Mẹ muốn bổ sung kẽm để bé yêu cao lớn và phát triển toàn diện. Nhưng giữa vô vàn thực phẩm giàu kẽm cho bé, mẹ nên chọn loại nào dễ chế biến, giàu dinh dưỡng cho bé? Đừng lo lắng mẹ nhé bởi đáp án sẽ được hé lộ ngay đây. Cùng góc của mẹ vén bức màn dinh dưỡng sau mỗi thực phẩm để giúp mẹ lựa chọn thực phẩm chứa kẽm cho bé nhé.
Mục lục
1. 9 loại thực phẩm giàu kẽm cho bé
Kẽm là một nguyên tố quan trọng, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá, duy trì hệ miễn dịch, chữa lành và tăng sinh phát triển mô,… Tuy nhiên cơ thể không thể dự trữ kẽm hay tái hấp thu kẽm, chính vì vậy, để bé phát triển lớn khôn, cần bổ sung đầy đủ lượng kẽm mỗi ngày. Cùng tìm hiểu 9 loại thực phẩm giàu kẽm sau đây nhé!
1.1. Hải sản như Hàu, Cua và tôm hùm
Hải sản là món ăn quen thuộc với mọi gia đình. Động vật có vỏ như hàu, cua, sò, hến, cá mòi, cá bơn, cá hồi,… ngoài mùi vị thơm ngon, béo ngậy còn giàu protein và là nguồn sắt và kẽm phong phú.
1 – Lượng kẽm trong hải sản: Hải sản là loại thực phẩm mà mẹ nên cho bé thử bởi nguồn dưỡng chất dồi dào, chứa nhiều kẽm lại ít calo: mỗi con hàu trung bình có thể chứa tới 5,3mg kẽm, 100g cua Alaska chứa 7,6mg kẽm, ngoài ra các động vật có vỏ nhỏ khác như tôm, trai, hến cũng là nguồn bổ sung kẽm tốt cho bé.
2 – Nên cho bé ăn tối đa bao nhiêu gram hải sản/ngày? Bé đã có thể ăn hải sản từ tháng thứ 7 tuy nhiên lượng protein quá cao khiến cơ thể khó hấp thu, dễ gây dị ứng. Vì vậy, lượng hải sản cho bé ăn cần được tính toán hợp lý, thông thường:
- Bé 7 tháng – 4 tuổi: Mỗi ngày ăn khoảng 30 – 40g hải sản, có thể chia thành nhiều bữa.
- Bé trên 4 tuổi: Thời gian này bé đã có thể ăn 100 – 120g hải sản/ngày.
1.2. Các loại đậu
Sẽ là một thiếu sót lớn khi quên các loại đậu bởi trong đậu chứa nhiều chất xơ, kẽm và sắt cực tốt cho bé sơ sinh. Đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen,… bổ sung lượng kẽm cần thiết cho bé mỗi ngày, hứa hẹn sẽ tạo ra bữa ăn đầy màu sắc lại tốt cho sức khỏe.
1 – Lượng kẽm trong các loại đậu: Các loại đậu như đậu lăng, đậu xanh, đậu đỏ,… đều mang trong mình một lượng kẽm đáng kể. Thông thường, các loại đậu chứa khoảng 0,3mg kẽm/100g. Tuy lượng kẽm không nhiều bằng hải sản nhưng với nguồn chất xơ, protein dồi dào, đậu là một sự lựa chọn hoàn hảo cho món súp, món hầm rau củ cho bé đó nhé.
2 – Nên cho bé ăn tối đa bao nhiêu gram đậu/ngày: Dù đậu giàu năng lượng, giàu dưỡng chất nhưng mẹ cũng không nên cho bé ăn quá nhiều đậu trong ngày bởi hệ tiêu hoá của các bé còn non nớt, bổ sung lượng đậu lớn có thể khiến bé khó tiêu, đầy bụng, khó chịu. Vì vậy, mẹ chỉ nên bổ sung đậu vào thực đơn ăn dặm của bé 2 – 3 lần/tuần và khoảng 40 – 50g đậu cho mỗi bữa.
