Lịch sử tìm kiếm
Tìm trong góc của mẹ
Tìm kiếm phổ biến

Top 12 chuyện ngày Tết hay và ý nghĩa nhất năm 2022 cho bé

Kết thúc một năm với rất nhiều thăng trầm, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2022 – Nhâm Dần. Không khí những ngày gần tết thật vui vẻ, nhộn nhịp, ai ai cũng gấp rút chuẩn bị đón chào một năm mới ngập tràn niềm vui và sự may mắn. Gắn liền với Tết Nguyên đán là rất nhiều những câu chuyện hay và bổ ích để các bé có thể hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc này của dân tộc. Dưới đây, Góc sẽ đưa mẹ và các bé đến với chuyện ngày Tết – những mẩu chuyện thú vị và ngộ nghĩnh về ngày Tết cổ truyền này nhé! 

Chuyện ngày Tết thú vị: Bé tìm hiểu sự tích xoay quanh Tết Nguyên đán

Mở đầu là truyện cổ tích ngày tết, những câu chuyện hay, giúp các bé hiểu hơn về ngày Tết Việt Nam, về văn hóa dân tộc. Những câu chuyện dưới đây đã có từ rất lâu về trước và đều được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mang theo nhiều bài học quý giá, răn dạy trẻ con.

Truyện cổ tích ngày Tết hấp dẫn và lôi cuốn
Truyện cổ tích ngày Tết hấp dẫn và lôi cuốn

1. Chuyện ngày Tết đầu tiên: Sự tích ngày Tết

Câu chuyện Sự tích ngày Tết hay còn gọi là Sự tích Tết Nguyên đán là một câu chuyện cổ tích, được lưu truyền trong dân gian từ rất lâu đời. Câu chuyện giúp các bé hiểu hơn về ngày Tết, về cội nguồn, về những phong tục tập quán tốt đẹp được gìn giữ từ nhiều đời nay. 

Ngày tết xuất hiện cũng là lúc cách tính ngày tháng và tuổi tác ra đời
Ngày tết xuất hiện cũng là lúc cách tính ngày tháng và tuổi tác ra đời

Nội dung câu chuyện:

Ngày xưa, khi con người còn chưa tính được thời gian và tuổi tác, ở đất nước nọ, có một ông vua tài đức vẹn toàn.  

Nhân một dịp vui, nhà vua muốn ban thưởng cho người già nhất trong nước nhưng chẳng làng nào có thể tìm thấy. Thấy vậy, nhà vua phái đoàn sứ giả đi tìm các vị thần, hỏi về cách tìm người già nhất.

Đầu tiên, đoàn sứ giả gặp Thần Sông:

– Ta ở đây đã lâu nhưng chưa bằng mẹ ta. Hãy đến hỏi mẹ ta, Thần Biển Cả.

Nhưng thần Biển lại trả lời:

– Hãy hỏi Thần Núi, Thần còn sinh ra trước cả ta. Khi ta lớn lên thì Thần Núi đã già rồi.

Đoàn sứ giả lại lặn lội đến gặp Thần Núi:

– Hãy đến hỏi Thần Mặt Trời. Lúc ta mới chào đời, ta đã phải nhắm nghiền mắt vì nắng của Thần Mặt Trời rồi.

Nhưng làm sao có thể đến được chỗ của Thần Mặt Trời. Đoàn sứ giả thất vọng quay về. Đến một khu rừng, họ gặp một bà lão đang ngồi chăm chú trước cây hoa đào. Thấy vậy, đoàn sứ giả bèn hỏi:

– Thưa cụ, tại sao cụ lại ngồi đây ?

Cứ mười hai lần trăng tròn lại khuyết hoa đào mới nở một lần
Cứ mười hai lần trăng tròn lại khuyết hoa đào mới nở một lần

Bà lão trả lời:

– Tôi đến đây để hái hoa đào. Thuở trước, con tôi đi xa, cây đào này đang nở hoa. Bây giờ, mỗi lần hoa đào nở, tôi lại ra hái một bông hoa để về nhớ đến con tôi.

Một ý nghĩ bỗng vụt lên. Họ đưa bà lão về kinh và tâu lên vua. Nhà vua vốn thông minh nên nghĩ ra cách tính tuổi của con người: Cứ mỗi lần hoa đào nở thì thêm một tuổi mới.

Sau đó, nhà vua rất vui mừng, cảm động và nhớ đến bà lão hái hoa đào, ông truyền cho thần dân cả nước: Mỗi lần hoa đào nở được mở hội ba ngày ba đêm. Những ngày vui ấy sau này được gọi là Tết và truyền mãi đến bây giờ.

Bài học và ý nghĩa:

Câu chuyện “Sự tích ngày tết” là một câu chuyện hay và đầy ý nghĩa. Khi kể cho bé nghe câu chuyện ngày Tết này, mẹ hãy nhắn nhủ đến các bé về bài học của truyện nhé. Đó là nguồn gốc của ngày Tết Nguyên đán; Tết là ngày vui của tất cả mọi người, ngày mà gia đình đoàn tụ, sum vầy, vui vẻ bên nhau, ngày mọi người có thể nghỉ ngơi, xả đi những muộn phiền, âu lo để bắt đầu một năm mới, một hành trình mới; câu chuyện cũng phần nào khắc họa về tình yêu thương con vô bờ bến của mẹ,

“Đố ai đếm được lá rừng

Đố ai đếm được mấy tầng trời cao

Đố ai đếm được vì sao

Đố ai đếm được công lao mẹ già.”

Đồng thời, nhắc nhở các bé về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc ta.

