Một em bé chào đời cũng là lúc cuộc sống của người mẹ bước sang một trang mới. Em bé sẽ là ưu tiên hàng đầu vì lúc nào bé cũng cần sự chăm sóc. 1 tháng đầu tiên sau khi ra đời là lúc trẻ sơ sinh đang làm quen với thế giới bên ngoài. Môi trường sống của bé thay đổi từ ở trong bụng mẹ ra bên ngoài không khí. Trong khi chăm sóc, mẹ sẽ biết được trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có thể làm gì và biểu sự phát triển của bé 1 tháng tuổi.
Mục lục
1. Những hoạt động hàng ngày của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
1.1. Ăn
Trung bình trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bú từ 8 – 12 lần trong một ngày nếu được nuôi bằng sữa mẹ. Nếu bú bình bé phải được cho ăn ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ. Khi đói và cần được bú, bé sẽ có biểu hiện di chuyển qua lại, tự động tìm kiếm vú mẹ hoặc rõ ràng hơn là khóc. Mẹ cần để ý để cho bé được ăn kịp thời ngay khi bé thấy đói. Nhưng mẹ cũng không thể kiểm soát số lần bú và thời gian bú. Hãy để bé quyết định điều này. Trẻ sơ sinh sẽ tự biết khi nào cần được ăn và ăn bao nhiêu là đủ. Tã của bé ướt 4 – 6 lần/ngày là dấu hiệu của việc bé được ăn đủ.
1.2. Ngủ
Trong tháng đầu tiên, ngoài việc ăn thì hầu như trẻ sơ sinh chỉ ngủ. Trẻ có thể ngủ từ 15 – 16 giờ/ngày và được chia ra thành nhiều giấc ngủ ngắn. Thông thường bé sẽ ngủ sau khi được bú sữa no nê. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cũng thất thường không cố định trong một khung giờ nào cả, vì bé mới được ra bên ngoài và chưa có khái niệm ngày và đêm. Tuy nhiên, mẹ có thể giúp bé điều chỉnh điều này. Mẹ cũng nên chú ý khi bé thấy mệt mỏi thì nên cho bé đi ngủ luôn chứ không đợi tới lúc bé thiếp đi.
1.3. Giao tiếp với mọi người xung quanh
Một cách giao tiếp đặc biệt mà bé dùng trong thời kì đầu này là khóc. Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi khóc bất cứ khi nào thấy đói, mệt mỏi, buồn ngủ, tã ướt khó chịu. Tiếng khóc của bé nhiều khi sẽ mang lại cho bố mẹ sự mệt mỏi và lo lắng. Dỗ con nín khóc là một quá trình cần sự kiên nhẫn của bố và mẹ. Nếu đủ dịu dàng và yêu thương, bé sẽ có thể cảm nhận được và dần nín khóc. Việc này sẽ giảm dần theo thời gian khi mọi thứ đi vào quỹ đạo của nó, nên các mẹ đừng hoảng sợ và lo lắng.
Ngoài ra, bé có thể có biểu hiện khác như cười với mọi người. Nhưng hành động này nghiêng về phản xạ của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi hơn là bé thực sự cười với bạn. Mặc dù vậy, nụ cười của bé vẫn rất đáng yêu đúng không nào?
2. Một số thay đổi của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
2.1. Cân nặng
Một vài ngày sau khi ra đời, cân nặng của bé có thể bị giảm đi một chút. Đây là điều bình thường nên các mẹ đừng lo lắng. Sau khoảng 2 tuần tuổi bé sẽ đạt tới trọng lượng sơ sinh và tăng cân nhanh chóng. Mẹ nên theo dõi cân nặng của bé để đảm bảo em bé phát triển với tốc độ bình thường.
2.2. Rụng rốn
Sau khi sinh ra, trẻ sơ sinh sẽ được cắt dây rốn, để lại một cuống rốn dài khoảng 2 – 3cm. Mẹ cần chăm sóc rốn cẩn thận cho bé trong thời kì đầu này để tránh nhiễm khuẩn. Sau khoảng 8 – 10 ngày rốn bé sẽ tự rụng và sau 15 ngày sẽ lành sẹo. Thời gian rụng rốn của mỗi bé sẽ khác nhau. Mẹ cần để ý đến khu vực rốn của bé kĩ càng.
2.3. Vận động
Bé 1 tháng tuổi có thể thực hiện khá nhiều hành động dù hệ thần kinh chưa phát triển hết. Mẹ có thể thấy bé có hành động bẩm sinh là mút. Ngoài ra, bé còn có phản xạ nắm tay lại nếu mẹ đặt ngón tay vào lòng bàn tay của bé. Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có cơ cổ và lưng chưa chắc chắn, vì vậy mẹ nên tập cho bé nằm sấp để phát triển cơ. Bé có thể xoay cổ khi đang nằm, nhưng khi nhấc bé lên thì mẹ cần đỡ sau đầu của bé.
Cách tập nằm sấp “Tummy time” cho bé
2.4. Giác quan
Có thể nhiều bố mẹ chưa biết, khi mới sinh ra thị giác của trẻ rất kém. Bé bị cận thị và không thể nhìn rõ những vật ở xa hơn mắt 30cm. Vì vậy trẻ sơ sinh thường sẽ nhớ khuôn mặt của mẹ hơn vì khi cho con bú, bé có thể nhìn rõ mẹ. Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi cũng thích những thứ có màu sắc tươi sáng, rõ ràng và có độ tương phản cao.
Bé cũng có thể cảm nhận được âm thanh, có thể nghe được giọng nói của mọi người xung quanh. Đặc biệt bé nhận ra giọng nói của bố mẹ vì đã được nghe từ khi còn là thai nhi. Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có thể phát hiện và cố gắng quay đầu tìm hướng đang phát ra tiếng nói.
Mẹ có thể cho bé nghe nhạc để giúp bé làm quen với âm thanh. Khi bé ngủ mẹ cũng không nên làm mọi thứ quá mức im lặng vì điều này sẽ làm trẻ trở nên nhạy cảm với tiếng ồn. Trẻ nên tập làm quen với tiếng ồn trong nhà của mình.
Âm nhạc cho bé 1 tháng tuổi:
Bé có thể ngửi được mùi thơm sữa mẹ và thích vị ngọt. Vị giác của bé chưa đủ phát triển để bé có thể cảm nhận được nhiều vị khác như cay, đắng hoặc chua.
3. Lời khuyên cho mẹ khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
- Tiếp xúc da nhiều hơn với bé. Bé sơ sinh rất thích được chạm vào.
- Massage và cho bé di chuyển chân theo động tác đạp xe. Việc này sẽ giúp bé phát triển cơ chuẩn bị cho việc tập bò và đi bộ.
- Có thể cho bé chơi đồ chơi như lục lạc, trống lắc…
- Mẹ cần liên lạc với bác sĩ ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường.
Lưu ý: Mẹ cũng cần dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân mình. Tránh mệt mỏi và stress quá mức, điều này sẽ dẫn tới việc chăm sóc trẻ không được tốt.
Chăm sóc trẻ sơ sinh là một việc mệt mỏi và tốn nhiều công sức. Nhất là đối với những người làm mẹ lần đầu sẽ càng khó khăn hơn. Mẹ hãy thật kiên nhẫn và dịu dàng với bé nhé! Chúc mẹ luôn vui vẻ và mạnh khỏe để chăm sóc em bé thật tốt!
Tìm hiểu thêm: