Tiệt trùng bình sữa để loại bỏ vi khuẩn là kỹ năng mẹ cần nắm vững để con được ăn sữa thơm ngon, dinh dưỡng và an toàn. Vậy cách tiệt trùng bình sữa thế nào để đơn giản, khoa học nhất? Bài viết sau đây sẽ bật mí cho mẹ! Mẹ theo dõi nhé!
Mục lục
1. Tại sao cần phải tiệt trùng bình sữa?
Sau khi rửa bình sữa bằng nước thường, nước nóng… bình sữa của con thường chỉ sạch bẩn chứ không sạch hoàn toàn vi khuẩn. Ngoài ra, miệng bình, đáy bình là những vị trí rất dễ bám cặn, nhất là cặn chất béo trong sữa. Mắt thường mẹ không nhìn thấy được nên nghĩ bình đã sạch rồi nhưng không phải đâu ạ! Chúng vẫn bám trong bình, mẹ thử sờ tay vào sẽ thấy bình “nhờn nhờn”, chưa sạch hẳn.
Trong khi đó, bé sơ sinh có hệ miễn dịch rất non yếu, cơ thể nhạy cảm, chỉ một chút vi khuẩn, virus lẫn từ bình sữa vào sữa của con cũng dễ làm bé bị tiêu chảy, tưa lưỡi, đau bụng. Tiệt trùng bình sữa là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của con đó mẹ ạ!
2. Bao lâu tiệt trùng bình sữa 1 lần?
Bố mẹ nên tiệt trùng bình sữa thường xuyên, ngay sau khi bé mỗi lần bé sử dụng hoặc vài tuần 1 lần, tuy nhiên để ngăn ngừa hình thành vi khuẩn và nấm mốc mẹ nên tiệt trùng ngay sau mỗi lần bú.
Riêng với những loại bình sử dụng lần đầu, mẹ cần tiệt trùng cẩn thật núm ti, bình sữa để đảm bảo vệ sinh, tiêu diệt hết các nấm mốc và vi khuẩn không nhìn thấy.
Như vậy, tiệt trùng bình sữa bao nhiêu lần 1 ngày hay bao lâu tiệt trùng bình sữa 1 lần không có một con số cố định, mẹ nên khử trùng bình sữa sau mỗi lần sử dụng là tốt nhất.
3. Cách tiệt trùng bình sữa bằng máy tiệt trùng UV
Máy tiệt trùng bình sữa là lựa chọn của nhiều mẹ hiện đại, điều kiện kinh tế tốt. Ngoài công dụng tiệt trùng bình sữa, máy còn có thể làm khô bình sữa, tiệt trùng đồ chơi và các vật dụng trong gia đình…
3.1. 4 Bước tiệt trùng bình sữa bằng máy chi tiết
Chuẩn bị:
- Vệ sinh bình sữa sạch sẽ: Ngay sau khi con dùng sữa, mẹ tháo rời các bộ phận, đổ hết sữa thừa đi và vệ sinh bình cho bé với nước rửa bình chuyên dụng. Sữa để càng lâu, cặn bẩn sẽ càng bám chặt hơn vào thành bình, mẹ sẽ mất nhiều thời gian hơn để kỳ cọ sạch bình sữa cho con.
- Lau khô bình sữa: Mẹ dùng khăn khô đa năng sạch để lau khô các bộ phận bình sữa trước khi tiệt trùng. Kể cả khi mẹ dùng máy tiệt trùng có khả năng sấy, mẹ cũng để bình ráo bớt nước sau đó mới tiệt trùng bình sữa. Bình khô sẽ giúp rút ngắn thời gian tiệt trùng xuống chỉ bằng một nửa thôi ạ!
- Máy tiệt trùng bình sữa
Các bước tiến hành:
- Bước 1: Thêm 150ml nước lọc vào khoang chứa nước. Mẹ lưu ý không dùng nước lã, nước máy vì chứa nhiều chất ô nhiễm hoặc cặn canxi, dễ làm tắc đường dẫn nước, giảm tuổi thọ máy tiệt trùng.
