Bất kể mùa lạnh hay mùa nóng, mẹ luôn lo lắng cho sức khỏe của bé yêu, nhất là khi bé bị nghẹt mũi, sổ mũi. Bởi nếu không kịp thời loại bỏ chất nhầy ra khỏi khoang mũi, con sẽ khó thở, thường xuyên quấy khóc và biếng ăn. Hiểu được tâm lý đó, Góc của mẹ hướng dẫn mẹ 5 cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bị sổ mũi giúp con mau khỏi ngay dưới đây, việc chăm con trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
Mục lục
1. Rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý
Với phương pháp này, mẹ dễ dàng chuẩn bị và thực hiện tại nhà. Các đồ dùng cần thiết để rửa cho bé cũng rất dễ mua và có giá thành hợp lý, chỉ cần đầu tư khoảng 20.000 1 chai nước muối và 63.000 1 gói khăn khô là đủ rửa mũi cho con 50 – 60 lần rồi. Tuy nhiên, một điểm nho nhỏ mẹ cần lưu ý: Phương pháp này không tạo ra lực đẩy mạnh, không hiệu quả nếu mũi bé có nhiều dịch nhầy hoặc dịch nhầy đặc quánh.
1.1. Chuẩn bị
Dụng cụ mẹ cần chuẩn bị để rửa mũi cho bé bao gồm:
- Nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương: Nước muối sinh lý là nước muối có tỉ lệ NaCl và nước cất là 0,9%. Nước muối ưu trương là dung dịch nước muối có tỉ lệ NaCl và nước cất cao hơn 0.9% và bổ sung thêm thành phần dưỡng ẩm. Nước muối ưu trương tốt hơn, có mặt tại các hiệu thuốc và các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada nhưng sẽ có giá thành cao hơn nước muối sinh lý (khoảng 200.000 với nước muối Nebial hoặc 85.000 với nước muối Nebusal).
- 2 – 3 khăn khô đa năng mềm: Dù áp dụng phương pháp rửa nào, mẹ cũng nên chọn loại khăn khô đa năng không thêm các chất huỳnh quang làm trắng hay các phụ gia thấm hút nước để đảm bảo an toàn và tránh gây kích ứng mũi bé. Khăn khô đa năng được làm từ rayon – chất liệu mềm mại bậc nhất và được tiệt trùng từng tờ, không chứa vi khuẩn e coli và nấm men mốc sẽ thay mẹ vuốt ve, bảo vệ con khỏi tổn thương niêm mạc mũi trong quá trình rửa.
1.2. Hướng dẫn mẹ cách thực hiện
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, mẹ chơi đùa với bé yêu để tâm trạng con thoải mái rồi bắt đầu rửa mũi cho bé thôi ạ
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ cho bé nằm trên giường, nghiêng đầu sang một bên và kê cao đầu bé bằng một tấm khăn mỏng. Không nên kê đầu bé bằng gối cao hoặc khăn quá dày để tránh nước muối chảy ngược ra ngoài mẹ nhé. Ngoài ra, mẹ nhớ lót một chiếc khăn vải ở cổ để thấm nước chảy ra trong quá trình rửa mũi, tránh làm ướt quần áo con.
- Bước 2: Mẹ nhỏ nước muối vào mỗi đầu mũi bé từ 1 – 2 giọt và chờ 2 – 3 phút để chất nhầy trong mũi loãng ra. Sau đó, mẹ dùng khăn khô đa năng quấn vào ngón tay út, nhẹ nhàng thấm hút chất dịch bên trong mũi bé.
- Bước 3: Trong trường hợp dịch nhầy trong mũi bé vẫn còn ứ đọng bên trong, mẹ thực hiện lại 2 bước trên từ 1 – 2 lần cho đến khi mũi bé sạch dịch mũi hoàn toàn. Mẹ nhớ thao tác thật nhẹ nhàng, tránh tổn thương niêm mạc mũi của bé yêu.
- Bước 4: Sau khi đã thực hiện xong 3 bước trên, mẹ dùng khăn khô đa năng để lau nhẹ nhàng bên ngoài lỗ mũi bé. Vậy là mũi của bé yêu đã thông thoáng và dễ chịu hơn rất nhiều rồi đó ạ. Thật đơn giản phải không mẹ!
2. Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng dụng cụ chữ U
Dụng cụ rửa mũi chữ U cũng là một sản phẩm hữu ích để loại bỏ dịch nhầy ứ đọng trong mũi bé. Đây là phương pháp được mô phỏng dựa trên thói quen dùng miệng hút dịch mũi của mẹ nhưng vệ sinh hơn, hạn chế vi khuẩn từ miệng lây lan vào khoang mũi của bé. Tuy nhiên, mẹ thường khó điều chỉnh tốc độ hút, đôi lúc khiến bé đau do hút mạnh hoặc dịch nhầy không sạch do hút nhẹ.
