Mẹ quấn tã vuông nhưng tã thường xuyên bị lỏng, nước tiểu và phân bị tràn ra ngoài gây mất vệ sinh và khiến bé không thoải mái? Đã đến lúc thực hành 4 cách quấn tã vuông cực an toàn và hiệu quả sau đây! Cùng theo dõi mẹ nhé!
Mục lục
1. Chuẩn bị tã phù hợp trước khi quấn bé
Quấn tã vuông là khi mẹ quấn tã quanh cơ thể của bé, tạo thành một chiếc “tổ” ấm áp, giúp bé có cảm giác an toàn, yên tâm như được bao bọc trong bụng mẹ. Trước khi quấn, mẹ chuẩn bị tã phù hợp với bé dựa trên các tiêu chí sau:
1 – Chất liệu: Mẹ ưu tiên chất vải mềm mại, thấm hút mồ hôi, giúp bé luôn khô thoáng, thoải mái và dễ dàng chuyển động như cotton, muslin... Không nên chọn những loại tã nilon, hoặc pha nilon vì những loại tã này rất bí, khiến bé đổ nhiều mồ hôi, gây cảm lạnh.
2 – Kích cỡ: Lựa chọn kích cỡ tã phù hợp với chiều dài cơ thể trong từng giai đoạn sẽ giúp con thoải mái. Bé từ 0-6 tháng có chiều dài cơ thể từ 49 đến 65cm, mẹ chọn tã vuông có kích thước từ 70x70cm đến 90x90cm, gần gấp rưỡi chiều dài cơ thể bé. Nếu vẫn chưa yên tâm, mẹ tham khảo thêm Bảng chiều cao cân nặng cho trẻ sơ sinh mẹ nhé!
3 – Kiểm tra chất lượng tã: Mẹ đảm bảo tã của bé được giặt sạch sẽ trước khi quấn cho bé đảm bảo tã không có mùi hôi, không dính chất bẩn, đặc biệt không bị rách hỏng, tránh trường hợp trong quá trình quấn tã, tay hoặc chân của con bị kẹt vào giữa các khe rách, gây cản trở lưu thông máu hoặc làm con đau.
Lưu ý cho mẹ: Khi lựa chọn nước giặt xả giặt tã cho bé, mẹ ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, có tác dụng khử khuẩn, mùi hương nhẹ nhàng, không chứa hương liệu hóa học, chất tẩy rửa mạnh, hay chất bảo quản paraben bởi các chất này là “kẻ thù” khiến da con nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, khó chịu.
2. Cách 1: Cách quấn tã vuông với phần đuôi tã được thắt nút
Cách quấn tã vuông với phần đuôi tã được thắt nút thường áp dụng cho những mẹ mới tập quấn tã, có bé dưới 2 tháng, bé chưa đạp chân nhiều và chịu nằm ngoan trong tã. Cách thực hiện cực đơn giản như sau:
1 – Bước 1: Mẹ trải tã trên mặt phẳng và đặt tã theo dạng hình thoi, một góc nhọn của tã hướng về phía người mẹ. Nếu mùa đông con mặc nhiều lớp quần áo, mẹ cởi bớt lớp ngoài cùng để con không bị nóng nhé. Nếu quấn tã cho bé vào mùa hè, mẹ mặc cho bé một bộ quần áo cộc bằng vải cotton mỏng trước khi quấn tã.
2 – Bước 2: Gấp phần đỉnh tã xuống thành một hình tam giác vuông cân, có chiều cao khoảng ⅓ tã.
3 – Bước 3: Đặt bé nằm vào chính giữa tã sao cho đầu bé nằm ngoài tã và phần vai ngang với mép trên cùng của tã.
4 – Bước 4: Áp cánh tay phải của bé sát với cơ thể, nhẹ nhàng quấn đầu tã bên phải quanh người bé rồi cố định đầu tã ở phần eo bên trái. Ở bước này, mẹ lưu ý không quấn chặt tay tránh làm bé đau, gò bó, khiến con không thoải mái khi cử động.
5 – Bước 5: Phần đầu tã còn lại, mẹ tiếp tục quấn qua người bé và gài cố định ở phần thắt lưng, sao cho tã quấn đủ rộng để phần chân và hông bé dễ dàng cử động, thoải mái đạp, duỗi.