2. Sự tích hoa đào: Chuyện ngày Tết cho bé

Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nhau khoe sắc, nhưng có một loài hoa cả năm chỉ nở có một lần vào dịp tết đến xuân về, đó là hoa đào. Một loài hoa nhỏ nhắn, xinh xắn, mang đến không khí ấm cúng, tươi vui cho những ngày Tết cổ truyền của người dân Bắc Kỳ. Tuy nhiên, tại sao hoa đào lại là loài hoa đặc trưng cho ngày tết ở miền Bắc, thì có thể các mẹ và các bé chưa biết đúng không! Hãy để góc kể lại câu chuyện “Sự tích hoa đào” để giải đáp thắc mắc này nhé!

Hoa đào - một loài hoa đặc trưng trong ngày tết của người dân miền Bắc
Hoa đào – một loài hoa đặc trưng trong ngày tết của người dân miền Bắc

Nội dung câu chuyện:

Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng cây che cả một vùng rộng lớn.

Có hai vị thần nọ, tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.

Cây đào xua đuổi ma quỷ, mang lại cái Tết ấm êm
Cây đào xua đuổi ma quỷ, mang lại cái Tết ấm êm

Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái.

Để lũ yêu ma khỏi quấy phá, dân làng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ.

Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. 

Bài học và ý nghĩa:

Sau này, cuộc sống ngày càng phát triển, con người không còn quá tin và ma quỷ, thần linh nên quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ trong chuyện ngày Tết này. Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó là mang lại sự ấm cúng, niềm vui, niềm hy vọng cho mỗi gia đình trong một năm mới tốt đẹp.  

3. Truyện cây nêu ngày Tết

Giống như truyện “Sự tích hoa đào”, câu chuyện “Cây nêu ngày Tết” cũng nói về cách mà con người xua đuổi ma quỷ, yêu quái tránh xa khỏi cuộc sống của dân lành, đặc biệt là dịp Tết đến xuân về, để người dân sẽ có một cái tết đầm ấm, bình yên.

Con người đã chiến thắng lũ ma quỷ trong “Sự tích cây nêu ngày tết”
Con người đã chiến thắng lũ ma quỷ trong “Sự tích cây nêu ngày tết”

Nội dung câu chuyện:

Ngày ấy, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Người chỉ ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng đất của Quỷ. Chúng ngày càng quá đáng với người, chúng ra luật lệ cho người, “ăn ngọn cho gốc”. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt, Người chỉ còn trơ những rạ là rạ. 

Trước tình cảnh đó, Phật bảo Người đừng trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Người làm đúng như lời Phật dạy. Mùa thu hoạch ấy, Quỷ chỉ có dây và lá khoai, còn Người khoai lang đổ thành từng đống to đùng.

Phật khuyên Người trồng khoai lang
Phật khuyên Người trồng khoai lang

Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là “Ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả, Quỷ lại thất bại. Quỷ tức giận tuyên bố “Ăn cả gốc lẫn ngọn”.Nhưng Phật đã bàn với Người trồng ngô.

Người nghe lời Phật trồng ngô
Người nghe lời Phật trồng ngô

Năm ấy, Người lại sung sướng với những cót ngô đầy ắp. Còn Quỷ lại bị một vố cay chua. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Phật lại bảo Người điều đình với Quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa và trồng một cây tre có mắc một chiếc áo cà sa trên ngọn, bóng cà sa che đến đâu thì là đất của Người. 

Bóng áo cà sa trên cây tre đến đâu thì đất của Người đến đấy
Bóng áo cà sa trên cây tre đến đâu thì đất của Người đến đấy

Người trồng xong cây tre, Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên đất trời trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển đông.

Tiếc đất, Quỷ quay lại tranh cướp. Người và Quỷ chiến đấu nảy lửa, Phật cũng cầm gậy tầm xích giúp Người đánh trận. Phật còn chỉ Người vẩy máu chó, vôi bột, quất lá dứa với tỏi và người Quỷ. Chúng sợ quá bỏ chạy toán loạn.

Chúng rập đầu sát đất van xin, Phật thương tình cho phép một năm được hai ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước. 

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày tết Nguyên Ðán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục trồng nêu, bên trên có buộc khánh đất và lá dứa để Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. 

Bài học và ý nghĩa:

Câu chuyện ngày Tết nói rằng, ai cũng có những kẻ xấu, những xui xẻo trong cuộc sống, nhưng khi chúng ta hiền lành, sống tốt với mọi người, chăm chỉ, cần cù trong công việc thì ắt sẽ gặt hái được thành công, sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Đó chính là bài học đầy ý nghĩa của câu chuyện này đấy mẹ. Sau khi đọc xong câu chuyện cho bé nghe, mẹ hãy dặn dò bé về bài học quý giá này nhé.

4. Sự tích Ông Táo về trời – Chuyện ngày Tết ý nghĩa

Nguồn gốc của ngày 23 tháng Chạp hằng năm
Nguồn gốc của ngày 23 tháng Chạp hằng năm

Trước khi đón năm mới, người người nhà nhà đều chuẩn bị đầy đù, tươm tất cho ngày Ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, để tiễn các ông về trời, tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn của gia đình mình dưới hạ giới, cũng những mong muốn của gia đình trong năm mới sắp tới. Nhưng tại sao lại có ngày đấy, phong tục đó bắt nguồn từ đâu? Hãy để Góc giải đáp cho mẹ và bé nhé!

Nội dung câu chuyện:

Ngày xưa, có 2 vợ chồng nghèo lấy nhau đã lâu mà không có con. Một hôm trong lúc phiền muộn, vợ chồng cãi nhau, chồng nóng nảy đánh vợ, vợ tủi thân bỏ nhà đi. Duyên số run rủi, chị ta kết bạn với một người đàn ông khác ở miền ngược làm nghề săn bắn. Anh chồng hối hận, ít ngày sau, đi tìm. Tìm mãi không thấy, hết tiền, lại sinh ốm đau, đành phải đi ăn xin.