2.1. Chuẩn bị
Để rửa mũi bé bằng dụng cụ hút chữ U, mẹ chỉ cần chuẩn bị:
- Dụng cụ hút mũi chữ U: Mẹ dễ dàng mua tại các nhà thuốc hoặc các trang thương mại điện tử uy tín với giá từ 30.000 – 100.000. Các thương hiệu dụng cụ hút chữ U thường được mẹ bỉm ưa chuộng như KUKU, Farlin, Nuk,…
- 2 – 3 khăn khô đa năng mềm
- Nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương
2.2. Hướng dẫn mẹ cách thực hiện
Sau khi chuẩn bị xong, mẹ dùng dụng cụ hút thổi nhẹ để kiểm tra lực hút và thổi nhẹ vào tai con để chơi đùa, cho con làm quen với dụng cụ. Khi bé yêu đã sẵn sàng, mẹ thực hiện hút mũi cho con theo những bước sau nhé:
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương vào mỗi bên mũi của bé và đợi từ 2 – 3 phút để làm ẩm niêm mạc mũi. Có thể thay thế bằng bình xịt mũi hoặc thuốc xịt theo chỉ định của bác sĩ.
- Bước 2: Nhẹ nhàng cho đầu vòi lớn của dụng cụ vào miệng, đặt đầu thon sát khoang mũi chứa chất nhầy. Mẹ đừng quên dùng khăn mềm lót dưới cằm bé để thấm dịch mũi của bé chảy ra trong quá trình thực hiện nhé.
- Bước 3: Mẹ hút chất nhầy trong mũi bé ra với lực vừa phải để lấy được chất nhầy ở sâu trong mũi bé mà không làm tổn thương niêm mạc mũi.
- Bước 4: Tiến hành hút tương tự với bên mũi còn lại. Sau khi thực hiện xong, mẹ nhớ dùng khăn sạch để lau mũi cho bé.
- Bước 5: Mẹ rửa dụng cụ bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn để đảm bảo vệ sinh khi bé sử dụng lần sau.
3. Rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng bóng hút mũi hoặc bình hút
Bóng hút hoạt động bằng cách dùng không khí để tạo lực hút, hút lấy chất nhầy trong mũi bé vào bầu chứa. Đây là phương pháp khá nhanh gọn, bóng hút cũng được thiết kế với lực hút vừa phải, không làm tổn thương niêm mạc mũi của bé. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là khó vệ sinh, hoặc không vệ sinh được bình hút, mẹ chỉ sử dụng được một lần duy nhất.
3.1. Chuẩn bị
Mẹ chuẩn bị các đồ dùng sau:
- Bóng hút mũi hoặc bình hút: Sản phẩm này có bán ở siêu thị hoặc các trang thương mại điện tử uy tín như Shopee Mall, Lazada Mall với giá thành giao động từ 30.000 – 150.000đ. Mẹ ưu tiên chọn sản phẩm làm từ chất liệu cao su hoặc silicon mềm của thương hiệu NuK, Pigeon, Kidsme,… tránh làm tổn thương mũi bé.
- 2 – 3 chiếc khăn khô đa năng mềm
- Nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương
3.2. Hướng dẫn mẹ cách thực hiện
Trước khi thực hiện, mẹ kiểm tra xem dụng cụ có co bóp bình thường không và trò chuyện với bé để con không cảm thấy áp lực, sợ hãi. Nếu tâm lý con thoải mái, việc hút rửa sẽ dễ dàng hơn đó ạ.
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ làm ẩm niêm mạc mũi bé bằng cách nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương vào mỗi bên mũi và chờ từ 2 – 3 phút.
- Bước 2: Mẹ bóp mẹ dụng cụ để không khí thoát ra khỏi bầu hút và giữ nguyên tư thế tay để chuẩn bị đưa vào mũi bé.
- Bước 3: Nhẹ nhàng đặt đầu hút vào lỗ mũi của bé và hứng một chiếc khăn khô đa năng mềm dưới cằm bé, ngăn nước muối chảy ra.
- Bước 4: Mẹ buông ngón tay giữ bầu hút ra để không khí tràn vào khoang, giúp tạo ra một lực hút, lấy chất nhầy trong khoang mũi vào trong bầu hút.
- Bước 5: Mẹ tiến hành tương tự với lỗ mũi còn lại.
- Bước 6: Sau khi đã hoàn tất, mẹ nhẹ nhàng dùng khăn khô đa năng mềm lau sạch chất nhầy quanh mũi cho bé. Vậy là mũi của bé đã thông thoáng và con sẽ nhanh hết sổ mũi thôi ạ!