6 – Bước 6: Cuối cùng, mẹ thắt nút phần đuôi tã lại là xong rồi. Cực dễ mẹ nhỉ.
3. Cách 2: Cách quấn tã vuông thả rông phần thân dưới
Với những bé nghịch ngợm, hay đạp chân, không hợp tác cho mẹ quấn tã chân, mẹ sẽ khó áp dụng cách quấn tã trên. Trong trường hợp này, mẹ hãy sử dụng cách quấn tã vuông thả rông phần thân dưới để giúp phần chân và hông của bé được cử động thoải mái hơn.
Với phương pháp quấn này, mẹ thực hiện tương tự hướng dẫn từ bước 1 đến bước 5 giống như phần 2 nhưng không cần thắt nút phần đuôi tã mà để chân bé duỗi đạp tự do nhé.
4. Cách 3: Cách quấn tã vuông với phần đuôi tã được cố định qua vai
Cách quấn tã vuông với phần đuôi tã được cố định qua vai đòi hỏi mẹ khéo léo và nhanh tay một chút, nếu không bé sẽ giãy ra khi mẹ cố định các góc tã.
Mẹ đã quấn tã quen rồi hoàn toàn có thể áp dụng cách này cho những bé dưới 2 tháng, chưa hoạt động chân nhiều. Cách thực hiện như sau:
- Bước 1 đến Bước 4: mẹ thực hiện tương tự các bước từ 1 đến 4 như cách quấn tã vuông với phần đuôi tã được thắt nút.
- Bước 5: Kéo phần đuôi tã (phần góc nhọn hướng về người mẹ) lên gần cổ, mép tã đặt qua vai trái của bé.
- Bước 6: Với đầu tã còn lại, mẹ quấn qua người bé rồi gài cố định ở phần thắt lưng.
5. Cách 4: Cách quấn tã vuông che thóp bé
Khi mẹ muốn cho bé ra ngoài, hãy áp dụng cách quấn tã vuông che thóp bé. Đặc biệt với bé dưới 2 tháng tuổi, phần thóp rất dễ bị nhiễm lạnh, cần che chắn để tránh bụi, gió, hạn chế tình trạng con bị ốm, sốt.
Cách thực hiện cho mẹ đây ạ:
- Bước 1: Trải tã trên mặt phẳng và xoay tã theo dạng hình thoi, hướng một góc vuông của tã về phía người mẹ.
- Bước 2: Đặt bé nằm chính giữa tã, đầu bé nằm đè lên góc vuông trên cùng của tã.
- Bước 3: Dùng hai tay vuốt dọc hai bên mép trên cùng của tã sao cho phần mép tã áp sát vào má bé.
- Bước 4: Áp cánh tay phải của bé sát với cơ thể, nhẹ nhàng quấn đầu tã bên phải quanh người bé và cố định ở phần eo bên trái.
- Bước 5: Kéo phần đuôi tã, tức phần góc nhọn hướng về người mẹ lên gần cổ, cố định qua vai trái của bé.
- Bước 6: Đầu tã còn lại quấn qua người bé và gài cố định ở phần thắt lưng. Với kỹ thuật quấn này, mẹ cũng lưu ý tã quấn vừa phải để phần chân và hông của bé cử động thoải mái nhất. Mẹ kiểm tra độ chặt, lỏng bằng cách đặt một bàn tay mẹ lên chân bé trước khi quấn tã vào. Tay mẹ di chuyển thoải mái trong tã thì con cũng sẽ thoải mái.
6. 5 lưu ý khi quấn tã cho bé
Quấn tã cho bé cảm giác được ôm ấp, an toàn như trong bụng mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tuyệt vời của việc quấn tã vuông cho bé sơ sinh, mẹ cần lưu ý một số điều “nho nhỏ” sau:
1 – Việc quấn tã là không bắt buộc: Quấn tã giúp bé ngủ ngon hơn nhưng không phải bé nào cũng thích được quấn tã đâu mẹ nhé! Nếu bé không cảm thấy vui vẻ và dễ chịu khi quấn tã, mẹ không cần ép bé. Từ giai đoạn 2 tháng, mẹ nên tạm biệt tã vuông để bé được thoải mái cử động tay chân, duỗi, đạp.
