Vào những ngày hè oi bức, ánh sáng mặt trời gay gắt và chứa nhiều tia cực tím hơn nhiều so với mùa đông. Do đó việc tắm nắng cho bé cần được mẹ thực hiện thật cẩn trọng, giúp bé hấp thu đầy đủ dưỡng chất để xương chắc khoẻ, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làn da. Vậy cách tắm nắng cho trẻ vào mùa hè đúng chuẩn như thế nào mẹ nhỉ? Câu trả lời có ngay trong bài viết dưới đây!
Mục lục
1. Tắm nắng cho trẻ vào mùa hè giờ nào tốt nhất?
Dưới đây là các khung giờ lý tưởng mà chuyên gia khuyến cáo nên cho bé tắm nắng vào mùa hè, mẹ lưu lại nhé:
- 6 giờ – 7 giờ sáng: Trong khung giờ này, nắng ban mai chan hòa, dịu nhẹ, chứa ít tia hồng ngoại và tia cực tím, phù hợp với làn da non nớt của bé. Tắm nắng vào sáng sớm giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé diễn ra thuận lợi mà không dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như cháy da, ung thư da.
- 5 giờ – 5 giờ 30 phút chiều: Đây là thời điểm ánh nắng đã yếu và dịu đi nhiều lần so với trước đó. Mẹ cho bé tắm nắng trong khung giờ này hỗ trợ cơ thể tổng hợp nhiều vitamin D, tăng cường hấp thụ canxi và phốt pho giúp xương và răng của bé luôn chắc khỏe.
Mách mẹ mẹo nhỏ: Mẹ không nên cho bé tắm nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng – 16 giờ chiều mùa hè nhé. Đây là thời điểm nhiệt độ thường rất cao, dao động trong khoảng 38 – 40 độ C, ánh nắng chứa nhiều tia cực tím với cường độ mạnh tác động xấu đến làn da non yếu của bé, khiến bé bị bỏng da hoặc viêm da…, hệ miễn dịch tự nhiên của bé cũng trở nên yếu ớt hơn rất nhiều.
2. Thời gian tắm nắng cho trẻ vào mùa hè bao lâu là đủ?
Tắm nắng mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bé như: tăng cường trao đổi chất, ngăn ngừa tình trạng vàng da, cải thiện khả năng đông máu, thúc đẩy quá trình hấp thu canxi giúp xương và răng chắc khỏe… Tuy nhiên, mẹ nên cho bé tắm nắng đúng cách, đủ thời gian mới đem lại hiệu quả tốt nhất:
- Cho bé tắm nắng 15 – 20 phút mỗi lần: Trong những ngày đầu tiên, thời gian tắm nắng cho bé chỉ nên kéo dài khoảng 5 phút và tăng dần vào những ngày tiếp theo. Khi bé đã quen, mẹ duy trì cho bé tắm nắng 15 – 20 phút mỗi ngày để bé hấp thu trọn vitamin D giúp xương chắc khỏe, cao lớn vượt trội.
- Thời gian tắm nắng cho bé không được vượt quá 20 phút mỗi lần: Tắm nắng quá lâu trên 20 – 25 phút, bé có thể bị say nắng với các dấu hiệu như: da ửng đỏ, ra nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, mệt mỏi… Nếu gặp tình huống này, mẹ nhanh chóng đưa bé vào nhà hoặc chỗ râm mát, lấy khăn bông mềm ẩm lau qua người bé và cho bé uống chút nước lọc. Ngoài ra, tắm nắng quá lâu cũng khiến bé khó chịu, quấy khóc nhiều hơn đó ạ!
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Ngay sau khi sinh được 7 – 10 ngày tuổi, mẹ có thể cho bé tắm nắng trong vòng vài phút và tăng dần thời gian qua mỗi lần (tối đa 15 – 20 phút) khi bé được 3 tháng tuổi trở lên. Sau mỗi đợt tắm nắng kéo dài 15 ngày, mẹ cho bé nghỉ 10 – 20 ngày rồi lặp lại quy trình như trước đó.