1.3. Thịt đỏ và gia cầm
Sở hữu mùi vị thơm ngon, ngậy béo đánh thức mọi giác quan, thịt hẳn là thực phẩm thường được mẹ lựa chọn cho bé yêu đây mà. Tuy nhiên, mẹ có biết thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn,…) và thịt gia cầm (thịt gà, thịt chim,…) là những thực phẩm cực kỳ giàu kẽm không?
1 – Lượng kẽm trong thịt đỏ và thịt gia cầm: Thịt gà, thịt bò, thịt lợn,… là những loại thịt thông dụng, dễ kiếm, cực kỳ bổ dưỡng lại vô cùng giàu kẽm. Theo những nghiên cứu về hàm lượng dinh dưỡng, trong 100g thịt, thịt bò chứa 4.8mg kẽm, thịt lợn nấu chín cung cấp 5mg kẽm và thịt gà có 3mg kẽm. Những con số đã giúp khẳng định lượng kẽm có trong thịt đỏ, thịt gia cầm -một lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn dặm của bé.
2 – Nên cho bé ăn tối đa bao nhiêu gram thịt/ngày? Tuy thịt là dinh dưỡng thiết yếu bổ trợ cho sự phát triển của bé nhưng cần bổ sung sao cho đủ để tạo ra cân bằng dưỡng chất. Thiếu đạm khiến bé thiếu dinh dưỡng, chậm lớn còn thừa đạm lại là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, béo phì, cao huyết áp đó mẹ. VÌ vậy, mẹ tính toán lượng thịt mỗi ngày cho bé theo “công thức” dưới đây nhé:
- Bé 6 – 9 tháng tuổi: 30g thịt/ngày.
- Bé 10 – 12 tháng tuổi: 50g thịt/ngày.
- Bé trên 1 tuổi: 75g thịt/ngày.
1.4. Các loại hạt
Các loại hạt là sản phẩm tuyệt vời của mẹ thiên nhiên bởi chứa rất nhiều khoáng chất thiết yếu, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt các loại hạt (hạt bí, hạt điều, đậu phộng, hạt chia,…) sẽ giúp mẹ bổ sung lượng kẽm cần thiết cho bé yêu để bé vừa có chế độ ăn uống lành mạnh lại vừa khoẻ mạnh phát triển tốt.
1 – Lượng kẽm trong các loại hạt: Mỗi loại hạt đều chứa hàm lượng kẽm khác nhau tuy nhiên các loại hạt sẽ không khiến mẹ phải thất vọng đâu bởi hàm lượng khoáng chất này trong hạt đều khá cao: 28g hạt bí có thể chứa 2mg kẽm, 5.6mg kẽm/100g hạt điều, 1.9mg kẽm/100g đậu phộng,… Chính vì vậy, hạt là một sự lựa chọn vô cùng hoàn hảo vừa giúp bữa ăn của bé trở nên đặc biệt, vừa giúp mẹ bổ sung kẽm cần thiết cho con.
2 – Nên cho bé ăn tối đa bao nhiêu gram hạt/ngày? Các loại hạt ngoài cung cấp kẽm cho bé còn bổ sung chất béo, khoáng chất, vitamin và omega 3 cần cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, không phải ăn nhiều là tốt đâu mẹ, mẹ cần khéo léo sử dụng lượng hạt hợp lý tránh gây tình trạng khó tiêu, đầy bụng. Thông thường, chỉ nên cung cấp 7 – 10g hạt/ngày là vừa đủ cho sự phát triển của bé.
1.5. Rau củ quả giàu kẽm
Mẹ có biết rằng một số loại rau củ quả như khoai tây, cải bó xôi, nấm, bông cải xanh,… cũng chứa kẽm cũng như nhiều khoáng chất và vitamin? Đúng như vậy, các loại rau củ quả là nguồn thực phẩm tuyệt vời không chứa quá nhiều calo, lại là nguồn cung cấp kẽm phù hợp cho bữa ăn dặm đấy.