2 – Cho bé mặc quần áo thoáng mát: Khi quấn tã, để tránh bé bị nóng, đổ nhiều mồ hôi gây cảm lạnh, mẹ cho bé mặc quần áo chất liệu cotton hoặc muslin mềm mại, thoáng mát và dễ thấm hút mồ hôi.
3 – Không nên quấn quá chặt và ép thẳng chân của bé: Có mẹ lầm tưởng rằng quấn bé càng chặt, con càng có cảm giác được an toàn. Đây là sai lầm nguy hiểm đó mẹ. Quấn tã quá chặt dễ khiến bé bị trật khớp. Khi quấn tã, mẹ lưu ý kiểm tra độ chặt, lỏng của tã bằng việc áp một bàn tay nằm sấp vào giữa chân, tay bé trước khi quấn tã vào như Góc của mẹ đã hướng dẫn phía trên nhé.
4 – Không nên quấn bé trong thời gian dài: cũng giống như người lớn, bé sẽ rất khó chịu và mỏi nếu bị gò bó khi quấn tã trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, mẹ ưu tiên quấn bé khi ngủ hoặc khi ra ngoài, còn ban ngày, hãy để chân tay bé hoạt động tự do mẹ nhé.
5 – Thay tã ngay sau khi bé đi vệ sinh: Bình thường bé sơ sinh đi phân su trong 24 giờ đầu sau sinh, trung bình một ngày con đi tới 8-10 lần. Với bé từ 4 đến 5 tháng tuổi, tần suất đi vệ sinh ít hơn khoảng 4 – 7 lần mỗi ngày. Cứ 2 tiếng mẹ nên kiểm tra 1 lần và thay tã ngay sau khi con đi vệ sinh bằng giấy ướt mamamy 80 tờ để tránh tình trạng hăm tã, giúp bé dễ chịu và thoải mái.
7. 5 lưu ý khi cho bé ngủ trong tư thế quấn tã
Để đảm bảo sức khỏe cho con cũng như giúp bé thoải mái, dễ chịu khi ngủ trong tư thế quấn tã, mẹ lưu ý 5 điểm sau:
1 – Đặt bé ngủ trong tư thế nằm ngửa: Theo các chuyên gia, bé nằm sấp khi ngủ có khả năng bị ngạt, tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Vì vậy, để đảm bảo an toàn, mẹ luôn giữ bé ở tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng khi ngủ để tránh đường thở của bé bị chặn, gây nguy hiểm cho con.
2 – Hạn chế đặt quá nhiều chăn, gối, thú nhồi bông lên giường, cũi của bé: khi ngủ bé thường xoay ngang ngửa, cựa quậy nên các vật này dễ làm bé bị ngạt thở mà mẹ không hay biết. Mẹ nên bỏ bớt những đồ vật này ra để con ngủ thoải mái hơn.
3 – Không trùm chăn kín đầu bé: Khi bé đang quấn tã, do không thể cử động chân tay để báo cho mẹ biết nên rất dễ bị ngạt khí nếu chăn trùm kín đầu. Mẹ nên đắp chăn ngang ngực con nếu trời không lạnh và kiểm tra con thường xuyên nếu con ọ oẹ, ngủ không sâu giấc.
4 – Quan sát cử động và tình trạng tã của bé: Phản ứng của bé sẽ cho mẹ biết con có đang thoải mái hay không. Nếu thấy bé giãy mạnh, hoặc ậm ọe không ngủ, rất có thể tã của bé đã bị bung, mẹ chỉnh tã luôn cho bé nhé. Nếu thấy bé vẫn ngủ ngoan, mẹ tranh thủ lúc dậy đi vệ sinh, hoặc cho bé ti sữa thì kiểm tra và điều chỉnh nếu cần để giúp bé nằm thoải mái nhất.
Cách quấn tã vuông cho bé thực chất không khó như mẹ nghĩ đúng không ạ? Mẹ chỉ cần làm quen một vài lần sẽ thành thục và không còn lo quấn quá chặt hay sai cách nữa, con cũng thoải mái, ngủ ngon và bớt quấy khóc hơn. Nếu mẹ còn thắc mắc về kỹ thuật quấn tã vuông cho bé, để lại bình luận để được giải đáp mẹ nhé.