Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sữa giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến mẹ đau đầu chọn sữa cho bé. Làm sao để mẹ phân biệt sữa thật giả bây giờ? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho mẹ 7 cách để tránh “tiền mất tật mang” khi mua phải sữa giả, mẹ theo dõi nhé!
Mục lục
1. Quan sát vỏ hộp sữa
Cách phân biệt sữa thật giả đơn giản nhất là bằng mắt thường. Thông thường, các sản phẩm hàng nhái dù tinh vi đến đâu cũng có sự khác biệt nhỏ về hình thức so với sản phẩm chính hãng.
1 – Vỏ hộp sữa thật: Các thông tin về sản phẩm trên hộp sữa chính hãng như tên thương hiệu, thành phần, ngày sản xuất, ngày hết hạn… được thể hiện rất rõ ràng. Mọi thông tin, hình ảnh đều được in trên nền mực sắc nét, không dễ bị lem hay bay màu khi để lâu hoặc tiếp xúc với nước. Với sản phẩm sữa nhập ngoại, thông tin được thể hiện hoàn toàn bằng ngôn ngữ của nước sản xuất, không có tiếng Việt hoặc thứ tiếng khác.
2 – Vỏ hộp sữa giả: Thường có quy cách đóng gói không chỉnh chu, hay móp méo, in bằng mực kém chất lượng, không thể hiện rõ thông tin. Nét chữ có thể bị mờ, nhoè hoặc dễ phai màu, mất nét khi dính nước, mẹ để ý kỹ là thấy ngay đó ạ!
Vì vậy để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, mẹ tuyệt đối không lựa chọn các sản phẩm mà vỏ hộp không nguyên vẹn (méo, xước…) hoặc đường nét của hình ảnh minh hoạ, phần chữ in trên bao bì mờ nhoè, có lỗi sai chính tả. Tốt nhất, mẹ nên tới mua tại địa chỉ uy tín như đại lý, nhà phân phối sữa chính hãng để đảm bảo chất lượng sản phẩm nhé!
2. Xem hạn sử dụng
Phần thông tin hạn sử dụng có thể nói lên nguồn gốc sản phẩm có chính hãng hay không đó mẹ. Với sản phẩm chính hãng, nhà sản xuất thường dập nổi hạn sử dụng của sản phẩm lên bề mặt hộp, lon sữa với chữ và số rõ nét, không nhoè dính các chữ số với nhau, không dễ làm mờ hoặc xóa đi.
Còn với sản phẩm hàng nhái, giả, cách thức in hạn sử dụng thường có 2 dạng:
- Dạng 1: Sản phẩm sữa thật nhưng đã quá hạn sử dụng, để thu lợi ích, người bán dùng các hình thức làm mờ hạn sử dụng cũ hoặc chỉnh sửa thành thời gian mới để tiêu thụ sản phẩm. So với sữa thật loại sữa này có giá thành rất rẻ. Vì vậy nếu mẹ mua được sản phẩm “giống thật” với mức giá quá “hời” thì nên chú ý nhé!
- Dạng 2: Người bán làm giả thương hiệu sữa bằng việc mua sữa bột giả về đóng bao bì và in nhái nhãn mác, thông tin của các thương hiệu nổi tiếng. Loại sữa này khi so sánh với sữa thật sẽ có đặc điểm: bao bì in mực kém chất lượng, không rõ nét, màu sắc có thể sai lệch đôi chút. Các hộp sữa được làm giả này có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sữa thật, nếu không tinh ý mẹ mua phải sữa giả sẽ ảnh hưởng đến con đó mẹ!
Mẹ nên tập thói quen xem xét kỹ lưỡng hạn sử dụng, không chỉ đối với sản phẩm sữa mà tất cả các sản phẩm khác mua cho con và gia đình. Điều này không chỉ giúp mẹ xác định sản phẩm này mới được sản xuất hay gần hết hạn, quãng thời gian mình có thể sử dụng sản phẩm là bao lâu nữa… mà còn giúp mẹ phân biệt sữa thật và sữa giả nữa đó!
3. Dựa vào mã vạch
Mã vạch là dãy các ký tự số hoặc chữ số đi cùng các vạch và khoảng trắng được in trên sản phẩm để xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thông qua quy ước mã số của các quốc gia trên thế giới.
Ví dụ về một vài mã vạch phổ biến:
Mã vạch |
Nơi sản xuất |
00-13 | Mỹ và Canada |
45 | Nhật Bản |
49 | Nhật Bản |
50 | Vương quốc Anh |
30-37 | Pháp |
40-44 | Đức |
471 | Đài Loan |
489 | Hồng Kông |
690-692 | Trung Quốc |
888 | Singapore |
880 | Hàn Quốc |
94 | New Zealand |
885 | Thái Lan |
893 | Việt Nam |
93 |
Úc |
Mã vạch trên các sản phẩm sữa giả thường không đúng với quy ước. Ví dụ hãng sữa của Đức, mã vạch cần nằm trong khoảng số từ 40-44 (ví dụ sữa Aptamil), sữa của Nhật (như Glico, Meiji) sẽ mang mã vạch 45 hoặc 49. Nếu nước sản xuất và mã vạch không trùng nhau, có thể mẹ đã mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, mẹ hãy yêu cầu nhân viên kiểm tra lại sản phẩm nhé!
