Khi bé được 10 tháng tuổi, mẹ bắt đầu tập cho bé ăn cơm để tăng mức độ ăn thô, kích thích khả năng nhai nuốt cho con. Tuy nhiên, mẹ vẫn đang băn khoăn không biết nấu cơm cho bé 10 tháng như thế nào để phù hợp với độ tuổi, bé yêu măm ngon, mau lớn. Mách nhỏ mẹ 15+ thực đơn cho bé 10 tháng siêu hấp dẫn, lưu lại ngay mẹ nhé!
Mục lục
1. Cách nấu cơm nhão cho bé 10 tháng tuổi
1.1. Nấu cơm nhão cho bé 10 tháng tuổi từ gạo
Mẹ cùng bắt tay vào nấu cơm nhão cho bé 10 tháng tuổi từ gạo với các bước đơn giản, nhanh gọn dưới đây nhé:
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ đong nguyên liệu theo tỷ lệ 1 phần gạo và 2 phần nước sạch.
- Bước 2: Sau khi vo sạch gạo, mẹ cho gạo và phần nước sạch đã chuẩn bị ở trên vào nồi, đặt lên bếp đun lửa vừa 5 – 6 phút đến khi sôi, mẹ điều chỉnh lửa nhỏ đun tiếp khoảng 20 – 25 phút.
- Bước 3: Khi đã tắt bếp, mẹ để nguyên nồi còn đậy nắp trên bếp, ủ khoảng 10 – 15 phút để cơm nhão mềm và dậy mùi thơm hơn.
Phương pháp này mang đến những ưu nhược điểm sau:Vậy ưu nhược điểm của phương pháp nấu cơm nhão cho bé từ gạo này là gì?
- Ưu điểm: Hạt cơm mềm dẻo, độ nhão vừa phải, dậy mùi thơm ngon, hấp dẫn.
- Nhược điểm: Thời gian chế biến lâu, không phù hợp với mẹ thường xuyên bận bịu.
1.2. Nấu cơm nhão cho bé 10 tháng tuổi từ cơm chín của người lớn
Với phương pháp nấu cơm nhão cho bé 10 tháng tuổi từ cơm chín của người lớn, mẹ có thể lựa chọn 1 trong 4 cách dưới đây, mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, mẹ tham khảo nhé:
Cách 1 – Ủ trong nồi cơm điện: Với cách này, mẹ vo gạo, cho nước nấu cơm bằng nồi cơm điện cho cả nhà như bình thường. Khi nồi cơm nhảy nút chuyển từ chế độ nấu sang ủ ấm, mẹ xúc một ít cơm ra bát con vừa sức ăn của bé rồi thêm nước theo tỉ lệ 1 phần cơm và 1 phần nước. Tiếp đến, mẹ nhấn nút nấu thêm một lần nữa, khi cơm chín vừa có cơm dẻo cho cả nhà vừa có cơm nhão cho bé yêu, tiện lợi mẹ nhỉ!
Mẹ lưu ý về ưu nhược điểm của cách này trước khi thực hiện nhé!
- Ưu điểm: Các bước thực hiện nhanh chóng, đơn giản, cơm nhão của bé thơm ngon, lưu giữ được tối đa được các chất dinh dưỡng trong gạo cho bé.
- Nhược điểm: Khi nấu cơm nhão theo cách này, mẹ cần nhấn nút nấu nồi cơm điện 2 lần, cơm của người lớn có thể sẽ xuất hiện nhiều cơm cháy ở phần đáy nồi.
Cách 2 – Đun trên bếp: Khi cơm chín, còn nóng hổi, mẹ xúc một ít cơm ra nồi rồi bổ sung nước lọc theo tỉ lệ 1 phần cơm và 1 phần nước. Mẹ đặt nồi lên bếp đun đến sôi rồi điều chỉnh nhỏ lửa khoảng 3 – 5 phút. Sau cùng, mẹ tắt bếp và để nguyên nắp nồi ủ trong 5 phút để cơm mềm và thơm, bé măm ngon miệng hơn nhé.