Một hôm tình cờ anh ta đến xin ăn đúng nhà vợ chồng người đi săn. Chị vợ nhận ra chồng cũ, thấy đói rách tiều tụy, chị ta rất thương. Nhân chồng mới vắng nhà, chị dọn một bữa cơm rượu đãi chồng cũ. Anh ta ăn uống no say, rồi lăn ra ngủ thiếp đi. Thấy trời sắp mưa, chồng cũng sắp về, chị vợ vội cõng anh kia ra đống rơm cuối sân, lấy rơm phủ lên người giấu đi để tránh điều tiếng không hay.

Chị vợ giấu anh chồng cũ vào đống rơm
Chị vợ giấu anh chồng cũ vào đống rơm

Vừa lúc đó người chồng mới mang về 1 con cầy, bảo chị vợ ra chợ sắm sửa các gia vị làm một bữa ra trò, thiết đãi hàng xóm. Ở nhà, anh ta đốt đống rơm thui cầy. Bất đồ, lửa bùng lên, bén vào đống rơm, thui cả anh chồng cũ. Chị vợ về, thấy vậy, vô cùng đau xót, cảm thấy mình mắc tội giết người. Chị ta liền nhảy vào đống lửa chết theo. Anh chồng mới thương vợ, cũng đâm đầu vào chết luôn. Hôm ấy là hai mươi ba tháng Chạp âm lịch.

Thấy ba người ăn ở với nhau có tình nghĩa, Ngọc Hoàng cho họ hóa thành ba “ông” đầu rau để họ được ở bên nhau mãi mãi, đồng thời phong cho họ là Táo quân. Hàng năm, táo quân phải lên chầu Ngọc Hoàng tâu về việc làm ăn của các nhà ở hạ giới. Nhân dân ta từ xưa, mỗi lần năm tết đến có tục mua cá chép làm cỗ tiễn ông táo lên chầu Trời. 

Bài học và ý nghĩa:

Câu chuyện ngày Tết bên trên đã phần nào giúp các bé hiểu về nguồn gốc của ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công ông Táo về trời hằng năm. Một phần câu chuyện cũng giúp các bé hiểu về tình yêu thương giữa con người với con người, lời nhắn nhủ đến các bé hãy “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”.

5. Chuyện ngày Tết: Sự tích lì xì

“Sự tích lì xì” là câu chuyện cổ tích của Việt Nam, nói về nguồn gốc của những đồng tiền may mắn mà mọi người hay tặng nhau trong thời khắc đón chào năm mới thiêng liêng, thường thì đó là những bao lì xì đỏ mà người lớn tặng cho trẻ con. Hãy cùng Góc tìm hiểu chuyện ngày Tết về nguồn gốc của những bao lì xì may mắn đó nhé!

“Sự tích lì xì” đã giúp các bé hiểu về những đồng tiền may mắn ngày tết
“Sự tích lì xì” đã giúp các bé hiểu về những đồng tiền may mắn ngày tết

Nội dung câu chuyện:

Theo truyền thuyết, có một con yêu quái đáng sợ tên là “Sui.” Hàng năm vào đêm giao thừa, nó sẽ đến chạm vào đầu trẻ em đang ngủ ba lần. Sợ quá, em bé sẽ khóc lớn và sau đó sẽ bị đau đầu, bị sốt, và nói nhảm. Khi những triệu chứng này biến mất, đứa trẻ sẽ trở nên ngu đần.

Vì sợ yêu quái Sui hãm hại trẻ nhỏ, cha mẹ chúng thường không tắt đèn và thức qua đêm giao thừa để xua đuổi yêu quái. Đây là nguồn gốc tập tục thức qua đêm giao thừa.

Có một nhà họ Quan nọ sinh sống tại thành phố Gia Hưng, tuổi đã cao mới sinh hạ được một cậu con trai nên rất cưng chiều.

Vào một đêm giao thừa, sợ Sui đến hãm hại, họ cũng thức tỉnh cậu bé. Họ cho cậu ta 8 đồng xu để đùa nghịch. Cậu bé bọc những đồng xu này vào tờ giấy đỏ, mở ra, rồi lại bọc lại, lặp đi lặp lại như thế đến khi chú bé mệt quá và ngủ thiếp đi mất, 8 đồng xu khi ấy đang được bọc bởi giấy đỏ và đặt ngay bên cạnh gối cậu ta. Lúc ấy đôi vợ chồng ngồi ngay bên cạnh để trông chừng.

Những đồng xu may mắn đã bảo vệ đứa bé
Những đồng xu may mắn đã bảo vệ đứa bé

Vào nửa đêm, một cơn gió lạnh thổi tung cánh cửa và làm tắt đèn. Đúng lúc quỷ Sui vươn tay đến đầu cậu bé, từ bao giấy đỏ tỏa ra một luồng sáng bạc làm cho yêu quái khiếp sợ và bỏ trốn.

Vào Tết năm đó, đôi vợ chồng đã kể cho hàng xóm láng giềng về câu chuyện hôm giao thừa. Từ đó về sau, họ bắt đầu bắt chước làm theo và trẻ em không còn bị quấy nhiễu nữa.

Hóa ra 8 đồng xu kia chính là 8 vị Thần đã âm thầm bảo vệ cậu bé. Vì thế người ta gọi tiền lì xì là “Tiền may mắn trong Năm Mới.”