1 – Lượng kẽm trong rau củ quả: Nhìn chung, trái cây và rau củ thực tế không chứa quá nhiều kẽm tuy nhiên vẫn có thể tìm thấy lượng kẽm tối thiểu phù hợp với nhu cầu hằng ngày. Lượng kẽm trong một số rau củ quả như sau: trong 150g khoai tây chứa 1mg kẽm, 125g nấm hay bông cải có chứa 0.4mg kẽm,…
2 – Nên cho bé ăn bao nhiêu gram rau củ quả/ngày? Cơ thể bé đang phát triển, yêu cầu một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Rau củ quả chứa nhiều chất xơ, khoáng chất, vitamin đặc biệt là nguyên tố kẽm sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của bé. Bé sơ sinh hoàn toàn có thể ăn khoảng 3 lạng rau củ/ngày, vì vậy mẹ điều chỉnh phù hợp nguồn rau xanh mỗi bữa ăn dặm cho con nhé.
1.6. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt chính là nhân tố thứ 6 trong danh sách thực phẩm bổ sung kẽm cho bé. Bởi các loại ngũ cốc nguyên hạt như: lúa mì, gạo, yến mạch, quinoa,… đều có thành phần chứa kẽm. Ngoài ra chúng còn cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết như chất xơ, vitamin, khoáng chất (kẽm, magie, sắt, photpho,…) đem lại lợi ích cho sức khỏe, giảm nguy cơ béo phì, tim mạch và tiểu đường.
1 – Lượng kẽm trong ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc là thực phẩm có nguồn dưỡng chất dồi dào và mang trong mình lượng kẽm phù hợp cho bé: cơ thể có thể dung nạp 6.2mg kẽm/150g yến mạch và 2.65mg kẽm/100g lúa mì, 3.1mg kẽm/100g quinola,… trong 1 ngày. Mẹ còn chần chừ gì mà không cho bé thử ngay những loại ngũ cốc nguyên hạt bổ dưỡng này nhỉ.
2 – Nên cho bé ăn bao nhiêu gram ngũ cốc nguyên hạt? Bé sơ sinh nên được bổ sung 15 – 20g hạt/ngày. Mẹ nên kết hợp nhiều loại ngũ cốc để đổi bữa vừa giúp bé làm quen với nguồn thực phẩm phong phú vừa cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
1.7. Sữa và sản phẩm từ bơ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa không chỉ thơm ngon mà vô cùng bổ dưỡng bởi đây chính là nguồn cung cấp kẽm cũng như canxi lớn, tốt cho sự phát triển xương khớp và thần kinh của bé. Chính vì vậy, sữa là lựa chọn hoàn hảo để bổ sung kẽm cho bé yêu đó mẹ.
1 – Lượng kẽm trong sữa và sản phẩm từ bơ sữa: Lượng kẽm thường chiếm phần trăm cao trong sữa và sản phẩm từ sữa. Mẹ dễ dàng tìm thấy 1mg kẽm/100ml sữa công thức, 3mg kẽm/100g phomai cho bé,…
2 – Nên cho bé ăn bao nhiêu sữa và sản phẩm bơ sữa/ngày? Chuyên gia khuyến cáo lượng bơ sữa phù hợp cho bé đây ạ!
- Bé 1 – 2 tuổi: Mỗi ngày mẹ nên bổ sung 450 – 750ml sữa công thức cho bé.
- Bé trên 2 tuổi: Mỗi ngày giúp bé bổ sung 450 – 600ml sữa tươi.
- Bé 3 – 5 tuổi: Cung cấp 500 – 700ml sữa tươi cho bé.
1.8. Chocolate đen
Chocolate đen không chỉ là thực phẩm yêu thích của các bé mà còn là một người bạn giúp bổ sung lượng kẽm phù hợp và cần thiết cho cơ thể.
1 – Lượng kẽm trong Chocolate đen: Thật đáng ngạc nhiên bởi trong Chocolate đen có chứa lượng kẽm hợp lý. Một thanh socola 100g có thể chứa tới 3.3g kẽm, cung cấp 30% lượng kẽm cơ thể yêu cầu mỗi ngày.
2 – Nên cho bé ăn bao nhiêu gram Chocolate đen/ngày? Mặc dù chocolate ngon tuyệt lại giàu dưỡng chất nhưng cần hạn chế lượng chocolate khi cho bé sử dụng, tối đa 28g/ngày (khoảng 1 thanh nhỏ) do hàm lượng calo quá cao cùng lượng cafein trong thực phẩm không tốt cho bé.