Ưu nhược điểm của cách này để mẹ cân nhắc đây ạ!
- Ưu điểm: Các bước tiến hành đơn giản, thành phẩm cơm nhão hạt mềm, dậy mùi thơm, lưu giữ được tốt nhất dưỡng chất trong gạo.
- Nhược điểm: cách nấu này sẽ tốn thời gian của mẹ hơn các phương pháp khác, những ngày bận bịu khó để chuẩn bị cho bé.
Cách 3 – Hấp cách thủy: Mẹ vo gạo, nấu cơm cho người lớn như bình thường. Khi cơm chín, mẹ xúc một ít cơm ra bát theo nhu cầu ăn của bé, thêm nước theo tỉ lệ 1 phần cơm ứng với 1 phần nước. Sau đó, mẹ cho bát vào nồi hấp cách thuỷ trong 10 phút trên bếp lửa nhỏ. Cuối cùng, trước khi cho bé măm, mẹ nên giữ nguyên nắp nồi, ủ trong 5 phút để cơm thơm mềm hơn.
Cách làm này có những ưu, nhược điểm sau:
- Ưu điểm: Cơm nhão mềm dẻo, dậy mùi thơm nồng nàn, vị ngon ngọt, các dưỡng chất trong gạo được lưu giữ tối đa.
- Nhược điểm: Các bước tiến hành và chuẩn bị nồi hấp cách thuỷ mất thời gian hơn các phương pháp còn lại, không phù hợp với mẹ thường xuyên bận bịu.
Cách 4 – Quay lò vi sóng: Sau khi cơm của người lớn chín, còn nóng hổi, mẹ xúc một ít cơm ra bát con rồi bổ sung nước lọc theo tỉ lệ 1 phần cơm và 1 phần nước. Tiếp theo, mẹ bọc kín miệng bát bằng màng bọc thực phẩm rồi cho vào lò vi sóng quay nóng ở mức nhiệt cao nhất trong 3 – 5 phút là hoàn thành xong món cơm nhão cho bé.
Ưu nhược điểm để mẹ dễ dàng chọn phương pháp nấu phù hợp đây ạ:
- Ưu điểm: Thực hiện đơn giản, thời gian chế biến nhanh chóng, tiện lợi, phù hợp với những bữa mẹ bận rộn quá không kịp chuẩn bị cơm nhão cho bé.
- Nhược điểm: Ở nhiệt độ cao trong lò vi sóng, một số chất trong cơm bị biến đổi chất khiến món cơm nhão bị giảm hàm lượng dinh dưỡng. Vì vậy mẹ không nên lạm dụng phương pháp này nhé!
2. Các món ngon từ cơm hấp dẫn cho bé 10 tháng
Dưới đây là các món ngon từ cơm hấp dẫn nhất để mẹ tham khảo. Có những món có cách chế biến hơi phức tạp nhưng nhiều món chế biến rất dễ đấy ạ!
2.1. Cơm trộn cho bé tự xúc
Còn gì hào hứng hơn khi bé được thưởng thức một bát cơm trộn nhiều màu sắc bắt mắt, hương vị hòa quyện hấp dẫn từ nhiều nguyên liệu. Chắc chắn bé yêu sẽ thích mê mà tự xúc ăn hết luôn đó mẹ ơi. Mẹ còn chần chừ gì mà không áp dụng các bước tiến hành đơn giản ngay sau đây nào!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Gạo
- 1/4 củ cà rốt nhỏ
- 2 – 3 quả đậu cô ve
- 1 lòng đỏ trứng gà
- 2 – 3 thìa cà phê rong biển cắt vụn
- 1 thìa cà phê vừng
- 1/2 quả cà chua
Cùng bắt tay vào làm món cơm trộn hấp dẫn cho bé, mẹ nhé!
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ nấu cơm nhão cho bé theo một trong các cách ở mục 1 của bài viết.
- Bước 2: Cà rốt và đậu cô ve mẹ cho vào hấp chín rồi cắt nhỏ phù hợp với khả năng nhai của bé nhà mình.
