Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp cần thiết để phòng tránh các bệnh nguy hiểm. Vậy trẻ 9 tháng tiêm mũi gì để phát triển khỏe mạnh?
Mục lục
1. Tiêm phòng đem lại lợi ích gì cho trẻ?
Theo Bệnh viện Đức Giang, tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh chủ động cho trẻ. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ có thể đem lại những lợi ích dưới đây:
- Nâng cao hiệu quả phòng bệnh: sau khi được tiêm chủng, đến 95% trẻ sẽ tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể, giảm thiểu khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo.
- Tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện: Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch giúp trẻ tránh được các bệnh truyền nhiễm, tạo tiền đề để trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não.
- Tiết kiệm chi phí điều trị: Chi phí dành cho tiêm chủng ít hơn nhiều lần so với chi phí điều trị khi trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm, hiểm nghèo.
Theo lịch chủng ngừa bắt buộc và miễn phí ở Việt Nam hiện nay, các bệnh có thể ngừa sớm cho trẻ là: lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi. Các loại vắc xin chủng ngừa đều có lịch tiêm và thời gian tiêm nhất định để đảm bảo tính hiệu lực.
2. Trẻ 9 tháng tiêm mũi gì?
2.1. Vắc xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 2):
Theo Vietnam Vaccine I&C, viêm màng não do não mô cầu là bệnh có khả năng gây tử vong cao ngay cả khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Biến chứng của viêm màng não do mô cầu có thể dẫn đến tăng áp lực nội sọ, phù não, áp xe não gây nhiễm trùng huyết và tử vong.
Vắc xin ngừa viêm màng não do não mô cầu VA-MENGOC-BC là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa căn bệnh này. Vắc xin này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người 45 tuổi. Lịch tiêm gồm hai mũi, mũi 2 cách mũi 1 khoảng 6-8 tuần.
Thông tin chung về vắc xin VA-MENGOC-BC – bé 9 tháng tiêm mũi gì:
- Nguồn gốc: Finlay Institute (Cu Ba)
- Lịch tiêm chủng:
Lịch cơ bản: dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên đến người 45 tuổi. Gồm hai mũi tiêm; mũi 2 cách mũi 1 khoảng 6-8 tuần.
Vắc xin có thể được chỉ định cho trẻ từ tháng tuổi thứ 3 và người lớn sống hoặc di cư vào vùng dịch.
Vắc xin cũng được khuyến khích tiêm cho những người có nguy cơ cao như: sống tập thể trong quân đội, trường nội trú…
- Chống chỉ định:
Người quá mẫn với các thành phần của vắc xin.
Người đang sốt, nhiễm khuẩn cấp tính, dị ứng đang tiến triển.
Hiếm khi có phản ứng dị ứng nhưng cần ngưng liều thứ 2 nếu liều 1 có dấu hiệu dị ứng.
Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số phản ứng phụ như đau tại vết tiêm, nổi ban đỏ hoặc sưng nhẹ, sốt nhẹ, khó chịu, đau đầu, buồn ngủ… Những triệu chứng này thường ít gặp và sẽ biến mất sau khi tiêm 72 giờ.
2.2. Vắc xin sởi đơn MVVac phòng bệnh sởi:
Theo Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Sởi gây ra mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não… thậm chí có thể dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, người mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
Khi mắc sởi, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng,… Vắc xin sởi đơn MVVac có thể gây miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và người chưa có kháng thể sởi.
Nếu mẹ băn khoăn trẻ 9 tháng tiêm mũi gì thì đây là một trong những loại vắc xin cần được tiêm chủng sớm ở trẻ.
Thông tin chung về vắc xin sởi đơn MVVac – bé 9 tháng tiêm mũi gì :
- Nguồn gốc: Việt Nam
- Lịch tiêm:
Mũi 1: mũi đầu tiên khi trẻ đến tiêm (9 – <12 tháng tuổi)
Mũi 2: MMR 1: ít nhất 3 tháng sau mũi sởi đơn MVVac.
Mũi 3: MMR 2: ít nhất 3 năm sau mũi MMR 1
- Chống chỉ định:
Trường hợp mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin;
Phụ nữ có thai;
Trường hợp bị nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp, mắc bệnh lao tiến triển chưa được điều trị hay
Người bị suy giảm miễn dịch (trừ trẻ em bị HIV);
Người bị bệnh ác tính.
Sau khi tiêm, trẻ có thể có các phản ứng phụ như đau, sưng và ban đỏ tại chỗ tiêm. Phản ứng này thường là nhẹ và sẽ hết sau khi tiêm 1-2 ngày. Những phản ứng toàn thân như sốt, ban, ho và sổ mũi xảy ra ít hơn và thường kéo dài từ 1-3 ngày rồi tự khỏi mà không cần điều trị.
3. Những lưu ý khi đưa bé 9 tháng tiêm mũi gì
Để đảm bảo sức khỏe của trẻ, mẹ nhớ lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ để hạn chế nhiễm trùng.
- Trao đổi trước với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ: bệnh nền, tình trạng suy dinh dưỡng (nếu có) để xem xét và quyết định có nên tiêm chủng cho trẻ hay không.
- Ghi chú về các loại thuốc trẻ đang sử dụng, các loại vacxin hoặc thức ăn mà trẻ đã từng bị dị ứng trước đó.
- Mang theo sổ hoặc phiếu tiêm chủng để bác sĩ tham vấn và đảm bảo thực hiện đúng lịch tiêm vắc xin cho trẻ.
Xem thêm: TRẺ 9 THÁNG ĐI NGOÀI NHIỀU LẦN TRONG NGÀY CÓ BÌNH THƯỜNG?
Trên đây là một số lưu ý về chủ đề “Trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi gì”. Tiêm chủng là biện pháp cần thiết để chủ động bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ. Mẹ nhớ lưu ý để đảm bảo trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Góc của mẹ chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!