cho mẹ được nghỉ ngơi và hồi sức sau thời gian mang thai vất vả.
Sinh con lần đầu có thể còn nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm đối với mẹ, vậy nên cần trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng. Các mẹ nên tìm hiểu kĩ càng trước khi chuẩn bị sinh con đầu lòng. Có như vậy mới tránh được lúng túng và có được sự chăm sóc tốt nhất. Góc của mẹ xin chúc các mẹ thật nhiều sức khỏe và niềm vui!
Tìm hiểu thêm: