Dịp rằm tháng Tám hằng năm là trẻ em khắp nơi lại mong chờ tới ngày Trung thu. Đây không chỉ là dịp để bé được vui chơi thỏa thích mà còn là thời điểm để mẹ giúp bé học hỏi nhiều hơn về ngày lễ truyền thống của Việt Nam thông qua các hoạt động ý nghĩa. Góc của Mẹ giới thiệu 7 hoạt động Trung thu cho bé dưới đây sẽ giúp mẹ có thêm nhiều lựa chọn cho con!
Mục lục
1. Tết Trung thu – Tết của tuổi thơ ngọt ngào
“Thùng thình thùng thình, trống rộn ràng ngoài đình”
Chắc hẳn mẹ vẫn còn nhớ cái cảm giác háo hức mỗi dịp rằm tháng Tám đến khi còn bé chứ nhỉ? Trung thu luôn để lại trong ký ức của mỗi người khoảnh khắc ngọt ngào bên gia đình và những người bạn thuở bé tí ti. Với con yêu cũng vậy, một bữa tiệc Trung thu đông đủ và ý nghĩa sẽ là kỷ niệm tuổi thơ cực kỳ đáng nhớ đó mẹ ạ.
Phố xá những ngày này ngập tràn chiếc đèn ông sao lung linh, mâm ngũ quả đủ màu đủ vị trông cực hấp dẫn, rồi đến màn múa lân đặc sắc hay được đi rước đèn cùng trẻ con trong khu phố… Tất cả là những điều mà bất cứ đứa trẻ nào cũng mong ngóng.
Nhưng không chỉ có thế, mẹ hoàn toàn có thể tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động vui chơi cho bé mùa trăng nằm này!
2. 3 hoạt động cực thú vị cho bé yêu tại nhà dịp Trung thu
Trong tình hình Covid-19 vẫn còn xuất hiện, nếu muốn đảm bảo an toàn, nhà mình có thể tổ chức Trung thu tại gia với 3 hoạt động trung thu cho bé dưới đây. Không cần ra ngoài mà vẫn cực vui!
2.1. Học làm bánh Trung thu
Nhắc đến Trung thu chắc chắn không thể thiếu được bánh trung thu rồi, món ăn mà các bé cực kỳ yêu thích.
Tết Trung thu năm nay sẽ đặc biệt hơn hẳn nếu nhà mình cùng nhau vào bếp trổ tài làm bánh. Trông vậy thôi chứ cách làm bánh Trung thu cũng không quá khó khăn, nguyên liệu lại đơn giản, phù hợp cho bé thỏa sức vui chơi. Đây còn là cơ hội để bé hiểu thêm về món bánh cổ truyền của dân tộc. Nếu như “thành phẩm” có không ngon được như bánh trung thu bán sẵn ngoài tiệm, thì cũng không sao hết đâu mẹ ơi. Bởi bé cũng đã có được thật nhiều những trải nghiệm vui vẻ, đáng nhớ bên gia đình mình.
Với các bé còn quá nhỏ (dưới 2 tuổi), thay vì làm bánh thật thì mẹ có thể cho bé dùng đất nặn để bé đóng khuôn bánh. Ở những khu phố đồ chơi dịp này có bày bán rất nhiều, mẹ hãy dẫn bé đi và cùng bé lựa chọn nhé!
2.2. Bày mâm ngũ quả
Bày mâm ngũ quả là hoạt động gìn giữ bản sắc dân tộc đặc trưng nhất trong dịp Trung thu. Hoạt động này có lẽ sẽ khá lạ lẫm với nhiều bé, vì thông thường đều là mẹ chuẩn bị.
Vậy năm nay hãy để bé cùng mẹ bày biện mâm ngũ quả này xem sao. Mẹ hãy biến hóa công việc này thành một trò chơi. Như là thi đua bày cỗ, thi sắp xếp, thi trang trí hoa quả,… và vô số trò chơi khác mẹ có thể tổ chức thêm. Những hình thù hoa quả ngộ nghĩnh luôn thu hút sự chú ý của con, nên có khi bé lại cực kỳ hào hứng với hoạt động này đấy!
2.3. Làm đèn lồng, đèn ông sao “handmade”
Đèn lồng, đèn ông sao là món đồ chơi quen thuộc với nhiều thế hệ tuổi thơ. Tuy nhiên lồng đèn hay đèn ông sao đều đang được bán sẵn nên đôi khi các bé sẽ không biết cách những món đồ chơi này được làm ra như thế nào.
Làm đèn lồng, đèn ông sao handmade từ giấy rất đơn giản, nguyên liệu cũng dễ kiếm. Mẹ có thể đến các chợ truyền thống để sắm đồ. Làm xong bé còn có thể tha hồ trang trí theo ý muốn của mình và dùng luôn những thành phẩm này đi rước đèn nữa.
3. Cùng ra ngoài đón Trung thu nào!
Dưới đây là 4 hoạt động vui hội trăng rằm ngoài trời, mẹ tham khảo thêm nhé!
3.1. Lễ hội hóa trang – Hóa trang thành Chú Cuội, Chị Hằng
Nhắc đến trò chơi này bất cứ bé nào cũng đều thích. Bé gái có thể hóa trang thành Chị Hằng, chị Thỏ Ngọc, công chúa,… Còn bé trai thì hóa trang thành chú Cuội, siêu nhân,…
Các mẹ nên bàn cùng nhau để tổ chức một cuộc thi hóa trang. Rồi chọn ra người hóa trang giống nhất và trao giải cho các bé. Xen kẽ cuộc thi, mẹ hãy thêm phần phá cỗ với mâm ngũ quả, bánh và trái cây nữa.
3.2. Tái hiện các trò chơi dân gian
Trung thu có rất nhiều các trò chơi dân gian thú vị dành cho trẻ em. Mẹ có thể tổ chức ngay tại khu phố nhà mình. Đây là dịp để các con chơi đùa với nhau, trở nên thân thiết hơn. Cũng là dịp để học thêm về văn hóa truyền thống dân tộc. Hoạt động trung thu cho bé này đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực mà cũng cực kỳ vui!
Các trò chơi dân gian cũng là môi trường rèn luyện kỹ năng sống cho bé. Khi chơi các trò chơi mang tính tập thể, sự đoàn kết của các bé mới được rèn luyện. Bạn bè mới trong một cuộc chơi sẽ giúp bé học cách linh hoạt, chia sẻ và làm việc cùng nhau.
Một số trò chơi mẹ có thể tham khảo nhé:
- Mèo bắt chuột
- Rồng rắn lên mây
- Ô ăn quan
- Úp lá khoai
- Đi tàu hỏa
- Nhảy vòng
- Cam quýt mít dừa
- Chuột nhử mèo
- Rồng rắn lên mây
- Câu ếch
- …
3.3. Thi múa hát, diễn kịch
Những phần thi múa hát, diễn kịch này mẹ có thể tích hợp vào chương trình Trung thu buổi tối cho các bé nhé.
Các bài hát, màn múa mẹ tham khảo nè:
- Bài hát về Trung thu: Chiếc đèn ông sao, Rước đèn tháng 8, Gọi trăng là gì, Vầng trăng cổ tích…
- Màn múa hát về Trung thu: Ơi ánh trăng vàng, Em đi xem hội trăng Rằm, múa Lân…
- Kịch kể lại sự tích Tết Trung thu, sự tích Chú Cuội,…
3.4. Tham quan làng nghề
Vào mùa Trung thu, rất nhiều làng nghề cổ truyền có các hoạt động làm đồ chơi, vẽ tranh, trò chơi dân gian cho trẻ em đến vui chơi. Các làng nghề truyền thống mẹ có thể đưa con đi tham quan như: làng nghề làm trống, làm quạt, làm đèn lồng, làm tranh dân gian,… Mẹ nên rủ thêm một vài gia đình khác đi cùng. Và tổ chức building, dã ngoại ngoài trời hoặc hoạt động trung thu khác cho bé nữa nhé!