Hiện nay, mẹ muốn sinh đôi khác trứng không phải chờ đợi may mắn như trước nữa. Có nhiều phương pháp giúp mẹ mang thai đôi khác trứng với tỷ lệ thành công cao lên tới 40%. Tìm hiểu cùng Góc của mẹ nhé!
Mục lục
1. Cơ chế hình thành sinh đôi khác trứng
Sinh đôi hay mang thai đôi là hiện tượng có 2 thai nhi cùng phát triển trong tử cung của mẹ trong một lần mang thai. Mẹ vẫn thường thấy 2 bé sinh đôi chào đời có ngoại hình giống nhau như 2 giọt nước. Đây là sinh đôi cùng trứng đó ạ.
Để hình thành bào thai sinh đôi cùng trứng, 1 trứng kết hợp với 1 tinh trùng tạo thành hợp tử, hợp tử này tiếp tục phân chia tạo thành 2 cơ thể riêng biệt. Vì cùng 1 trứng sinh ra nên 2 bé sẽ có ngoại hình và giới tính giống nhau.
Một trường hợp khác, 2 trứng được thụ tinh với 2 tinh trùng trong một lần rụng trứng. Khi đó tạo thành 2 phôi thai cùng phát triển trong tử cung của mẹ. Vì phát triển từ 2 trứng khác nhau nên 2 bé sinh đôi khác trứng có ngoại hình khác nhau. Có thể cùng hoặc khác giới tính.
Cũng có trường hợp, mẹ đang mang thai đơn ở tháng đầu tiên tiếp tục rụng trứng và có thêm 1 trứng được thụ tinh. Đây cũng là sinh đôi khác trứng. Trường hợp này còn có tên gọi khác là bội thụ tinh khác kỳ.
2. Dấu hiệu cho thấy mẹ bầu có sinh đôi khác trứng
Ngoài siêu âm, có một số dấu hiệu giúp mẹ nhận biết mẹ đang mang thai sinh đôi khác trứng như sau:
- Nếu mẹ đang từng mang thai trước đó, trong lần mang thai này mẹ sẽ thấy buồn nôn, nôn nghén nhiều hơn so với lần trước trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
- So với những người khác mang thai cùng giai đoạn, bụng mẹ bầu mang thai đôi khác trứng sẽ lớn hơn.
- Trong thai kỳ, mẹ đi tiểu nhiều hơn, xét nghiệm thấy nồng độ hCG cao hơn 30-50% so với mang thai đơn.
Để biết chính xác mẹ có đang mang thai đôi khác trứng hay không, mẹ hãy làm các xét nghiệm DNA. Nếu kết quả cho thấy DNA giống nhau 50% nghĩa là sinh đôi khác trứng.
3. 2 Phương pháp giúp mẹ muốn sinh đôi khác trứng
3.1. Tăng khả năng thụ thai đôi bằng các cách tự nhiên
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sinh đôi khác trứng liên quan đến vấn đề di truyền nhiều hơn so với sinh đôi cùng trứng. Nghĩa là nếu trong gia đình bên nội bên ngoại của mẹ có người sinh đôi thì khả năng mẹ mang thai khác trứng cao hơn so với gia đình chưa có tiền lệ.
Ngoài ra, mang thai khác trứng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như sau:
- Tuổi của mẹ: Khi mẹ ở độ tuổi từ 35 trở lên, các hormone FSH được tiết ra nhiều hơn, kích thích trứng rụng nhiều hơn. Từ đó, tăng khả năng có 2 trứng cùng được thụ tinh, tăng khả năng mang thai khác trứng.
- Mẹ có chỉ số BMI cao trên 30: BMI là chỉ số khối cơ thể tính bằng cân nặng (kg)/ bình phương chiều cao (m). Mẹ có chỉ số BMI trên 30 nghĩa là mẹ đang thừa cân, béo phì. Lượng chất béo dư thừa trong cơ thể có khả năng kích thích tăng tiết estrogen, kích thích rụng nhiều trứng hơn, tăng khả năng sinh đôi khác trứng.
- Mẹ mang thai nhiều lần: Nếu mẹ đang mang thai nhiều lần, từ 2 – 3 lần trước đó thì khả năng lần tiếp theo mẹ mang thai khác trứng cao hơn. Càng mang thai nhiều lần thì khả năng mang thai đôi khác trứng càng cao.
