Vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ cảm nhận được rằng bé đang đạp nhiều hơn. Điều này làm mẹ nghi ngại, sợ rằng bé gặp vấn đề về sức khỏe nên muốn tìm hiểu thật kỹ để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng xấu đến bé cưng trong bụng. Không cần quá lo lắng đâu mẹ ơi, Góc của mẹ sẽ tổng hợp giải đáp chi tiết của chuyên gia cho mẹ về việc thai nhi đạp nhiều vào tháng cuối ngay trong bài viết sau đây. Mẹ tham khảo nhé!
Mục lục
1. Thai nhi đạp nhiều vào tháng cuối có sao không?
Bác sĩ sản khoa ở bệnh viện Từ Dũ cho hay: những chuyển động của em bé trong bụng mẹ, điển hình như thai máy là dấu hiệu tốt, cho thấy thai đang phát triển toàn diện cả về kích thước lẫn sức mạnh.
Thai đạp nhiều tốt hơn em bé ít đạp, ít vận động bởi lẽ 3 tháng cuối thai kỳ là thời gian quan trọng để con hoàn thiện cử động xương khớp, sau này lúc sinh ra con sẽ cứng cáp và tập bò, trườn giỏi hơn. Chính vì thế, việc mẹ cảm nhận em bé đạp nhiều hơn vào tháng cuối thai kỳ là rất bình thường đó mẹ.
2. 4 nguyên nhân khiến thai nhi đạp nhiều hơn vào tháng cuối thai kỳ
Chắc hẳn mẹ bầu nào cũng thắc mắc rằng tại sao vào những tháng cuối, em bé lại thai máy nhiều hơn đúng không ạ. Sau đây là 4 nguyên nhân trực tiếp quyết định đến tần suất đạp ngày càng nhiều của bé cưng!
2.1. Do xương khớp bé hoàn thiện hơn
Khi xương khớp của con dần hoàn thiện, con có xu hướng cử động và cựa quậy nhiều trong bụng mẹ để thích nghi và tránh tình trạng bị mỏi mệt do ít vận động. Càng về 3 tháng cuối thai kỳ, xương khớp của con ngày một cứng cáp nên con cũng sẽ thai máy nhiều hơn đó ạ.
2.2. Bé cảm nhận được ánh sáng và âm thanh
Từ tuần thứ 16 trở đi, thai nhi đã bắt đầu cảm nhận được ánh sáng và âm thanh rồi. Khả năng cảm âm của bé sẽ rõ rệt hơn vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu để ý mẹ sẽ thấy khi có âm thanh lớn bất ngờ (tiếng nổ, còi xe lớn) hay ánh sáng chói mắt, thai sẽ đạp mạnh hơn. Bởi lẽ bé cưng cũng bị giật mình y như người lớn luôn đó mẹ.
Trong sinh hoạt thường ngày, mẹ khó tránh khỏi việc tiếp xúc với tiếng ồn và âm thanh lớn, làm bé cưng bị giật mình. Mặc dù không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé nhưng để hạn chế làm bé bị sợ, mẹ nên nghỉ ngơi nhiều và hạn chế đến nơi đông người nhé.
2.3. Tuần hoàn oxy và dưỡng chất cơ thể bé ổn định
Lượng oxy và dưỡng chất cung cấp đến cơ thể bé ổn định sẽ giúp bé cưng luôn tràn đầy năng lượng và sức sống. Nhờ thế mà bé thỏa sức “vùng vẫy” bên trong bụng, mẹ cảm nhận được tần suất thai máy đều và linh động hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bé đang rất tốt, không cần lo lắng gì đâu ạ.
2.4. Không gian trong tử cung đang dần hẹp lại
Một nguyên nhân nữa khiến mẹ cảm nhận rõ ràng hơn những cử động thai máy của bé đó là không gian trong tử cung đang dần hẹp lại, đồng thời thai nhi cũng lớn hơn nhiều so với lúc mới mang bầu. Việc này đôi khi làm bé bị bí bách, con đạp nhiều hơn tìm không gian thoải mái, vị trí êm ái nhất để say giấc nồng. Đồng thời, bất cứ cử động nào của con dù nhỏ mẹ cũng dễ cảm nhận hơn, thế nên mới thấy sao tháng cuối con lại đạp nhiều đó mẹ.
3. Khi nào thai máy nhiều là dấu hiệu không tốt?
Mặc dù thai máy nhiều vào tháng cuối được các bác sĩ sản khoa công nhận là sự phát triển bình thường nhưng trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu phản ánh tình trạng sức khỏe không tốt của bé cưng. Cụ thể:
- Bé đạp nhiều hơn 20 lần chỉ trong thời gian ngắn (khoảng 10 – 15 phút)
- Bé đang thai máy đều đột nhiên đạp dồn dập với lực mạnh
- Có hôm bé đạp nhiều nhưng có hôm lại đạp quá ít. Trong một số trường hợp, điều này thể hiện bé yêu đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Khi gặp những trường hợp trên, mẹ nên đến bác sĩ thăm khám, thấy được rõ nhất tình trạng sức khỏe của bé cưng để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Để nhận ra sớm sự bất thường về thai máy ở bé, mẹ cần nắm thật kỹ cách đếm cử động thai đúng cách để áp dụng. Cử động thai (thai máy) sẽ bao gồm những cú đạp, đá, rung, lắc lư hoặc cuộn tròn của bé cưng. Mẹ nên đếm cử động này mỗi ngày, tốt nhất là trong vòng 1 giờ đồng hồ sau bữa ăn. Nhớ đi tiểu trước khi đo để làm trống bàng quang mẹ nhé, như thế thì mẹ sẽ cảm nhận cử động của bé rõ hơn.
Mẹ chỉ cần đặt nhẹ tay lên bụng và đếm số đợt thai máy của bé trong 1h, nếu thai có từ 4 – 10 cử động thì chứng tỏ bé đang phát triển khỏe mạnh. Ngược lại, nếu số lần đạp của thai thấp hơn, mẹ uống ít nước, đi bộ 3 – 4 vòng quanh sân nhà, chờ khoảng 2 – 3 tiếng sau đó lại đếm thêm lần nữa nhé. Sau khi đếm 4 – 5 lần nhưng vẫn không thấy cải thiện về số lần thai máy ở bé, mẹ nên thăm khám bác sĩ để nắm rõ tình hình và được tư vấn biện pháp khoa học.
Thai nhi đạp nhiều vào tháng cuối là rất bình thường, mẹ bầu không nên quá lo lắng mà suy nghĩ nhiều, dẫn đến ngủ không ngon giấc nhé. Mẹ chỉ cần thực hiện đếm cử động thai đều đặn mỗi ngày nhằm phát hiện sớm sự bất thường và thăm khám kịp thời để tìm ra cách xử lý tốt nhất là được. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ngay bên dưới để Góc của mẹ hỗ trợ mẹ nhanh chóng nhất. Chúc mẹ và bé cưng luôn khỏe mạnh và có nhiều niềm vui!