- Bước 2: Đặt phần thân bình vào giá đỡ bình sữa. Mẹ nhớ úp ngược bình xuống để hơi nước tiếp xúc và tiệt trùng hết mặt trong của bình nhé! Các bộ phận còn lại như: núm ti, núm vú giả, nắp bình, ống hút… mẹ đặt vào khay phụ kiện ở phía trên.
- Bước 3: Đậy kín bình tiệt trùng lại, cắm điện và bật công tắc, khoảng 10 phút là bình sữa tiệt trùng xong. Tuy nhiên, mẹ không lấy ra dùng ngay mà đợi khoảng 5 phút để bình sữa nguội một chút, tránh bị bỏng hơi nước mẹ nhé!
- Bước 4: Rửa tay sạch và dùng kẹp gắp chuyên dụng để lấy bình sữa ra khỏi máy, tránh dùng tay vì có thể khiến vi khuẩn từ tay mẹ bám vào bình sữa của con.
Nhiều mẹ thích sử dụng máy tiệt trùng bình sữa chuyên dụng vì 3 ưu điểm sau:
- Thao tác tiệt trùng nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng thực hiện. Mẹ chỉ cần đặt các bộ phận bình sữa vào máy, bật nút và chờ đợi khoảng 5 – 10 phút là được.
- Khả năng tiệt khuẩn cao, loại bỏ tới 90 – 99% vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe bé tối ưu.
- An toàn, không gây biến dạng bình vì máy sử dụng hơi nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn, kiểm soát nhiệt độ tốt, không làm bỏng tay mẹ hoặc làm méo, biến dạng bình sữa của con.
Tuy nhiên, giá thành cao, giao động từ 700.000 – 2.500.000 VNĐ tùy sản phẩm cũng khiến nhiều mẹ băn khoăn
3.2. Sai lầm khi sử dụng máy tiệt trùng
- Không đổ nước thừa đi ngay sau khi tiệt trùng: Nước thừa để trong bình lâu tạo môi trường ẩm ướt, dễ sinh sôi vi khuẩn và lây nhiễm sang bình sữa của con nên mẹ cần đổ hết nước còn lại trong máy tiệt trùng bình sữa của bé.
- Sử dụng máy tiệt trùng bình sữa liên tục: Làm như vậy máy tiệt trùng rất dễ bị hỏng. Nếu mẹ phải tiệt trùng nhiều lần, mẹ để máy nghỉ khoảng 8 – 10 phút, sau đó mới tiệt trùng lần tiếp theo mẹ nhé!
- Mở nắp khi máy đang hoạt động: Điều này khiến vi khuẩn từ ngoài sẽ đi vào trong và bám vào bình sữa của con. Nếu mẹ đã khởi động máy nhưng bỏ sót núm ti hay nắp bình, mẹ ngừng máy, rút nguồn điện, thêm núm ti, nắp bình vào máy và tiệt trùng bình sữa lại từ đầu.
3.3. Cách vệ sinh và bảo quản máy tiệt trùng đúng cách
- Rút ổ cắm điện khi không sử dụng máy
- Sau khi sử dụng nên dùng khăn ấm hoặc mút ẩm lau sạch sẽ máy bên trong và bên ngoài. Không nên sử dụng hóa chất bởi nó rất dễ đọng lại trong máy nếu mẹ không vệ sinh kỹ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé
- Đặt máy tiệt trùng ở nơi khô ráo, tránh bị dính nước vừa là cách giúp tránh vi khuẩn xâm nhập và giúp nâng cao tuổi thọ của máy, đặc biệt với những loại máy tiệt trùng bình sữa chạy bằng điện.
4. 4 Cách tiệt trùng bình sữa bằng phương pháp tự nhiên
Ngoài cách tiệt trùng bình sữa bằng máy tiệt trùng mẹ có thể tham khảo thêm 4 cách tiệt trùng bằng phương pháp tự nhiên dưới đây cũng rất tiện lợi mà chi phí không quá tốn kém, mẹ có thể sử dụng ở bất cứ đâu. Mỗi cách tiệt trùng bình sữa cho bé đều có những ưu và nhược điểm riêng, mẹ theo dõi để biết cách nào phù hợp với mình nhé!
4.1. Khử trùng bằng nước đun sôi
Tiệt trùng bình sữa bằng nước sôi là phương pháp truyền thống được các bà, các mẹ truyền tai nhau áp dụng vì không tốn chi phí mua máy tiệt trùng, lại có thể áp dụng ngay lập tức.
