Sữa mẹ sẽ không mất đi giá trị dinh dưỡng nếu mẹ bảo quản trong thời gian cho phép và hâm sữa đúng cách. Tuy nhiên, hâm sữa thế nào để vừa nhanh, hiệu quả mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng cho bé không phải mẹ nào cũng nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho mẹ cách hâm sữa đúng cách, mẹ tham khảo nhé!
Mục lục
1. Sữa mẹ – Nguồn dưỡng chất tốt nhất cho sự phát triển của bé
Sữa mẹ được ví như “tiêu chuẩn vàng” trong việc nuôi con. Sữa mẹ giàu dinh dưỡng và kháng thể tự nhiên mà không một loại thực phẩm nào thay thế được. Nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời sẽ giúp bé khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
1.1. Phân loại sữa mẹ theo từng giai đoạn
Sữa mẹ được phân loại theo 3 giai đoạn: sữa non, sữa chuyển tiếp và sữa trưởng thành.
Sữa non:
Đây là loại sữa mẹ đặc biệt, chỉ xuất hiện từ 48-72 giờ sau sinh. Sữa non có màu hơi vàng hoặc màu kem, đặc sánh, được tiết ra với lượng nhỏ từ tuyến vú của mẹ. Sữa non giàu chất đạm, vitamin tan trong chất béo, khoáng chất, globulin miễn dịch ít chất béo.
Vì vậy, dưỡng chất và kháng thể tự nhiên dạng đặc sẽ được bé bú và hấp thụ vào cơ thể, giúp bé tăng cường miễn dịch thụ động, bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng. Chính vì những tác dụng tuyệt vời trên, sữa non được ví như một loại “sữa miễn dịch”.
Mẹ vừa sinh xong còn rất mệt nhưng hãy cố gắng cho con ti vào 48 giờ đầu sau sinh. Các chuyên gia cũng phân tích rằng, những bé bú từ 30 phút – 1 tiếng ngay sau khi sinh giúp bé có được hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt hơn hẳn các bé khác. Với mẹ sinh mổ, sẽ mất thời gian để mẹ hồi phục sức khỏe sau sinh nên sẽ được gặp bé muộn một chút, mẹ cố gắng cho bé bú ngay khi được gặp con để bé được tận hưởng được nguồn dưỡng chất quý giá này mẹ nhé.
Sữa chuyển tiếp:
Sữa chuyển tiếp xuất hiện ngay sau khi sữa non hết, khoảng 5-14 ngày sau sinh. Kết cấu và màu sắc dạng kem hơn, đồng thời có hàm lượng chất béo, đường lactose, calo cao hơn sữa non, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho bé. Nói chung, càng những ngày về sau, sữa chuyển tiếp càng tăng cường thành phần dinh dưỡng, dần dần có thành phần như sữa trưởng thành, đồng thời lượng sữa mẹ về cũng tăng lên.
Sữa trưởng thành:
Khoảng 2 tuần sau sinh, sữa được chuyển đổi dần thành sữa trưởng thành (sữa già hay sữa đủ tuổi). 90% thành phần trong sữa là nước đảm bảo cho bé luôn được cung cấp đủ nước. Còn lại là protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất, chất kích thích miễn dịch, men và hormone cần thiết cho sự phát triển và cung cấp đủ năng lượng cho bé.
Tuy hàm lượng protein chỉ bằng khoảng một nửa so với sữa non nhưng lượng chất béo trong sữa trưởng thành lại nhiều hơn. Lượng protein cũng thay đổi dần từ ngày đầu tiết sữa và trong suốt quá trình bé bú để đáp ứng đúng nhu cầu tăng trưởng của con.
1.2. Sữa mẹ giúp bé phát triển toàn diện
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia cho rằng, sữa mẹ là “tiêu chuẩn vàng” trong việc nuôi con. Nên cho bé bú sữa mẹ ít nhất 2 năm đầu đời vừa giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời giúp gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé qua khoảnh khắc da chạm da. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất, giúp bé phát triển toàn diện vì những lý do sau:
Cung cấp dinh dưỡng: Sữa mẹ là sự kết hợp hoàn hảo các chất béo, chất đạm, đường, nước, vitamin và khoáng chất cần thiết cho bé.Trong những tuần đầu sau sinh, sữa mẹ cũng được thay đổi công thức liên tục để phù hợp với nhu cầu của bé trong giai đoạn tăng trưởng.
Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng dễ tiêu hoá hơn sữa công thức bởi protein trong sữa mẹ ở dạng lỏng hoà tan hay whey protein phù hợp với khả năng tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng của bé, đặc biệt với trẻ sơ sinh vì hệ tiêu hoá của con còn chưa phát triển toàn diện.
Cung cấp kháng thể: Sữa mẹ có các kháng thể tự nhiên giúp bé nâng cao hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật do vi khuẩn, virus gây ra. Nếu mẹ cho bé bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu không kèm theo sữa công thức, nguy cơ bé gặp các bệnh hô hấp, nhiễm trùng tai, tiêu chảy sẽ thấp hơn. Ngoài ra, sữa mẹ có kháng thể IgA và đại thực bào giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh dị ứng như chàm dị ứng, hen suyễn…
Giúp bé tăng cân: Sữa mẹ giàu dinh dưỡng, đặc biệt thành phần chất béo trong sữa sẽ giúp bé tăng cân khoẻ mạnh, không khiến bé thừa cân, béo phì (nhất là 2 năm đầu đời). Ngoài ra, các thành phần hormone Leptin, Ghrelin, IGF-1 trong sữa mẹ cũng giúp bé giảm các nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành như tim mạch, đái tháo đường…bằng cách tham gia điều chỉnh khả năng hấp thụ và cân bằng năng lượng của con.
Giúp bé thông minh hơn: Nhiều nghiên cứu cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp bé có IQ cao hơn. Sữa mẹ giàu DHA, thành phần chính cho sự phát triển trí não của trẻ. Bên cạnh đó, sữa mẹ còn giàu HMO, thành phần giúp cho sự phát triển hệ vi khuẩn đường ruột. Khoa học đã chứng minh, hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường liên kết thần kinh, não bộ hoạt động tốt hơn, bé thông minh hơn.
2. 5 điều quan trọng mẹ cần biết khi hâm sữa cho bé
Sữa mẹ sau khi được bảo quản lạnh cần được hâm nóng để con sử dụng. Hâm sữa đúng cách sẽ giúp giữ được chất dinh dưỡng cần thiết và đảm bảo an toàn cho con. Mẹ cần nắm rõ 5 điều quan trọng cần biết khi hâm sữa cho bé như sau:
2.1. Thời gian trữ sữa mẹ
Trước khi tìm hiểu về cách hâm sữa đúng chuẩn, mẹ cần đảm bảo rằng sữa mẹ chưa quá hạn sử dụng. Mẹ tham khảo một số thông tin về thời gian trữ sữa ở đây nhé!
- Nhiệt độ phòng trên 26 độ C: 1 tiếng.
- Phòng máy lạnh để nhiệt độ dưới 26 độ C: 6 tiếng.
- Ngăn mát tủ lạnh: 48 tiếng.
- Ngăn đá tủ lạnh nhỏ (loại một cửa): 2 tuần.
- Ngăn đá tủ lạnh hai cửa (ngăn đá có cửa riêng): 4 tháng.
- Tủ đông lạnh chuyên dụng từ -18 đến 20 độ C: 6 tháng.
2.2. Dụng cụ bảo quản sữa
Mẹ chuẩn bị một số dụng cụ để chuẩn bị bảo quản sữa sau đây:
- Bình sữa thủy tinh trữ sữa chuyên dụng hoặc bình nhựa không chứa BPA. Mẹ dùng lại được nhiều lần bằng cách rửa sạch sau mỗi lần dùng. Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng túi trữ sữa. Mẹ nên chọn loại 2 lớp dây kéo, dày, chất lượng tốt và chỉ dùng đựng sữa trữ trong 1 lần.
- Bút để ghi thời gian (ngày, tháng, năm) bắt đầu trữ sữa vào bịch để dễ dàng tính toán được thời gian sữa hết hạn sử dụng.