- Bước 3: Mẹ rang thơm rong biển và vừng bằng chảo chống dính.
- Bước 4: Lòng đỏ trứng gà sau khi đánh tan, mẹ xào chín trên bếp lửa vừa, trong quá trình xào mẹ lưu ý đảo đều tay để trứng nhanh chín đều.
- Bước 5: Cà chua sau khi hấp chín, mẹ tách vỏ và hạt rồi dùng dĩa nghiền nhuyễn thành dạng sốt.
- Bước 6: Mẹ xúc một ít cơm nhão vừa sức ăn của bé ra bát, rồi cho tất cả các nguyên liệu đã chế biến phía trên vào trộn đều. Vậy là đã hoàn thành món cơm trộn thơm ngon, lạ miệng cho bé thưởng thức rồi đó ạ!
Ngoài ra, để món cơm trộn không bị nhàm chán với bé, mẹ nên thường xuyên thay đổi các nguyên liệu phía trên để tạo thành một công thức cơm trộn mới như: cơm trộn cá hồi, cơm trộn thịt bò băm rau củ,… đảm bảo bé yêu ăn “sạch bát” luôn đó ạ.
2.2. Cơm viên tròn cho bé măm măm
Trong bữa ăn, các bé thường thích thú khi được cầm nắm thức ăn đưa lên miệng để kích thích vị giác ăn ngon hơn. Vì vậy, những viên cơm tròn tròn đáng yêu cầm vừa tay luôn là món ăn yêu thích của bé ngay từ lần đầu được nếm thử. Cách làm cực đơn giản, mẹ trổ tài vào bếp chế biến cho bé luôn nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Gạo
- 1/4 củ cà rốt
- 1 – 2 nhánh nhỏ bông cải xanh
- 1 – 2 thìa dầu mè hoặc dầu oliu
Cùng bắt tay vào làm món cơm viên thơm ngon cho bé, mẹ nhé!
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ nấu cơm nhão cho bé theo một trong các cách ở mục 1 của bài viết.
- Bước 2: Cà rốt sau khi gọt vỏ, mẹ cho vào rửa sạch cùng với bông cải xanh. Sau đó mẹ cắt nhỏ chúng thành các hạt kích thước tương đương hạt lựu.
- Bước 3: Tiếp theo, mẹ cho cà rốt và bông cải xanh vào khuôn hấp cách thuỷ trong 10 phút hoặc luộc trong 5 phút. Sau đó mẹ tắt bếp, lấy ra để ráo nước.
- Bước 4: Mẹ xúc cơm nhão ra bát tô, thêm 1 – 2 thìa cà phê dầu mè (hoặc dầu oliu), cà rốt và bông cải xanh đã ráo nước vào trộn đều.
- Bước 5: Cuối cùng, mẹ sử dụng găng tay thực phẩm để nắm cơm thành các viên tròn vừa tay các bé.
Bé yêu nhà mình sẽ ăn ngon, mau lớn hơn nếu mẹ thường xuyên cập nhật đa dạng các công thức cơm viên đó ạ, vì thế mẹ đừng bỏ lỡ các công thức món ăn cực hấp dẫn cho bé.
2.3. Cơm hình thú cho bé thích mê
Bữa ăn dặm của bé sẽ được biến hoá thành một giờ vui chơi đầy thú vị khi bé được lạc vào một khu vườn tràn đầy màu sắc với những bạn gà đáng yêu, những bông hoa và chiếc ô tô yêu thích. Chắc chắn bé yêu sẽ reo lên thích thú và ăn hết “sạch bát” đó mẹ ạ! Mẹ còn chần chừ gì mà không áp dụng công thức chế biến dưới đây ngay thôi nào!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Gạo
- 2 – 3 cây nấm hương tươi
- 6 quả trứng cút
- 1 quả trứng gà
- 1 xúc xích
- 2 quả cà chua bi
- 1/4 củ cà rốt
- 1 cây rau xà lách xoăn
- 2 – 3 viên phô mai
- 1 – 2 thìa cà phê mè đen rang chín
Cùng bắt tay vào làm món cơm hình thú cho bé luôn mẹ nhé!