Bài học và ý nghĩa:

Qua câu chuyện ngày Tết này, bé không chỉ biết được lý do tại sao người lớn thường mừng tuổi trẻ con trong những ngày đầu năm mới, mà còn biết được tại sao ông bà, cha mẹ thường thức qua 12 giờ đêm 30 Tết. Một câu chuyện hay mang theo ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Tuy nhiên, ngày nay, những thủ tục truyền thống ấy thường mang một ý nghĩa khác. Những bao lì xì không chỉ có người lớn dành cho trẻ con, mà còn là của con cái dành cho cha mẹ, cháu chắt dành cho ông bà, cụ kị, đây là những đồng tiền mang theo sức khỏe, may mắn, thành công mà người tặng muốn dành cho người được tặng.  

6. Câu chuyện ngày Tết: Sự tích bánh chưng – bánh dày

Bánh chưng, bánh dày đều là những món ăn quen thuộc, gần gũi với mỗi gia đình Việt. Đây còn là món ăn đặc trưng cho Tết cổ truyền Việt Nam. Để hiểu rõ về món ăn truyền thống ấy, mẹ hãy kể cho bé câu chuyện dưới đây, truyện “Sự tích bánh chưng – bánh dày”.

Bánh chưng, bánh dày - hai món ăn gắn liền với Tết cổ truyền Việt Nam
Bánh chưng, bánh dày – hai món ăn gắn liền với Tết cổ truyền Việt Nam

Nội dung câu chuyện:

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.

Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.

Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Lang Liêu nằm mơ được Thần giúp đỡ
Lang Liêu nằm mơ được Thần giúp đỡ

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy vị Thần: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầy Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dày Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

Bài học và ý nghĩa: 

Vậy là Lang Liêu đã tạo nên điều khác biệt từ những thứ đơn giản, gần gũi với cuộc sống, một món ăn bình dị mà mang đầy ý nghĩa. Câu chuyện ngày Tết này giúp bé hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.

Chuyện ngày Tết cảm động: Truyện ngắn hay về ngày Tết

Những câu chuyện trên đã giúp ta hiểu thêm được về sự tích của những phong tục, những món ăn đặc trưng của ngày tết và ý nghĩa của những nét đặc trưng ấy. Còn ở phần này Góc sẽ đưa đến các mẹ và các bé những câu chuyện ngắn nhưng vô cùng xúc động về ngày Tết. Mẹ và bé cùng khám phá nhé!

7. Tết quê (Trần Huy Vân) – Chuyện ngày Tết vùng cao

Mở đầu cho những câu chuyện cảm động ngày tết  là truyện ngắn “Tết quê” của Trần Huy Vân. Một câu chuyện kể về ngày tết trên vùng cao của anh em nhà Lả và Thào, cùng với ông nội và hai đứa trẻ trên bản là Lồ và Vừ. Một cái tết khác xa với những gì anh em nhà Thào thường thấy trên thành phố. Dù điều kiện trên vùng cao không bằng dưới thành phố, nhưng đây là một cái tết đáng nhớ và vô vùng ấm cúng với anh em nhà Thào.

Ngày tết đầy đủ, ấm áp nhưng cũng nhiều thú vị ở vùng cao
Ngày tết đầy đủ, ấm áp nhưng cũng nhiều thú vị ở vùng cao

Nội dung câu chuyện:

Tết năm ấy, tôi đang học lớp tám, em Thào, lớp năm. Hai anh em được nghỉ tết sớm. Thấy vậy, bố mẹ bảo:

– Bà nội mất rồi, ông nội tuổi già đã ngoài bảy mươi, quê miền núi nhà nọ cách nhà kia cũng phải vài chục mét. Để ông nội vò võ một mình cũng tội, năm nay cho hai đứa về quê sớm để ông nội đỡ nản. Bố mẹ về sau.

Cả hai anh em mừng quýnh, náo nức như cậu học trò nhỏ được về quê nghỉ hè vậy.

Quen sống ở thành phố, chỉ biết vùi đầu vào ăn, rồi học, không phải mó tay làm việc gì, ngay cả giặt quần áo, rửa bát, lau nhà, mọi việc đã có bố mẹ, cô giúp việc làm cho. Ngoài thời gian đến trường, còn lại ở trong nhà cứ như bị giam lỏng vậy.

Trên thành phố hai anh em chỉ quanh quẩn trong nhà
Trên thành phố hai anh em chỉ quanh quẩn trong nhà

Trên đường về, nhìn thấy cái gì cũng lạ, hai anh em thấy háo hức lạ thường, đi không biết mệt nữa.

Sông Đáy, mùa này nước đã cạn, những bãi đá nổi lô nhô trên dòng sông. Chỗ nào cũng thấy các cô gái bản ra sông, cọ lá dong, đãi gạo nếp, đậu xanh. Con đường về quê, giờ đã được mở rộng, qua suối đã có cầu, bản đã có nhiều xe máy đi lại trên đường.

Hai anh em náo nức về quê
Hai anh em náo nức về quê

Đi được thôi đường, mồ hôi vã ra, người nóng bừng, tôi với em Thào cởi bỏ áo khoác. Thấy hai anh em vừa đi vừa ngắm cảnh vật hai bên đường, một thanh niên đi xe kích đến cạnh hỏi thăm, rồi cho hai anh xem chúng tôi đi nhờ xe một đoạn. Đến đường về bản, anh thanh niên cho chúng tôi xuống và bảo:

– Nhớ bảo ông nội dạy cho mấy câu chào hỏi bằng tiếng dân tộc, gặp bạn cùng tuổi không biết chào, người ta cười cho đấy. Người Kinh có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Gặp nhau không biết chào, còn là con người nữa không.

