Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Y Tế, Việt Nam có khoảng 7.7% cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn. Tức là khoảng 1 triệu cặp vợ chồng gặp khó khăn cần phải khám chữa và điều trị. Thực tế cho thấy, vô sinh hiếm muộn không chỉ tiêu tốn tiền bạc mà còn làm suy sụp tinh thần, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vì vậy, hiểu biết về vấn đề này là rất cần thiết đối với các cặp vợ chồng hiện nay. Bài viết sẽ cung cấp thông tin giúp bố mẹ đánh tan nỗi lo về tình trạng gây nhức nhối này.
Mục lục
1. Thế nào là vô sinh hiếm muộn?
Một cặp vợ chồng được coi là vô sinh hiếm muộn khi cả hai đã chung sống và cố gắng mang thai nhưng không có kết quả gì. Tình trạng này kéo dài trong 1 năm liền mặc dù không dùng bất kì biện pháp tránh thai nào. Thông thường, các cặp vợ chồng có sức khỏe sinh sản bình thường sẽ có khoảng 20% cơ hội thụ thai mỗi tháng. Nếu không dùng biện pháp tránh thai, cơ hội có con lên đến 90% sau 1 năm chung sống. Tuy nhiên, khả năng sinh sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt là tuổi tác. Tuổi càng cao, cơ hội có con sẽ càng giảm đi.
Xem thêm: Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Theo các chuyên gia, phụ nữ dưới 25 tuổi có khả năng thụ thai cao nhất. Trong khi đó, từ 35 tuổi trở đi, khả năng này sẽ càng giảm. Đối với nam giới cũng có sự liên quan giữa tuổi tác và chất lượng tinh trùng. Khả năng sinh sản sẽ giảm từ tuổi 40 và suy yếu khi bước vào tuổi 60.
2. Nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn
Hiếm muộn là vấn đề của cả hai vợ chồng. Cụ thể, có 40% nguyên nhân đến từ người vợ. 40% đến từ người chồng. Còn lại là từ cả hai hoặc không xác định được nguyên nhân. Chính vì thế, để tìm ra nguyên nhân, cần sự có mặt của cả hai người.
2.1. Nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở nam giới
- Không có tinh trùng
- Số lượng tinh trùng quá ít
- Tinh trùng di chuyển yếu. Hoặc tắc đường vận chuyển tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh hoàn
- Tinh trùng bị dị dạng
- Niệu đạo không thông ra ngoài ở đầu dương vật mà bị lệch thông ra ngoài ở giữa thân dương vật. Dương vật khó đi vào lỗ tử cung
Xem thêm: 6 tips nâng cao khả năng sinh sản nam giới
2.2. Nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở nữ giới
- Tắc vòi trứng
- Trứng rụng không đều hoặc không rụng
- Bệnh lạc nội mạc tử cung, bệnh u xơ tử cung
- Tử cung có hình dạng bất thường
- Chất dịch cổ tử cung hoặc độ axit âm đạo bất thường cản trở tinh trùng từ âm đạo đi vào cổ tử cung
- Hệ miễn dịch của người phụ nữ tạo các kháng thể để diệt tinh trùng theo cơ chế đào thải vật lạ
Xem thêm: 6 điều có thể bạn chưa biết về khả năng sinh sản ở phụ nữ
Những năm gần đây, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn tăng nhanh. Một số yếu tố tác động khiến tỷ lệ này gia tăng bao gồm:
- Độ tuổi có con có xu hướng muộn hơn. Phụ nữ lập gia đình trễ hơn và muốn có con ở độ tuổi lớn hơn. Tuổi tác là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới khả năng sinh sản. Tuổi càng cao, khả năng sinh sản sẽ càng giảm.
- Yếu tố môi trường và hoàn cảnh sống khiến chất lượng tinh trùng của nam giới bị ảnh hưởng
- Quan hệ tình dục thoáng hơn. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến hơn. Từ đó làm giảm khả năng sinh sản. Rất dễ dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn.
- Tình trạng phá thai ngày càng nhiều. Có thể dẫn đến vô sinh.
3. Phương pháp chữa vô sinh hiếm muộn
Bạn nên đi khám sức khỏe tổng thể của hai vợ chồng trước khi thụ thai để xác định được khả năng sinh sản. Từ đó có kế hoạch hợp lý nếu mong muốn có con. Trường hợp đã chung sống 1 năm nhưng vẫn không có kết quả, bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ về khả năng sinh sản của mình hoặc của bạn đời, bạn nên đến khám sớm hơn để kịp thời phòng tránh.
Hiện nay, đã có những phương pháp để điều trị vô sinh hiếm muộn cho các cặp vợ chồng. Vì vậy, bố mẹ không cần phải lo lắng nếu như không may gặp phải tình trạng này. Một số kỹ thuật giúp tăng khả năng thụ thai bao gồm:
- Hướng dẫn cách canh thời rụng trứng và giao hợp vào đúng thời điểm rụng trứng
- Kích thích buồng trứng bằng thuốc hoặc tăng số lượng trứng rụng. Từ đó tăng khả năng có thai.
- Thụ tinh nhân tạo (IUI). Bơm trực tiếp tinh trùng vào buồng tử cung. Phương pháp này thường được thực hiện trong trường hợp tinh trùng yếu.
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tinh trùng và trứng sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm rồi đưa vào buồng tử cung. Phương pháp này được thực hiện khi tắc 2 vòi trứng hoặc tắc ống dẫn tinh.
- Bơm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Chích thẳng tinh trùng vào trứng.
Hi vọng bài viết sẽ mang đến thông tin hữu ích cho các cặp vợ chồng đang mong muốn có con. Cũng như giải đáp được những nỗi lo lắng cho các cặp vợ chồng không may gặp phải tình trạng vô sinh hiếm muộn. Từ đó giúp bố mẹ sớm xây dựng được hạnh phúc gia đình của mình.