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ nấu cơm nhão cho bé theo một trong các cách ở mục 1 của bài viết.
- Bước 2: Tiếp theo, mẹ đem trứng gà và trứng cút đi luộc chín, vớt ra nước lạnh rồi bóc sạch vỏ.
- Bước 3: Để xúc xích sau khi luộc giống con bạch tuộc, mẹ chia thành 4 phần theo chiều dọc rồi dùng dao khía thành nhiều nhánh, để chừa lại một đoạn khoảng 1cm.
- Bước 4: Mẹ cho xúc xích, cà rốt, nấm vào luộc chín khoảng 5 – 7 phút rồi vớt ra, để ráo nước.
- Bước 5: Đến bước tạo hình cơm cho bé, mẹ rửa sạch rau xà lách, lót ở dưới đĩa, sau đó dùng dao cắt tỉa cà rốt thành mào gà và mỏ gà, rồi cắm chúng vào quả trứng gà và trứng cút, sau đó mẹ dùng hạt mè đen để làm mắt, như vậy một đàn gà xinh xắn đã được tạo thành.
- Bước 6: Cuối cùng, mẹ hãy trang trí, cắt tỉa nấm, cà chua, phô mai và cơm trở thành những ngôi nhà, chiếc nơ, cái cây, bông hoa… để hoàn thành món cơm cực sinh động và bắt mắt nhé! Đảm bảo bé “mê tít” mẹ ơi!
2.4. Cơm cuộn cho bé cầm nắm dễ dàng
Món cơm cuộn với vị ngậy béo của trứng gà, ruốc tôm hoà quyện với hương thơm hấp dẫn của rong biển chắc chắn làm bé yêu sẽ không cưỡng lại được. Điều đặc biệt hơn cả của món ăn là các bé được cầm cuộn cơm đưa lên miệng cắn miếng to/nhỏ theo sở thích. Mẹ vào bếp trổ tài thực hiện món ăn bổ dưỡng, lạ miệng này cho bé ngay nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Gạo
- 1 thìa cà phê mè đen rang chín
- 1 – 2 thìa cà phê dầu oliu
- 1 lòng đỏ trứng luộc
- 2 – 3 thìa ruốc thịt hoặc ruốc tôm
- 1 gói rong biển tách muối
Cùng bắt tay vào làm món cơm cuộn hấp dẫn cho bé, mẹ nhé!
- Bước 1: Đầu tiên, mẹ nấu cơm nhão cho bé theo một trong các cách ở mục 1 của bài viết.
- Bước 2: Mẹ sử dụng dĩa nghiền nát lòng đỏ trứng gà trong bát tô rồi cho 1 thìa canh cơm nhão, mè đen rang chín, ruốc thịt (hoặc ruốc tôm) và dầu oliu vào trộn đều.
- Bước 3: Tiếp theo, mẹ trải miếng rong biển ra đĩa, dùng thìa miết thật chặt cơm trộn trong tô ở trên thành một lớp mỏng rồi cuộn lại.
- Bước 4: Cuối cùng, nếu bé nhà mình khả năng cắn chưa tốt, mẹ nên cắt cơm cuộn thành những miếng vừa miệng bé. Vậy là đã hoàn thành xong món cơm cuộn lạ miệng cho bé rồi đó ạ, đơn giản mẹ nhỉ!
3. 15 thực đơn cơm cho bé 10 tháng tuổi đảm bảo “sạch bát”
Trước khi đi vào lập thực đơn, mẹ cần nắm vững nguyên tắc xây dựng thực đơn cơm cho bé 10 tháng tuổi như sau:
- Thực đơn phải cân bằng đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng và chất xơ.
- Mỗi bữa ăn bao gồm: 1 món cơm, 1 món đạm, 1 món canh (mẹ có thể bổ sung thêm 1 – 2 món đạm tùy theo mong muốn và nhu cầu dinh dưỡng của con).