- Mẹ cho con bú: Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mẹ cho con bú mang thai đôi khác trứng lên đến 11,4% so với 1,1% của mẹ không cho con bú. Do vậy, nếu mẹ muốn sinh đôi khác trứng hãy cho con bú trong những lần sinh trước đó nhé!
- Mẹ uống nhiều sữa: Một nghiên cứu trên tạp chí Reproductive Medicine cho thấy, protein Insulin IGF kích thích rụng trứng, tăng khả năng mang thai đôi khác trứng.
3.2. Thụ tinh sinh đôi nhân tạo
3.2.1. Phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI)
Thụ tinh nhân tạo (IUI) là phương pháp sử dụng catheter (một ống thông rất nhỏ, mềm và có đầu tù) bơm tinh trùng (đã được lọc rửa từ trước, là những tinh trùng có sức khỏe tốt) đi qua cổ tử cung dẫn vào trong buồng tử cung. Thời gian thực hiện chỉ trong vài phút mà thôi. Tỷ lệ thành công mang thai đôi khác trứng từ 15 – 20%, tỷ lệ càng giảm khi mẹ càng lớn tuổi.
Bên cạnh những bố mẹ muốn sinh đôi khác trứng, một số trường hợp khác cũng được bác sĩ khuyên sử dụng phương pháp này để sinh con gồm có:
- Với bố: Chất lượng tinh trùng kém, tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng dị dạng, rối loạn xuất tinh, rối loạn cương dương, xuất tinh ngược, có kháng thể kháng tinh trùng…
- Với mẹ: kinh nguyệt không đều, vô sinh không rõ nguyên nhân, rụng trứng không đều, lạc nội mạc tử cung nhẹ và trung bình, có kháng thể kháng tinh trùng…
Lưu ý, một số điều kiện bắt buộc khi bố mẹ muốn thực hiện thụ tinh nhân tạo như sau:
- Mẹ có ít nhất 1 vòi trứng thông với buồng trứng còn hoạt động.
- Chất lượng tinh trùng của bố bất thường ở mức độ nhẹ và vừa (vấn đề này khi khám bác sĩ sẽ đánh giá cụ thể).
- Tinh trùng sau khi tiến hành lọc rửa phải còn tối thiểu 1 triệu tinh trùng di động/1 ml.
3.2.2. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp cho tinh trùng (sau khi được lọc rửa) và trứng (đặt trong đĩa môi trường) kết hợp với nhau trong môi trường phòng thí nghiệm và để ủ trong tủ, sau khi chúng tạo thành phôi thai sẽ được cấy vào trong tử cung của mẹ, ở đây phôi thai phát triển như thai nhi bình thường khác.
Thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện với những trường hợp như mẹ tắc 2 vòi trứng, mẹ đi xin trứng, mẹ lạc nội mạc tử cung, bố tinh trùng ít và yếu, bố xuất tinh muộn hoặc không xuất tinh, bố mẹ hiếm muộn… Tỷ lệ thành công của phương pháp này ở Việt Nam lên tới 35 – 40%.
Ngoài ra, mẹ có mang thai đôi được hay không còn phụ thuộc và đánh giá sức khỏe của mẹ từ bác sĩ trước khi tiến hành cấy phôi thai. Nếu mẹ có sức khỏe tốt, đủ khả năng mang thai đôi, các bác sĩ sẽ tiến hành cấy 2 phôi thai tạo thành sinh đôi khác trứng.
4. Chăm sóc mẹ mang thai đôi khác trứng?
4.1. Thường xuyên khám thai
Mẹ mang thai đôi vất vả hơn mang thai thường rất nhiều, sức khỏe theo đó bị ảnh hưởng lớn hơn. Chưa kể, khả năng xảy ra các biến chứng sinh non, bệnh bẩm sinh, tiền sản giật, tiểu đường sau sinh, trầm cảm sau sinh… cũng cao hơn mang thai đơn.
Vì vậy, mẹ cần đi khám thai thường xuyên, bắt đầu từ tháng thứ 3 thai kỳ, mẹ nên khám thai 4 – 6 tuần/ lần. Như vậy, các bác sĩ dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé, phát hiện sớm các bất thường và xử lý kịp thời.
4.2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Mẹ mang thai đôi khác trứng cần cung cấp gấp đôi dinh dưỡng cho thai nhi, đảm bảo cả 2 bé phát triển bình thường, khỏe mạnh. Ngoài số năng lượng tiêu chuẩn hàng ngày, mẹ nên ăn thêm 600kcal nữa để cung cấp đủ dưỡng chất cho con.