Lưu ý: Mẹ tham khảo thêm về bình sữa thủy tinh cao cấp chống sặc và đầy hơi hiệu quả được cộng đồng mẹ bỉm hiện đại ưa chuộng – bình sữa thủy tinh Mamamy tại đây!
2.3. Cách bảo quản sữa hút ra dùng trong ngày
Sau khi hút, mẹ cho sữa vào bình hoặc túi trữ rồi bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh càng sớm càng tốt. Mẹ căn cứ vào lượng sữa mỗi cữ và số cữ bé bú mỗi ngày để bảo quản một lượng sữa vừa đủ cho bé ở ngăn mát, lượng còn lại mẹ cất lên ngăn đông trữ sữa luôn để đảm bảo dưỡng chất trong sữa và không phải bỏ đi lượng sữa thừa đó khi hết ngày.
Thông thường có thể để khoảng 5- 6 bình hoặc túi trữ sữa, mỗi bình/túi chứa khoảng 150ml. Mẹ cho bé bú hết lượng sữa đã hâm trong vòng 1-2 tiếng tiếp theo thôi mẹ nhé. Lượng sữa còn thừa trong ngày mẹ cũng nên bỏ đi nếu bé không uống hết, đừng tiếc mà để lại cho bé uống, ảnh hưởng tới sức khỏe, hệ tiêu hóa của bé sau này đó ạ.
2.4. Bảo quản sữa dư bằng tủ lạnh
Nếu có thể, mẹ trữ sữa cho con dùng trong ngày là tốt nhất vì thời gian làm ấm sữa nhanh hơn, mùi vị sữa sẽ thơm ngon hơn. Tuy nhiên, với sữa trữ đông trong tủ đông lạnh nếu được bảo quản đúng cách thì vẫn giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng và kháng thể đầy đủ cho bé.
Mẹ có thể dùng bình hoặc túi zip để bảo quản sữa cho bé như sau:
- Sữa hút ra trong ngày, nếu mẹ hút được hơn 6 bình hoặc khi bé không bú được hết lượng sữa đã hút, mẹ dùng bình hoặc túi trữ sữa dồn sữa thừa vào, ghi ngày tháng năm cho vào tủ đông lạnh. Mẹ không nên bảo quản ở cánh cửa ngăn đông vì khu vực đó dễ thất thoát nhiệt ra ngoài, ảnh hưởng tới chất lượng sữa của bé.
- Do hạn sử dụng sữa trong ngăn mát chỉ là 48 giờ, nên nếu mẹ thấy lượng sữa mẹ vắt được trong ngày nhiều hơn lượng ăn của bé, mẹ đóng lượng sữa dư đó vào các túi zip bảo quản, ghi ngày tháng và đưa lên ngăn đông bảo quản luôn để giữ được toàn bộ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ nhé.
- Mẹ nên chọn túi 2 khoá kéo để bảo quản sữa tốt hơn, túi thường có dung tích 150-180ml, nhưng để tiết kiệm mẹ có thể hút sữa tới gần khoá kéo khoảng 2-3 cm khi đó dung tích sẽ được 200-250ml/túi.
- Để tiết kiệm không gian ở ngăn đá, mẹ ép hết không khí ra khỏi túi sữa đã hút, hàn kín miệng, mua thêm túi đựng thức ăn đựng các túi sữa trước khi bảo quản tủ lạnh. Việc dùng thêm túi hay hộp đựng túi trữ sữa giúp đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn chéo sữa với đồ ăn khác.
2.5. Cách rã đông sữa
Có nhiều cách để mẹ hâm sữa cho con, nhưng dù cách nào đi nữa thì mẹ cũng cần thực hiện 2 thao tác chính đó là rã đông và hâm nóng. Trước khi đem sữa đi hâm nóng, mẹ cần thực hiện thao tác rã đông sữa trước đã nhé!
- Trước ngày bé uống sữa, mẹ đưa sữa từ ngăn đông tủ lạnh xuống ngăn mát trước ít nhất 1 đêm (8 tiếng) để sữa rã đông từ từ. Nếu không có thời gian hoặc quên chưa rã đông trước, mẹ để túi sữa dưới vòi nước máy hoặc ngâm trong nước lạnh để quá trình rã đông diễn ra từ từ. Điều này để đảm bảo rằng nhiệt độ không bị thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của nguồn sữa.