3. Cách tắm nắng cho bé vào mùa hè với 4 bước đơn giản
Dưới đây là 4 bước cơ bản trong quy trình tắm nắng cho bé vào mùa hè, mẹ tham khảo để đạt hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé yêu nhé:
3.1. Chuẩn bị
Việc chuẩn bị trang phục và lựa chọn địa điểm phù hợp để bé tắm nắng là bước đầu tiên vô cùng quan trọng:
- Trang phục của bé: Mẹ đội mũ rộng vành bảo vệ đầu bé, hạn chế tình trạng say nắng. Bên cạnh đó, nên cho bé mặc những bộ quần áo thoải mái, thoáng mát được làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi tốt như: vải cotton, vải than tre… tránh mồ hôi thấm ngược trở lại cơ thể khiến bé bị ốm, cảm lạnh. Mẹ có thể sử dụng mắt kính hoặc mặt nạ che mắt, hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt bé làm ảnh hưởng xấu đến thị lực của con.
- Chọn địa điểm phù hợp: Địa điểm thích hợp nhất cho bé tắm nắng là những nơi khuất gió vì bé có thể bị cảm lạnh hoặc mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm phổi… Mẹ giữ không gian yên tĩnh để bé cảm thấy thoải mái, không lo sợ, quấy khóc. Ngoài ra, mẹ chọn vị trí trong lành, ít bụi bẩn nhằm hạn chế các tác nhân ảnh hưởng xấu đến làn da và sức khỏe của bé. Ví dụ, một chiếc ban công thoáng mát hoặc công viên trong xanh là lựa chọn lý tưởng đó ạ.
3.2. Tắm nắng lần lượt từng bộ phận cho bé
Sau giai đoạn chuẩn bị, mẹ bắt đầu cho bé tắm nắng ở từng vị trí khác nhau, không giữ nguyên một tư thế để mỗi vùng da đều được hấp thu đủ lượng vitamin D cần thiết trong ngày. Mẹ thực hiện theo trình tự lần lượt dưới đây nhé:
- Tắm nắng phần bàn chân, cổ chân: Đầu tiên, mẹ che mặt và mắt bé, cho bé mặc quần áo hở bàn chân, cổ chân và tắm nắng khoảng 5 phút để bé quen dần với nhiệt độ cũng như ánh sáng mặt trời.
- Tắm nắng phần đùi, bụng: Tiếp đến, mẹ kéo dần quần áo bé lên lộ phần đùi và bụng, để bé nằm ngửa và tắm nắng khoảng 5 phút.
- Tắm nắng vùng lưng: Mẹ kéo áo bé lên sát cổ, lộ vùng lưng. Sau đó, mẹ cho bé xoay người nằm sấp tắm nắng khoảng 5 phút để vùng da này hấp thu vitamin D hiệu quả.
- Tắm nắng phần cổ: Mẹ kéo áo bé lên sát cổ, tắm nắng mặt trước khoảng 2 – 3 phút, mặt sau khoảng 2 – 3 phút.
3.3. Lau mồ hôi sau khi tắm cho bé
Sau khi tắm nắng vào mùa hè, cơ thể bé thường tiết nhiều mồ hôi. Nếu để quá lâu, mồ hôi sẽ thấm ngược trở lại khiến bé cảm lạnh. Do đó, mẹ lau người cho bé cẩn thận ngay sau khi tắm nắng.
Mẹo nhỏ cho mẹ: Khi đổ mồ hôi, da bé ẩm ướt và rất nhạy cảm, nếu mẹ lau cho bé bằng khăn vải xô thông thường có thể gây kích ứng da bé, bởi chúng chứa nhiều vi khuẩn sau nhiều lần giặt đi giặt lại. Vì vậy, để an toàn và tiện lợi nhất, mẹ nên sử dụng khăn khô đa năng chuyên dụng, lành tính giúp lau khô và bảo vệ làn da mỏng manh, non nớt của bé, mẹ nhé!
3.4. Cho bé bú sữa mẹ ngay sau khi tắm nắng
Sau khi tắm nắng cho trẻ vào mùa hè, bé đổ nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước. Vì vậy, mẹ nhanh chóng cho bé bú sữa để bù lại lượng nước và điện giải đã mất, tránh bé bị mệt mỏi nhé!