Lưu ý: Theo chuyên gia, chocolate đen chỉ phù hợp với bé từ 36 tháng tuổi vì trước đó, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ để xử lý món ăn này.
1.9. Trứng gà
Trứng gà là thực phẩm vô cùng quen thuộc với mọi gia đình. Và cũng chính quả trứng nhỏ bé ấy sẽ giúp bé bổ sung lượng kẽm cần thiết đấy mẹ.
1 – Lượng kẽm trong trứng gà: Trứng gà có giá trị dinh dưỡng khá cao, đặc biệt là lòng đỏ trứng. 100g lòng đỏ trứng có thể chứa tới 3.7mg kẽm còn trong 1 quả trứng gà sẽ chứa 0.9mg kẽm.
2 – Nên cho bé ăn bao nhiêu gram trứng gà/ngày? Trứng gà là nguồn thực phẩm cực kỳ tốt cho bé tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng quá cao có thể làm bé đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá. Đặc biệt, protein trong lòng trắng trứng có thể gây dị ứng cho bé sơ sinh.
- Bé 6 – 7 tháng tuổi: Chỉ nên ăn nửa lòng đỏ trứng gà/bữa vào 2 – 3 lần/tuần.
- Bé 8 – 12 tháng: Ăn 1 lòng đỏ/bữa vào 3 – 4 bữa/tuần.
- Bé 1 – 2 tuổi: Bé có thể ăn 3 – 4 quả trứng/tuần.
- Bé trên 2 tuổi: Có thể cho bé ăn 1 quả/ngày.
2. Cách bổ sung kẽm khoa học, được chuyên gia khuyên dùng
Theo như khuyến cáo của Viện khoa học và thực phẩm dinh dưỡng Hoa Kỳ, hàm lượng kẽm bé cần ở từng thời kỳ như sau:
- Bé 7 tháng – 1 tuổi: 5mg kẽm/ngày.
- Bé 1 – 3 tuổi: 7 mg kẽm/ngày.
- Bé 4 – 8 tuổi: 10mg kẽm/ngày.
Kẽm là một nguyên tố quan trọng với cơ thể tuy nhiên hấp thụ quá lượng kẽm cần thiết là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau do co thắt bụng. Tiêu thụ kẽm quá liều trong thời gian dài sẽ dẫn tới ngộ độc kẽm lâu dài. Vì vậy, mẹ chú ý bổ sung kẽm theo độ tuổi để bé vừa đủ chất vừa phát triển khoẻ mạnh nhé.
3. Gợi ý 3 món ăn giàu kẽm ngon tuyệt cú mèo cho bé ăn dặm
Với các bé trên 1 tuổi, mẹ dễ dàng chọn món ăn hơn cho con vì con đã biết ăn những món của người lớn. Thế nhưng nếu bé trong độ tuổi ăn dặm thì sao? Góc của mẹ sẽ gợi ý 3 món ăn giàu kẽm ngon tuyệt cú mèo cho bé nhà mình ngay đây.
3.1. Cháo hàu khoai môn
Hàu là thực phẩm ít calo lại vô cùng giàu dưỡng chất (kẽm, sắt, magie, canxi, vitamin, omega 3,…). Sự kết hợp giữa vị béo ngậy, đậm đà của hàu và vị thanh mát của khoai lang tạo nên món cháo hàu khoai môn thơm ngậy, bổ dưỡng chắc chắn sẽ làm bé thích thú lắm đấy. Mẹ còn chần chừ gì mà không vào bếp trổ tài làm món cháo ngon tuyệt này cho bé đổi bữa.
Nguyên liệu cần cho món ăn: 50g thịt hàu sữa đã sơ chế (3 – 4 con), 60g gạo (khoảng 3 thìa canh gạo), 80g khoai môn (khoảng 1 củ khoai môn nhỏ).
Bắt tay vào làm nào mẹ ơi!
- Bước 1: Mẹ vo sạch gạo, cho gạo cùng 300ml nước sạch vào nồi cơm/nồi áp suất ninh nhừ đến khi hạt gạo nở bung hết trong khoảng 1 – 2 giờ.
