Phụ nữ mang thai sau tuổi 30 chắc chắn có nhiều băn khoăn và lo lắng. Có nhiều vấn đề thể chất, tâm lý cần được cân bằng sau tuổi 30. Sau 30 mang thai có muộn không? Cùng tìm hiểu với Góc của mẹ qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Lợi ích khi mang thai sau 3 0 tuổi
Trước hết, để nói về mang thai sau tuổi 30, mỗi người phụ nữ đều có lí do của riêng mình. Lứa tuổi này cũng có những lợi thế rất riêng để mang bầu và sinh con như sau:
1.1. Ổn định về kinh tế
Hầu hết phụ nữ tuổi 30 đều đã có công việc tương đối ổn định với mức lương chấp nhận được. Vì vậy mang thai ở lứa tuổi này có thể đảm bảo cho chăm sóc bầu đầy đủ chu đáo hơn. Sinh con với kinh tế ổn định cũng giúp em bé đỡ thiệt thòi về kinh tế. Con có thể có được điều kiện dinh dưỡng, chăm sóc tốt hơn. Sở dĩ kinh tế là một lợi thế của mang thai sau tuổi 30 vì kinh tế ổn định giúp mẹ có được tâm lý tự tin, bớt lo lắng về cơm áo gạo tiền.
1.2. Ổn định về tâm lý, tính cách
30 tuổi là độ tuổi khá chín trong lối sống, hành vi của mỗi người. Việc chịu trách nhiệm với con mình và gia đình cũng nghiêm túc và chỉn chu hơn. Mẹ 30 tuổi can đảm và bền bỉ hơn với các tác động tâm lý, nhờ đó sức khỏe chung của cả mẹ và thai nhi đảm bảo hơn. Việc ý thức được trách nhiệm của mình giúp mẹ duy trì khám thai sản đều đặn.
Ở tuổi 30, nhiều mẹ chưa có kinh nghiệm bầu bí nhưng nhờ có tâm lý vững vàng, nhiều trải nghiệm nên có thể vượt qua thời kì mang thai thuận lợi. Đây cũng là chìa khóa để em bé chào đời khỏe mạnh.
Không chỉ mẹ mà bố ở tuổi 30 cũng đã chín trong công việc và tài chính. Đây là chỗ dựa rất vững chắc cho mẹ và em bé. Chính vì vậy, so với lứa tuổi trẻ hơn, làm mẹ tuổi 30 là một lợi thế không nhỏ.
2. Mang thai con so sau tuổi 30 có đặc điểm gì?
2.1. Chưa có kinh nghiệm thai sản
Mọi bà mẹ mang thai bé đầu đều hoang mang vì mình chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên việc tham khảo các chuyên gia sản khoa và các bà, các mẹ có kinh nghiệm rất hữu ích. Mẹ không cần quá lo lắng. Dù mang thai ở lứa tuổi nào đi chăng nữa mẹ vẫn cần lắng nghe kĩ hướng dẫn của bác sĩ sản phụ khoa. Nắm được những chỉ dẫn này, cho dù có kinh nghiệm hay chưa mẹ vẫn có thể yên tâm về sức khỏe của mình.
2.2. Tầng sinh môn rắn chắc có thể ảnh hưởng đến chuyển dạ
Tuổi sau 30 mà chưa từng sinh em bé thường có tầng sinh môn kém đàn hồi. Đó là do tầng sinh môn mẹ trước đó chưa được thử thách bằng sự lọt qua của em bé. Sự rắn chắc của tầng sinh môn có thể khiến chuyển dạ diễn ra khó khăn hơn, mẹ khó sinh bằng đường dưới hơn. Việc đánh giá chuyển dạ là của các bác sĩ, mẹ có thể yên tâm nếu chuyển dạ tiến triển không thuận lợi thì mẹ có thể được chỉ định mổ lấy thai. Không phải bà mẹ nào chuyển dạ sinh con so sau tuổi 30 đều cần sinh mổ. Mặt khác, bằng việc luyện tập sức khỏe dẻo dai, mẹ có thể trải qua chuyển dạ dễ dàng hơn.
2.3. Những nguy cơ tăng lên ở lứa tuổi từ 35
Mẹ càng lớn tuổi, nguy cơ sảy thai hay em bé mắc rối loạn di truyền sẽ tăng lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến 2 tình trạng trên nhưng mẹ lớn tuổi là một yếu tố nguy cơ. Do đó mẹ cần theo dõi và xét nghiệm sớm các vấn đề của thai. Độ tuổi mẹ tăng lên nhưng hormone lại giảm đi do yếu tố tuổi tác, vì vậy sảy thai hay lưu thai cũng có tỉ lệ cao hơn. Những điều này là hạn chế lớn nhất với mẹ bầu lớn tuổi. Tuy nhiên, mẹ vẫn luôn nên duy trì tinh thần lạc quan, sức khỏe dẻo dai để chăm sóc chính mình và thai nhi.
3. Mang thai con thứ 2 trở lên sau tuổi 30
Có thể nói phần lớn phụ nữ đều mang thai con thứ 2 sau tuổi 30. Khi đó mẹ đảm bảo được rất nhiều lợi thế về tuổi, tâm lý, kinh nghiệm, sức khỏe. Nhờ có lần sinh con thứ nhất và những trải nghiệm riêng có trong đời sống, việc mang thai và sinh bé từ lần 2 trở đi thuận lợi và dễ dàng hơn. Việc chuyển dạ sinh thường lần 2 cũng tiến triển nhanh hơn về thời gian sinh lý. Nhờ có những lợi thế này, mẹ có thể tự tin và yên tâm chăm sóc bản thân và em bé. Tuy nhiên, cho dù bất kì thai kì nào, khám sức khỏe định kì vẫn phải đảm bảo. Mẹ đừng chủ quan với sức khỏe của mình và em bé nhé!
4. Chuẩn bị gì để mang thai sau tuổi 30?
Thụ thai sau tuổi 30 tùy từng người sẽ có tỉ lệ khác nhau. Tuy nhiên sau tuổi 30, hormone nữ giới cũng đã giảm dần, cần chú ý đến sức khỏe sinh sản hơn để sớm có bầu. Cặp đôi nên quan hệ đều đặn ít nhất 2-3 lần một tuần. Trong 6 tháng – 1 năm không sử dụng biện pháp tránh thai mà vẫn chưa thụ thai, cả hai vợ chồng đều nên đi khám sớm.
Mong mỏi có con là mong mỏi chung của tất cả phụ nữ. Mang thai sau tuổi 30 có thể là thách thức và khó khăn nếu bạn có vấn đề về sản phụ khoa. Cần thăm khám toàn diện để phát hiện các bất thường sản phụ khoa để điều trị sớm. Chính sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý, tinh thần sẽ giúp người phụ nữ dễ có thai hơn. Với nhiều tiến bộ y học hiện nay, mang thai là cơ hội chung cho tất cả mọi người.
Mang thai sau tuổi 30 mang đến nhiều băn khoăn và lo lắng cho phụ nữ. Hi vọng với những thông tin trên đây Góc của mẹ đã phần nào giải tỏa được những lo lắng và thắc mắc đó. Chúc các bạn sớm có bầu và luôn khỏe!
Xem thêm:
Chuẩn bị mang thai cần những kế hoạch gì?
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/pregnancy-in-your-thirties-4147320