Chuẩn bị:
- Tháo rời các bộ phận và vệ sinh bình sữa sạch sẽ trước khi tiệt trùng: Chi tiết về cách vệ sinh bình sữa mẹ tham khảo tại: Hướng dẫn mẹ cách vệ sinh bình sữa sạch và an toàn cho bé
- Chuẩn bị nồi inox dùng chuyên dụng, dùng riêng để tiệt trùng bình sữa: Mẹ không dùng nồi nấu ăn để tiệt trùng bình sữa vì dễ làm ám mùi sang bình sữa của con, làm thay đổi mùi vị của sữa khiến bé ăn không ngon miệng, biếng ăn, bỏ ăn…
- Bước 1: Thêm nước đến ⅔ nồi và đun sôi trên bếp.
- Bước 2: Thêm các bộ phận khác vào nồi:
- Đối với bình thủy tinh: Cho phần thân bình vào ngay từ bước 1, trước khi đun sôi. Khi nước sôi, mẹ cho các bộ phận còn lại vào, đậy nắp và đun thêm 5 phút.
- Đối với bình bằng nhựa: Sau khi nước sôi, mẹ cho tất cả các bộ phận của bình sữa vào nồi, đậy nắp và đun tiếp 5 phút.
- Bước 3: Chờ nước nguội bớt, mẹ dùng kẹp sạch gắp từng bộ phận ra, và đặt chúng lộn ngược ở nơi thông thoáng, sạch sẽ, tránh đặt ở nơi nhiều bụi bẩn, ẩm ướt như gần bồn rửa, gần cửa sổ…
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Không đun bình sữa hay các dụng cụ nhựa quá 5 phút bởi đun sôi lâu không tăng khả năng diệt khuẩn nhưng dễ làm nhựa bị chảy, biến dạng… đấy ạ!
Ưu điểm: Phương pháp tiết kiệm, không tốn kém, các dụng cụ sẵn có tại nhà.
Nhược điểm:
- Hiệu quả tiệt trùng không cao, đặc biệt là những vi khuẩn chịu nhiệt tốt như nội bào từ, dễ làm bé đau bụng, sốt…
- Dễ gây hỏng bình, méo mó các bộ phận từ nhựa và silicon như núm ti, nắp bình…
- Tốn nhiều thời gian, mẹ phải chuẩn bị nồi sạch, đun nước, chờ nước sôi sau đó mới tiệt trùng được bình sữa.
4.2. Khử trùng bằng hơi nước
Thay vì sử dụng nước nóng để khử trùng, mẹ có thể sử dụng hơi nước cũng là một cách an toàn được nhiều bà mẹ áp dụng. Để sử dụng phương pháp này mẹ cần sắm cho bé máy khử trùng bình sữa hơi nước bằng điện. Thời gian tiệt trùng bình sữa cho bé 1 lần kéo dài khoảng 12 phút. Các bước khá đơn giản, mẹ có thể thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc tham khảo dưới đây.
- Bước 1: Đổ đầy nước vào nồi hấp, cho bình sữa và núm ti vào nồi.
- Bước 2: Đập nắp, ấn nút
- Bước 3: Đợi khoảng 12 phút đến khi quá trình tiệt trùng bình sữa hoàn tất máy sẽ tự động ngắt điện.
- Bước 4: Lấy bình sữa và núm ti của bé ra để ráo nước và sử dụng.
Lưu ý:
- Nước còn lại trong máy tiệt trùng hơi nước cần đổ hết đi
- Nếu bình sữa không sử dụng sau 24h, mẹ cần tiệt trùng lại cho bé trước khi sử dụng.
4.3. Dùng lò vi sóng
Lò vi sóng kết hợp với khay tiệt trùng mang lại khả năng tiệt trùng không thua kém gì tiệt trùng bằng máy tiệt trùng chuyên dụng, nhưng có nhiều nhược điểm hơn.
Chuẩn bị:
- Tháo rời các bộ phận và vệ sinh bình sạch sẽ trước khi tiệt trùng.
- Khay tiệt trùng và lò vi sóng.
Tiến hành:
- Bước 1: Cho khoảng 200ml nước lọc vào khay tiệt trùng.
