Chắc hẳn mẹ đã từng ít nhiều nghe về cách quấn tã con nhộng từ các bà, các mẹ bỉm có kinh nghiệm rồi đúng không ạ? Ngoài cảm giác ấm áp, còn lý do gì khiến bé yêu thích được mẹ quấn nhộng đến thế? Bài viết này sẽ trả lời mọi thắc mắc của mẹ về phương pháp quấn nhộng và hướng dẫn mẹ cách quấn chuẩn nhất giúp bé thoải mái, đảm bảo sức khỏe. Cùng theo dõi mẹ nhé!
Mục lục
1. Quấn tã con nhộng là gì mẹ nhỉ?
Quấn tã nhộng là phương pháp quấn bé đã được các bà, các mẹ từ xưa đến nay sử dụng cho bé mới sinh đến 2 tháng tuổi. Tương tự như nhộng con, em bé mới sinh cần một chiếc “tổ kén” bao bọc quanh mình giúp bé ngủ ngon giấc, không bị giật mình đến khi cơ thể thích nghi hoàn hảo với môi trường.
2. 6 lợi ích khi quấn tã con nhộng cho trẻ sơ sinh
2.1. Giúp bé ngủ ngon giấc
Có thể mẹ chưa biết, bé sơ sinh khi chào đời thường xuất hiện phản xạ Moro, đây là một loại phản xạ tự nhiên, không điều kiện, được nhận biết bởi tình trạng bé giật mình vì âm thanh lớn hoặc có chuyển động mạnh. Để phản ứng lại các tác nhân này, bé thường dang tay và chân ra, quấy khóc, hoặc thu tay lại như đang ôm lấy cơ thể mình.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nhi khoa của Mỹ tháng 10/2006, quấn tã giúp bé ngủ sâu hơn, ít thức giấc, ít bị giật mình giúp mẹ an tâm hơn. Khi mẹ quấn khăn (quấn tã) con nhộng cho bé, sự ôm chặt của khăn, tã vào cơ thể làm giảm sự ảnh hưởng của tiếng ồn, tránh tình trạng giật mình khi ngủ hoặc tay chân khua khoắng lung tung khi có chuyển động của môi trường bên ngoài.
2.2. Giúp con làm quen với môi trường dễ hơn
Cũng giống như người lớn, bé yêu cũng cần có thời gian để thích nghi với môi trường mới, cụ thể là việc chuyển từ môi trường ấm áp trong bụng mẹ sang môi trường lạ lẫm bên ngoài. Trong những ngày đầu đời, quấn tã nhộng giúp tái hiện môi trường tương tự như trong tử cung của mẹ – nơi bé luôn được giữ ấm bởi nước ối và nằm trong tư thế co người. Ngủ trong tư thế này cũng giúp xoa dịu và trấn an bé, giúp bé con thích nghi với môi trường mới nhanh hơn.
2.3. Giảm sự chuyển động của chân tay trước mặt bé
Cuốn sách “Đọc vị mọi vấn đề của trẻ” đã chỉ ra rằng bé sơ sinh trở nên hiếu động hơn, chân tay khua khoắng không ngừng khi quá mệt do con chưa nhận thức được các hành động cũng như điều khiển chân tay của mình. Thậm chí trong thế giới quan của bé, chân và tay là một phần của môi trường bên ngoài, không phải một phần của cơ thể. Đôi lúc bé còn cảm thấy khó chịu với những chuyển động tay chân của chính mình. Quấn tã con nhộng tránh việc bé tự tạo ra những vận động không kiểm soát “làm bực mình” chính bản thân bé.
2.4. Đảm bảo an toàn cho bé trong lúc ngủ
Quấn tã con nhộng là một trong những biện pháp hiệu quả ngăn chặn Hội chứng tử vong đột ngột SIDS ở trẻ sơ sinh. Một số chuyên gia cho rằng do tư thế bé ngủ nằm úp mặt xuống giường hoặc những vật cản như quần áo, chăn màn vô tình che mặt bé khi ngủ khiến bé bị ngạt thở và ra đi trong giấc ngủ. Quấn tã con nhộng sẽ hạn chế việc bé lật người nằm sấp hoặc cầm nắm, kéo chăn, màn qua mặt làm nghẹt đường thở.