Nghe anh thanh niên nói thế, hai anh em thấy xấu hổ. Ở thành phố bố mẹ có dạy nói tiếng dân tộc, hai đứa không chịu học, còn cãi lại.

Về gần đến nhà đã thấy ông, tôi gọi to:

– Ông nội à, chúng cháu về ăn tết với ông đây.

Ông đứng lại nhìn, vẫn chưa nhận ra hai đứa tôi.

– Cháu với em Thào về với ông đây. Phải đến gần, ông mới nhận ra:

– Lả, Thào phải không? Về nhà đi, rồi bốn đứa bay giúp ông trồng cây nêu.

Lên nhà sàn, ông giới thiệu Vừ và Lồ, con bác hàng xóm gần nhà ông cho chúng tôi. Lúc trồng cây nêu, anh em Vừ, Lồ làm rất thạo, còn anh em tôi cứ lóng ngóng.

Vừ còn phải dạy tôi cách cầm gậy, du đối phương như thế nào. Tôi với Vừ cầm gậy tập đẩy. Vừ mới du nhẹ tôi đã không thể đứng vững, loạng choạng ngã.

Vừ và tôi cùng nhau tập đẩy
Vừ và tôi cùng nhau tập đẩy

Tôi có hỏi Vừ:

– Không đi học thêm sao?

Nhưng chỉ có thành phố mới đi học thêm, ở miền núi còn phải làm giúp bố mẹ, chỉ buổi tối mới có thời gian học bài. Biết nhau cùng học lớp 8, tôi với Vừ thi nhau một bài toán. Nhưng đến lúc Vừ ra đề tôi lại nhớ người ra, chẳng thể trả lời.

Tôi thấy mình thật sự thua kém Vừ. Suốt ngày chỉ có ăn với học, mà vẫn không bằng Vừ.

Những buổi chiều sát tết, cả bốn đứa ra bãi cây đa Tám Mặt chung vui với trai, gái các bản. Chưa bao giờ hai anh em được vui đùa thỏa thích đến như thế. Tất cả reo hò, làm náo nhiệt cả khu đất rộng.

Những ngày tết lưu sâu trong tâm trí Lả
Những ngày tết lưu sâu trong tâm trí Lả

Vui nhất là về các nhà trong bản, ăn cỗ tết, uống rượu cần. Ăn no, uống say rồi cùng hát, cùng múa theo những bài ca bằng tiếng dân tộc. Mọi người không coi anh em tôi là người xa lạ, cứ như con em trong bản vậy.

Ngày tết qua đi thật nhanh, hai anh em tôi cùng bố mẹ trở về thành phố. Về thành phố rồi, hình ảnh ngày ăn tết ở quê, luôn nằm lại trong tâm trí tôi. Chưa bao giờ tôi khát khao được về sống ở quê, được góp phần mình làm cho quê núi ngày một giàu đẹp, đến như thế.

Tốt nghiệp lớp mười hai, tôi nhất quyết không nghe lời bố mẹ, thi vào Trường đại học Lâm nghiệp.

Học đến năm thứ ba, nghỉ tết năm ấy bố mẹ cho tôi với em Thào, đang học lớp mười hai, đi xe máy về quê ăn tết.

Vậy là đã bảy năm, từ ngày xa Vừ tôi lại mới được về quê ăn tết. Những kỷ niệm cái tết năm ấy, bài toán làm bánh chưng.

Bài học và ý nghĩa:

Đây là một câu chuyện ngày Tết vô cùng ý nghĩa, cho các bé phần nào thấy được sự khác biệt trong những ngày Tết ở vùng cao và dưới thành thị. Các phong tục tập quán, cách chuẩn bị cho ngày tết đều đối lập. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng đã cho bé thấy được những hình ảnh quen thuộc của những đứa trẻ trong thành phố, cuộc sống chỉ luôn xoay quanh việc học, máy tính và ti vi. Một lối sống không mấy lành mạnh của tụi nhỏ hiện nay.

8. Chuyện ngày Tết dễ thương: Cái Tết của Mèo Con (Nguyễn Đình Thi)

Câu chuyện “Cái Tết của Mèo con” kể về một chú Mèo con mới về nhà, đêm đầu tiên đã giáp mặt lão Chuột cống dữ dằn cùng lũ chuột nhắt hung hăng. Nhưng nhờ có lòng dũng cảm, Mèo con đã chiến thắng lão Chuột. Không những thế, Mèo con còn truyền lòng quả cảm của mình cho cả bác Nồi đồng và chị Chổi. Họ đã cùng nhau đánh bại lão Chuột cống hung ác và đám chuột nhắt.

Chú mèo con dũng cảm và lão chuột gian manh
Chú mèo con dũng cảm và lão chuột gian manh

Nội dung câu chuyện:

8.1 Cái Tết của Mèo Con – Về nhà mới

Bà đi chợ về. Vào đến sân nhà, bà bỏ cái thúng xuống gọi to: “Bống ơi… ơi Bống đâu rồi?”

Bống đang chơi với các bạn bên hàng xóm. Nghe tiếng bà gọi, nó ù té chạy về nhà.

– Bà ơi, bà mua quà gì cho cháu đấy?

– Mày hư lắm, chẳng trông nhà cho bà, để gà nó vào bới tung cả bếp. Bà giận, bà chẳng cho quà đâu.

Bống buồn quá. Bà mắng đúng rồi. Bà dặn Bống trông nhà cẩn thận, nhưng bà vừa đi khỏi một tí, các bạn đến gọi: “Bống ơi, sang chơi rồng rắn”. Thế là cái chân Bống nó cứ cuống lên chạy đi, không giữ được nữa. Bây giờ phải nhịn quà rồi!