- Giờ ăn cơm cho bé 10 tháng: Mẹ nên cho bé ăn cơm vào giờ ăn bữa chính như sau: Trưa từ 10 giờ 30 – 12 giờ 30, tối từ 17 giờ – 19 giờ để bé hấp thu được dinh dưỡng tốt nhất.
Dưới đây là gợi ý 15 thực đơn cơm cho bé 10 tháng tuổi đảm bảo bé thích mê, ăn “sạch bát”, mẹ tham khảo ngay nhé:
- Thực đơn 1: Cơm trộn rau củ, cá hồi sốt cà chua, canh mướp thịt heo băm.
- Thực đơn 2: Cơm viên tròn, trứng rán, súp bí đỏ nấu tôm.
- Thực đơn 3: Cơm nhão, đậu hũ thịt băm sốt cà chua, canh cải tôm sú.
- Thực đơn 4: Cơm nhão, cá diêu hồng sốt cà, canh bí đỏ thịt heo.
- Thực đơn 5: Cơm nhão, gà khoai tây sốt cà chua, canh sườn non bí đao.
- Thực đơn 6: Cơm nhão rắc phô mai, lươn cháy tỏi, canh mồng tơi rau dền tôm.
- Thực đơn 7: Cơm nhão, thịt gà xào ớt chuông, canh thịt bò hầm rau củ.
- Thực đơn 8: Cơm cuộn, thịt heo băm sốt cà chua, canh bắp cải nấu gà.
- Thực đơn 9: Cơm nhão rắc vụn rong biển, ếch hấp xả, canh bí đao nấu tôm.
- Thực đơn 10: Cơm trộn rau củ, chả trứng hấp, canh bí ngòi nấu thịt bò.
- Thực đơn 11: Cơm nhão rắc phô mai, ruốc tôm sú, súp thịt gà nấm rau củ.
- Thực đơn 12: Cơm nhão, bò viên sốt cà chua, canh sườn khoai tây cà rốt.
- Thực đơn 13: Cơm nhão, trứng xào cà chua, canh củ cải nấu thịt bò băm.
- Thực đơn 14: Cơm viên, đùi gà hấp xé nhỏ, canh cải thảo nấu tôm.
- Thực đơn 15: Cơm nhão, thịt heo băm xào đậu cove, súp gà khoai tây cà rốt.
4. Cách tập ăn cơm cho bé 10 tháng tuổi
Bước sang giai đoạn 10 tháng tuổi, bé bắt đầu mọc nhiều răng hơn và hoạt động cơ hàm đang trong quá trình phát triển hoàn thiện nên bé có nhu cầu được nhai các món ăn có độ thô cao hơn. Tuy nhiên việc thay đổi đột ngột từ ăn các món bột/cháo sang ăn cơm dẻo của người lớn luôn có thể khiến bé bị hóc/nghẹn do chưa quen nhai nuốt. Vì vậy, món cơm nhão là một giải pháp lý tưởng để bé thích nghi dần dần với ăn cơm.
Để tập ăn cơm cho bé 10 tháng tuổi thành công, mẹ áp dụng các nguyên tắc “vàng” dưới đây nhé:
1 – Thực đơn phong phú phù hợp với bé: Mẹ nên tham khảo cách nấu cơm nhão đảm bảo độ thô phù hợp cho bé dễ nhai nuốt cùng thực đơn hấp dẫn, đa dạng cho bé như đã nêu ở mục 1 và 3 của bài viết để bé măm ngon, hấp thu tốt, mau lớn mẹ nhé.
2 – Không cho bé ăn vặt trước giờ ăn cơm: Việc mẹ cho bé ăn vặt bánh, sữa, hoa quả ngay trước giờ ăn cơm làm bé bị no bụng, sức ăn giảm hoặc biếng ăn dẫn đến bé bị thiếu dinh dưỡng từ bữa chính, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của con.
3 – Cho bé có thời gian tập làm quen với cơm: Thời gian đầu bé chưa quen ăn cơm, mẹ không nên ép bé ăn nhiều, mà nên cho con ăn đan xen bữa ăn cháo, bữa ăn cơm để bé làm quen từ từ tránh bé bị lạ vị, dẫn đến biếng ăn.