- Khi sữa rã đông đã chuyển hoàn toàn sang dạng lỏng, mẹ lắc đều, nhẹ tay để lớp váng sữa nhiều chất béo được hoà đều với phần sữa phía dưới.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Khi rã đông sữa mẹ bằng cách đưa từ ngăn đông xuống ngăn mát, mẹ sẽ thấy một lớp váng mỏng nổi lên mặt bình. Đó là hiện tượng bình thường bởi lớp váng đó chính là chất béo có trong sữa mẹ thôi ạ. Tuy nhiên, nếu thấy hiện tượng kết tủa trắng đục như đám mây thì sữa đã hỏng, mẹ nên bỏ ngay. Đối với sữa bảo quản trong ngăn mát, mẹ không cần rã đông mà chỉ cần đưa vào máy hâm nóng ngay là được mẹ nhé!
3. Mách mẹ 2 cách hâm sữa cho con đúng tiêu chuẩn
Sữa mẹ bảo quản lạnh hoặc mới được vắt ra từ cơ thể khoảng 20-30 phút thì nhiệt độ sữa đã ở dưới 37 độ rồi ạ. Lúc này hâm nóng sữa là việc làm cần thiết để đưa nhiệt độ sữa về gần nhiệt độ cơ thể trước khi cho bé bú.
Có 2 cách hâm sữa đúng tiêu chuẩn để không làm mất đi giá trị dinh dưỡng trong sữa đó là: dùng máy hâm sữa hoặc ngâm vào nước ấm.
3.1. Ngâm sữa vào nước ấm
Hâm sữa bằng nước ấm là cách làm khá quen thuộc và đơn giản được nhiều mẹ biết đến. Sữa sau khi rã đông đem ngâm vào bát nước ấm với nhiệt độ phù hợp là có thế cho bé thưởng thức ngay.
3.1.1. Đối với sữa ở ngăn mát
Trước tiên, mẹ cần lắc đều bịch sữa đã bảo quản lạnh để lớp chất béo và lớp sữa trong được trộn đều với nhau. Sau đó, mẹ chuẩn bị sẵn một tô nước ấm rồi đặt bình sữa vào. Nhiệt độ lý tưởng nhất để làm tan và ấm sữa là 40 – 45 độ C, mẹ ngâm khoảng 10-15 phút là có thể cho bé bú!
Trước khi cho bé bú, mẹ kiểm tra lại nhiệt độ sữa bằng dụng cụ đo nhiệt độ sữa chuyên dụng, với nhiệt độ khoảng 37 độ C là bé có thể sử dụng và không lo bị bỏng mẹ nhé!
3.1.2. Đối với sữa ở ngăn đông
Đối với sữa để ngăn đông, mẹ cần thực hiện rã đông sữa trước. Cách tốt nhất, mẹ hãy đem túi trữ sữa từ ngăn đông chuyển xuống ngăn mát để rã đông dần dần trong vòng 8-12 tiếng. Chờ đến khi sữa tan hoàn toàn thành dạng lỏng, mẹ lắc nhẹ nhàng để lớp sữa béo và lớp sữa trong được hòa trộn đều với nhau.
Thực hiện hâm nóng sữa mẹ theo cách hâm nóng như với ngăn mát ở trên.
3.2. Dùng máy hâm sữa
Dùng máy hâm sữa là cách được rất nhiều mẹ tin tưởng bởi sự an toàn và tiện lợi. Không chỉ tiết kiệm về thời gian (chỉ khoảng 5-7 phút sữa đã được hâm nóng), mẹ còn có thể tự động điều chỉnh mức nhiệt sao cho phù hợp để đảm bảo dưỡng chất trong sữa.
3.2.1. Cách hâm sữa để ngăn mát bằng máy hâm sữa
Mỗi loại máy hâm sữa có các thông số kỹ thuật khác nhau, tuy nhiên các bước thực hiện hâm sữa khá tương đồng như sau:
- Bước 1: Mẹ kiểm tra và vệ sinh sạch sẽ bình chứa, khay chứa của máy hâm sữa, hãy chắc chắn rằng máy chưa được cắm điện. Chọn bình sữa với dung tích phù hợp với lượng sữa bé bú được trong mỗi bữa.