Bống nhìn cái thúng đậy vỉ buồm. Chắc là trong ấy có cái bánh đa đường. Hay là một gói kẹo bột.

Không phải, chắc là một con “phòng phòng”, con gà bằng bột bỏng xanh đỏ, thổi kêu te te, chơi xong lại ăn được nhé! Thèm quá, thế có khổ không!

Bỗng cái vỉ buồm nó động đậy, lục đục. Ngheo… Bống mở tròn mắt. Ngheo… “A! Con mèo, con mèo! Bà ơi! Bà cho cháu nhá!”.

Trong thúng, hai con mắt xanh sợ hãi, nhìn lên hấp háy. Hai cái tai có đốm đen mượt như nhung động đậy. Chú mèo trắng nằm cuộn tròn kêu “ngheo, ngheo”.

– Nào. Miu ra với chị nào!

Bống bế chú mèo trên tay nựng nịu. Bà cười bảo:

– Con đem nó vào bếp, buộc nó vào cái kiềng gãy vài hôm cho nó quen đi. Con khéo chăm cho nó chóng lớn để bắt chuột. Nhà dạo này lắm chuột quá!

Chú Mèo Con chẳng chịu ăn gì cả. Thấy sợi dây buộc vướng chân, Mèo Con chạy lồng ra lại bị giật lại. “Ngheo ngheo, sao tôi lại không chạy được nữa thế này?” Chú Mèo nằm giơ cái chân bị buộc lên cố giãy, nhưng chẳng ăn thua gì. Một lúc lâu Mèo Con mệt, nằm rúc vào đống tro ấm.

Bống đem đĩa cơm vào dỗ: “Miu ơi, ăn đi”.

Mèo Con vẫn không chịu ăn.

– Ngheo ngheo, mẹ tôi đi đâu rồi? Ai bắt tôi về đây, buộc tôi lại thế này? Ngheo ngheo, tôi chẳng được bú tí mẹ nữa rồi.

Gần tối mẹ Bống về, vào bếp hỏi:

– Con Mèo Con ở đâu thế Bống?

– Bà mua cho con đấy! Con bế nó lên nhà cho nó đi ngủ mẹ nhé!

– Đừng con ạ, cứ để nó dưới bếp, nó kêu cho chuột sợ.

Ừ, sắp Tết rồi, có con mèo cho chuột nó đỡ phá. Thế là đêm hôm ấy, Mèo Con phải ở một mình trong cái bếp lạ.

8.2 Cái Tết của Mèo Con – Đêm trước của cuộc chiến

Sau bữa con Miu đánh nhau với Hổ Mang, bác Nồi Đồng có vẻ nể chú ta lắm. Bữa cơm sáng ấy, nhà đi vắng cả, Mèo Con nằm ngủ trong đống tro ấm. Bác Nồi Đồng bắt chuyện:

– Bùng boong, này cậu Miu có dám đánh nhau với Chuột Cống không?

– Đánh chứ!

– Ghê nhỉ!

Bác Nồi Đồng nhắm mắt lại rùng mình.

– Cậu Miu ơi, hôm nay bà Bống đi chợ Tết đấy! Chỉ chiều nay là tôi đầy ắp thịt kho, cá kho, ngoài ra lại còn giò mỡ, giò thủ và nhiều thức ăn ngon lắm.

– Sao lại nhiều thế hở bác?

– Kìa, Tết đến nơi, cậu không biết à?

– Tết là cái gì?

– Bùng boong. Tết là Tết chứ còn là cái gì. Rõ chán!

Mèo Con vẫn không hiểu ra sao cả. Chị Chổi cười rũ ra, giảng thêm:

– Chú ấy còn bé quá, đã qua Tết nào đâu mà biết! Tết là ngày đầu năm, chú hiểu chưa? Ai cũng nghỉ, mặc quần áo đẹp đi chơi, nhà nào cũng luộc bánh chưng, gói giò, nấu chè, trồng cây nêu để mừng năm mới. Tết vui lắm, đấy rồi vài hôm nữa chú sẽ thấy.

– Ngheo, thế thì thích nhỉ! Nhưng hôm nọ, thằng Chuột Cống đã hẹn gần Tết là nó quay về làm một mẻ kia mà!

– Ối ối, cậu nói làm tôi sợ toát cả mồ hôi rồi!

Bác Nồi Đồng bưng mặt, mồ hôi rỏ giọt tong tong. Mèo Con bảo:

– Không sợ. Lần này chúng nó đến, tôi sẽ không để yên. Nhưng mà cả bác, cả chị Chổi cũng phải đánh nhau với chúng nó chứ. Bác to nặng thế, đánh được đấy, còn chị Chổi thì hôm nọ chị giáng cho tôi một đòn đau khiếp ấy. Tại mình cứ sợ, nó mới làm ngang ngược vậy.

Chị Chổi có vẻ suy nghĩ. Bác Nồi Đồng thì phùng cái miệng tròn của bác và nói nước đôi:

– Ừ để tôi xem đã…

8.3 Cái Tết của Mèo Con – Cái Tết đầu tiên

Sáng mồng một Tết, trời mát, Bống bế con Miu trong lòng, lấy cái dây băng đỏ, tết một cái nút hoa chung quanh cổ chú Mèo.

– Nào chị tết hoa đỏ cho Miu nào, để chị còn theo mẹ đi viếng mộ bố ở nghĩa trang liệt sĩ chứ!

– Ngheo ngheo.

Bà Bống cười bảo:

– Cháu bế nó đi thì cẩn thận kẻo lại quên nó ở đâu nhé! Con Miu này ngoan lắm. Bé thế mà đánh được cả Chuột Cống.