Ngoài ra, quấn tã con nhộng còn tránh được tình trạng bé tự ý cào cấu lên mặt làm xước da và giúp cột sống con nằm trên một đường thẳng, tránh cong vẹo cột sống sau này.
2.5. Mẹ bế bé dễ hơn
Chắc chắn trong lần đầu làm mẹ, ai cũng đều bỡ ngỡ, bối rối khi bế những sinh linh bé bỏng vì chân tay con hoạt động liên tục, mẹ không biết đặt tay vào đâu để con thoải mái, không ngã trong lúc mẹ bế. Quấn tã nhộng giúp mẹ bế bé dễ dàng hơn rất nhiều bởi khi đó, em bé của mẹ đã nằm gọn gàng trong chiếc khăn quấn rồi, mẹ chỉ cần ôm bé vào lòng mà không phải lo lắng tay bé chân bé có đang được duỗi thẳng hay co quắp.
Đặc biệt, phương pháp quấn tã này cực kỳ hữu dụng khi mẹ muốn cho bé uống nước hoặc uống thuốc. Các cô cậu nhóc sẽ nằm yên vị, khó vươn mình cựa quậy, tránh tình trạng bị sặc nước hay sặc thuốc.
2.6. Tạo phản xạ có điều kiện cho con
Học được phương pháp quấn nhộng giúp mẹ luyện cho bé thói quen ngủ đúng giờ dễ như ăn kẹo. Khi quấn tã con nhộng, bé dễ đi vào giấc ngủ hơn bởi cảm giác ấm áp, thân thuộc như trong bụng mẹ. Việc quấn tã trước khi đi ngủ lặp lại ngày qua ngày hình thành phản xạ có điều kiện cứ được quấn tã là bé sẽ tự giác ngủ. Đồng hồ sinh học của bé được thiết lập rõ ràng, mẹ cũng nhàn tênh, không phải bế ẵm ru con ngủ cả đêm nữa.
3. Hướng dẫn mẹ cách quấn tã con nhộng cho bé
Dù mẹ quấn tã cho bé bằng loại tã nào cũng cần kiểm tra chất lượng tã trước khi sử dụng mẹ nhé. Da bé sơ sinh rất mỏng manh và dễ kích ứng, vì thế tã quấn cho con cần được giặt xả sạch sẽ với nước giặt xả thiên nhiên không chứa paraben, không hóa chất tạo bọt và lưu hương trong bảng thành phần. Ngoài ra, tã chẳng may có bị rách, mẹ nên bỏ đi luôn, tránh việc con bị đau khi cọ vào, thậm chí tụ máu nếu vết rách mắc vào tay hoặc chân.
3.1. Quấn tã con nhộng bằng khăn quấn truyền thống
Mẹ nào khéo léo, tỉ mỉ và thích lưu giữ những giá trị truyền thống từ các bà, các mẹ đi trước thì cách quấn tã này chính xác dành cho mẹ rồi ạ. Mẹ thực hiện theo những bước sau nhé:
- Bước 1: Đặt tã trên mặt phẳng giường hoặc nôi sao cho các đường mép của tã được trải thẳng.
- Bước 2: Nhẹ nhàng đặt bé nằm trên tã sao cho vai bé ngang bằng với phần mép trên của tã. Đầu bé nằm ngoài tã để khi bé cựa quậy, tã sẽ không che mất mũi miệng khiến bé khó thở.
- Bước 3: Mẹ đặt tay phải của bé áp sát vào thân người của con, sau đó quấn góc tã bên phải vòng qua mạn sườn bên trái và cố định đầu tã vừa quấn.
- Bước 4: Gập phần đuôi tã lên trên bọc chân bé lại. Mẹ nhớ chừa lại một khoảng trống có độ dài bằng nửa bàn chân bé để con được cử động thoải mái khi duỗi chân.
- Bước 5: Quấn góc trái của tã quanh người bé tương tự như bước 3 và cố định đầu tã lại.