- Bước 2: Đặt bình sữa đã rã đông vào khay chứa sau đó đặt vào khoang hâm nóng trong máy.
- Bước 3: Thêm nước sạch vào máy hâm sữa theo mức quy định mỗi loại máy để được làm nóng bình nhanh chóng.
- Bước 4: Cắm điện, bật máy, vặn nút điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp: Đối với sữa cho bé uống luôn thì để 40-45 độ C, đối với sữa để ngăn mát tủ lạnh để nhiệt độ 45-75 độ C.
- Bước 5: Máy đi vào hoạt động khi đèn báo hiệu của máy sáng. Khi nhiệt độ nước trong máy đạt tối đa và đạt chuẩn, đèn sáng sẽ tự ngắt. Đem bình sữa ra kiểm tra bằng cách khuấy đều và dùng nhiệt kế đo lại nhiệt độ. Khi bình sữa đạt nhiệt độ 37 độ C là cho bé bú được rồi.
3.2.2. Cách hâm sữa để đông bằng máy hâm sữa
Đầu tiên, mẹ đem bịch sữa đông xả dưới dòng nước mát để sữa rã đông dần dần, đảm bảo không làm hỏng chất lượng sữa. Muốn kiểm tra xem sữa đã hết đông đá hay chưa, mẹ thử sử dụng muỗng khuấy túi sữa xem sữa đã tan hết các tinh thể nước đá chưa nhé.
Tiếp theo, mẹ thực hiện tương tự các bước hâm sữa bằng máy hâm sữa phía trên để có được bình sữa ngon và chất lượng cho bé mẹ nhé.
4. Các lưu ý mẹ cần biết khi sử dụng máy hâm sữa
Hâm sữa bằng máy rất tiện lợi nhưng mẹ cần nắm rõ các vấn đề được lưu ý sau đây:
- Khi máy đang hoạt động mà mẹ ấn công tắc tắt, máy không thể ngắt hoàn toàn mà chuyển sang chế độ ủ ấm. Muốn ngắt hoàn toàn, mẹ hãy rút phích cắm điện ra.
- Bình sữa nhựa thông thường có khả năng giải phóng BPA – một chất độc trong nhựa, ảnh hưởng chất lượng sữa bên trong và sức khỏe của bé sau này. Chính vì thế, mẹ lựa chọn bình thủy tinh hoặc bình nhựa có chất lượng tốt để hâm sữa cho bé mẹ nhé!
- Luôn đảm bảo đổ đầy nước (lượng nước trong máy cao hơn lượng sữa) vào khoang của máy hâm sữa để sữa được rã đông đều nhiệt và máy hâm sữa cũng bền hơn.
- Không đặt tay lên trên máy hâm sữa khi đang hoạt động hay vừa kết thúc quá trình hâm sữa vì hơi nóng do máy phả ra có thể làm bỏng tay của mẹ.
5. Một số sai lầm mẹ cần tránh khi hâm nóng sữa cho bé
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho bé. Vì vậy, khi tiến hành hâm nóng sữa cho bé mẹ cần đặc biệt lưu ý tránh những sai lầm sau đây:
5.1. Không hâm sữa bằng nước quá nóng/ nước sôi
Việc này tưởng chừng tiết kiệm thời gian cho mẹ nhưng đây thực sự là một sai lầm. Hâm sữa với nước quá nóng (nhiệt độ trên 80 – 100 độ C) sẽ làm một số thành phần dinh dưỡng cùng vitamin trong sữa bị bay hơi, sữa bị biến đổi ảnh hưởng tới chất dinh dưỡng cho bé. Mẹ chỉ nên dùng nước ở nhiệt độ 40 độ C để hâm nóng sữa thôi mẹ nhé.
