Mẹ bỉm mới sinh con đầu lòng chắc hẳn còn bỡ ngỡ, thấy cổ và cơ xương của sinh linh bé bỏng mới ra đời chưa cứng cáp, không biết nên bế con như thế nào để không ảnh hưởng đến sự phát triển và sự thoải mái của con. Thấu hiểu được băn khoăn đó, Góc của mẹ chia sẻ cách bế em bé mới sinh theo kinh nghiệm và tham vấn từ chuyên gia trong bài viết dưới đây. Tham khảo ngay mẹ nhé!
Mục lục
1. Nguyên tắc khi bế em bé mới sinh
Bé mới sinh được 0 – 4 tháng tuổi, xương cổ yếu ớt chưa thể đỡ được sức nặng của đầu, chiều dài đầu lại chiếm đến ¼ chiều dài toàn thân. Khi mẹ bế con trong tư thế thẳng đứng, toàn bộ trọng lượng của đầu sẽ dồn xuống xương sống dẫn đến nhiều hệ lụy như: chùn xương sống, cong vẹo cột sống. Tốt nhất mẹ nên bế bé theo tư thế nằm nằm ngang, tay luôn đỡ đầu, đỡ cổ bé và thao tác thật nhẹ nhàng.
Nếu cần bế vác sau khi bé ti để vỗ ợ hơi, mẹ chú ý để cơ thể con áp sát ngực mẹ, hạn chế áp lực lên cột sống, tay đỡ gáy và đầu, để cổ bé ngả tự nhiên ra sau vai mẹ. Nếu sau khoảng 5 phút bé vẫn chưa ợ được, mẹ nên bế nằm để cơ thể con được nghỉ ngơi, sau đó mới tiếp tục thực hiện.
2. Cách bế em bé mới sinh đúng chuẩn
2.1. Cách bế em bé mới sinh lên
2.1.1. Bế em bé mới sinh lên từ tư thế nằm ngửa
Nằm ngửa là tư thế quen thuộc với bé sơ sinh, kể cả khi nằm ngủ, thay tã, hay mặc quần áo. Trước khi bế bé lên, mẹ nên cúi sát xuống, dịu dàng cười và nói cho con yêu rằng: “Mẹ thay tã cho con nhé!”, “Mẹ bế con lên nhé!”… hoặc những câu tương tự để thông báo cho các cô cậu nhóc rằng sắp được thay đổi tư thế, tránh tình trạng con bị giật mình. 4 bước thực hiện cho mẹ đây ạ!
- Bước 1: Mẹ cúi sát người về phía con, một tay đỡ gáy và mông, một tay đỡ đầu và cổ bé. Mẹ cũng có thể luồn tay từ bên hông hay từ giữa hai chân bé.
- Bước 2: Nhẹ nhàng dùng hai tay nâng bé lên, đỡ lấy toàn bộ trọng lượng của cơ thể bé vào hai bàn tay, bảo đảm đầu của bé được giữ vững. Mẹ nhớ tươi cười và nhìn vào mắt con để con không cảm thấy sợ hãi nhé.
- Bước 3: Bế bé lên ngang tầm ngực, áp sát vào lòng mẹ và xoay cho bé nằm ngang. Lưu ý giữ đầu bé hơi cao so với thân mình, giúp con dễ dàng quan sát mẹ hơn và không bị dồn máu lên não.
- Bước 4: Cuối cùng, chỉ cần ôm bé vào sát ngực bằng cách đặt đầu bé lên chỗ gấp của khuỷu tay, bàn tay ôm lấy phần hông ngoài của bé.
2.2.2. Bế em bé mới sinh lên từ tư thế nằm sấp
Ngoài nằm ngửa, nhiều mẹ bỉm đôi khi dạy bé nằm sấp để giúp xương khớp của con phát triển. Khi bế bé lên từ tư thế nằm sấp, mẹ thực hiện theo 3 bước sau:
- Bước 1: Nhẹ nhàng trò chuyện để thông báo cho bé.
- Bước 2: Mẹ luồn một tay từ giữa hai chân lên, bàn tay đỡ lấy ngực bé, cánh tay đặt lên chính giữa bụng bé. Tay còn lại mẹ luồn từ lưng lên, đặt bàn tay dưới má, giữ vững đầu và cổ bé.
- Bước 3: Từ từ nâng con lên, xoay bé lại bằng cách đặt bàn tay giữa hai chân xuống dưới mông bé. Hạ thấp cánh tay còn lại để đầu bé tựa vào vị trí gập ở khuỷu tay và cẳng tay của mẹ.
Lưu ý cho mẹ: Mẹ không nên nâng đầu bé ngửa ra phía sau nhiều hơn so với cơ thể hay để tay đè mạnh vào cổ bé, tránh làm bé khó thở.
2.2. Cách đặt em bé mới sinh xuống
Tương tự như khi bế bé lên, khi đặt bé xuống mẹ cũng nên thực hiện nhẹ nhàng, kết hợp giữ đầu và cổ bé, tránh con bị nghẹo cổ, giật mình. Mẹ tham khảo 4 bước sau:
- Bước 1: Đặt phần chân, rồi đến mông bé xuống trước.
- Bước 2: Rút tay đỡ mông ra, đưa lên đỡ đầu và cổ bé. Sau đó rút dần cánh tay đỡ đầu cổ ban đầu ra.
- Bước 3: Dùng hai bàn tay cùng đỡ đầu và cổ bé, nhẹ nhàng đặt đầu và cổ bé xuống.
- Bước 4: Chỉnh tư thế cho bé nằm ngay ngắn, đầu cổ và thân mình thẳng hàng tránh gây vẹo cổ, cong cột sống.
3. Lưu ý khi bế em bé mới sinh
1 – Ngoài việc bế bé đúng cách, mẹ nên vệ sinh tay sạch sẽ, tháo bỏ các trang sức trên tay, tránh làm trầy xước, hạn chế tổn thương da bé. Sau khi rửa tay, mẹ lau tay sạch sẽ bằng khăn vải khô đa năng để khử sạch vi khuẩn còn sót lại, nhanh chóng thấm hút hết nước thừa, cực tiện lợi và đảm bảo an toàn cho bé yêu.
2 – Trong giai đoạn 1 tháng đầu, phần cổ của bé rất yếu, chưa thể ngóc dậy, mẹ luôn đỡ cổ và đầu khi bế bé lên và đặt bé xuống mẹ nhé!
3 – Mẹ nên bế, đặt bé xuống nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh thực hiện quá vội vàng, hay siết chặt cơ thể khiến con sợ hãi, đau đớn.
4 – Khuyến khích mẹ tâm sự, trò chuyện, thông báo với con trước để trấn an tinh thần, giúp bé xao nhãng phần nào, mẹ bế bé cũng dễ dàng hơn. Trong trường hợp bé khóc, mẹ nên bình tĩnh, không bế con nhanh, vội, để sự dịu dàng, bình thản của mẹ khiến bé cảm thấy an toàn và nín khóc.
Mẹ bỉm lần đầu lên chức đã tự tin hơn và tự tin rằng mình biết cách bế em bé mới sinh chưa ạ? Sự yêu thương, vỗ về, bồng bế là hành động thể hiện tình yêu, gắn kết sợi dây tình cảm giữa bé và mẹ. Vì thế, mẹ đừng lo lắng và tích cực bế ẵm con yêu nhiều lần hơn nhé! Nếu còn điều gì thắc mắc, mẹ hãy để lại bình luận để được giải đáp nhanh nhất!