Dây rốn của bé sơ sinh sẽ tự khô và rụng trong thời gian từ 1 – 2 tuần. Trong thời gian này, mẹ cần chăm sóc rốn cho bé sơ sinh cẩn thận, đặc biệt là phần cuống rốn, nơi vi khuẩn dễ xâm nhập và gây nhiễm trùng cho bé. Để hiểu rõ hơn, mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Lý do cần chăm sóc rốn cho bé sơ sinh
Rốn là nơi giúp bé nhận oxy và chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ khi bé còn chưa chào đời. Sau khi sinh, cuống rốn của bé được coi như một vết thương hở. Điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lợi dụng tấn công gây viêm và nhiễm trùng cho bé.
Nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, gây ra các nguy cơ như:
- Nhiễm trùng huyết: Do rốn của bé sơ sinh được nối thẳng vào gan của con. Nhiễm trùng từ rốn có thể lây nhanh đến gan và vào máu. Khi đó, việc chữa trị cho bé trở nên rất khó khăn và thậm chí có thể đe dọa đi tính mạng của bé.
- Uốn ván rốn: Trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có thể xâm nhập, gây bệnh cho bé qua vết thương hở ở cuống rốn. Con sẽ phải đối mặt với căn bệnh có nguy cơ tử vong hàng đầu ở bé sơ sinh.
- Kéo dài thời gian rụng rốn: Do vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương da và niêm mạc, đồng thời ngăn cản quá trình rụng rốn tự nhiên của bé.
Vì những lý do trên, việc chăm sóc rốn bé sơ sinh đúng cách hàng ngày là điều rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho con.
2. Quy trình chăm sóc rốn bé sơ sinh
Chăm sóc rốn bé sơ sinh sẽ trở nên dễ dàng khi mẹ đã chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ bao gồm:
- 4 – 5 miếng gòn.
- 1 ống nước muối nước sinh lý (Natri clorid 0.9%) chuyên dùng cho trẻ sơ sinh.
- 1 chai cồn 70 độ.
- 1 miếng băng gạc mỏng vô trùng.
Khi đã đầy đủ dụng cụ, mẹ lần lượt chăm sóc rốn cho bé theo các bước sau:
- Bước 1: Trước tiên, mẹ cần rửa tay sạch bằng nước và xà phòng, sau đó, sát trùng tay lại bằng cồn 70 độ rồi mới từ từ tháo băng rốn và gạc rốn cho bé.
- Bước 2: Quan sát mặt cắt rốn và vùng xung quanh để kiểm tra rốn của con có bị viêm, có mủ hay dịch vàng, bị chảy máu hay rốn có mùi hôi không? Các dấu hiệu này có thể báo hiệu nguy cơ bé bị nhiễm trùng rốn, cần được mẹ đưa tới thăm khám bác sĩ.
- Bước 3: Lấy gòn tẩm nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng từ chân rốn ngược lên cuống rốn cho bé. Thay gòn và lau vòng quanh rốn, chỗ tiếp xúc với da bụng. Sau đó, mẹ dùng một miếng gòn sạch thấm khô rốn của bé.
- Bước 4: Dùng gòn tẩm cồn 70 độ sát trùng vùng da xung quanh rốn.
- Bước 5: Sau khi vệ sinh xong, mẹ có thể để hở rốn cho bé hoặc dùng gạc mỏng vô trùng che rốn bé sau khi rốn khô.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Cần bảo vệ vùng xung quanh rốn cho bé, quấn tã vùng dưới rốn và tuyệt đối không để phân, nước tiểu hay chất bẩn bám vào rốn của bé. Điều này sẽ vô tình đưa vi khuẩn tiếp xúc với rốn của bé, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ngoài ý muốn.
3. Các dấu hiệu cần đưa bé đến bệnh viện khám ngay
Mỗi lần chăm sóc rốn cho bé, mẹ nên quan sát rốn của con để kịp thời đưa bé đi khám nếu có những dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng:
- Rốn bị chảy nhiều máu, khó cầm: Việc máu rò rỉ một chút ở chân rốn bé là bình thường do cuống rốn của bé mới được cắt chưa lành hoàn toàn. Nhưng nếu cuống rốn chảy máu nhiều, mẹ không nên chủ quan mà hãy sớm đưa bé đến gặp bác sĩ.