5.2. Không sử dụng lại sữa thừa sau khi đã hâm
Sau khi hâm sữa và bé bú xong, không tránh khỏi có những lúc bé không dùng hết lượng sữa trong bình. Chỉ khoảng 30 phút sau, vi khuẩn đã có thể xâm nhập vào lượng sữa không được sử dụng hết, làm ảnh hưởng tới chất dinh dưỡng và không sử dụng lại được đâu, mẹ bỏ sữa đó đi và đừng cho bé bú lại mẹ nhé.
5.3. Không hâm sữa bằng lò vi sóng
Nhiều mẹ muốn rã đông nhanh chóng nên sử dụng lò vi sóng, đây là cách làm hoàn toàn sai lầm bởi nhiệt độ lò vi sóng rất cao, phá huỷ hết các dưỡng chất và kháng thể trong sữa mẹ. Đồng thời, sữa cũng không được làm ấm đều do lượng nhiệt trong lò vi sóng không được phân bố đều.
5.4. Không để sữa trong máy hâm sữa quá lâu
Dùng máy hâm sữa rất tiện lợi nhưng có mẹ vô tình bỏ quên sữa trong máy. Nếu mẹ đã lỡ để sữa trong máy từ 1 giờ đồng hồ thì mẹ bỏ ngay nhé, nhiệt độ quá nóng sẽ làm mất chất dinh dưỡng trong sữa, có thể tạo ra chất gây hại cho bé. Đối với sữa mẹ đã rã đông, chỉ nên sử dụng trong vòng 1 tiếng và hâm duy nhất 1 lần thôi mẹ nhé!
6. Các dấu hiệu giúp mẹ nhận biết sữa bị hỏng
Trong quá trình bảo quản, vì nhiều nguyên nhân dẫn tới sữa mẹ khi rã đông có mùi hôi chua, vị lạ, nổi váng… Khi thấy những dấu hiệu bất thường kể trên, mẹ nên bỏ sữa đi, tránh cho bé sử dụng.
Dưới đây là một số dấu hiệu để nhận biết sữa bị hỏng cụ thể cho mẹ đây:
6.1. Mùi hôi
Sữa mẹ thông thường có mùi đậm, mùi thơm dễ chịu, khác hẳn với các loại sữa khác. Do vậy, khi mở bình sữa hay túi trữ sữa mà mẹ ngửi thấy mùi hôi, chua, khó chịu, chắc chắn sữa không còn đảm bảo chất lượng đâu, mẹ bỏ ngay đi nhé.
6.2. Váng sữa không tan
Thông thường, sữa mẹ có nhiều chất béo nên nổi váng sau thời gian bảo quản là hoàn toàn bình thường. Khi mẹ lắc đều nhẹ nhàng mà thấy lớp váng tan dần thì sữa vẫn có chất lượng tốt. Ngược lại, nếu váng vẫn nổi lên bề mặt dù lắc vẫn tách biệt với lớp sữa có nghĩa sữa mẹ đã bị hỏng, không nên cho bé bú nữa.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Trong một số trường hợp, sữa mẹ rã đông cũng xuất hiện cặn trắng. Mẹ không cần lo lắng vì đây là hiện tượng thường gặp thôi. Nguyên nhân do mẹ uống ít nước nên sữa bị đặc và khó tan. Mẹ chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống và uống đủ khoảng 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày là được.
6.3. Sữa có mùi vị lạ
Đôi khi việc kiểm tra sữa mẹ bằng mắt thường không đủ khẳng định được sữa có bị hỏng hay không. Để an tâm, mẹ có thể lấy một lượng sữa nhỏ ra cổ tay để nếm thử. Ở điều kiện bình thường, sữa mẹ có mùi thơm, vị béo ngậy, nhạt, không quá ngọt hay quá mặn. Vì thế, nếu mẹ nếm thấy vị lạ như vị chua, tanh, khó chịu…mẹ không để bé tiếp tục bú nữa.
Trên đây là thông tin về cách hâm sữa an toàn và giữ nguyên được dưỡng chất trong sữa mẹ. Hệ tiêu hoá của con còn chưa hoàn thiện và rất nhạy cảm, mẹ chú ý trong việc kiểm tra sữa xem đã hỏng hay chưa trước khi sử dụng..
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, mẹ đừng ngại để lại bình luận bên dưới để được giải đáp nhé!