Ngày 1 tháng 6 đến là mỗi khu phố, mỗi trường học lại rộn ràng. Trẻ nhỏ vui mừng cứ như là Tết đến xuân về. Em bé nào cũng nở nụ cười tươi rói bên những món đồ chơi mới. Khuôn mặt rạng rỡ thấy rõ khi được cha mẹ đưa đi chơi.
Quốc tế Thiếu nhi là dịp ông bà, cha mẹ chuẩn bị những món quà tặng, gửi những lời chúc, lời khen ngợi tới trẻ em. Bước ra đường những ngày này, ai cũng đều có thể cảm nhận được sự vui tươi lan tỏa trong không khí.
Là dịp lễ đặc biệt một năm mới có một lần, cha mẹ dường như trở nên dễ tính hơn, dành thời gian trò chuyện và quan tâm con đặc biệt hơn ngày thường. Nhưng với mỗi đứa trẻ, cảm giác được yêu thương và lắng nghe chỉ trong một ngày là không đủ. Hãy để ngày nào cũng là ngày lễ Thiếu nhi!
Mục lục
1. Lắng nghe để nhận ra cảm xúc của con
Trong cuộc sống bộn bề, cha mẹ hãy dừng lại đôi chút để kịp nhận ra những cảm xúc của trẻ. Con sẽ cảm thấy được thông cảm và tôn trọng khi cha mẹ dành thời gian lắng nghe. Không chỉ riêng ngày lễ Thiếu nhi, hãy tạo khoảng thời gian cùng con mỗi ngày cha mẹ nhé! Đây là cách hữu hiệu để cha mẹ thấu hiểu tâm tư bé con nhà mình đấy.
Mỗi lần con chạy đến tìm cha mẹ để tâm sự là lúc mà con cảm thấy tin tưởng và coi cha mẹ là chỗ dựa tinh thần. Vì thế, nếu lúc đó cha mẹ có đang đọc báo hay đang xem TV thì hãy dừng lại vài phút và thực sự lắng nghe chia sẻ của con. Khi cha mẹ có mặt hỗ trợ với cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần và thân mật, con sẽ thấy được yêu thương hơn rất nhiều.
2. Thay đổi tư duy can thiệp của người lớn
Cha mẹ thường nghĩ những điều mình làm là tốt nhất. Vô hình chung lại can thiệp quá sâu vào quyết định của con. Cho dù còn nhỏ nhưng bé con nhà mình vẫn có suy nghĩ, quan điểm và mong muốn riêng. Đôi khi cha mẹ nên cho con khoảng trống. Để bé con được trải nghiệm, được quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đó chính là con đường để con trưởng thành và tự lập hơn trong tương lai.
Mỗi khi được mua cho món đồ chơi ưa thích, bé rất yêu quý, trân trọng và giữ gìn chúng. Đó là khi bé được đưa ra lựa chọn và có trách nhiệm với lựa chọn đó. Đơn giản như cách cha mẹ để con lựa chọn món quà con thích hay nơi con muốn đi chơi trong ngày mùng 1 tháng 6 vậy đó.
- Thường xuyên quan tâm đến con nhưng phải để con tự làm và trải nghiệm.
- Tạo điều kiện để con tự giải quyết vấn đề. Giúp đỡ con trong những trường hợp thật cần thiết.
- Giúp con định hướng, khơi dậy những sở thích, tiềm năng để con có thể phát triển toàn diện.
3. Để con học cách lên tiếng
Dạy con nói lên tiếng nói của mình là cách giúp con tự tin và cảm thấy an toàn. Trẻ sẽ học được cách trở nên mạnh dạn, bản lĩnh hơn khi biết cách thể hiện cảm xúc của mình.
Vậy cha mẹ nên dạy con cách “nói” như thế nào?
- Giúp con tìm và nói ra mong muốn của mình bằng cách đặt câu hỏi.
- Cho phép con nói lên những điều con không thích.
- Khuyến khích con hỏi về mọi thứ xung quanh mình.
- Hỗ trợ con làm những điều mà con muốn nếu điều đó là chính đáng.
Nhưng thực tế, không phải bất cứ trẻ nào cũng nói ra suy nghĩ của mình. Có nhiều trẻ đã “học cách im lặng”, chính vì cảm giác không được lắng nghe. Việc cha mẹ lắng nghe chính là cách để con thấy tiếng nói của mình có trọng lượng. Khi đó con mới sẵn sàng thể hiện ý kiến với những người xung quanh.
Chỉ bằng cách lắng nghe và thấu hiểu, cha mẹ có thể biến những ngày bình thường của con trở thành những ngày vui như Quốc tế Thiếu nhi. Cùng con tạo nên những kỉ niệm ý nghĩa của tuổi thơ trong gia đình, để ngày nào cũng là mùng 1 tháng 6 thật hạnh phúc, cha mẹ nhé!