(Nguồn: Kính Xám)
3.2. Quấn tã con nhộng bằng nhộng quấn chuyên dụng
Nếu mẹ chưa tự tin với kinh nghiệm của mình hoặc mẹ là một mẹ bỉm hiện đại yêu thích những sản phẩm thông minh với tính năng, công năng tuyệt vời, thì nhộng quấn chuyên dụng chắc chắn là lựa chọn lý tưởng nhất. Không khó để mẹ tìm mua những loại nhộng quấn trên thị trường như:
1 – Quấn chũn cộc (nhộng chũn cộc): là tã nhộng được cắt bỏ phần thân bên dưới, kiểu dáng có nét tương đồng với một bộ body xinh xắn. Chũn cộc làm bằng vải mềm mỏng, thấm hút mồ hôi và đặc biệt có phần thân dưới “mát mẻ” nên vô cùng thích hợp cho mùa hè, giúp mẹ thay bỉm cho bé chỉ trong một nốt nhạc.
2 – Nhộng chũn kéo khoá: Là thiết kế nhộng quấn với đường kéo khóa tiện dụng ở chính giữa nhộng, giúp cho việc mặc, cởi cũng như kiểm tra bỉm, thay bỉm cho bé đơn giản và tiện dụng hơn. Mẹ chỉ cần đặt bé nằm giữa nhộng, cho tay chân bé vào đúng vị trí và kéo khóa nhộng, không cần thực hiện nhiều bước như cách quấn truyền thống, cực dễ mẹ nhỉ.
3 – Quấn chũn dính: Là thiết kế khăn quấn với phần đầu khăn có tấm dính để cố định chũn nhộng dễ dàng mà không cần dắt khăn vào các nếp gấp để cố định. Thiết kế này giúp việc quấn nhộng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều, giữ chặt bé trong “kén nhộng” và không hề bị bung ngoài trong quá trình con ngủ.
So với 5 bước quấn tã con nhộng truyền thống, với những nhộng quấn chuyên dụng mẹ chỉ cần đặt bé vào chính giữa, dính phần cánh nhộng vào đúng vị trí hoặc kéo khoá nhộng theo các đường khóa may sẵn là được.
4. 5 lưu ý khi quấn tã con nhộng cho bé
1 – Quấn nhộng dựa trên cảm xúc của bé: Nếu bé có dấu hiệu không hợp tác trong việc quấn tã,mẹ nên dừng lại, không cố ép buộc bé. Bởi suy cho cùng, mục đích của việc quấn tã nhộng là để tạo môi trường giống trong bụng, cho bé cảm giác thoải mái mà! Mẹ cân nhắc bỏ tã trong các trường hợp sau:
- Bé cựa mình, muốn lẫy ngay cả khi ngủ
- Bé thường xuyên tự rút tay ra khỏi nhộng quấn
- Bé tỏ ra khó chịu, giãy giụa và khóc lóc khi được quấn nhộng
- Bé không còn giật mình khi ngủ và hầu như thích nghi hoàn toàn với môi trường bình thường (thường xảy ra sau khi bé được 2 tháng tuổi). Trong trường hợp này, mẹ nên giảm dần sự hỗ trợ của nhộng bằng cách mặc nhộng thả 1 tay hoặc 1 chân cho bé trước, khi bé quen rồi mẹ có thể bỏ hẳn.
Mẹ tham khảo thêm bài viết Quấn tã cho bé đến khi nào? để nắm được thời điểm cần bỏ tã và hướng dẫn bỏ tã cho bé nhé!
2 – Quấn nhộng cho bé đúng cách:
- Không để mép nhộng quấn cao quá cổ bé khi quấn, tránh trường hợp bé cựa quậy khiến phần tã xô lên trên, mép tã che kín mũi làm ngạt bé.