Các con số quy ước ghi trên mã vạch khá khó nhớ, thậm chí có những nước có nhiều hơn 1 mã vạch khiến các mẹ đau đầu khi mua hàng. Mẹ làm sao nhớ nổi đây? Mẹ hãy yên tâm vì hiện nay có những ứng dụng thông minh, tích hợp trong điện thoại di động giúp mẹ kiểm tra và đọc thông tin sản phẩm qua mã vạch rất dễ dàng. Sau khi quét mã vạch, ứng dụng sẽ thông báo cho mẹ những thông tin về sản phẩm như địa chỉ sản xuất, thông tin nhà sản xuất, giá thành, số điện thoại liên lạc, ngày cập nhật thông tin của sản phẩm đó…
Mẹ sử dụng điện thoại để quét mã vạch trên vỏ hộp như thế nào? Rất đơn giản, mẹ thực hiện 4 bước sau nhé!
- Bước 1: Tải và cài đặt phần mềm đọc mã vạch về điện thoại của mình.
- Bước 2: Sau khi tải về xong, mẹ khởi động ứng dụng bằng cách nhấn vào biểu tượng ứng dụng và đăng nhập (nếu yêu cầu) và cài đặt chức năng như cho phép truy cập camera, truy cập hình ảnh.
- Bước 3: Đưa camera trước phần mã vạch và nhấn nút “Scan”.
- Bước 4: Lập tức thông tin về nguồn gốc xuất xứ hiện lên. Nếu mẹ muốn biết chi tiết hơn, chọn phần “xem thêm” để đọc tiếp.
4. Quan sát màu sắc của sữa
Những quan sát bên ngoài là cách đơn giản nhất để phân biệt sữa thật – giả. Tuy nhiên với công nghệ làm giả hết sức tinh vi và thậm chí có sự đầu tư về máy móc hiện đại khiến việc nhận biết nguồn gốc sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Nếu người bán dùng bao bì thật nhưng pha trộn hoặc thay thế bột bên trong bằng bột sữa giả, mẹ chắc chắn không thể phát hiện ra thông qua bao bì.
Vì thế, dù có kiểm tra vỏ hộp kỹ lưỡng, kiểm tra mã vạch, ngày hết hạn… thì khi về nhà, mẹ vẫn cần mở nắp hộp và kiểm tra chất lượng sản phẩm bên trong một lần nữa trước khi pha cho bé yêu uống nhé! Bột sữa thật có màu hơi vàng nhạt, mùi thơm nhẹ dịu trong khi sữa giả có màu sắc đậm hơn hoặc có màu khác lạ như xám cháy, hơi ngả xanh… đó ạ!
5. Ngửi mùi vị của sữa
Sữa thật và sữa giả chắc chắn có chất lượng khác xa nhau, đặc biệt là mùi vị. Mẹ có thể nhận biết xem sữa mình mua có chính hãng hay không khi pha thử và nếm:
- Sữa công thức thật: có mùi thơm dịu nhẹ, màu sắc vàng đồng đều. Khi mẹ dùng tay chạm vào sẽ thấy bột sữa có kết cấu tơi xốp, không vón cục, khi miết cảm nhận rõ độ mịn của bột. Nếm sữa mẹ sẽ thấy bột sữa tan chậm và dính lại nơi đầu lưỡi.
- Sữa công thức giả: mẹ đảo đều bột sữa sẽ thấy màu sắc không đồng nhất do pha các loại bột hoặc bột kém chất lượng, quá hạn… Hạt sữa hơi lợn cợn, không có kết cấu mịn khi cảm nhận bằng tay. Ngoài ra, mùi của sữa giả cũng nồng và gắt hơn, khi nếm sẽ có vị hơi chua và tan rất nhanh trong miệng.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Một lý do nữa khiến sữa mẹ pha có vị khác đi là mẹ chưa vệ sinh bình sữa đúng cách, dẫn tới những tạp chất trong bình hoà lẫn mùi sữa gây ra mùi vị lạ. Do đó, mẹ hãy đảm bảo bình sữa của con yêu luôn sạch sẽ, khô ráo trước khi pha bằng việc vệ sinh bình sữa đúng cách nhé!
6. Miết tay vào sữa
Sữa chính hãng khi miết trên tay sẽ cảm nhận rõ độ mịn, bột sữa đều, không lợn cợn, không bị vón cục. Nếu như sữa vón lại thành từng cục nhỏ, dễ vỡ khi ấn tay vào là dấu hiệu của sữa sắp hết hạn sử dụng.
7. Pha thử sữa với nước
Một mẹo nữa để mẹ nhận biết sữa thật và sữa giả là pha thử với nước. Sữa thật và sữa giả có những đặc tính nhất định nên khi tác dụng với nước sẽ cho những phản ứng khác nhau.
Dùng nước nóng pha sữa:
- Sữa thật: Khi đổ bột vào nước nóng, bột nổi lơ lửng trên mặt nước và tan rất chậm, phải khuấy đều mới tan hết. Sau khi sữa tan không có hiện tượng lắng cặn sữa ở đáy.
- Sữa giả: Khi đổ bột vào nước, bột rơi và tan trong nước rất nhanh. Khoảng 5 phút sau khi sữa tan sẽ xuất hiện cặn lắng dưới đáy.
Dùng nước nguội pha sữa:
- Sữa thật: Bột vẫn nổi lên phía trên, khó tan, bột rơi từ từ trong nước. Cần phải khuấy mạnh bột mới tan hết
- Sữa giả: Bột nhanh chóng lắng xuống đáy, rất dễ tan trong nước.
Hy vọng với 7 cách phân biệt sữa thật giả ở trên, mẹ đã biết cách chọn sữa chất lượng, đảm bảo an toàn nhất cho bé yêu. Nếu gặp khó khăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ nhanh chóng nhất mẹ nhé!