4 – Cho bé ăn “từ ít đến nhiều”: Trong 3 bữa cơm đầu, mẹ nên cho bé ăn 1 – 2 muỗng cơm, sau đó tăng dần lên để hệ tiêu hoá non yếu của bé dần thích nghi, tránh trường hợp mẹ cho bé ăn nhiều cơm ngay từ lần đầu khiến bé gặp một số vấn đề về rối loạn tiêu hoá nhé.
5 – Cho bé có thời gian nhai cơm: Mẹ lưu ý trong bữa ăn không nên thúc ép bé ăn nhanh tạo áp lực cho bé nuốt thức ăn khi chưa nhai kỹ, dẫn đến bé dễ bị hóc/nghẹn và không hấp thu tốt được dưỡng chất từ món ăn.
6 – Tạo bầu không khí vui vẻ cho bé ăn: Bé thường thích được khích lệ lắm, mẹ đừng quên tạo bầu không khí vui vẻ, hoan hô bé khi bé ăn tốt nhé, bé sẽ hào hứng cho rằng bữa ăn như giờ vui chơi và thích thú ăn khoẻ hơn đó ạ.
5. Lưu ý khi cho bé 10 tháng tuổi tập ăn cơm
Trong quá trình cho bé 10 tháng tuổi ăn cơm, đừng bỏ qua các lưu ý sau đây để tránh các ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con, mẹ nhé:
1 – Chọn loại gạo dẻo, mềm: Do hoạt động cơ hàm của bé 10 tháng tuổi chưa phát triển hoàn thiện được như người lớn, mẹ chú ý lựa chọn các loại gạo mềm, dẻo như gạo bắc hương, tám xoan,… để nấu cơm cho bé ăn, tránh các loại gạo sau khi nấu bị cứng và khô khiến bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu đó ạ. Nếu mua gạo, mẹ chọn địa chỉ uy tín như Lotte, Big C, Winmart,… nhé!
2 – Không nên chan nước canh vào cơm cho bé ăn: Mẹ muốn chan canh vào nước cơm sẽ khiến bé dễ ăn hơn, thế nhưng việc này lại làm loãng dịch vị, khiến quá trình phân giải thức ăn tại dạ dày trở nên khó khăn, bé không được hấp thu tốt nhất các dưỡng chất. Vì vậy, mẹ không nên chan nước canh vào cơm cho bé ăn nhé!
3 – Quan sát phản ứng của bé khi mới tập ăn cơm: Trong suốt bữa ăn khi bé mới tập ăn cơm, mẹ nên quan sát phản ứng của bé, nếu xảy ra tình huống hóc, nghẹn, mẹ có thể phát hiện và xử lý kịp thời. Các lần nấu cơm sau, mẹ d điều chỉnh tăng lượng nước chính xác hơn để cơm mềm hơn, phù hợp với bé yêu nhà mình.
4 – Lau sạch miệng và tay bé trước và sau khi ăn cơm: Trong bữa ăn bé thường thích thú dùng tay cầm nắm cơm viên, cơm cuộn đưa lên miệng để tăng vị giác ngon miệng hơn. Nếu mẹ chỉ lau cho bé bằng khăn xô thông thường sau khi ăn sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn đâu ạ, mẹ nên vệ sinh tay và miệng bé với khăn ướt chuyên dụng dành cho bé sơ sinh để loại bỏ sạch thức ăn thừa, tránh vi khuẩn xâm nhập gây kích ứng da con mẹ nhé!
Theo dõi bài viết tới đây, chắc hẳn là mẹ đã tự tin vào bếp trổ tài nấu món cơm cho bé 10 tháng siêu thơm ngon, hấp dẫn rồi đúng không ạ? Nếu mẹ còn bất kỳ băn khoăn nào trong quá trình thực hiện, mẹ đừng ngần ngại để lại bình luận phía dưới đây, Góc của mẹ luôn sẵn sàng giải đáp mẹ nhanh nhất có thể nhé!