- Rốn bé bị rỉ nước vàng, có mùi hôi hay có mủ: Rốn của bé lúc này có thể đã bị viêm. bé sơ sinh có hệ miễn dịch non yếu, tình trạng viêm sẽ nhanh chóng tiến triển nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
- Rốn có chồi hạt lên, rỉ nước kéo dài: Đây là biểu hiện của tình trạng u hạt rốn ở bé, do rốn bé bị ẩm thường xuyên, khiến vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.
- Sau 3 tuần mà rốn chưa rụng: bé sơ sinh bình thường sẽ rụng rốn vào khoảng 1 – 2 tuần. Nếu sau 3 tuần mà rốn bé vẫn chưa rụng, mẹ nên được bác sĩ tư vấn xử lý.
- Vùng xung quanh rốn sưng, tấy mẩn đỏ: Tình trạng này có thể khiến bé đau nhức, khó chịu, quấy khóc và làm mẹ lo lắng. Mẹ nên sớm đưa bé đi thăm khám để bé được chăm sóc nhanh chóng.
Khi phát hiện con có những dấu hiệu trên, mẹ không nên chủ quan nhưng cũng đừng quá lo lắng nhé! Con sẽ khỏe mạnh bình thường nếu mẹ nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ và được thăm khám kịp thời thôi ạ!
4. Những lưu ý khi chăm sóc rốn cho bé sơ sinh
Việc vệ sinh rốn cho bé không phải là việc khó, nhưng nếu thực hiện không đúng, bé sẽ dễ bị nhiễm khuẩn do niêm mạc và cơ thể bé rất nhạy cảm. Khi chăm sóc rốn cho bé sơ sinh, các mẹ lưu lại một số điều sau đây nhé:
- Đảm bảo băng rốn được quấn đúng cách: Một số mẹ nghĩ rằng quấn băng rốn kín, chặt giúp bảo vệ rốn của con. Nhưng đó là hoàn toàn sai lầm mẹ ơi! Băng rốn kín, đặc biệt là những băng rốn ướt do mồ hôi của bé, hay do nước còn đọng lại sau khi mẹ vệ sinh rốn cho bé sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, gây viêm, làm rốn con bị tấy đỏ, chảy mủ… Mẹ chỉ nên dùng băng quấn mỏng và cuốn nhẹ vùng rốn cho bé.
- Vệ sinh rốn cho con 1- 2 lần/ngày: Một số mẹ không dám đụng vào rốn của bé, để nguyên vùng rốn đã được bác sĩ quấn kỹ sau 4-5 tuần mới mở.không vệ sinh và thay gạc cho con, vi khuẩn và bụi bẩn sẽ dễ sinh sôi và gây bệnh.
- Không giật hoặc tự ý cắt bỏ cuống rốn của bé: Thời gian rụng rốn của mỗi bé là khác nhau, thông thường là khoảng 8 – 10 ngày. Một số bé chậm rụng rốn, cần thời gian lâu hơn, trong khoảng 15 – 20 ngày. Trong trường hợp nếu thời gian rụng rốn kéo dài quá 3 tuần, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ. Đừng tự cắt cuống rốn của bé tại nhà mẹ nhé!
- Vệ sinh rốn cần đảm bảo sạch sẽ: Mẹ không nên tự ý rắc hạt tiêu,đắp lá, bôi thuốc đỏ hay các chất lạ khác lên cuống rốn của bé. Việc làm này không giúp rốn bé mau lành mà ngược lại, có thể làm đau hay làm bé bị nhiễm khuẩn.
- Không tự ý sử dụng thuốc cho bé: Tất cả các thuốc dùng cho bé sơ sinh chỉ được sử dụng khi có chỉ định bác sĩ chuyên ngành. Các mẹ không nên lo lắng rằng con có thể bị nhiễm khuẩn mà rắc kháng sinh lên cuống rốn của con, hay cho con dùng thuốc. Mẹ chỉ cần vệ sinh cuống rốn cho bé hàng ngày thì bé sẽ khỏe mạnh thôi ạ!
Dây rốn của bé mới chào đời được coi như vết thương hở, dễ nhiễm trùng. Do vậy, hàng ngày, mẹ nên vệ sinh cuống rốn cho bé bằng nước muối sinh lý và sát trùng vùng xung quanh rốn của bé với cồn 70 độ.
Mẹ hãy nhớ đừng để rốn hay băng gạc quấn rốn của con bị ẩm vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn cho bé đó mẹ nhé!
Góc của mẹ hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ nắm rõ phương pháp chăm sóc rốn cho bé sơ sinh đúng cách..