4. Lưu ý khi tắm nắng cho trẻ vào mùa hè để bảo vệ bé yêu
Trong quá trình cho bé tắm nắng vào mùa hè, để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con, mẹ ghi nhớ một số lưu ý quan trọng dưới đây:
- Tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt bé: Ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt bé có thể gây bỏng mắt, ảnh hưởng xấu đến mi mắt, giác mạc, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng. Do đó, mẹ nên đội mũ có vành hoặc đeo kính mắt, bịt mắt cho bé để bảo vệ đôi mắt non nớt của bé yêu
- Không nên cởi hết quần áo khi cho bé tắm nắng: Bé mặc quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt với chất liệu mềm mại như: vải cotton, vải than tre… để hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn và những tác động có hại từ tia cực tím ảnh hưởng trực tiếp lên làn da mỏng manh. Vùng da quan trọng cần che chắn là phần đầu, mặt và bộ phận sinh dục của bé mẹ đừng quên nhé!
- Không nên cho bé tắm nắng vào những ngày thời tiết quá oi bức: Thời tiết mùa hè vô cùng gay gắt, có những ngày nhiệt độ lên đến 39 – 40 độ C với ánh nắng chói chang cùng vô vàn tia cực tím cường độ mạnh ảnh hưởng xấu đến làn da mỏng manh của bé. Vào những ngày này, mẹ có thể mở cửa sổ và cho bé đón ánh nắng trong nhà, vừa giúp làn da hấp thụ đủ vitamin D vừa hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nắng “độc”.
5. Giải đáp thắc mắc của mẹ khi tắm nắng cho trẻ vào mùa hè
5.1. Có nên bôi kem chống nắng cho bé khi tắm nắng vào mùa hè không?
Câu trả lời là không mẹ nhé! Trên thực tế, tia UVB là loại tia duy nhất trong ánh nắng mặt trời có khả năng kích thích cơ thể sản sinh vitamin D. Tuy nhiên, tia UVB bị hấp thụ hoặc phản xạ bởi kem chống nắng. Vì vậy, nếu bôi kem chống nắng cho bé, hiệu quả tắm nắng giảm đi đáng kể.
Nếu mẹ vẫn lo lắng về những tác hại của ánh nắng mặt trời, mẹ cho bé mặc quần áo mỏng, đội mũ vành và đeo kính mắt hoặc bịt mắt. Quan trọng nhất, mẹ nên nắm chắc thời điểm tắm nắng vào 6 giờ – 7 giờ sáng hoặc 5 giờ – 5 giờ 30 phút chiều, lúc này ánh sáng dịu nhẹ, cường độ tia cực tím vừa phải không gây hại cho làn da mỏng manh của bé đâu ạ, mẹ yên tâm nhé!
5.2. Có nên cho bé tắm nắng qua cửa kính vào ngày hè nắng gắt không?
Mẹ không nên cho bé tắm nắng qua cửa kính bởi cửa kính cản trở các tia UVB, làm gián đoạn quá trình tổng hợp vitamin D trong cơ thể bé. Hơn nữa, cửa kính hấp phụ nhiệt độ làm bé cảm thấy nóng nực hơn tắm nắng trực tiếp. Nếu mẹ đang lo lắng ánh sáng mặt trời ảnh hưởng xấu đến da con hoặc không gian bên ngoài không đủ yên tĩnh, sạch sẽ, mẹ có thể cho bé đón ánh nắng bên cửa sổ khi đã mở cửa kính theo trình tự tương tự phần 3 phía trên nhé!
Mong rằng những chia sẻ về cách tắm nắng cho trẻ vào mùa hè trong bài viết trên đây sẽ giúp mẹ bỏ túi được nhiều kiến thức hay về cách chăm sóc bé cũng như giúp bé yêu khôn lớn, trưởng thành khỏe mạnh. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào, mẹ đừng ngần ngại để lại bình luận ở phía dưới để được hỗ trợ ngay mẹ nhé!