Lúc đi qua bếp, Mèo Con gọi to:

– Ngheo! Bác Nồi Đồng, chị Chổi ở nhà tôi đi chơi nhá.

– Ừ, đi thì đừng có chạy rông mà lạc. Hôm nay đông người lắm đấy!

Mẹ Bống dắt tay Bống ra đường. Gió thổi, bướm bay hoa nở. Những bụi tre xào xạc. Lúa non dưới ruộng phấp phới vẫy. Một đám người đi giữa đồng theo một lá cờ đỏ có ngôi sao vàng bay phần phật.

Ối chao, ngày Tết sao mà đẹp và vui thế. Mèo Con nằm trên khoanh tay của Bống, nghển đầu nhìn xung quanh, kêu ngheo ngheo.

Bài học và ý nghĩa:

Câu chuyện “Cái Tết của Mèo con” đã mang đến cho bé bài học về lòng quả cảm và tinh thần đoàn kết. Thông điệp mà Nguyễn Đình Thi gửi gắm cho các bạn nhỏ: Lòng dũng là một phẩm chất, được hình thành khi ta rèn luyện mỗi ngày. 

Chuyện ngày Tết vui: Truyện cười mẹ kể bé nghe

Vừa rồi, các bé đã được đi qua những truyện cổ tích, rồi đến những câu chuyện cảm động, và bây giờ là những truyện cười vui vẻ, thú vị ngày Tết. Những mẩu chuyện ngày Tết này sẽ mang lại tiếng cười giòn giã ngày đầu xuân cho các bạn nhỏ của mẹ.

Những câu chuyện vui ngày tết mang đến tiếng cười thoải mái cho bé
Những câu chuyện vui ngày tết mang đến tiếng cười thoải mái cho bé

9. Chuyện vui ngày Tết: Ăn gì trước

Ngày Tết là ngày mọi người quây quần bên nhau, bên mâm ngũ quả và đĩa bánh kẹo nhiều màu sắc. Chắc hẳn các bạn nhỏ đều thích ăn bánh kẹo, mứt hoa quả hay nước ngọt trong những ngày đầu xuân đúng không nào? Dưới đây là một tình huống hài hước liên quan đến đĩa bánh kẹo ngày tết đó đấy, các mẹ hãy cùng các bé theo dõi nhé!

Chiếc xe ô tô sô cô la biết chạy
Chiếc xe ô tô sô cô la biết chạy

Nội dung câu chuyện:

Trong một gia đình kia, có hai anh em đang ăn kẹo Tết. Bỗng dưng người anh hỏi:

– Nếu có một cái ô tô bằng sôcôla thì em sẽ ăn bộ phận nào trước?

Người em nhanh nhảy trả lời: 

– Em sẽ chén ngay mấy cái bánh xe trước.

– Tại sao vậy? – Người anh thắc mắc

– Em phải ăn mấy cái bánh xe trước để nó không chạy được nữa. Nếu mình ăn các bộ phận khác thì xe chạy mất làm sao?

10. Chuyện ngày Tết hài hước: Mừng tuổi

Hẳn là các bạn nhỏ ai cũng thích tiền lì xì năm mới phải không. Dưới đây sẽ là một câu chuyện thú vị về những đồng tiền may mắn ấy. Các bạn nhỏ hãy theo dõi nhé!

Đứa cháu nhỏ tuổi mà hiểu chuyện
Đứa cháu nhỏ tuổi mà hiểu chuyện

Nội dung câu chuyện:

Đầu xuân năm mới, người bác mừng tuổi đứa cháu lớp 1 của mình:

– Bác có một tờ 20k và tờ 50k, cháu thu thập tờ nào?

– Cháu lấy tờ màu xanh ạ – Cậu bé đáp

– Vì sao cháu thích tờ xanh? – Người bác thấy lạ

– Vì màu xanh là màu của hy vọng ạ

Nghe vậy, ông bác cảm thấy rất vui, vì đứa cháu mình mới học lớp 1 mà đã biết nghĩ như vậy.

– Vậy cháu hy vọng điều gì? – Người bác mỉm cười

– Cháu hy vọng là bác sẽ cho cháu nốt tờ kia ạ!

11. Truyện cười ngày Tết: Món quà dùng cả năm

Một vật mà có thể dùng được cả năm là gì thế các bé? Hãy cùng Góc đoán xem đó là gì nhé!

Món quà hữu dụng và đầy ý nghĩa của người cô
Món quà hữu dụng và đầy ý nghĩa của người cô

Nội dung câu chuyện:

Nhìn thấy bố mẹ vừa về đến ngõ, cu Tí hớn hở chạy ra khoe:

– Mẹ ơi! Sáng nay có cô Tũn ở bên Mỹ mới đến nhà chơi. Cô tặng cho nhà mình một món quà và nói rằng: “Món quà của cô tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho gia đình cháu dùng trong một năm”.

Nghe thế, mẹ cu Tý mừng quýnh lên, vội hỏi:

– Món quà gì thế con?

– Dạ, một quyển lịch!

12. Chuyện ngày Tết dí dỏm: Ăn vụng

Chắc hẳn bạn nhỏ nào cũng từng ăn vụng rồi đúng không? Hai bạn nhỏ trong câu chuyện này cũng vậy đấy, một câu chuyện vô cùng dí dỏm đấy!

Hai anh em hóm hỉnh, đáng yêu
Hai anh em hóm hỉnh, đáng yêu

Nội dung câu chuyện:

Ngày cuối năm, Bi vào bếp tìm thấy nồi xôi vừa chín tới. Đang đói, Bi bốc một nắm, chạy ra sau nhà ăn vụng.

