Lịch sử tìm kiếm
Tìm trong góc của mẹ
Tìm kiếm phổ biến

Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý an toàn

Chuyên gia khuyên mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé 2 – 3 lần/tuần, đặc biệt khi bé mắc các vấn đề về đường hô hấp như sổ mũi, viêm mũi dị ứng, ngạt mũi… Vậy cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý thế nào mới đúng, mẹ tham khảo bài viết sau để hiểu rõ nhé!

1. Tác dụng khi rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý

Mũi là bộ phận lọc không khí của cơ thể. Khi bé thở, không khí đi qua mũi, bụi bẩn và vi khuẩn sẽ bị giữ lại tại đây. Rửa mũi cho bé với nước muối sinh lý đúng cách giúp: 

  • Rửa trôi chất bẩn và vi trùng trong mũi: Nước muối sinh lý là dung dịch natri clorid 0,9%. Đây là dung dịch có tính chất tương tự với dịch tự nhiên của cơ thể. Nó có khả năng len lỏi vào các hốc mũi; rửa trôi hết bụi bẩn vi khuẩn mà không làm mất đi độ ẩm tự nhiên của mũi, không làm khô mũi bé. 
  • Giúp mũi bé thông thoáng, bé dễ dàng bú mẹ: Chất nhầy, bụi bẩn trong mũi làm bé khó thở, nhất là khi bé bị ngạt mũi, viêm mũi. Lúc này, bé phải thở bằng miệng và phải dừng lại nhiều lần để thở khi bú sữa. Rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý sẽ dọn dẹp chất nhầy, bụi bẩn trong mũi, thông thoáng đường thở của bé; giúp bé bú mẹ dễ dàng hơn.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp mũi bé thông thoáng, tránh các vấn đề về hô hấp
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp mũi bé thông thoáng, tránh các vấn đề về hô hấp

2. Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý đúng và an toàn

Mẹ thực hiện rửa mũi cho bé 2 – 3 lần/ tuần. Với bé bị ngạt mũi, viêm mũi, khó thở do nhiều dịch nhầy mũi, mẹ rửa mũi cho bé 1 lần/ngày. Các bước thực hiện cụ thể như sau:

2.1. Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ cần thiết để rửa mũi cho bé

Các dụng cụ cần thiết để rửa mũi cho bé bao gồm:

  • Nước muối sinh lý 0,9% natri clorid: Mẹ tìm mua nước muối sinh lý loại dùng để nhỏ mũi cho bé ở hiệu thuốc. Nước muối sinh lý sau khi mở nắp rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, do đó, mẹ chọn loại đựng trong chai nhỏ, khoảng 10ml để dùng trong ngày mẹ nhé! 
  • Khăn khô đa năng: Mẹ chuẩn bị khăn khô đa năng để thấm dịch mũi cho bé khi rửa. Khăn khô mẹ chỉ dùng một lần, không tái sử dụng. 
  • Tăm bông: Mẹ chọn tăm bông đầu nhỏ, tăm bông trẻ em, không dùng tăm bông người lớn vì kích thước to, không vừa lỗ mũi của con khiến mẹ khó thao tác. 
Mẹ chú ý chọn khăn khô chất lượng tốt, ưu tiên loại có hàm lượng Rayon cao vì mềm hơn, không gây rát mũi cho bé
Mẹ chú ý chọn khăn khô chất lượng tốt, ưu tiên loại có hàm lượng Rayon cao vì mềm hơn, không gây rát mũi cho bé

2.2. Bước 2: Vệ sinh tay trước khi rửa mũi cho trẻ

Tay là nơi chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn mà mắt thường không nhìn thấy được. Chưa kể, nếu tay mẹ bám mùi do thức ăn, nước hoa, mỹ phẩm… mũi bé sẽ khó chịu, bé sẽ quấy khóc, giãy dụa nhiều, mẹ khó vệ sinh mũi cho bé. Vì thế, đừng quên rửa tay thật sạch trước khi vệ sinh mũi cho con mẹ nhé!

2.3. Bước 3: Đặt bé nằm nghiêng và lót khăn dưới cổ cho bé

Mẹ đặt bé nằm nghiêng sang một bên và lót một lớp khăn 1 – 2 cm kê dưới đầu bé, tránh để nước muối sinh lý đi ngược vào trong, đưa bụi bẩn và vi khuẩn từ mũi xuống họng, xuống dạ dày, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của con.