- Bước 2: Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành các miếng nhỏ rồi cho vào nồi hấp cách thuỷ trong 30 phút, sau đó nghiền thật mịn.
- Bước 3: Hàu sau khi đã sơ chế sạch, mẹ đem xào chín cùng hành đã phi thơm 5 – 7 phút ở lửa vừa. Sau đó, mẹ băm nhuyễn/xay nhỏ hàu để tránh khiến bé yêu bị hóc.
- Bước 4: Khi cháo đã nhừ, mẹ cho hỗn hợp khoai môn nghiền mịn và thịt hàu đã sơ chế vào nồi cháo khuấy đều, đậy nắp nấu tiếp trong 10 phút.
- Bước 5: Mẹ tắt bếp, thêm 5ml dầu oliu, đảo đều và múc ra bát là đã hoàn thành món cháo hàu thơm ngon cho bé rồi.
Với vị béo ngậy thơm ngon, hàu có thể kết hợp cùng nhiều thực phẩm để tạo ra những món cháo thơm ngon lại bổ dưỡng! Bài viết “Cháo hàu cho bé” sẽ bật mí tất tần tật những sự kết hợp ăn ý và giúp mẹ bỏ túi những bí quyết nấu ăn tuyệt vời, mẹ tham khảo ngay nhé!
3.2. Cháo thịt bò cà chua
Thịt bò không những giúp bữa ăn dặm của bé trở nên nhiều màu sắc mà hàm lượng kẽm cao trong thực phẩm sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho mẹ. Sự kết hợp tinh tế giữa cà chua và thịt bò sẽ khiến món ăn trở nên độc đáo lại giàu dinh dưỡng. Cùng vào bếp và làm món ngon cho bé ngay thôi!
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 10g thịt bò tươi, 60g gạo (khoảng 3 muỗng canh), 30g cà chua (khoảng 6 – 7 quả cà chua bi), 1 muỗng cà phê dầu oliu.
Bắt tay vào làm nào mẹ ơi!
- Bước 1: Mẹ vo sạch gạo, cho gạo cùng 300ml nước sạch vào nồi cơm/nồi áp suất ninh nhừ đến khi hạt gạo nở bung hết trong khoảng 1 – 2 giờ.
- Bước 2: Cà chua và thịt bò rửa sạch rồi hấp chín 15 phút. Sau đó đem xay nhuyễn/băm nhỏ tùy theo khả năng ăn dặm của bé.
- Bước 3: Khi cháo đã nhừ, mẹ cho phần hỗn hợp cà chua thịt bò vào đảo đều và thêm một chút dầu oliu là có thể cho bé thưởng thức món cháo thơm ngon này rồi.
3.3. Cháo cua biển cà rốt
Anh bạn “cua biển” không những đứng đầu trong cuộc đua về hàm lượng protein mà còn luôn có chỗ đứng trong top món ăn có hàm lượng kẽm và canxi cao. Chính vì vậy, mẹ còn chần chừ gì mà không thử ngay món cháo cua biển cà rốt cho bé! Sự kết hợp giữa cà rốt và cua biển sẽ khiến mẹ an tâm về chế độ dinh dưỡng của món ăn còn bé thì thích mê món cháo này của mẹ cho mà xem.
Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món ăn: 100g cua biển đã sơ chế(khoảng nửa con cua biển nhỏ), 60g gạo tẻ (3 muỗng canh), 30g cà rốt (1 củ cà rốt nhỏ), hành lá và ngò.
Bắt tay vào làm nào mẹ ơi!
- Bước 1: Mẹ vo sạch gạo, cho gạo cùng 300ml nước sạch vào nồi cơm/nồi áp suất ninh nhừ đến khi hạt gạo nở bung hết trong khoảng 1 – 2 giờ.
- Bước 2: Cua sau khi làm sạch, đem luộc chín trong khoảng 30 phút sau đó đợi nguội, xé sợi rồi đem xao phần cua cùng hành đã phi thơm 5 – 7 phút.
- Bước 3: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch. Mẹ có thể cắt hạt lựu hoặc xay nhuyễn theo khả năng ăn dặm của bé.