- Bước 2: Xếp úp các bộ phận vào trong khay, sau đó, đóng chặt nắp khay lại và đặt vào lò vi sóng.
- Bước 3: Tiến hành quay lò vi sóng trong vòng 4 phút. Sau 4 phút, mẹ chờ khoảng 3 phút để các khay nguội bớt mới mở lò vi sóng và lấy khay ra ngoài, tránh bỏng tay mẹ.
- Bước 4: Đưa khay ra ngoài, mở nắp khay và dùng kẹp chuyên dụng để gắp bình sữa ra khỏi khay. Vi khuẩn rất dễ lây từ tay mẹ sang bình sữa của con nên mẹ không để tay chạm vào bình sữa sau tiệt trùng, đặc biệt là phần núm ti, mặt trong của bình, cổ bình…
Lưu ý nhỏ cho mẹ:
- Chỉ dùng 200ml nước, không đổ quá nhiều nước vào khay. Khay nhiều nước cần thời gian làm nóng lâu hơn, tốn thời gian của mẹ và giảm hiệu quả tiệt khuẩn bình sữa cho bé.
- Đậy chặt nắp khay tiệt trùng, tránh mùi và vi khuẩn từ lò vi sóng nhiễm vào bình sữa.
- Đứng cách lò vi sóng khoảng 1 mét, tránh tiếp xúc với bức xạ vi sóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhịp tim, đường huyết, mạch máu…
Ưu điểm:
- Đơn giản, dễ thực hiện, mẹ chỉ cần bỏ bình sữa đã làm sạch vào lò vi sóng, bấm nút và chờ khoảng 3 – 5 phút.
- Hiệu quả tiệt trùng cao, loại bỏ 90 – 99% vi trùng gây hại cho bé.
Nhược điểm:
- Không phù hợp tiệt trùng bình nhựa, núm ti, nắp bình… vì lò vi sóng gây nhiệt độ cao, dễ làm hỏng các vật dụng bằng nhựa, silicon.
- Lò vi sóng dễ ám mùi thức ăn sang bình sữa của con, làm con ăn không ngon miệng.
5.4. Tiệt trùng bằng nước cốt chanh
Nếu trong trường hợp mẹ không tiện để thực hiện các phương pháp khử trùng bình sữa trên, mẹ có thể suy nghĩ sử dụng nước cốt chanh. Phương pháp này chỉ nên sử dụng tạm thời khi đi xa không đủ điều kiện vì hiệu quả không cao, chỉ có tác dụng làm sạch và phải sử dụng liên tục.
Các bước khử trùng bình sữa cho bé bằng nước cốt chanh:
- Bước 1: Rửa sạch bình sữa và núm ti bằng nước
- Bước 2: Vắt 1/2 – 1 quả để lấy nước cốt chanh, pha với nước đun sôi để nguội
- Bước 3: Đậy chặt nắp và lắc mạnh liên tục 2-3 lần, sau đó đổ nước đi và đẻ ráo bình và núm ti.
6. Cách tiệt trùng bình sữa bằng chất tẩy rửa chuyên dụng
Ngoài các phương pháp khử trùng bình sữa trên, mẹ có thể sử dụng các loại chất tẩy rửa chuyên dụng để việc vệ sinh đồ của con dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn.
Cách thực hiện cũng khá đơn giản, mọi thứ mẹ cần chuẩn bị là nước tẩy chuyện dụng và cọ rửa bình. Sau đó mẹ tiến hành vệ sinh bình sữa, riêng núm ti mẹ nên lộn trái và chải xả dưới vòi nước để rửa trôi hết các vi khuẩn. Mẹ lưu ý cần cọ và trách thật sạch bình sữa và núm ti của bé với nước lọc rồi để ráo.
7. 5 Sai lầm thường gặp khi tiệt trùng bình sữa cho bé
Bình sữa của con là vật dụng con tiếp xúc và sử dụng hàng ngày. Để con được khỏe mạnh, mẹ cần tránh những sai lầm khi tiệt trùng bình sữa ở dưới:
7.1. Sử dụng nước bẩn, không thay nước khi tiệt trùng
Để hiệu quả tiệt trùng cao nhất, mẹ dùng nước lọc, hoặc nước đóng chai và thay nước tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng. Không dùng nước máy chứa chất ô nhiễm hay dùng lại nước cũ từ lần tiệt trùng trước vì dễ bám bẩn, vi khuẩn sang bình sữa của con. Ngoài ra, nước máy là nước cứng, chứa nhiều khoáng kim loại như Canxi, Magie, dễ để lại cặn, vết ố màu trên bề mặt bình sữa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con.