Đặt một tấm khăn khô đa năng dưới cổ để nước rửa không làm ướt áo con. 

 Mẹ kê đầu bé bằng lớp khăn cao 1 - 2 cm để bé dịch mũi không tràn ngược vào trong
Mẹ kê đầu bé bằng lớp khăn cao 1 – 2 cm để bé dịch mũi không tràn ngược vào trong

2.4. Bước 4: Tiến hành nhỏ nước muối vào mũi cho bé

Một tay mẹ giữ đầu bé, tay còn lại nhỏ nước muối sinh lý vào bên cánh mũi cao hơn. Lưu ý: Không nhỏ nước muối bên cánh mũi thấp vì sẽ dễ đẩy nước muối xuống họng bé, không đẩy được dịch nhầy và chất bẩn ra ngoài. 

Mẹ chỉ nhỏ 1 – 2 giọt vào mũi bé, thao tác nhẹ nhàng, cẩn thận; không nhỏ quá nhiều nước muối vào mũi bé; dễ làm bé bị sặc và sợ rửa mũi, quấy khóc. Mẹ khó vệ sinh mũi cho bé lần sau. 

Nếu con giãy dụa nhiều, mẹ khó thao tác; mẹ trò chuyện, xoa dịu bé, đồng thời, nhỏ nhanh chóng nước muối vào mũi con. Nước muối giúp thông thoáng mũi. Bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và không quấy nữa đâu ạ. 

Mẹ nhỏ 1 - 2 giọt nước muối sinh lý vào cánh mũi cao hơn
Mẹ nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào cánh mũi cao hơn

Sau 1 – 2 phút, nước muối sinh lý đã làm mềm gỉ mũi; mẹ đưa đầu tăm bông vào mũi bé để làm sạch hết dịch mũi bên trong. Khi đầu tăm đã ướt nhẹp, mẹ đổi đầu tăm bông hoặc dùng tăm bông khác; tiếp tục lau đến khi tăm bông không thấm được dịch mũi nữa.

Lưu ý nho nhỏ: Không chọc ngoáy sâu quá ¾ đầu tăm bông, dễ làm mũi bé bị đau, chảy máu. Với những gỉ mũi cứng đầu, mẹ dùng tay day nhẹ mũi bé để chúng bong ra, sau đó làm sạch mũi bé bằng tăm bông như bình thường. 

2.5. Bước 5: Kiểm tra dịch trong mũi bé 

Mẹ quan sát và kiểm tra lại dịch mũi bé. Nếu dịch mũi vẫn chưa hết mẹ thực hiện nhỏ nước muối sinh lý và làm sạch mũi bằng tăm bông thêm 2 – 3 lần nữa đến khi mũi bé thông thoáng nhất!

Sau 2 – 3 lần, nếu dịch mũi quá đặc, khó làm sạch hoàn toàn; mẹ dùng thêm bóng hút mũi để hút mũi cho bé. Khi hút, mẹ bóp xẹp phần đầu bóng, đưa đầu vòi hút vào mũi bé và buông nhẹ ngón tay bóp bóng. Bóng hút sẽ kéo chất nhầy trong mũi ra ngoài. 

Mẹ dùng bóng hút mũi để dọn dẹp dịch nhầy đặc, khó làm sạch
Mẹ dùng bóng hút mũi để dọn dẹp dịch nhầy đặc, khó làm sạch

2.6. Bước 6: Vệ sinh sạch sẽ lại vùng xung quanh mũi bé

Dùng khăn khô đa năng vệ sinh sạch sẽ xung quanh mũi bé. Khăn khô có khả năng thấm hút tốt, mẹ chỉ cần thấm dịch rửa nhẹ nhàng, không dùng lực vắt mũi. Sống mũi bé chưa đủ cứng cáp; mũi, đặc biệt là khóe mũi của bé còn rất yếu. Vắt mũi dễ làm tổn thương, ửng đỏ, thậm chí làm lệch mũi bé đó ạ.