Một số loại thực phẩm nên ăn như các loại thịt, trứng, sữa… cung cấp protein giúp ngăn ngừa tiền sản giật, các loại trái cây và rau xanh cung cấp vitamin, đặc biệt là vitamin B9 (axit folic) cùng chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón thai kỳ và hỗ trợ phát triển hệ thần kinh cho con. Mẹ đừng quên bổ sung sắt nhé, giúp ngăn ngừa thiếu máu cho cả mẹ và bé. Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ và trái cây sấy khô.
4.3. Uống đủ nước
Nước rất cần thiết cho cả mẹ và bé, nó giúp tăng lượng nước ối quanh bào thai để bảo vệ bé tốt hơn, giúp mẹ đi tiểu nhiều hơn để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, tránh mất nước và ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Mẹ bầu sinh đôi khác trứng nên uống đủ 3 lít nước mỗi ngày, trong suốt thai kỳ. Mẹ có thể uống nước đun sôi để nguội, nước trái cây, sữa, các loại canh…
4.4. Duy trì và thực hiện các bài tập phù hợp
Thực hiện các bài tập phù hợp giúp mẹ bầu mang song thai phòng tránh các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường, trầm cảm… đồng thời cũng giúp mẹ bớt đau lưng, mệt mỏi trong khi mang thai. Một số bài tập phù hợp với mẹ bầu như đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga, bơi lội, đạp xe… Các bài tập này mẹ nên thực hiện 20 – 30 phút mỗi ngày.
Lưu ý: Mẹ chỉ nên duy trì chế độ tập luyện như trên khi sức khỏe ổn định, không có tiền sử bệnh tim. Tốt nhất, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập cũng như chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của mẹ mỗi lần khám định kỳ.
5. Lưu ý cho mẹ sinh đôi khác trứng
Khi mang thai đôi khác trứng, mẹ và gia đình nên chú ý một số điều sau đây:
- Theo dõi cân nặng: Bắt đầu từ tuần 26 thai kỳ, bé phát triển nhanh, trung bình 30g mỗi ngày, mẹ cần cung cấp lượng dinh dưỡng lớn để cung cấp đủ cho quá trình phát triển của bé. Đây là lý do vì sao mẹ tăng cân trong thai kỳ, với mẹ sinh đôi khác trứng, số cân nặng tăng thêm khi mang thai từ 16 – 20,5kg. Nếu mẹ tăng ít hơn 7kg hoặc tăng nhiều hơn 21kg là dấu hiệu bất thường, cần đến bệnh viện kiểm tra.
- Chuẩn bị đồ dùng cho bé: Mẹ mang song thai khác trứng nên siêu âm để biết giới tính thai nhi trước để chuẩn bị đúng đồ dùng phù hợp cho bé. Bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ tã giấy, quần áo, mũ tất, bình sữa… trước ngày dự sinh từ 1 – 2 tháng để tránh vội vàng khi ngày dự sinh gần kề.
- Phân chia việc chăm sóc 2 bé: Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc khó khăn, vất vả, có 2 bé càng vất vả hơn. Nếu để mẹ 1 mình chăm 2 bé sẽ quá sức, sức khỏe mẹ còn yếu sau sinh không phù hợp để làm việc này. Do vậy, cả bố và mẹ nên thương lượng kế hoạch chăm sóc bé từ trước, nên nhờ sự giúp đỡ của người thân 2 bên gia đình hoặc thuê hộ lý chuyên nghiệp.
Mẹ có thể đọc thêm:
Mẹ cần biết những gì về sinh đôi cùng trứng?
Đẻ sinh đôi và những thông tin thú vị có thể mẹ chưa biết
Mang song thai – 4 yếu tố và 2 phương pháp hiệu quả cho mẹ
9 cách để mang thai đôi dễ dàng cho mẹ thông thái
Cấy sinh đôi theo ý muốn và những lưu ý mẹ không nên bỏ qua
Như vậy, nếu muốn sinh đôi khác trứng mẹ có thể áp dụng cả phương pháp tự nhiên và phương pháp nhân tạo. Trong đó, tỷ lệ thành công phương pháp nhân tạo lên tới 40%. Ngoài ra, bố và mẹ đừng quên nắm rõ cách chăm sóc mẹ bầu mang song thai để sức khỏe của mẹ và bé luôn ổn định, bé con chào đời an toàn, khỏe mạnh nhé!
Nguồn tham khảo: Sinh đôi khác trứng là gì?