Bi chưa ăn hết xôi thì anh Bốp về. Bi sợ lắm.

Anh Bốp thấy xôi cũng rất thèm, bèn lấy một nắm định ra sau nhà ăn. Vừa bước ra thì anh thấy Bi ở đó.

Anh Bốp hoảng hốt kêu lên:

Ơ, Bi đấy à!

Trông thấy tay Bi còn cầm nắm xôi, anh Bốp nhanh trí nói tiếp:

Anh tưởng mày ăn hết rồi, nên lấy thêm cho nắm nữa đây!

Bé hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền thông qua những câu chuyện ngày Tết thú vị 
Bé hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền thông qua những câu chuyện ngày Tết thú vị

Kết luận

Vậy là Góc đã đưa đến cho mẹ và bé những câu chuyện hay và đầy ý nghĩa rồi đấy. Mẹ hãy dành chút thời gian để chơi với con, kể con nghe những câu chuyện ngày tết thú vị và sâu sắc nhé. Dù chỉ là một chút thời gian, nhưng mẹ có thể gần gũi với bé hơn, hiểu hơn về sở thích, suy nghĩ, cũng như sự trưởng thành từng ngày trong bé đấy. 

Những câu chuyện trên sẽ phần nào giúp các bé hiểu thêm về ngày Tết Nguyên đán – một nét văn hóa đặc sắc, một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt chúng ta; thấy được sự khác biệt nhưng cũng đầy thú vị của cái tết cùng cao; hay những câu chuyện hài hước mang lại những tiếng cười sảng khoái cho các bé. Mẹ hãy thường xuyên ghé thăm Góc của mẹ để cập nhật những câu chuyện hay và ý nghĩa bé nha!

Xem thêm:

Tổng hợp các câu thơ chúc tết cho bé cực hay, cực ý nghĩa

Áo dài cho trẻ em & cách phối đồ vừa đẹp vừa hiện đại

Hoạt động ngày tết cho cả nhà trong mùa dịch

Mẹ Bình luận tại đây nhé

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Top 12 chuyện ngày Tết hay và ý nghĩa nhất năm 2022 cho bé”

Mẹ ghi lại email để Mamamy gửi những ưu đãi đặc biệt và các tips hữu ích nhé. Email của mẹ sẽ không hiển thị công khai đâu

Bài viết cùng chủ đề

Các địa điểm vui chơi cuối tuần cho bé tại HCM: Bố mẹ ơi mình đi đâu thế?
Các địa điểm vui chơi cuối tuần cho bé tại HCM: Bố mẹ ơi mình đi đâu thế?
Cả tuần bận rộn, cuối tuần là lúc bố mẹ dành thời gian vui đùa cùng con. Nhưng bố mẹ đang băn khoăn không biết các địa điểm vui chơi cuối tuần cho bé tại HCM. Hãy cùng Góc của mẹ khám phá top 10 địa điểm dưới đây nhé! 1. Thảo Cầm Viên Giờ […]
GỢI Ý LỜI CHÚC NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ TIẾNG ANH Ý NGHĨA
GỢI Ý LỜI CHÚC NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ TIẾNG ANH Ý NGHĨA
Lời chúc là món quà tinh thần ý nghĩa không thể thiếu trong ngày quốc tế phụ nữ. Dưới đây là những lời chúc ngày quốc tế phụ nữ tiếng anh ý nghĩa và hay nhất dành tặng cho một nửa thế giới vào ngày đặc biệt 8/3 này! 1. Ngày Quốc tế Phụ nữ […]
Chọn hoa mùng 8 tháng 3 như nào cho một nửa thế giới?
Chọn hoa mùng 8 tháng 3 như nào cho một nửa thế giới?
Hoa mùng 8 tháng 3 là món quà được lựa chọn nhiều để tặng phụ nữ nhân ngày này. Vẻ đẹp của hoa cũng giống như vẻ đẹp của họ: rực rỡ, tươi tắn nhưng cũng rất dịu dàng. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, nhà mình lưu lại ngay những loại hoa ý nghĩa […]
Lịch sử ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ – Hiểu để thêm yêu “một nửa thế giới”!
Lịch sử ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ – Hiểu để thêm yêu “một nửa thế giới”!
Ngày Quốc tế Phụ nữ là dịp để thể hiện tình yêu, sự tri ân đến với “một nửa của thế giới. Vậy lịch sử ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ bắt nguồn từ đâu, ý nghĩa như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp nhà mình hiểu để yêu thương và trân trọng […]
Gợi ý áo dài Tết cho bé gái hợp xu hướng 2022 – Ai cũng phải khen!
Gợi ý áo dài Tết cho bé gái hợp xu hướng 2022 – Ai cũng phải khen!
Để lựa chọn áo dài Tết cho bé gái phù hợp với xu hướng 2022 và cũng như sự thoải mái, tiện lợi cho bé khi mặc trang phục áo dài, các nhà thiết kế đã tạo ra những kiểu dáng áo dài cách tân, mang hơi hướng hiện đại cho các bé. Nhưng làm […]
30 mẫu chữ thư pháp Tết 2022 đẹp nhất cho nhà mình may mắn cả năm
30 mẫu chữ thư pháp Tết 2022 đẹp nhất cho nhà mình may mắn cả năm
Vào những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, việc tìm kiếm và sử dụng những hình ảnh mang âm hưởng ngày Tết cổ truyền luôn được mẹ rất quan tâm. Chữ thư pháp Tết cũng rất được ưa chuộng, được xem là một trong những hình ảnh không thể thiếu làm cho không khí […]
Giỏ hàng 0