- Bước 4: Khi cháo đã chín nhừ, cho cà rốt đã chuẩn bị vào và đảo đều.
- Bước 5: Mẹ tắt bếp, múc cháo ra bát trộn đều cùng dầu oliu và dải phần cua đã xào lên trên là món cháo ăn dặm tuyệt vời đã hoàn thành rồi.
Cua biển là thực phẩm có thể dễ dàng kết hợp với nhiều loại rau củ khác nhau để đưa đến những món ăn ngon mắt và tuyệt vời cho bé. Mẹ có thể chế biến cua biển với mồng tơi, bí đỏ, cà rốt, rau dền, khoai mỡ,… Mẹ có hứng thú với những món ăn này chứ, cùng Góc của mẹ tìm hiểu bài viết “Cháo cua biển cho bé” để bỏ túi những món cháo ngon ăn dặm cho bé.
Lưu ý khi cho bé ăn dặm: Mẹ cần lưu ý lau miệng và tay cho bé sau khi ăn để tránh vụn thức ăn bám lại xung quanh miệng thu hút vi khuẩn tới làm tổ, gây mẩn đỏ cho bé. Nhưng đừng quá lo lắng bởi “Khăn ướt Mamamy” với thành phần an toàn, lành tính, không gây kích ứng da lại có thể diệt trừ hết mọi vi khuẩn sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo giúp mẹ bảo vệ bé yêu.
4. Câu hỏi thường gặp khi bé bị thiếu kẽm
Góc của mẹ sẽ trả lời mọi băn khoăn của mẹ liên quan đến việc bổ sung kẽm cho con ngay dưới đây:
4.1. Có nên cho bé uống kẽm bổ sung không?
Dù việc bổ sung kẽm cho bé sơ sinh là rất cần thiết tuy nhiên không nên tự ý cho bé uống kẽm bổ sung bởi sự nguy hại của việc thừa kẽm gần như tương đương với thiếu kẽm. Cung cấp quá nhiều kẽm sẽ khiến bé gặp phải những tình trạng:
- Cung cấp quá nhiều kẽm gây tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy,…
- Bổ sung lượng kẽm không phù hợp trong thời gian dài: sốt, đau đầu, mệt mỏi, giảm hấp thu đồng, giảm tác dụng một số kháng sinh nếu dùng cùng một thời điểm,…
Chính vì vậy, cần thăm khám và hỏi ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng khi muốn cho bé uống kẽm bổ sung để điều hoà chế độ ăn cũng như có cách dùng phù hợp nhất.
4.2. Trẻ nhỏ nên bổ sung kẽm qua nguồn thực phẩm nào nhất?
Thay vì cho bé uống kẽm, mẹ có thể lựa chọn những sản phẩm từ thiên nhiên như trái cây, rau củ, thịt cá, trứng gà,… vừa dễ ăn, dễ hấp thu, mẹ dễ chế biến lại có thể bổ sung lượng kẽm tốt nhất cho bé.
- Bé 6 tháng – 1 tuổi: Mẹ nên ưu tiên cho bé sử dụng rau củ quả tươi giàu kẽm, các loại hạt hay ngũ cốc bởi đây là những thực phẩm an toàn, lành tính, ít gây dị ứng lại bổ sung chất xơ, vitamin dưỡng chất cần thiết cho bé.
- Bé trên 1 tuổi: Thời điểm này mẹ có thể cho bé ăn hải sản, thịt đỏ, thịt gia cầm nhiều hơn bởi đây là nguồn thực phẩm giàu năng lượng, giàu kẽm phù hợp khi hệ tiêu hoá của bé dần hoàn thiện và bé đã có thời gian dài làm quen với thực phẩm.
Theo dõi đến đây hẳn mẹ đã có thêm những hiểu biết về thực phẩm giàu kẽm và bỏ túi bí quyết nấu ăn giúp mẹ “hô biến” thực phẩm giàu kẽm cho bé thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn cho bé nhỉ. Nếu mẹ còn băn khoăn, thắc mắc, mẹ đừng ngần ngại mà hãy để lại bình luận phía dưới để Góc của mẹ giúp mẹ giải đáp sớm nhất nhé!