3. Mẹ cần lưu ý gì khi rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý

Niêm mạc và da mũi của bé rất nhạy cảm. Vì thế, các thao tác cần phải nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, để không làm tổn thương mũi bé, mẹ chú ý 4 điều sau: 

1 – Chọn chai, ống, lọ nước muối có đầu vo tròn. Khi vệ sinh mũi, đầu nhọn chai lọ dễ làm trầy xước, tổn thương niêm mạc mũi bé. Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều loại nước muối sinh lý được thiết kế dành riêng cho trẻ sơ sinh như Fysoline, Q-Mumasa, Physiodose…; giúp mẹ dễ thao tác và an toàn với con yêu.

Mẹ chọn chai, lọ nước muối sinh lý có đầu vo tròn, không làm xước mũi bé
Mẹ chọn chai, lọ nước muối sinh lý có đầu vo tròn, không làm xước mũi bé

2 – Không lạm dụng rửa mũi với nước muối sinh lý: Rửa mũi nhiều dễ rửa trôi độ ẩm tự nhiên trong mũi bé, làm mũi bé khô, dễ kích ứng, viêm nhiễm. 

  • Với bé khỏe mạnh, mẹ rửa mũi cho con không quá 2 – 3 lần/tuần. 
  • Với bé có vấn đề về đường hô hấp, mẹ rửa mũi cho bé không quá 2 – 5 lần/ngày.

3 – Ưu tiên vê sinh mũi cho bé trước khi ăn. Vệ sinh mũi giúp bé thở thoải mái và bú mẹ dễ hơn. Nếu mũi bé không thông thoáng, bé phải thở bằng miệng; vi khuẩn và bụi từ môi trường ngoài làm bé ngứa họng, dễ nôn trớ. 

4 – Không dùng xi lanh hút mũi cho bé: Xi lanh đầu nhọn dễ làm tổn thương mũi bé và làm mẹ khó kiểm soát lực hút mũi, khó thao tác. Mẹ ưu tiên chọn các dụng cụ hút có đầu ống tròn, mềm như bóng hút mũi, dụng cụ hút hai dây…

Vệ sinh mũi cho bé trước khi ăn giúp giảm tình trạng nôn trớ
Vệ sinh mũi cho bé trước khi ăn giúp giảm tình trạng nôn trớ

Hy vọng qua bài viết trên, mẹ đã nắm vững được cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý. Mẹ nhớ rửa sạch tay và dùng nước muối sinh lý trong ngày, tránh để nước muối đã mở nắp sang hôm sau mẹ nhé!

Nếu còn bước nào băn khoăn hay khó thực hiện; mẹ để lại bình luận bên dưới để Góc của mẹ giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất!

Mẹ Bình luận tại đây nhé

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý an toàn”

Mẹ ghi lại email để Mamamy gửi những ưu đãi đặc biệt và các tips hữu ích nhé. Email của mẹ sẽ không hiển thị công khai đâu

Bài viết cùng chủ đề

Cách vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ sơ sinh của mẹ thông thái
Cách vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ sơ sinh của mẹ thông thái
Xin chào góc của mẹ! Vậy là hành trình trở lại làm mẹ bỉm của mình được 5 tháng! Vui quá vì có đủ nếp đủ tẻ rồi! Thời gian đầu mình khá lo lắng và mệt mỏi vì mắt, mũi, miệng của bé gái nhà mình có vẻ nhạy cảm ơn anh trai, làm […]
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi khoa học, nhanh khỏi nhất
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi khoa học, nhanh khỏi nhất
Mỗi lần bé sơ sinh bị ho, sổ mũi, mẹ lại loay không biết làm sao để chăm sóc. Hỏi người xung quanh thì mỗi người một ý, mẹ làm gì cũng sợ sai, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé! Đừng lo mẹ ơi! Bí kíp chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho […]
RỬA MŨI CHO TRẺ SƠ SINH ĐÚNG CÁCH – MẸ ĐÃ BIẾT CHƯA?
RỬA MŨI CHO TRẺ SƠ SINH ĐÚNG CÁCH – MẸ ĐÃ BIẾT CHƯA?
Chăm sóc trẻ sơ sinh là một việc khiến nhiều mẹ gặp khó khăn, nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đôi khi mẹ chưa biết hết những vấn đề của trẻ. Trong những tháng đầu sau sinh, bé yêu rất dễ mắc các bệnh […]
Giỏ hàng 0