4. Cách rửa hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng máy hút
Rửa mũi cho bé bằng máy hút là phương pháp nhanh chóng, thuận tiện nhất cho mẹ và bé. Mẹ nên áp dụng phương pháp này khi bé bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, bé ho có đờm và có dịch nhầy trên mũi đặc quánh, hoặc bé cần được hút mũi theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên máy hút có giá thành cao và lực hút mạnh, chỉ nên dùng trong các trường hợp trên và cho bé đến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây nghẹt mũi của bé trước khi thực hiện mẹ nhé.
4.1. Chuẩn bị
Với phương pháp rửa mũi cho bé bằng máy hút, mẹ chuẩn bị các dụng cụ sau:
- 1 máy hút mũi: Mẹ nên chọn các loại máy hút mũi có nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ rõ ràng, đầu hút được làm bằng silicon để bảo vệ mũi bé. Các thương hiệu mẹ cân nhắc lựa chọn bao gồm: Farlin, Kuku, HappyDay,…
- 2 – 3 khăn khô đa năng mềm
- Nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương
4.2. Hướng dẫn mẹ cách thực hiện
Mẹ kiểm tra máy bằng cách đặt đầu hút lên tay mẹ và hút thử. Nếu thấy tốc độ hút quá mạnh khiến tay bị đau, mẹ giảm tốc độ xuống cho đến khi máy di chuyển nhẹ nhàng trên tay và thực hiện ngược lại nếu thấy tốc độ hút quá nhẹ. Sau khi đã kiểm tra xong, mẹ thao tác theo hướng dẫn:
- Bước 1: Mẹ nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương vào mỗi bên mũi của bé và chờ từ 2 – 3 phút để làm mềm và loãng chất nhầy trong khoang mũi bé.
- Bước 2: Mẹ nhẹ nhàng đặt bé nằm thẳng trên giường, đầu hơi chếch lên và dùng máy hút mũi để hút chất nhầy ứ đọng trong khoang mũi của bé từ trong ra ngoài.
- Bước 3: Sau khi đã hoàn thành các bước trên, mẹ nhớ dùng khăn mềm đa năng để lau mũi bé thật nhẹ nhàng. Như vậy là khoang mũi của bé đã sạch sẽ và bé cũng dễ chịu hơn rất nhiều rồi đấy ạ.
Lời khuyên cho mẹ: Không chỉ nhanh chóng, đơn giản, tiện lợi, hút mũi bằng máy còn giúp loại bỏ chất nhầy trong mũi bé một cách an toàn bởi lực hút của máy dễ dàng điều chỉnh để đảm bảo không làm tổn thương niêm mạc mũi. Đồng thời, nhiều loại mày còn có các chức năng khác như giảm tiếng ồn, phát nhạc, giúp bé thư giãn trong quá trình hút mũi. Nếu không ngại về vấn đề chi phí, mẹ đầu tư cho con máy hút là hợp lý nhất đó ạ.
5. Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp xông hơi
Xông hơi hoạt động dựa trên cơ chế dùng hơi nước để kích thích các nang lông nở ra, nhằm loại bỏ các độc tố và dịch bẩn trong mũi. Mẹ nên áp dụng phương pháp xông hơi để loại bỏ dịch mũi cho bé khi bé có dấu hiệu hắt hơi, nghẹt mũi, sốt không ra mồ hôi. Phương pháp này dễ dàng chuẩn bị tại nhà, nhưng thời gian thực hiện khá lâu, bé dễ quấy khóc và khó chịu vì khó thở.
5.1. Chuẩn bị
Đây là phương pháp có thao tác chuẩn bị đơn giản nhất, chỉ cần duy nhất 2 thứ:
- Nước nóng 60 – 70 độ
- 2 – 3 khăn khô đa năng
5.2. Hướng dẫn mẹ cách thực hiện
Để xông hơi mũi cho bé, mẹ thực hiện theo 3 bước sau:
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ cần tạo hơi nước trong phòng tắm bằng cách mở vòi nóng trong phòng tắm khoảng 5 phút.
- Bước 2: Mẹ bế bé vào xông hơi khoảng 10 phút để dịch mũi nhanh loãng và dễ dàng tràn ra ngoài hơn. Trong quá trình xông, mẹ hạn chế để luồng khí nóng phả trực tiếp vào mặt con, tránh da con bị bỏng rát.
- Bước 3: Sau khi xông hơi xong, mẹ nhớ dùng khăn khô đa năng nhẹ nhàng lau sạch dịch nước mũi đã được đẩy ra ngoài là xong rồi ạ.
Mẹ đã chọn được cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bị sổ mũi phù hợp với nhóc tì nhà mình chưa ạ? Mẹ nhớ nhẹ nhàng trong mọi thao tác để không làm tổn thương niêm mạc mũi của bé và sử dụng khăn khô đa năng để lau sạch dịch mũi còn sót lại sau khi hút rửa mũi, tránh vi khuẩn xâm nhập lại vào mũi con. Mẹ thực hiện tại nhà và phản hồi cho Góc của mẹ xem bé “ưng” phương pháp rửa nào nhất mẹ nhé.