7.2. Không vệ sinh bình sữa với nước rửa chuyên dụng trước khi tiệt trùng
Chỉ rửa bình sữa mới nước không thể làm sạch bình sữa cho bé. Cặn sữa hay chất béo trong sữa có khả năng bám dính cao, giống như dầu mỡ mẹ nấu ăn vậy. Mẹ cần dùng nước rửa bình chuyên dụng để loại bỏ hết những thành phần này, nếu không, bình sữa của con sẽ bị hôi, sinh sôi vi khuẩn gây bệnh.
Bên cạnh đó, mẹ cũng không dùng nước rửa chén thông thường để rửa bình cho bé. Nước rửa chén có chứa chất tẩy rửa mạnh và chất lưu hương hóa học như Triclosan, Ammonium sulfate, Formaldehyde… ảnh hưởng đến cơ thể nhạy cảm của con. Thay vào đó, mẹ chọn nước rửa bình sữa chuyên dụng có thành phần thiên nhiên, không mùi, không để lại tồn dư sau khi rửa để con luôn được khỏe mạnh mẹ nhé!
Mẹo cho mẹ: Vệ sinh viền đáy bình sữa chẳng hề dễ dàng, mẹ đưa tay với đáy bình mãi chẳng được. Dụng cụ rửa bình quay 360 độ giúp mẹ làm sạch bình tối đa, kể cả những vị trí khó làm sạch nhất như cổ bình, đáy bình… vừa tiện lợi cho mẹ vừa làm sạch hiệu quả hơn.
7.3. Tiệt trùng bình ở nhiệt độ quá cao
Mẹ chỉ tiệt trùng bình sữa cho con ở nhiệt độ khoảng 100 độ C, không tiệt trùng bình sữa của con ở nhiệt độ quá cao. Nhiệt độ cao dễ làm méo mó, biến dạng bình nhựa và bình silicon. Nếu bình thủy tinh chịu nhiệt kém, nhiệt độ cao còn dễ làm bình bị nổ, vỡ khiến mẹ bị thương nữa đấy ạ!
7.4. Sử dụng bình sữa, máy tiệt trùng bình sữa từ nhựa BPA
Khả năng chịu nhiệt của vật dụng nhựa rất kém, khoảng 70 – 200 độ C tùy loại nhựa. Trong khi đó, nhiệt độ tiệt khuẩn bình sữa là 100 độ C. Ở nhiệt độ cao như vậy, nhựa, đặc biệt là nhựa BPA sẽ bị chảy, biến dạng, giải phóng vi nhựa và các chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của con, gây ung thư, dậy thì sớm, vô sinh… Do đó, mẹ cần chọn cho bé các vật dụng làm từ chất liệu nhựa chịu nhiệt tốt, không độc hại, an toàn với bé như: PC, PA, PP, PES, PPSU…
7.5. Không tháo rời bình và núm ti khi tiệt trùng
Mặt trong bình sữa và núm ti là hai bộ phận quan trọng nhất khi tiệt trùng vì chúng đều là phần tiếp xúc trực tiếp với miệng bé và sữa bé uống. Nếu núm ti, hay mặt trong bình sữa còn vi khuẩn, chắc chắn vi khuẩn sẽ theo sữa, miệng, vào cơ thể và gây bệnh cho bé. Vì thế, mẹ nhớ tháo rời tất cả bộ phận bình sữa trước khi tiệt trùng để diệt sạch vi khuẩn ở mọi ngóc ngách bình sữa mẹ nhé!
Qua bài viết trên đây, mẹ đã chọn được cách tiệt trùng bình sữa tốt nhất cho bé nhà mình rồi. Tiệt trùng bình sữa không khó chút nào đâu mẹ nhỉ! Nếu còn khó khăn hay cần tư vấn thêm, mẹ để lại bình luận bên dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!