- Khi quấn vùng chân bé mẹ chú ý để chân bé tự nhiên, không cố duỗi thẳng chân để quấn, tránh trường hợp con bị gò bó, khó chịu, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
- Không quấn tã con nhộng quá chặt để đảm bảo sức ép của tã không ảnh hưởng đến bé. Mẹ kiểm tra độ chặt lỏng của tã bằng cách đặt bàn tay mẹ ở giữa cơ thể bé và nhộng quấn. Nếu bàn tay mẹ cử động thoải mái, mẹ rút tay ra và quấn tã như bình thường, đảm bảo con yêu không bị khó chịu đâu ạ.
3 – Quấn nhộng cho bé đúng thời điểm: Mẹ chỉ nên thực hiện phương pháp quấn tã con nhộng khi bé ngủ hoặc cho bé ra ngoài trời. Thời gian bé thức, hãy để bé được thỏa sức chơi đùa, nâng cao khả năng vận động và đánh thức các giác quan mẹ nhé!
4 – Quấn nhộng cho bé đúng tư thế: Quấn nhộng khi bé nằm sấp rất dễ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Mẹ chỉ nên quấn khăn nhộng cho bé trong tư thế nằm ngửa thôi mẹ nha!
5 – Quấn nhộng cho bé đúng nhiệt độ: Nhiệt độ phòng từ 26 – 28 độ C là khoảng nhiệt lý tưởng mẹ có thể quấn tã cho bé. Trong quá trình quấn, nếu con yêu cựa quậy hoặc ậm ọe không ngủ, mẹ kiểm tra xem con có bị ra mồ hôi không, chân tay có lạnh không để cởi bớt, mặc thêm một lớp quần áo cho con nhé.
Ngoài ra, mẹ kết hợp cho bé ngậm ti giả và bật tiếng ồn trắng (những âm thanh có tần số thấp phát đều và liên tục như tiếng mưa rơi, tiếng sóng biển…) để bé ngủ ngon hơn.
5. 5 tiêu chí chọn tã con nhộng cho bé sơ sinh
1 – Chọn chất liệu tã thoáng mát: Chọn tã con nhộng chất liệu vải cotton 100% hoặc vải muslin thoáng khí, không bị hầm bí vào mùa hè. Mùa đông mẹ nên quấn cho bé bằng tã quấn được làm bằng vải nỉ, vải bông giúp con luôn được ấm áp, dể chịu. Mẹ nhớ đọc kỹ thông tin về chất liệu ghi trên bao bì sản phẩm để chọn đúng chất liệu tã cho con nhé.
2 – Chọn những loại tã có độ dày vừa phải, phù hợp với thời tiết: Mùa đông sẽ cần loại tã quấn dày dặn để giữ ấm, mùa hè cần tã mỏng, nhẹ giúp bé yêu thoải mái, không toát mồ hôi. Nếu còn băn khoăn không biết chọn loại nào, mẹ hỏi nhân viên tư vấn tại cửa hàng hoặc các bà, các mẹ bỉm có kinh nghiệm để đưa ra lựa chọn chính xác.
3 – Chọn thương hiệu uy tín: Mẹ ưu tiên những thương hiệu đã có dòng sản phẩm được bày bán và được mẹ bỉm tin dùng, đánh giá cao. Một số thương hiệu cho mẹ tham khảo như Cocoon, Biduole, Koo Koo…
4 – Chọn loại tã phù hợp với nhiều mục đích sử dụng: Một chiếc tã vừa quấn nhộng được cho bé, vừa dùng để che nắng khi ra đường, giữ ấm vào mùa đông hoặc làm đệm lót cho bé ngủ thì tại sao không đầu tư mẹ nhỉ!
5 – Chọn loại tã dễ sử dụng: Nếu chưa có kinh nghiệm quấn, mẹ cân nhắc sử dụng những thiết kế thông minh, dễ thao tác như thiết kế khoá kéo hoặc có gắn tấm dính.
Chắc hẳn mẹ đã biết quấn tã con nhộng không chỉ giúp con ngủ ngon, làm quen với môi trường xung quanh nhanh hơn mà còn giúp mẹ chăm sóc bé dễ dàng hơn hẳn. Cùng thực hành quấn tã cho bé yêu và cho Góc của mẹ biết những câu hỏi, thắc mắc trong quá trình quấn tã bằng cách để lại bình luận bên dưới mẹ nhé.